Lòng hiếu khách nồng nhiệt chưa từng thấy của Triều Tiên dành cho Tổng thống Hàn Quốc
Với lễ chào đón rực rỡ cờ hoa, những màn tiếp đãi chân tình, Triều Tiên đã thể hiện lòng hiếu khách nồng hậu chưa từng có với một tổng thống Hàn Quốc nhân dịp ông Moon Jae-in sang Bình Nhưỡng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều.
Tổng thống Moon Jae-in đã được Triều Tiên tiếp đón nồng nhiệt trong chuyến thăm Bình Nhưỡng. (Ảnh: JPC)
Cờ hoa rực rỡ đường phố Bình Nhưỡng
Tổng thống Hàn Quốc đã sang Bình Nhưỡng từ ngày 18/9 để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều kéo dài 3 ngày với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Sau 2 ngày hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã đi đến những quyết định quan trọng, trong đó tái khẳng định cam kết nỗ lực vì một bán đảo Triều Tiên hòa bình, thịnh vượng và phi hạt nhân hóa.
Ngoài những thành tựu trên, sự kiện lần này là cơ hội để chính quyền của ông Kim Jong-un xây dựng hình ảnh một Triều Tiên hiếu khách. Theo trưởng Thư ký báo chí văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Young-chan, sự nồng nhiệt của Triều Tiên dành cho chuyến thăm của một tổng thống Hàn Quốc chưa bao giờ lớn như vậy trong lịch sử.
Đây là lần đầu tiên mà ông Kim Jong-un và Đệ nhất Phu nhân Triều Tiên Ri Sol-ju ra tận sân bay Sunan ở Bình Nhưỡng để đón chào một nguyên thủ quốc gia tới thăm. Hai nhà lãnh đạo đón nhau bằng những cử chỉ nồng ấm như ôm và bắt tay. Triều Tiên đặc biệt chuẩn bị đội nghi thức, trải thảm đỏ chào mừng ông Moon và phu nhân. Hai bên đường từ chuyên cơ của ông Moon tới khi ra xe, cũng như trên khắp dọc đường phố Triều Tiên, cờ, hoa bay rợp trời hòa cùng những tiếng hô chào mừng mạnh mẽ từ nhân dân Triều Tiên.
Hai nhà lãnh đạo đã thông qua thỏa thuận Hòa bình Bình Nhưỡng, động thái thể hiện cam kết nỗ lực hết mình vì một Triều Tiên hòa bình, thịnh vượng và phi hạt nhân hóa (Ảnh: JPC)
Trụ sở đảng cầm quyền lần đầu tiên đón nguyên thủ nước ngoài
Hai vòng đàm phán của hội nghị lần này diễn ra tại trụ sở của đảng Lao động Triều Tiên (WPK) cầm quyền, đồng thời cũng là nơi làm việc của ông Kim Jong-un. Đây cũng là lần đầu tiên mà trụ sở của đảng WPK được mở cửa để đón tiếp một nguyên thủ quốc gia tới hội đàm.
Sau tiệc quốc yến ngày và đêm nghệ thuật đặc sắc ngày 18/9, cùng màn đồng diễn “biển người” hoành tráng và công phu tại sân vận động Mồng 1 Tháng 5 chiều ngày 19/9, Tổng thống Moon Jae-in đã di chuyển tới nhà hàng hải sản sông Taedong ở Bình Nhưỡng, cùng dùng bữa với người dân Triều Tiên. Đây là nhà hàng được coi là tâm huyết của ông Kim Jong-un khi chính ông là người đã đích thân chọn địa điểm xây dựng và đặt tên.
Trong ngày cuối cùng ở lại Triều Tiên, ông Moon Jae-in đã được ông Kim Jong-un hiện thực hóa ước mơ du ngoạn ngọn núi thiêng Paekdu. Trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với ông Kim hồi tháng 4 tại biên giới liên Triều, ông Moon cho biết ông đã nhận được lời mời leo ngọn núi này từ bên phía Trung Quốc nhưng ông đã từ chối.
Ông Moon nói rằng ước mong của ông có thể tham quan ngọn núi này từ phía Triều Tiên, thể hiện niềm hy vọng rằng quan hệ liên Triều sẽ được cải thiện ở một mức độ mà mọi công dân Hàn Quốc đều có thể du ngoạn ngọn núi thiêng của Bình Nhưỡng từ phía Triều Tiên.
Video đang HOT
Với một người mang gốc Triều Tiên như ông Moon Jae-in, chuyến đi lên ngọn núi thiêng càng trở nên có ý nghĩa. Ông từng chia sẻ rằng: “Khi hòa bình thống nhất, điều đầu tiên mà tôi muốn làm là đưa người mẹ 90 tuổi của mình trở về quê hương.
Ông Kim Jong-un hiện thực hóa mơ ước leo núi thiêng của Tổng thống Hàn Quốc ngày 20/9 (Ảnh: Reuters)
Món quà 2 tấn nấm tươi
Trong khi ông Moon Jae-in đang nhận được sự thết đãi nồng ấm ở Triều Tiên, Bình Nhưỡng tiếp tục “ghi điểm” khi chuyển 2 tấn nấm tươi đến căn cứ không quân Seoul vào rạng sáng nay như một món quà đặc biệt cho Tổng thống Hàn Quốc. Ông Moon đã chỉ đạo văn phòng Nhà Xanh chia đều số nấm đó cho tất cả các gia đình bị ly tán vẫn chưa có cơ hội đoàn tụ với người thân ở Triều Tiên. “Tôi hy vọng rằng số nấm vẫn còn nguyên vẹn hương vị Triều Tiên này có thể giúp họ nguôi ngoai phần nào”, ông Moon nói.
Ngoài ra, truyền thông Hàn Quốc nhận xét rằng mối quan hệ đặc biệt giữa 2 Đệ nhất Phu nhân Hàn-Triều cũng là một điểm sáng thể hiện lòng hiếu khách của Triều Tiên trong sự kiện lần này. Có thể nói, phu nhân của ông Kim Jong-un, bà Ri Sol-ju, đã đón tiếp nồng hậu phu nhân Kim Jung-sook trong suốt 3 ngày qua. Họ đã đến thăm các trường học, bệnh viện các địa điểm trên đất Triều Tiên và làm ngoại giao theo một cách thức rất khác với 2 vị phu quân.
Sự xuất hiện công khai và mức độ “phủ sóng” rộng lớn của bà Ri khác hoàn toàn với truyền thống của Triều Tiên khi các đệ nhất phu nhân thường có xu hướng kín tiếng. Trong 2 chuyến thăm trước đó của 2 cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun, phu nhân của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il cũng không xuất hiện chào mừng và tham gia vào các hoạt động giao lưu.
Tình cảm nồng ấm của 2 Đệ nhất Phu nhân Hàn-Triều cũng là điểm sáng trong Hội nghị Thượng đỉnh lần này. (Ảnh: JPC)
Coi trọng vai trò của Tổng thống Hàn Quốc
Biểu tượng bán đảo Triều Tiên thống nhất màu xanh và những cánh chim hòa bình trên phông nền và cả bàn tiệc tại buổi chiêu đãi Tổng thống Hàn Quốc tối ngày 18/9 (Ảnh: Reuters)
Theo giới chuyên gia, sự hiếu khách nồng hậu của Triều Tiên cho thấy họ coi trọng vai trò của Hàn Quốc và Tổng thống Moon Jae-in trong tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
“Tôi cho rằng ông Moon có thể là “cầu nối” cho Mỹ và Triều Tiên. Với tư cách trung gian, ông có thể thúc đẩy quá trình đàm phán, vừa có thể giúp hạn chế bớt các thách thức trong các cuộc đối thoại về việc giải trừ vũ khí hạt nhân”, giáo sư Ariel Goldfarb của Đại học Northwestern (Mỹ) nhận định.
Ngoài ra, sự nồng hậu của Triều Tiên cũng được coi như lời cảm ơn tới nỗ lực bền bỉ của ông Moon trong việc “gỡ rối” những vấn đề khúc mắc giữa Bình Nhưỡng và Washington trong suốt thời gian qua.
Giới quan sát cũng cho rằng ông Kim dường như đang kiên định hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế và bỏ qua vũ khí hạt nhân.
“Ông Kim rất muốn thay đổi. Bằng việc mời ông Moon tới nhà hàng hải sản sông Taedong, Triều Tiên muốn cộng đồng quốc tế chứng kiến nỗ lực của chính phủ trong việc nâng cao điều kiện sống của người dân”, ông Yang Moo-jin, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên ở Hàn Quốc nhận định.
Ông Moon, ông Kim và 2 phu nhân dùng bữa tại nhà hàng hải sản gần sông Taedong (Ảnh: JPC)
Đức Hoàng
Tổng hợp
Theo Dantri
Đồ uống "di sản" đặc biệt trong bữa tiệc Hàn Quốc chiêu đãi ông Kim Jong-un
Một loại đồ uống đặc biệt được xem là di sản văn hóa phi vật thể đã được phục vụ trong bữa tiệc chiêu đãi nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhân dịp hội nghị thượng đỉnh liên Triều.
Hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên cùng hai phu nhân nâng ly tại tiệc chiêu đãi hôm 27/4 (Ảnh: Reuters)
Trong bữa tiệc chiêu đãi được tổ chức tại khu phi quân sự liên Triều vào tối 27/4, nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in đã cùng nhau nâng ly uống rượu sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Nhà lãnh đạo Triều Tiên được cho là không từ chối bất kỳ lời mời uống rượu nào từ các quan khách dự tiệc.
Theo Korea Times, loại rượu đặc biệt được phục vụ trong bữa tiệc có tên moonbaesool. Đây là đồ uống chưng cất được làm từ hạt kê. Tên của rượu moonbaesool được ghép từ hai phần là "munbae" - loại lê dại trên bán đảo Triều Tiên và "sool" - nghĩa là rượu. Việc gọi tên như vậy vì rượu moonbaesool có hương vị giống quả lê, còn thực chất lê không phải là nguyên liệu làm ra đồ uống này.
Trước đây tại Triều Tiên, moonbaesool được làm từ nước của sông Taedong. Ngày nay, loại rượu này được sản xuất tại thành phố Gimpo ở phía tây thủ đô Seoul, Hàn Quốc.
Người thừa kế
Theo Dantri
Lee Seung-yong giới thiệu rượu truyền thống (Ảnh: Korea Times)
Lee Seung-yong, 43 tuổi, là người thừa kế thế hệ thứ 5 của "di sản văn hóa" moonbaesool. Ông nội của Lee từng sản xuất rượu moonbaesool tại thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên, nhưng sau đó đã chuyển tới Hàn Quốc trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Lee đã dành 5 năm để được đào tạo trở thành người thừa kế loại rượu đặc biệt trên bán đảo Triều Tiên vào năm 1997 và hiện là giám đốc của công ty sản xuất rượu Moonbaesool. Lee sản xuất 3 loại rượu với nồng độ lần lượt là 40 độ, 25 độ và 23 độ. Theo Lee, rượu moonbaesool rất phù hợp với các món ăn có hương vị mạnh như thịt cừu, thịt thăn bò hay hải tiêu.
Rượu moonbaesool từng được phục vụ trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên giữa cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il vào năm 2000.
"Hương vị của rượu lần này đã có sự khác biệt, vì bây giờ tôi là người chịu trách nhiệm sản xuất. Moonbaesool đã trở thành đồ uống chiêu đãi tại thời khắc quan trọng trong quan hệ liên Triều", Lee cho biết.
Đối với Lee Seung-yong, việc Hàn Quốc và Triều Tiên xích lại gần nhau và ra Tuyên bố chung Panmunjeom sau hội nghị thượng đỉnh tuần trước mang rất nhiều ý nghĩa. Theo tuyên bố này, Triều Tiên và Hàn Quốc đã nhất trí phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên và chính thức chấm dứt chiến tranh liên Triều bằng hiệp ước hòa bình, thay vì thỏa thuận đình chiến như hiện nay.
"Khi lớn lên, tôi có thể nhận ra rằng ông tôi muốn quay trở về quê hương như thế nào", Lee cho biết.
Ông nội của Lee đã qua đời vào năm 1993 khi chưa một lần có cơ hội quay về thăm quê hoặc gặp lại họ hàng tại Triều Tiên. Lee hy vọng có thể đưa nhà máy sản xuất rượu về Bình Nhưỡng theo nguyện vọng của ông.
"Bây giờ tôi hy vọng chúng tôi có thể bắt đầu bằng việc nhập khẩu hạt kê và nước (từ Triều Tiên), trước khi chuyển nhà máy về Bình Nhưỡng", Lee chia sẻ thêm.
Thành Đạt
Trùm tình báo 20 năm gắn kết bán đảo Triều Tiên Lãnh đạo tình báo Hàn Quốc Suh Hoon là quan chức hiếm hoi đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức các hội nghị thượng đỉnh liên Triều lịch sử, đưa Hàn Quốc và Triều Tiên xích lại gần nhau sau thời gian dài căng thẳng. Ông Suh Hoon lau nước mắt sau khi hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều ra...