Lòng nhân từ xóa đi thù hận
Phạm Văn Thắng tại phiên tòa
Nỗi đau mất con đối với mỗi bậc cha mẹ là vô cùng, nhưng vượt lên trên nỗi đau ấy, có đôi khi những người làm cha làm mẹ lại nhìn chính hung thủ cướp đi mạng sống đứa con thân yêu của mình bằng tấm lòng đầy khoan dung và độ lượng.
Xin giảm án cho kẻ giết con mình
Phiên tòa diễn ra ngày 13/6/2008 xét xử một vụ giết người không như người ta nghĩ, gia đình 2 bên bị hại và bị cáo “sum vầy” cùng nhau. Thỉnh thoảng, cha nạn nhân đứng lên xin Tòa giảm nhẹ tội cho kẻ đã giết con mình.
Trước đó, khoảng 23h20 ngày 8/1/2008, Phạm Văn Thắng (sinh năm 1990, quê ở Mỹ Đức, Hà Nội) đi xe đạp ngang qua quán cơm số 31, phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Khi Đoàn Hoàng Tuấn (sinh năm 1990, quê Hậu Lộc, Thanh Hóa) nhận ra Thắng là người quen nên vẫy tay trêu Thắng. Nhưng Thắng nghĩ bạn “chọc quê” mình, tỏ ra hậm hực, tức giận liền mang dao trả thù.
Thắng về khu trọ lấy một con dao và rủ thêm 4 “đồng minh” ra “dạy” cho kẻ ngỗ ngược bằng một nhát dao thấu tim. Nhát dao chí mạng đã khiến nạn nhân tử vong.
3 giờ sau khi vụ án xảy ra, Công an quận Hoàn Kiếm đã bắt được Thắng và một đối tượng đi cùng.
Tại tòa, gương mặt kẻ sát nhân trông non nớt và yếu mềm khi bao tháng ngày qua mới được nhìn thấy người mẹ khắc khổ và những người thân xung quanh mình.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông tại Mỹ Đức, Hà Tây, nhà có ba anh em, trong đó bị cáo Phạm Văn Thắng là anh cả, đứa em út mới hơn 3 tuổi. Bố bị cáo mấy năm trở lại đây mắc chứng bệnh tâm thần, nửa tỉnh nửa mê, khiến cả nhà không còn chỗ dựa về cả tinh thần lẫn vật chất.
Ông Hán, cha của nạn nhân Tuấn tỏ ra thông cảm với hoàn cảnh của bị cáo và nghĩ rằng “thôi thì, con dại cái mang”.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt bị cáo Thắng 15 năm tù. Mọi người đứng dậy ra về, chỉ riêng ông Hán cố nán lại, cặm cụi viết đơn xin giảm án cho bị cáo. “Tôi thấy mức án cao quá, tội cho cháu”, ông Hán nói.
Ngày 13/7/2010, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 8 bị cáo với tội danh giết người.
Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, do không kiềm chế được bản thân các bị cáo đã tước đi tính mạng của một con người một cách dã man. Tòa tuyên, bị cáo Nguyễn Văn Linh (22 tuổi) và Dương Duy Thanh (30 tuổi) mức án tù chung thân, các bị cáo còn lại phải chịu mức án từ 4 đến 14 năm tù cho hành vi của mình.
Video đang HOT
Các bị cáo giết chết anh Tiến tại phiên Tòa sáng 13/7/2010
Trong quá trình điều tra, 2 bị cáo Linh và Thanh còn gây khó khăn cho công tác điều tra khi cho rằng mình bị ép cung nên mới khai nhận chứ không thực hiện hành vi đâm chết nạn nhân.
Ngược lại với thái độ quanh co, chối tội trước Tòa, mẹ của nạn nhân Nguyễn Kim Tiến vẫn chưa hết nỗi đau mất con nhưng vẫn bao dung: “Bị cáo nào đâm chết con chúng tôi hãy thành khẩn nhận tội, gia đình chúng tôi sẽ xin tòa giảm án”.
Khi được chủ tọa phiên tòa yêu cầu đề xuất ý kiến trước khi HĐXX vào nghị án, mẹ của bị hại không cầm được nước mắt nói: “Gia đình chúng tôi mất con mặc dù rất đau khổ nhưng chúng tôi biết những gia đình có con là bị cáo ở đây cũng chẳng sung sướng gì. Chúng tôi không muốn lấy oán báo oán. Gia đình chúng tôi muốn lấy ơn báo oán mong HĐXX giảm mức án cho các bị cáo để các bị cáo có cơ hội chuộc lỗi, làm lại cuộc đời. Cũng mong các gia đình bị cáo cũng như các gia đình khác làm tròn nghĩa vụ giáo dục con cái để không còn những hoàn cảnh đau thương như gia đình chúng tôi”.
Câu nói đầy tình người của một người mẹ mất con xin cho chính những kẻ đã giết hại con mình đã làm mọi người trong phòng xử án không khỏi xúc động.
Xin giảm án cho con rể tội lỗi
Chôn chặt nỗi đau con gái bị chết thảm dưới lưỡi dao oan nghiệt của gã chồng ghen tuông tàn bạo, người cha bất hạnh vẫn một mực thiết tha xin Tòa giảm án cho gã con rể tội lỗi.
Tại phiên toàn xét xử Hoàng Tuấn Anh (sinh năm 1982) giết vợ là chị Phạm Thị Mát (sinh năm 1990), một người đàn ông trung niên đã có mặt từ rất sớm.
Bị cáo Hoàng Tuấn Anh tại tòa
Đó là ông Phạm Văn Cường (54 tuổi), bố đẻ nạn nhân. Sáng 17/9/2010, ông phải bắt chuyến xe đò sớm nhất từ Hải Hậu (Nam Định) lên Hà Nội để kịp dự phiên tòa.
Những lời trình bày của ông Cường trước Tòa khiến khán phòng xúc động ngậm ngùi: “Cháu Tuấn Anh còn trẻ, nhất thời phạm tội nên xin Tòa mở lượng khoan hồng để cháu sớm được trở về làm lại cuộc đời. Cuộc đời còn dài rộng, rất có thể sau này Tuấn Anh sẽ có một gia đình mới, một người vợ mới. Tôi mong muốn Tuấn Anh sẽ tu tỉnh lại, trở thành người cha, người chồng tốt…”.
“Lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn”
Ngày 8/11/2010, một câu chuyện hiếm thấy đã xảy ra tại phiên tòa phúc thẩm của TAND tối cao ở TP.HCM. Cha của nạn nhân đã đối xử với hung thủ giết con mình bằng tấm lòng của một người cha.
Ông Trí, bố đẻ nạn nhân Tuyền
Không giống như những cảnh thường thấy tại các phiên tòa khác, phía bị cáo và bị hại thường được chia làm 2 “chiến tuyến”. Nhìn thái độ ân cần, chia sẻ của 2 gia đình dành cho nhau, nhiều người dự khán đã lầm tưởng họ là người thân.
Do ghen tuông, ngày 14/10/2009, Nguyễn Thị Thùy Trang thấy T.T. “nhỏ to” với người yêu của mình liền bước lại xỉa xói dẫn đến ẩu đả. Bị đánh, T.T. ức lòng nên gọi điện thoại cho chị gái đến công ty đánh trả thù. Cùng đi với họ còn có Nguyễn Thanh Tuyền (bạn của chị gái T.T.)
Xô xát diễn ra, Trang vung tay đâm một nhát chí mạng vào Tuyền khiến cô gục tại chỗ. Tuyền đã chết mặc dù đã được cấp cứu.
Ở phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai đã kết án Trang 8 năm tù, 2 người bạn của Trang thì một lãnh án 3 năm tù, một nhận án 2 năm 6 tháng tù và được hưởng án treo cùng về tội giết người. 3 chị em của T.T. đều được tòa cho hưởng án treo.
Khi Trang phạm tội, bị bắt giam mới biết mình đang mang trong mình một sinh linh bé nhỏ. Người mẹ bất đắc dĩ phải sinh con ra trong cảnh tù đầy, rồi đứa trẻ mới vài tháng tuổi đã phải theo mẹ lên phòng xử án mà không biết rằng nó sẽ phải lớn lên trong trốn ngục tù.
Bố mẹ của nạn nhân đã kiên trì xin tòa giảm án cho Trang ngay từ phiên xử sơ thẩm. Phiên tòa phúc thẩm lần trước (đã hoãn vì vắng mặt mẹ Trang) cũng thấy ông bà có mặt rất sớm. Lần này cũng vậy, từ Long Thành (Đồng Nai), 2 ông bà chở nhau đi từ 5h sáng vì sợ trễ giờ đến tòa.
Giờ nghị án, khuôn mặt giàn giụa nước mắt, Trang bước tới nắm tay mẹ Tuyền nói: “Con xin lỗi bác, mong gia đình thứ tội cho con!”. Mẹ Tuyền cười đôn hậu: “Gia đình bác đã tha thứ cho con rồi, con cũng đáng thương lắm. Hãy lo cải tạo tốt mà chăm sóc cho con của con nhé”.
Sau phiên toàn phúc thẩm, Trang được tòa tuyên giảm án từ 8 năm còn 7 năm tù.
Theo Bee
Nỗi đau của người bà trong vụ con giết cha
Bà nội, mẹ và em Mẫn vẫn chưa hết bàng hoàng đau đớn vì án tử hình của cậu.
Bà lão tóc bạc trắng một tay chống đùi, tay kia vịn vào cô gái lọ mọ bước vào phòng xử án. Dưới ánh sáng mờ của những ngọn đèn cũ kỹ, đôi mắt mờ đục của bà loang loáng nước, tấm lưng gù cũng lộ rõ hơn trong cái dáng xiêu vẹo.
Run rẩy trình tờ giấy triệu tập, bà được anh thư ký hướng dẫn đến băng ghế trên cùng chỉ dành riêng cho phía bị hại. Thế nhưng ánh mắt đau đáu của bà lão cứ dán chặt về phía phòng lưu phạm, nơi thấp thoáng vài áo cảnh sát đang vây quanh một can phạm trẻ - Phan Minh Mẫn (20 tuổi), cũng là cháu đích tôn của bà.
Được dẫn ra, chàng thanh niên gầy nhẳng cúi thấp đầu hơn khi nhìn thấy đôi tay run run của bà nội hướng về phía mình. Trước vành móng ngựa, Mẫn khúm núm, nhỏ nhẹ với những câu trả lời đầy lễ phép khiến không ai có thể nghĩ đây lại là một nghịch tử mang tội giết cha.
Giọng nghèn nghẹn, Mẫn khai 17 tuổi, mẹ Mẫn sinh ra cậu trong hoàn cảnh khốn khó tại một huyện vùng ven của TP HCM. Tuổi thơ của cậu chìm đắm trong những cơn hoảng loạn để chạy trốn đòn roi của cha và những giọt nước mắt tủi hờn, đắng cay của mẹ. Không hôm nào là cha Mẫn không say, mà đã say là phải có thứ gì đó cho ông đập, ông đánh. Hai anh em Mẫn có thể dắt díu nhau chạy trốn, nhưng mẹ cậu thì phải ê mình chịu trận vì không muốn chồng phủ đòn lên đầu con thơ.
Rồi Mẫn cũng trưởng thành và là sinh viên của một trường cao đẳng kinh tế nghiệp vụ theo mong ước của mẹ. Bởi theo bà, Mẫn phải học hành thành người mới có thể đưa gia đình thoát được cảnh khốn khó nên bà không tiếc công vun vén cho cậu. Tự sâu trong đáy lòng, cậu sinh viên đem lòng oán hận cha chất ngất dù chưa từng cãi lời ông một lần.
Vậy là, tối 9/11/2009 đi học về, Mẫn thấy cha nằm ngủ dưới nền nhà tại phòng khách, mùi rượu nồng nặc. Nhớ lại hình ảnh người cha tàn bạo đánh đập mẹ dã man 2 ngày trước, Mẫn nảy sinh ý định giết cha để chấm dứt cuộc sống "địa ngục" của gia đình.
Theo đó, cậu sinh viên đi mua một ổ cắm điện và một phích cắm. Mẫn lấy một đoạn dây điện tuốt hết vỏ nhựa rồi cuộn lại thành vòng tròn và cắm ổ điện vào nguồn, kéo lại gần cha, hai tay cầm hai đầu dây điện chích thẳng vào người ông nhiều lần cho đến khi ông bất động. Biết cha chết, đứa con trai định mang dây điện đi phi tang thì gặp mẹ chở em gái về nên kể lại mọi chuyện cho bà nghe. "Sao con làm vậy? Ông ấy là cha con mà...", người mẹ khóc ngất trước tội tày đình của con trai.
Đến lúc này Mẫn mới sực tỉnh, cậu luống cuống chạy theo mẹ vào lay gọi cha và đỡ ông nằm lên ghế salon. "Mẹ đừng báo công an...". "Nhưng họ sẽ điều tra ra, con sẽ đi tù chung thân hay tử hình luôn đó...", mẹ Mẫn nói trong nước mắt. Sau đó, bà đã gọi người nhà của chồng đến hô hấp nhân tạo và đưa cha Mẫn tới bệnh viện cấp cứu nhưng tất cả đã quá muộn.
"Tại sao bị cáo lại tuốt vỏ dây điện rồi vo thành vòng tròn mới chích vào người cha?" - chủ tọa nghiêm giọng.
"Do bị cáo tuốt dài quá...", Mẫn cúi thấp đầu tránh ánh mắt của những người xét xử đang xoáy vào mình.
"Là sinh viên của một trường dạy nghề, bị cáo nhận thức quá rõ việc mình làm. Bị cáo vo lại để diện tích điện tiếp xúc với thân thể cha nhiều hơn. Hồ sơ vụ án thể hiện lúc đó bị cáo rất bình tĩnh, chích điện nhiều lần, kéo dài đến gần 5 phút... Về mặt đạo lý xã hội, đạo đức gia đình, bị cáo suy nghĩ gì về hành vi của mình?" - vị thẩm phán bức xúc.
"Bị cáo có tội với gia đình, có tội với pháp luật...", Mẫn cắn chặt môi đến ứa máu để ngăn tiếng khóc, nhưng những giọt nước mắt ân hận muộn mằn cứ lăn dài xuống hai gò má xanh rớt của chàng sinh viên.
Phan Minh Mẫn tại phiên tòa.
Dưới khán phòng, nhiều người dự khán buông tiếng thở dài xót xa. Còn người thân của Mẫn, những gương mặt hao hao giống bà nội cậu, cũng ôm mặt khóc nức nở. Chỉ riêng bà lão là ngồi bất động, tấm thân của bà như oằn xuống thành ghế, phần lưng gù như nhô hẳn lên. Được mời lên thẩm vấn, bà lão lập cập bước gần đến bàn HĐXX, giọng hiu hắt:
"Sinh con ra nhưng tôi không sinh được tính. Con trai tôi quá tệ bạc với vợ con nhưng tôi khuyên mãi không được. Đã 20 năm nay con dâu tôi phải đi làm thuê về nuôi chồng nhưng luôn bị nó đánh đập. Có những đêm thấy mẹ con nó tơi tả dắt nhau về xin tá túc và ăn cơm mà lòng tôi đau như cắt. Nhiều lần vì quá thương dâu, thương cháu, tôi khuyên mẹ thằng Mẫn thôi chồng đi chứ sống như vầy khổ quá mà nó không chịu nghe... Còn thằng Mẫn (bà bắt đầu khóc), nó vốn là đứa ngoan hiền, hiếu thảo. Nhưng vì bồng bột, thiếu suy nghĩ mà đã gây ra tội tày đình thế này... Xin tòa tha tội cho cháu tôi..."
Đây không phải lần đầu tiên bà xin các cơ quan pháp luật "nương tay" cho Mẫn. Ngay từ khi xảy ra vụ án đau lòng này, chứng bệnh tim và khớp của bà thêm trở nặng nhưng bà cùng những người con khác vẫn đi gõ cửa từng nơi, gửi những lá đơn cứu xét đẫm nước mắt để xin giảm nhẹ tội cho đứa cháu đích tôn của mình. Cũng là để giảm bớt nỗi đau mà họ phải gánh chịu.
Mẹ Mẫn cũng được thẩm vấn, trình bày với tòa, bà cho biết Mẫn đã nhiều lần khuyên mẹ nên báo chính quyền về việc cha bạo hành nhưng bà đều từ chối. Bà sợ mang tiếng với xóm làng. Để rồi đến khi xảy ra chuyện, bà mới biết mình cũng là nguyên nhân gián tiếp đẩy con vào con đường phạm tội. Một cái tội mà "trời không dung, đất không tha" như lời cáo buộc của đại diện VKS.
Giờ nghị án nặng nề trôi. Bà lão vẫn ngồi như hóa đá, thân hình vẫn méo xệch trên băng ghế. Mãi lâu sau, bà mới ngước đôi mắt ráo hoảnh, khó nhọc nói về đứa con bạc mệnh: "Tôi đã không còn nước mắt để khóc nữa rồi. Đau lắm chứ... Nhưng tôi đẻ nó ra tôi biết mà, nó tệ lắm. Còn thằng Mẫn thì quá dại dột. Chỉ mong sao pháp luật khoan hồng cho nó..."
Ngày 16/7, cho rằng tính chất vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, hành vi giết cha của bị cáo là rất dã man, không còn đạo lý, không còn khả năng cải tạo... TAND TP HCM đã tuyên phạt Phan Minh Mẫn mức án tử hình về tội "giết người".
Bản án chưa tuyên án xong, những tiếng kêu trời thảng thốt, những gương nhăn nhúm vì đau đớn, những ánh mắt thất thần cùng tiếng còng tay lạnh lùng... làm quang cảnh phiên tòa càng thêm ảm đạm. Quay đầu nhìn người thân lần cuối, Mẫn như ngã quỵ khi thấy mẹ và bà nội đã đổ gục xuống ghế từ lúc nào.
Nhiều người dự khán chứng kiến cảnh đau lòng trên cũng không cầm được nước mắt. Ai cũng hiểu, bà lão kia đang phải chịu nỗi đau vừa được nhân đôi khi lại mất thêm đứa cháu.
Theo Pháp Luật TP. HCM
Bi kịch bố treo cổ hai con rồi tự tử Hắn chính là kẻ cướp đi mạng sống của 2 cô con gái, rồi tự treo cổ kết liễu cuộc đời mình (Hình minh họa) Đã hai tuần trôi qua, người đàn bà bất hạnh Đỗ Thị Lý vẫn không thể tin nổi người chồng mà mình từng hết mực yêu thương lại chính là kẻ cướp đi mạng sống của 2 cô...