Long đẹp trai: ‘Sợ nhất phải trả vé trong mùa kịch Tết’
Giám đốc sân khấu Nụ cười mới cho biết, số ghế của sân khấu là 300 chỗ nhưng thường ngày đông lắm là 50 ghế. Sân khấu thường xuyên phải trả vé khi có quá ít người đến xem kịch.
Sau giờ phút say sưa trên sàn tập, chuẩn bị cho mùa kịch Tết, giọng nghệ sĩ có biệt danh Long đẹp trai trầm hẳn xuống khi nói đến hoạt động của sân khấu suốt năm qua.
Nghệ sĩ Long đẹp trai đảm nhận vị trí Giám đốc sân khấu Nụ cười mới. Ảnh: Bá Ngọc
Sân khấu thường xuyên phải trả vé
- Mùa kịch Tết năm nay, sân khấu Nụ cười mới có gì khác với những năm trước?
- Chúng tôi bắt tập kịch từ đầu tháng 1. Năm nay, sân khấu có vở diễn vào trong dịp Tết gồm Lửa thử vàng và Vị khách không mời. Còn một kịch bản khác của tác giả Bùi Quốc Bảo nhưng anh ấy đang chỉnh sửa, chưa quyết định tựa đề. Chúng tôi vẫn chọn những vở hài hước nhưng có thông điệp để gửi đến khán giả trong dịp Tết. Nụ cười mới xưa nay vẫn chọn kịch hài làm chính. Một năm, chúng tôi chỉ dựng một vở tâm lý nặng thôi. Những vở như thế rất kén khách nhưng tôi vẫn làm để anh em thỏa mãn tình yêu với sân khấu.
- Năm nay, nhiều sân khấu kịch ở TP HCM đều khó khăn vì sự ảnh hưởng của truyền hình thực tế. Vậy cụ thể khó khăn của Nụ cười mới là gì?
- Giảm số lượng khách là tình hình chung của các sân khấu, không những thế còn phải đối diện thường xuyên với tình trạng trả vé. Đây là điều không muốn của bất cứ sân khấu nào nhưng làm sao diễn được khi chỉ có 15 người tới rạp. Không đủ chi phí cho một đêm diễn đã đành nhưng không khí đó thì diễn viên sao có lửa để diễn. Trước khi quyết định trả vé, bao giờ tôi cũng hỏi ý kiến mọi người. Hôm nào khách ít vẫn diễn thì diễn viên cảm thấy áy náy khi nhận lương.
Ngày sân khấu có anh Hoài Linh, Chí Tài, Trường Giang không có chuyện trả vé nhưng năm qua thì tình trạng này xảy ra nhiều. Tôi nghe nói, các sân khấu khác, có những tên tuổi lớn hơn cũng có lúc phải trả vé. Số ghế của Nụ cười mới là gần 300 nhưng hiện tại có 50 vé mỗi đêm là đông rồi.
- Một trong những lý do khiến khán giả ít đến sân khấu vì các vở diễn không còn hấp dẫn như xưa từ nội dung đến cách dàn dựng. Anh nghĩ sao về điều này?
- Đúng thế. Kịch bản mới, hấp dẫn của sân khấu hầu như không có. Làm sao có được khi nhà nhà, người người theo game show, bỏ mặc sân khấu. Thực tế, kịch bản game show viết dễ hơn, nhuận bút cao hơn trong khi đó kịch bản sân khấu đòi hỏi sâu sắc, chặt chẽ mà tiền nhận được không cao nên tác giả không còn hào hứng. Trước đây, cải lương bị đánh bạt bởi kịch truyền hình, còn bây giờ, game show đánh bạt sân khấu.
Long đẹp trai rưng rưng nước mắt khi nhắc đến những khó khăn của sân khấu. Ảnh: Bá Ngọc
- Là người quản lý, cảm giác của anh thế nào khi các lớp diễn viên tài năng, nổi tiếng do sân khấu đào tạo đều không ở lại sân khấu?
- Mỗi người có một cuộc sống, lý tưởng, mình không thể ngăn cản được. Sân khấu chỉ là người đưa đò, nâng các em lên. Khi các em đủ lông đủ cánh thì bay đi. Khi nghe các bạn nói: “Đồng lương sân khấu tụi em sống không nổi” thì mình không nói được gì.
Nói đến điều này, tôi không phải nói xấu ai mà chỉ nói về sân khấu khó khăn. Những đứa em, sân khấu cố gắng đào tạo, khi được gì đó thì các em lại đi tìm một chân trời mới. Nghề sân khấu bạc lắm, tuổi đời ngắn. Những danh hài từng rất đình đám, giờ cũng đã không còn làm được nghề. Vì vậy, các em phải tận dụng cơ hội khi có tên tuổi, chạy show để lo tương lai là điều dễ hiểu.
Video đang HOT
Nếu bảo không buồn khi các em ra đi thì xạo. Buồn chứ, sân khấu đào tạo các em từ khi mới ra trường. Thậm chí, tôi còn khuyến khích các em phải ra ngoài nhiều. Nếu các em nổi tiếng thì anh mừng. Thế nhưng các em nổi tiếng lại bay đi luôn. Nỗi buồn này tôi chỉ biết giấu trong tim.
Tôi và Trường Giang có hiểu nhầm
- Sân khấu không có ngôi sao khó hút khán giả. Đã bao giờ anh nhờ sự trợ giúp của danh hài Hoài Linh hay chia sẻ với Trường Giang, Nam Thư – những người gắn bó với Nụ cười mới từ ngày đầu?
- Đi quay phim chung với các đồng nghiệp của sân khấu Thế giới trẻ, tôi chạnh lòng lắm bởi vì đến sát giờ sân khấu mở màn, họ rối rít, thiết tha xin đạo diễn nghỉ quay để về kịp. Điều đó chứng tỏ họ yêu nghề và có trách nghiệm với nghề thế nào. Còn tôi, không biết mình có làm gì sai, có vấn đề gì với diễn viên của sân khấu không. Suy đi ngẫm lại, tôi vẫn không hiểu mình sai thế nào. Thậm chí, tôi gọi các em lên phòng nói chuyện, hỏi chuyện thẳng thắn nhưng không ai nói.
Anh Hoài Linh là người có công xây dựng tên tuổi của Nụ cười mới. Hiện tại, anh đã quá vất vả để lo việc lớn – xây nhà thờ Tổ. Đó là công việc cao cả, không mấy ai có thể làm được. Anh có nói với tôi, khi nào lo xong nhà thờ Tổ sẽ quay lại diễn.
Trường Giang đã không còn diễn ở sân khấu cách đây một năm. Khi ấy, giữa tôi và Giang có chút hiểu nhầm. Lúc đó, Giang nổi tiếng nhanh, đắt show nên khó đảm bảo được lịch diễn kịch. Nếu treo bảng tên Trường Giang nhưng lúc diễn không có thì khán giả chửi chết vì Giang lúc đó đã là Mười khó rồi, không còn là Giang ngày xưa nữa. Vì thế tôi nói với quản lý của tôi trao đổi với Giang và quản lý của cậu ấy rằng nếu kẹt lịch quá thì nghỉ tạm thời gian đi, sau này hãy quay lại. Người này lại không nói lại nên Giang tự ái khi bỗng dưng bị cắt vai.
Biết có hiểu nhầm, tôi nhiều lần điện thoại cho Trường Giang và quản lý để hẹn một cuộc nói chuyện trực tiếp. Tôi biết Giang bận nên sẵn sàng theo lịch của cậu ấy. Thế nhưng, đến giờ, tôi vẫn chưa gặp nói chuyện với Trường Giang. Tôi chỉ muốn nói chuyện để anh em hiểu nhau. Dù có không hợp tác thì anh em vẫn có thể vẫn trò chuyện vui vẻ.
Các nghệ sĩ của sân khấu Nụ cười mới tập vở Vị khách lạ. Ảnh: Bá Ngọc
- Thu không đủ bù chi, anh phải gồng gánh sân khấu như thế nào?
- Nếu bản thân tôi không làm sân khấu, chỉ đi quay phim, làm chương trình truyền hình thì sống rất khỏe. Hiện tại, tôi phải đi làm các công việc khác để kiếm tiền duy trì sân khấu. Nhiều người còn bảo tôi tự làm khổ mình nhưng đã trót ăn cơm Tổ, yêu nghề, tôi phải cố gắng làm.
Còn tôi không dám trách bất cứ ai, tôi có cuộc sống của tôi thì các bạn cũng có cuộc sống của các bạn. May mắn, vợ tôi cũng làm nghề (diễn viên Phi Nga – PV) nên thông cảm. Vợ khuyến khích tôi ra ngoài kiếm tiền, còn cô ấy vừa diễn vừa trông nom sân khấu. Trong cuộc sống, phải hy sinh cái này mới có cái khác, làm sao trọn vẹn được cả hai.
- Mùa kịch Tết năm nay anh mong muốn điều gì?
- Trả vé ngày thường không sao nhưng tôi sợ nhất tình trạng phải trả vé trong dịp Tết. Trong lúc khó khăn, chúng tôi không biết làm gì hơn ngoài cố gắng làm những kịch bản tốt, thật vui để mọi người truyền miệng rồi đến với sân khấu. Năm nay, chúng tôi sẽ tuyển thêm diễn viên trẻ vừa có thanh sắc, diễn có duyên để bổ sung vào lực lượng diễn viên của sân khấu.
Theo Zing
Trịnh Kim Chi: 'Sân khấu kịch đang ở tình trạng báo động'
Á hậu Việt Nam 1994 bị cho là liều lĩnh khi mở sân khấu kịch ở thời điểm không mấy khả quan. Dù vậy, cô vẫn kiên định với kế hoạch của mình.
Trong buổi gặp gỡ cùng Zing.vn, Trịnh Kim Chi bày tỏ những khó khăn mà chị đang vướng phải khi đứng ra tổ chức một sân khấu kịch đúng nghĩa. Bên cạnh đó, nữ diễn viên phim Chuyện tình bà nội trợ còn chia sẻ một số thực trạng không mấy khả quan mà các sân khấu kịch đang phải đối diện.
Tôi liều lĩnh khi mở sân khấu kịch
- Ở thời điểm show truyền hình, phim điện ảnh đang phủ sóng, kịch không còn là thị hiếu như những năm về trước. Tại sao chị vẫn quyết định mở sân khấu?
- Sân khấu kịch đang ở tình trạng báo động. Đây là vấn đề chung hiện nay. Trong khi phim điện ảnh, truyền hình khá nổi trội thì sân khấu kịch có phần im ắng ở thời điểm cận Tết.
Lượng khán giả đến với sân khấu kịch ngày càng ít dần. Lúc tôi mở sân khấu kịch, ai cũng nói tôi liều, vì thời điểm này rất nhạy cảm. Ngay từ lúc làm, tôi đã thấy hình hình không khả quan, nhưng lòng đam mê và cái nghiệp cứ đeo đẳng khiến tôi muốn làm gì đó. Tôi mong được cùng các anh em nghệ sĩ gây dựng một thương hiệu.
Cho đến lúc này, tôi không hối hận. Tôi không dám nghĩ đến lợi nhuận chỉ mong sao sân khấu ổn định để các anh em nghệ sĩ có đam mê như mình được diễn hàng đêm. Nhờ tinh thần như vậy mà tôi có cảm hứng để làm.
Vì tâm huyết với nghề nên á hậu quyết tâm mở sân khấu kịch để những người có đam mê như cô được diễn xuất hàng đêm. Ảnh: NVCC
- Chị gặp khó khăn gì trong một tháng khai trương sân khấu Trịnh Kim Chi?
- Đối với nhiều người, việc xin giấy phép là một trong những khó khăn, nhưng tôi khá may mắn vì trước đó đã có sân khấu kịch cà phê nên lần này suôn sẻ. Khi chọn địa điểm tôi phải suy nghĩ rất kỹ. Khu vực này có khá nhiều rạp chiếu phim nhưng lại không có sân khấu kịch, cải lương. Tôi nghiên cứu thị hiếu của người dân quanh đây, họ rất thích xem kịch. Trước mắt tôi muốn phục vụ khán giả xung quanh. Nếu tiếng tăm của mình tốt, thì dù xa thế nào mọi người cũng tìm đến.
- Tên tuổi của diễn viên là một trong những yếu tố đảm bảo phòng vé, trong khi những vở gần đây của sân khấu Trịnh Kim Chi không có bất kỳ tên tuổi nào thu hút người xem. Chị lý giải điều này thế nào?
- Đương nhiên, vở có tên tuổi nổi tiếng khán giả sẽ thích và vững tin hơn. Nhưng cũng có nhiều người xem không đặt nặng vấn đề diễn viên mà chú trọng nội dung. Kịch bản có đúng sở thích và thị hiếu của họ hay không. Thực tế, vở Một nửa đàn bà mà sân khấu của tôi đang bán vé không có bất kỳ diễn viên nổi tiếng nào vẫn rất hút khán giả. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng dựng nhiều vở có các tên tuổi như Lê Bê La, Thúy Diễm, Tấn Nhã, BB Trần...
Ban đầu sân khấu sẽ dựng những vở đáp ứng thị hiếu của người xem, xoay quanh các đề tài đang được quan tâm của xã hội. Khi mọi thứ ổn định, chúng tôi sẽ có một số vở chính kịch để thỏa đam mê.
Tự gồng mình với các khoản chi
- Chị có ông xã đứng sau hỗ trợ kinh tế nên mới mạnh tay đầu tư sân khấu kịch ở thời điểm báo động, chị sẽ nói gì?
- Tôi độc lập khi mở sân khấu kịch và cũng chưa đến lúc nhờ cậy tài chính từ ông xã. Tôi vẫn cố gắng xoay sở được. Chồng tôi chủ yếu ủng hộ về tinh thần. Dựng xong vở nào anh đều đến xem trước tiên để động viên tinh thần tôi cùng các anh em trong đoàn.
Việc có ông xã ở cạnh cũng khiến tôi an tâm phần nào, nếu thiếu thốn gì mình vẫn có thêm một nguồn hỗ trợ. Ông xã rất hiểu tình hình hiện nay. Anh khuyên tôi cứ yên tâm làm, miễn là cảm thấy vui. Thậm chí, anh còn nói với tôi: "Sân khấu kịch cứ ế ẩm như hiện nay thì sẽ không còn sân chơi cho nghệ sĩ yêu thích bộ môn này. Người đứng đầu cũng không thể cứ mãi bù lỗ khi tình hình cứ đi xuống". Ông xã khuyên tôi cố gắng gây dựng thương hiệu. Cứ làm một thời gian xem tình hình thế nào, người ta ráng được thì mình cũng ráng được.
- Chị đang "gồng mình" cho sân khấu như vậy liệu có đảm bảo chi trả thù lao đúng mức cho các diễn viên sau mỗi đêm diễn?
- Đúng là cát-xê sân khấu kịch thấp hơn với những bộ môn nghệ thuật khác, trong khi diễn viên phải tập hàng tháng mới có thể công diễn, và đến đêm diễn họ mới được trả tiền thù lao. Nhiều người nản vì không mang đến cho họ lợi nhuận gì.
Tôi phải cố gắng cân nhắc khi mời diễn viên, chọn những người yêu nghề. Nhiều diễn viên bận đi một lúc 3-4 phim vẫn dành thời gian tập đều đặn. Thậm chí, có nhiều nghệ sĩ khi đến với sân khấu Trịnh Kim Chi nói rằng, tôi trả cát-xê bao nhiêu cũng được, họ không đặt nặng vấn đề đó.
Tuy nhiên, tôi cân nhắc việc trả lương cho mọi người rất kỹ. Mình không thể vì mối quan hệ mà trả thấp so với mặt bằng chung. Khi mọi người đã có lòng như vậy thì tôi không thể phụ họ. Tôi chi trả với mức tương xứng với công sức của diễn viên. Dù có bù lỗ nhưng tôi cảm thấy có thể gồng gánh được.
Nữ diễn viên vui vẻ bên chồng và con gái thứ 2. Ảnh: NVCC
- Nếu một năm tình hình vẫn không khả quan, chị có nghĩ đến phương án chuyển hướng sang loại hình nghệ thuật khác?
- Ở thời điểm sân khấu kịch ăn khách, ông bà bầu nào cũng xác định bù lỗ không dưới 6 tháng. Thời điểm hiện tại, tôi phải xác định "gồng mình" trong một năm. Tôi vẫn đang xem hình hình sẽ trụ được đến đâu.
Nếu sau một năm đầu tư, việc kinh doanh vẫn không khá hơn, tôi sẽ chuyển hướng làm phim, hoặc lĩnh vực nào đó thiên về nghệ thuật. Hoặc có thể chuyển sân khấu thành loại hình tạp kỹ, có xen kịch ngắn, ca nhạc... Tôi có nhiều hướng để làm vì ký hợp đồng thuê đến 5 năm.
Trịnh Kim Chi và Lê Bê La trong vở Tiếng hát réo linh hồn. Ảnh: NVCC
Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng rời sân khấu kịch
- Thù lao cho mỗi đêm diễn chưa tương xứng, trong khi phải tập luyện vất vả là nguyên nhân khiến nhiều diễn viên chán nản, tìm đến các loại hình nghệ thuật khác. Chị nghĩ sao?
- Xứng đáng hay không là do cảm nhận của chính họ. Họ chấp nhận giá đó thì họ sẽ thấy xứng đáng, nhưng ở ngoài nhìn vào sẽ thấy cát-xê không là gì so với công sức của diễn viên. Tôi là nghệ sĩ, từng đứng trên sân khấu nên tôi hiểu điều đó. Khi dự sự kiện, tôi có thể nhận được 1000-2000 USD, nhưng đứng trên sân khấu thì con số ít hơn rất nhiều, đôi khi chỉ có 800-1 triệu, nhưng tôi vẫn làm vì đó là thế giới của mình và cảm thấy thích. Nếu chưa đủ đam mê, say nghề thì họ ra đi cũng là điều dễ hiểu.
- Nhiều nghệ sĩ đinh ở các sân khấu kịch chuyển hướng sang truyền hình, điện ảnh đã đẩy một số sân khấu vào tình trạng ế ẩm. Theo chị đây có phải là thực trạng đáng lo của các sân khấu kịch hiện nay?
- Truyền hình đang có sức hút, một số những nghệ sĩ nổi tiếng chạy show không ngừng nghỉ khi được các nhà tổ chức mời. Việc họ rời bỏ sân khấu khiến nhiều vở diễn mất dần sức hút, khán giả vì thế cũng thưa dần.
Mỗi người có suy nghĩ và quyết định riêng. Họ chọn phim vì nhiều tiền hơn, ai cũng có những lý lẽ riêng. Tôi tin rằng, sau khi ra đi một thời gian họ sẽ quay trở lại với kịch, mọi người sẽ không đi luôn. Người nghệ sĩ bước ra từ sân khấu khó mà dứt áo ra đi.
Tôi vẫn vững tin, dù họ ra đi nhưng vẫn đau đáu sẽ trở lại để làm công việc mình mong muốn. Sức hút của kịch rất lạ lùng, khó giải thích. Không có gì cản được nghệ sĩ yêu nghề.
Theo Zing
Cậu út gia đình bóng đá họ Lương mở nhà hàng cùng danh hài Long 'đẹp trai' Cựu cầu thủ B.Bình Dương với thương hiệu đá phạt đáng gờm Lương Minh Trung - cậu út của gia đình bóng đá họ Lương danh tiếng - đã quyết định &'liều ăn nhiều', khi cùng hùn hạp mở nhà hàng với danh hài Long &'đẹp trai'. Lương Minh Trung cùng người anh kết nghĩa và cũng là "đối tác chiến lược", danh...