Lồng bè, tàu thuyền tan tác trong mưa lốc dị thường chưa từng có, nhiều ngư dân Phú Yên trắng tay
Ngày 1/4, đại diện Sở NNPTNT Phú Yên cho biết, mưa lũ trái mùa kèm lốc xoáy bất thường từ đêm 30/3 đến nay đã gây thiệt hại nặng nề sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Nhiều ngư dân nuôi trồng, đánh bắt thủy sản rơi vào cảnh trắng tay.
Tại xã An Hòa Hải ( Tuy An), ông Nguyễn Minh Thanh (53 tuổi) buồn bã: “Gia đình vừa thả ương nuôi 5.000 con tôm hùm thì bỗng chốc mất trắng. Lồng bè bị sóng lốc đánh tan tác, tôm nuôi lớp chết, lớp trôi mất ra biển. Tôi vừa vay vốn gần một tỷ đồng để đầu tư cho vụ tôm hùm này…”.
Bà Ngô Thị Hương (57 tuổi) nói: “Chưa bao giờ tôi thấy có đợt mưa lốc kỳ dị vào mùa này. Trước đợt mưa lốc, gia đình cũng đã được địa phương nhắc nhở, neo dìm sâu lồng tôm hơn 10 mét. Vậy mà cũng tan tác hết…!”.
Hàng loạt lồng nuôi tôm hùm của ngư dân xã An Hòa Hải (Tuy An, Phú Yên) vừa bị sóng biển đánh hỏng dạt bờ. Ảnh: N.Chung
Theo ông Huỳnh Văn Khoa – Chủ tịch UBND huyện Tuy An, đợt mưa lũ bất thường này đã làm 33 tàu thuyền đánh cá của ngư dân địa phương bị sóng đánh chìm, hư hỏng.
Đặc biệt, trên 2.400 lồng tôm hùm của bà con ươm nuôi ven biển đã bị sóng đánh trôi dạt, tan tác. Ước tính thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Địa phương đang tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, khôi phục đời sống sản xuất.
Video đang HOT
Lồng bè, tàu cá của ngư dân xã An Phú (Tuy An, Phú Yên) bị sóng cuốn hư hại. Ảnh: V.An
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết, hầu hết ngư dân có tàu thuyền, lồng bè thiệt hại trong đợt mưa lốc này đều vay tiền từ ngân hàng để làm ăn. Thiệt hại quá lớn, nhiều hộ dân trắng tay. Chính quyền địa phương đang tập trung hỗ trợ người dân bằng nhiều cách.
Trong đó sẽ làm việc lại với các ngân hàng để có cơ chế, giải pháp cơ cấu nợ, giãn nợ cho người dân bị thiệt hại. Đây là đợt thiên tai rất bất thường, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách để hỗ trợ người dân kịp thời, hiệu quả.
Tàu cá bị sóng đánh vỡ tạ i biển Hòn Yến (An Hòa Hải, Tuy An, Phú Yên). Ảnh: N.Chung
Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Phú Yên, đây đợt mưa lớn, dông lốc rất “dị thường”. Dù đã có sự chuẩn bị ứng phó nhưng tàu thuyền, lồng bè vẫn bị thiệt hại lớn do ảnh hưởng của dòng chảy ngầm mạnh, sóng biển lớn đột ngột.
Tàu thuyền, lồng bè thủy sản bị sóng lốc tan tác tại vùng biển An Phú (Tuy Hòa, Phú Yên). Ảnh: V.An
Thống kê bước đầu, đợt mưa lốc này tại Phú Yên đã có 12 nhà bị sập, tốc mái; trên 13.400ha lúa đông xuân bị ngập nước, ngã đổ; hơn 290ha rau màu, đậu các loại bị ngã đổ; 6ha muối bị tiêu hỏng.
Ở vùng biển của tỉnh, có 92 tàu thuyền bị sóng đánh chìm, hư hại, 2.450 lồng tôm hùm bị sóng đánh hư hỏng, trôi dạt. Hệ thống kênh mương, giao thông nhiều nơi bị tàn phá nặng. Tổng thiệt hại do đợt mưa lũ này tại Phú Yên ước tính sơ bộ hơn 171 tỷ đồng.
Miền Trung đột nhiên xuất hiện mưa lũ trái mùa, 2.450 lồng tôm hùm tan tành, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo khẩn
Mưa lũ trái mùa trên diện rộng đã khiến các tỉnh miền Trung chịu thiệt hại nặng nề, 2 người chết, 2 người mất tích (do lốc xoáy trên biển); 2 nhà bị sập đổ, 37 nhà bị tốc mái; 176 tàu nhỏ, ghe bị chìm; 2.450 lồng nuôi tôm hùm bị thiệt hại.
Do tình hình thiệt hại nặng nề ở các tỉnh miền Trung do mưa lũ trái mùa gây ra, sáng nay, 1/4, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã họp khẩn trực tuyến với các địa phương từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và các bộ ngành để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và ứng phó với mưa lũ tiếp theo.
Sáng nay, 1/4, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã họp khẩn trực tuyến với các địa phương từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và các Bộ ngành để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và ứng phó với mưa lũ tiếp theo. Ảnh: P.V
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai, do ảnh hưởng của mưa, lũ giông lốc trái mùa trên diện rộng cả từ miền biển, lẫn đồng bằng và miền núi, trong các ngày 31/3 đến sáng 01/4, tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa đã có mưa rất to từ 200-300mm, riêng tại Thừa Thiên Huế lượng mưa có nơi đo được lên đến 473 mm.
Trong khi thời điểm này đang là thời gian đầu mùa khô tại miền Trung, mùa mưa lũ trọng tâm trong khu vực này là từ tháng 9-11 hàng năm.
Mưa lớn kèm theo dông lốc diện rộng trên đất liền và ven biển, sóng lớn ngoài khơi các tỉnh Thừa Thiên Huế - Phú Yên; gió thực đo mạnh nhất cấp 8 tại Nhân Lý (Bình Định).
Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT) đánh giá, mưa lũ trái mùa ở miền Trung những ngày qua là hình thế thời tiết nguy hiểm trên diện rộng, 7 - 8 tỉnh bị ảnh hưởng, có thể có những tác động tiêu cực đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân nên cần có những chỉ đạo mạnh mẽ trong công tác chỉ đạo ứng phó.
"Đợt mưa lũ trái mùa này cũng cảnh báo mùa mưa bão phức tạp, dữ dội trong năm nay" - ông Hoài dự báo.
mưa lũ trái mùa ở miền Trung những ngày qua là hình thế thời tiết nguy hiểm trên diện rộng, 7 - 8 tỉnh bị ảnh hưởng. Trong ảnh: Mưa lớn gây ngập lụt ở Quảng Ngãi. Ảnh: D.V
Ngay sau khi nhận được tin dự báo, cảnh báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốcg gia, trong các ngày 28/3, 30/3, 31/3, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã có liên tiếp 03 văn bản chỉ đạo các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lốc, sét, gió mạnh trên biển; tổ chức nhắn tin qua hệ thống Zalo của Ban Chỉ đạo đến các thuê bao khu vực nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Các địa phương đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; rà soát các hộ dân khu vực nguy hiểm; bảo vệ diện tích sản xuất và sẵn sàng tiêu nước, chống úng; gia cố lồng bè nuôi thủy sản.
Tuy nhiên, dông lốc, mưa lớn, sóng lớn đã gây thiệt hại về người, tài sản, đặc biệt tại Phú Yên, cụ thể, đã có 2 người chết, 2 người mất tích (do lốc xoáy trên biển, hiện đã tìm được 1 người); 2 nhà bị sập đổ, 37 nhà bị tốc mái; 176 tàu nhỏ, ghe bị chìm (Phú Yên: 92 tàu); 2.450 lồng nuôi tôm hùm bị thiệt hại (Phú Yên).
Dự báo trong thời gian tới dông lốc, mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất,.. tiếp tục xảy ra, do vậy, ông Trần Quang Hoài lưu ý các địa phương cần tập trung khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại về thủy sản, sản xuất nông nghiệp.
Khẩn trương tiêu nước đệm, nước rút đến đâu thu hoạch lúa đến đấy (lúa đã trắc hạt sắp đến thời kỳ thu hoạch); gia cố, bảo vệ diện tích, lồng bè nuôi thủy sản ven biển; tổ chức thường trực tại các hồ chứa; chủ động tích nước (không xả) để hỗ trợ thu hoạch lúa dưới hạ du; tăng cường thông tin cho tàu thuyền hoạt động trên biển biết diễn biến gió mạnh để chủ động kế hoạch sản xuất.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao các địa phương, bộ ngành, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó, góp phần hỗ trợ người dân, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các địa phương hỗ trợ trực tiếp cho người dân trục vớt tàu thuyền, khẩn trương căn cứ tình hình thực tế, căn cứ vào quy định hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua.
"Phải làm thật khẩn trương, trên tinh thần kịp thời, chính xác, công tâm, khách quan" - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Cảnh tượng chưa từng có: Đúng vụ cá nhưng tàu thuyền vẫn đậu kín một cảng cá ở Nghệ An vì lý do này Sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2022, đội tàu đánh bắt xa bờ ở Nghệ An phấn khởi ra khơi, tuy nhiên do giá xăng dầu tăng chóng mặt, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân Nghệ An có nguy cơ phải nằm bờ vì có ra khơi cũng chấp nhận lỗ. Cảng cá Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò vắng bóng...