Lòng bao dung của tiểu hòa thượng
Nếu như tiểu hòa thượng có thể cải biến quan niệm, cách nghĩ của mình thì sẽ có thể tiếp nhận và bao dung họ.
Tôi còn nhớ một vị phương trượng ở trong một ngôi chùa trên một ngọn núi đã kể một câu chuyện rằng:
Trong chùa, có một tiểu hòa thượng vô cùng tự tin về trí tuệ và học vấn của mình. Những khi được trò chuyện cùng một người thông minh nào đó, tiểu hòa thượng này rất vui và thích thú. Nhưng mỗi khi gặp một người có học thức nông cạn, tư duy không mạch lạc, nói chuyện lẫn lộn không phân biệt trên dưới, tiểu hòa thượng sẽ cảm thấy ức chế mà tức giận. Tiểu hòa thượng sẽ nói những câu như: “Thế mà ngươi vẫn còn không hiểu? Ngươi bị đần à?” Vì vậy, sư phụ đã nhắc nhở cho tiểu hòa thượng rất nhiều lần, mặc dù tiểu hòa thượng trên miệng luôn thừa nhận sai lầm của mình, nhưng vừa gặp lại tình huống tương tự thì lại nhịn không được mà phát tiết lên.
Sau này trong một lần lên núi đốn củi, có một việc xảy ra lại khiến tiểu hòa thượng cải biến mình.
Ngày hôm đó, tiểu hòa thượng đốn được nhiều củi nên trong lòng cảm thấy rất vui sướng. Trên đường trở về, tiểu hòa thượng cảm thấy hơi mệt liền đặt gánh củi xuống bên suối và uống nước, rửa mặt. Lúc đó, một con khỉ nhỏ xuất hiện, lúc trước nó đã thường xuyên đến đây chơi và cũng thường xuyên gặp tiểu hòa thượng lên núi đốn củi. Thời gian lâu dần, con khỉ nhỏ và tiểu hòa thượng làm bạn cùng nhau.
Tiểu hòa thượng rửa mặt xong, muốn lấy chiếc khăn để lau mặt thì thấy chiếc khăn vẫn vắt ở trên gánh củi. Tiểu hòa thượng lúc này thực sự mệt rồi nên lấy tay chỉ vào gánh củi ý bảo con khỉ nhỏ ra lấy hộ. Chú khỉ nhỏ chạy tới gánh củi rồi rút một thanh củi khô và cầm chạy qua đưa cho tiểu hòa thượng. Tiểu hòa thượng cảm thấy rất thú vị, đồng thời đưa tay lên vẽ hình vuông và nói “khăn mặt, khăn mặt” để cho chú khỉ đi lấy một lần nữa. Chú khỉ nhỏ cũng vui vẻ đi lấy nhưng vẫn là mang lại một thanh củi khô. Tiểu hòa thượng lại càng vui hơn, vừa cười to vừa cầm một hòn đá nhỏ ném trúng vào chiếc khăn mặt, sau đó chỉ cho chú khỉ và nói “Nhìn thấy chưa? Lấy cái khăn mặt kia kìa!”. Chú khỉ con lại đi lấy lần nữa và vẫn là lấy một thanh củi khô, nhưng lại dương dương đắc ý như thể là muốn nói rằng: “Ngươi xem, ta tài giỏi chưa?”. Tiểu hòa thượng nhìn thấy bộ dạng hài lòng của chú khỉ lại càng cảm thấy vui thích hơn.
Sau khi trở về chùa, tiểu hòa thượng đem câu chuyện trên kể lại cho vị phương trượng nghe. Nghe xong, vị phương trượng hỏi: “Con cùng các sư huynh, sư đệ giảng đạo lý, bọn họ nghe không hiểu, con sẽ tức giận. Nhưng con khỉ nhỏ nghe không hiểu, con vì cái gì mà lại cảm thấy thú vị?”
Tiểu hòa thượng sững sờ, trả lời:”Khỉ con nghe không hiểu là chuyện bình thường, bởi vì nó là con vật mà! Còn sư huynh sư đệ của con là con người, họ phải hiểu những lời mà con nói mới phải chứ?”. Vị phương trượng cười cười rồi nói: “Khỉ với người tất nhiên là không giống nhau, nhưng khả năng hiểu biết của mỗi người thì từ lúc sinh ra đã khác nhau, mà hoàn cảnh sống lại cũng khác nhau. Mọi người có sự khác biệt lớn như vậy, con dựa vào cái gì mà nói ai cũng phải hiểu con đây?”. Tiểu hòa thượng nghe đến đây cúi đầu không nói gì.
Cải biến quan niệm có thể bao dung tất cả!
“Vì cái gì mà tiểu hòa thượng lại phát cáu với sư huynh sư đệ, còn đối với chú khỉ thì lại thấy thú vị?” Tình huống là giống nhau còn sự biến hóa như thế nào là do chính bản thân mình. Cho nên vấn đề không phải xuất phát ra từ người khác mà là xuất phát ra từ chính bản thân mình đấy!
Tiểu hòa thượng không tức giận với chú khỉ con là bởi vì tiểu hòa thượng cho rằng mình là người, nên có trí tuệ cao hơn khỉ rất nhiều vì vậy mà có thể bao dung sai lầm của nó. Còn sư huynh, sư đệ của tiểu hòa thượng là người, tiểu hòa thượng cũng là người, trí tuệ của người với người là ngang cấp với nhau, vì vậy không bao dung được thiếu sót của họ. Nếu như tiểu hòa thượng có thể cải biến quan niệm, cách nghĩ của mình thì sẽ có thể tiếp nhận và bao dung họ. Khi đó, nhìn thấy thiếu sót của sư huynh sư đệ, tiểu hòa thượng còn có thể tức giận được không? Đương nhiên là không, bởi vì khi ấy tiểu hòa thượng đã có thể bao dung được hết thảy mọi thứ rồi.
Theo Guu
Động cửa Thiền
Thân xác này còn là thứ bên ngoài, huống chi là quần với áo, xiêm với y? Chỉ cái Tâm bên trong mới là quan trọng ? Tính động đều từ nơi ấy.
Đầu xuân, chùa làng nghi ngút hương trầm, thiện nam tín nữ chen chúc nhau vào chánh điện dâng hương bái Phật.
Người ra kẻ vào ngược xuôi như bất tận, mặt ai nấy đều vui tươi phấn chấn, y rằng cuộc đời này không hề có đau khổ lo toan.
Nhưng rồi, mọi người phải cau mày nhíu mặt khi trông thấy một cô gái lạ lùng đang lảng vảng ngoài sân chùa, hệt hư người từ hành tinh xa lạ mới xuống thăm trái đất.
Cô gái lạ lùng vì nổi bật giữa đám đông do có một sắc đẹp mê hồn, phải công nhận là tuyệt thế giai nhân. Dáng cao hơn một thước bảy.
Tóc đen óng ả phủ dài xuống lưng.
Những vòng đo lý tưởng.
Đầy đặn và trắng trẻo.
Gương mặt khả ái, sáng sủa.
Nếu không là hoa hậu hoa khôi, thì cũng là người mẫu tầm cỡ ngôi sao.
Không ai có thể nhăn mặt bực mình trước cái Đẹp bao giờ.
Có điều, chỉ vì cô gái đã tự chọn cho mình bộ trang phục quá độc đáo, quá quái gở. Chiếc váy ngắn cũn cỡn, tưởng như không còn kiểu nào ngắn hơn, khoe cặp giò dài khêu gợi.
Chiếc áo thun bó sát ôm lấy thân trên bốc lửa, thân áo trước và thân áo sau được liền lạc với nhau chỉ bằng hai sợi dây mỏng mảnh vắt qua hai bên bờ vai tròn trịa và đầy đặn.
Đẹp không chê vào đâu được, nhưng nếu cô ta đang đứng trên sàn diễn, hoặc đi trên phố cờ hoa rực rỡ ngoài kia.
Đằng này, cô ta lại xuất hiện ngay chốn già lam tôn nghiêm thanh tịnh mới gây nên những nỗi bất bình từ những người chung quanh.
Video đang HOT
Sự phẩn nộ, ghê sợ hiện rõ trên gương mặt những ai nhìn thấy cô gái, nhưng chưa ai lên tiếng thẳng thắn góp ý với con người lạ lùng, chỉ mới nghe những lời chê trách đàm tiếu nho nhỏ phía sau lưng người đẹp.
Một anh huynh trưởng gia đình Phật tử bước lại bên cô gái bằng sự nổ lực phi thường, can đảm tột bực, đưa cho cô ta một chiếc áo tràng màu lam, giọng nhã nhặn:
- Chào chị, chị vui lòng mặc chiếc áo này vào, nếu cần thì chị có thể mặc luôn về nhà, tôi rất lấy làm hân hạnh khi được tặng chị nhân ngày đầu năm mới!
Cô gái tròn xoe đôi mắt, nhìn anh huynh trưởng, rồi nhìn chiếc áo tràng với vẻ kinh ngạc, thản nhiên lắc đầu.
Anh huynh trưởng bực bội, giứ chiếc áo tràng tới, nói:
- Chị làm ơn mặc vào giùm cho. Đừng để mọi người khó chịu, và đừng để chư tăng nhìn thấy được mà tổn đức đó!
Cô gái nhíu cặp chân mày lá liễu, hỏi cộc lốc:
- Vì sao?
Anh huynh trưởng không còn tự chủ được, cáu gắt:
- Chị còn chưa hiểu vì sao ư? Nơi đây là chốn tôn nghiêm, không phải chỗ chợ búa hay sân khấu kịch trường, cho nên trang phục trên người chị không phù hợp chút nào, rất chướng mắt mọi người.
Chị thật tình không biết, hay giả bộ không biết?
Cô gái phì cười, một nụ cười tươi tắn tuyệt đẹp, lắc đầu:
- Biết làm gì để vướng? Ai thấy chướng thì đừng nhìn.
Mấy người đi chùa lễ Phật bái tăng, hay là đến đây để nhìn ngắm nhau? Ai tu nấy chứng, hãy để cho tôi yên!
Anh huynh trưởng cứng họng, không biết phải xử sao, trong lúc nhất thời đành đứng đực ra đó với chiếc áo tràng trên tay.
Thời may, có một vị sư trẻ bước lại đứng trước cô gái, xá dài một cái, cất giọng từ tốn:
- A Di Đà Phật! Cửa Từ Bi luôn rộng mở để phổ độ chúng sanh, không phân biệt giàu nghèo sang hèn, trẻ già nữ nam... Nhưng, đừng vì vậy mà xem thường chốn thanh tịnh, tạo nên phiền toái. Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy, chị ăn mặc như vậy mà vào chùa, có khác nào báng bổ đạo giáo, xúc phạm Tam Bảo? Mong chị hoan hỷ mặc áo tràng vào cho...
Cô gái cười duyên dáng, hỏi:
- Thầy thấy tôi ăn mặc thế nào?
Vị tăng trẻ lúng túng:
- Ờ... Thì... Rất hở hang... Không nghiêm túc kín đáo... Và...
Cô gái đưa tay vuốt mái tóc, ưỡn bộ ngực đầy sức sống, thản nhiên nói:
- Thầy tu hành mà còn chấp quá! Tâm của thầy còn động lắm. Lục căn của thầy chưa được tinh tấn, vẫn còn vướng điều phàm tục. Tốt hơn hết, thầy nên đóng cửa nhập thất để khỏi nhìn thấy những điều bất thanh bất tịnh ở phụ nữ đàn bà!
Vị tăng trẻ xanh mặt, cúi đầu, mắt nhìn chăm chăm xuống đất, bước đi lẫn vào đám đông Phật tử ngược xuôi ngoài sân...
Cô gái cười nửa miệng, quay sang hỏi anh huynh trưởng:
- Anh có vui lòng chỉ cho tôi tịnh thất của sư trụ trì không?
Tôi đang rất muốn được vào vấn an ngài, và thỉnh giáo đôi điều...
Anh huynh trưởng nhíu mày nghĩ ngợi, tặt lưỡi:
- Dẫn chị vào tịnh thất của thầy trụ trì thì thật là không nên chút nào.
Nhưng, có lẽ phải làm điều dại dột này, vì chắc tình huống oái oăm khó xử như bây giờ, chỉ có thầy mới đủ đạo lực khai tâm điểm đạo cho chị thấy được phải trái!
Nói rồi, anh ta mời cô gái đi theo mình, băng qua đám đông, vào phía dãy nhà sau chánh điện. Anh ta dừng lại trước cửa một căn phòng, quay sang nói với cô gái:
- Chị vui lòng đứng chờ ở đây một lát, để tôi vào cáo bạch với thầy trước, khi nào thầy đồng ý tiếp khách, tôi sẽ ra mời chị vào. Được chứ?
- Ô kê!
Anh huynh trưởng nhún vai ngán ngẫm, đưa tay gõ cửa ba cái.
Bên trong có tiếng vọng ra: "Ai? Cần gì?".
Anh huynh trưởng cao giọng:
- Bạch thầy, con là Tâm Tịnh, huynh trưởng gia đình Phật tử, có việc rất hệ trọng cần cáo bạch với thầy ạ!
Bên trong phòng vang lên giọng sang sảng:
- Tâm Tịnh đó ư? Vào đi, cửa không khóa!
Anh huynh trưởng mở cửa, bước nhanh vào trong và đóng lẹ cánh cửa lại.
Cô gái đứng tủm tỉm cười, chờ đợi với vẻ háo hức.
Chừng mười phút sau, cửa mở, anh huynh trưởng bước ra, nói:
- Chị được phép vào. Nhớ giữ ý giữ tứ một chút nhé!
Cô gái cười khẩy, bước vào phòng.
Một vị tăng tuổi độ lục tuần đang ngồi trên chiếc phản mun đen bóng trong tư thế kiết già, ánh mắt sáng rực rọi chiếu thẳng vào mặt vị khách mới vào.
Cô gái chấp tay xá ba cái, thưa:
- Bạch thầy, con có thắc mắc xin thầy điểm giáo...
- Cứ hỏi. Đây nghe.
- Bạch thầy, con ăn mặc như thế này, vào chùa lễ Phật bái tăng, lại bị mọi người chê trách chỉ trích, bị tăng phê bình bắt lỗi, xin hỏi thầy ai đúng ai sai?
- Ai cũng đúng. Ai cũng sai.
- Bạch thầy, người phàm cố chấp đã đành, nhưng người đã xuất gia tu hành mà vướng mắc những chuyện lễ nghi giáo điều để đi bắt bẻ con, xin hỏi thầy là đúng hay sai?
- Vừa sai, vừa đúng!
- Sao là sai? Sao là đúng?
- Sai, vì tu hành mà chấp nhặt những điều nhỏ nhặt. Đúng, vì giữ gìn thanh tịnh cho chốn già lam tôn nghiêm, đó là bổn phận, là nhiệm vụ phụng sự Tam Bảo, hoằng dương Chánh Pháp!
- Con từng nghe rằng, ngọn cờ phấp phới bay, thật ra cờ không bay mà gió bay, nhưng thật ra gió chẳng động mà do Tâm của con người đang động. Phải vậy chăng?
- Thật hay! Thật hay!
- Vậy, theo thầy thì con ăn mặc ra sao?
- Bình thường.
- Đáng trách hay đáng khen ạ?
- Hợp thời trang. Hiện đại. Gọn gàng. Tiết kiệm. Nếu người mặc không hề thấy ngượng nghịu, không chút gượng gạo, không phải âu lo, thong dong khứ đáo xuất nhập như rồng đạp mây, thì thật là đáng khen ngợi. Nếu mặc vào mà luôn thấy bị gò bó, thấy như bị mang của nợ, mang xích xiềng, không thoải mái đi đứng nằm ngồi thì thật là đáng thương, tội nghiệp, chứ không đáng trách!
Cô gái cười khanh khách ra điều thích thú.
Sư trụ trì bật cười ha hả, tiếng cười tự tại vang động như đã rung chuyển cả giàn ngói rong rêu của tịnh thất. Rồi im lặng như tờ. Cô gái cất tiếng:
- Thầy thật cao thâm, vững như bàn thạch!
- Có phải đó là mục đích chính của cô khi ghé thăm bổn tự? Im lặng, tức đã thú nhận. Cô mang một chút am hiểu giáo lý nhà Phật, một chút kiến thức cơ bản về sự Tĩnh Động, cố tâm cố ý vào chùa để thử thách cái Tâm Đạo của tăng ni giáo đồ. Sự cố ý làm cho người khác chao đảo tâm ý chính là ác tâm, chính là động rồi đó!
- Bạch thầy, quả đúng là con động. Nhưng đâu phải thấy người động mà mình phải động theo, phải vậy không thầy?
- Phải nhớ quanh cô đều là những chúng sanh đang tu, còn tu, chứ chưa có ai đắc đạo, chưa ai giải thoát được mình!
- Chỉ có thầy là tĩnh thôi sao?
- Vì đây là tịnh thất. Tâm người phải tĩnh, phải tịnh.
- Thầy không trách con về chuyện ăn mặc này thật sao?
- Không trách, mà còn khen. Áo quần chỉ là ngoại vật. Chúng vô tri vô giác, không tội tình gì. Chúng là vật ngoại thân, không là một bộ phận của thân thể con người... Và thân thể con người cũng chỉ là giả tạm... Chỉ là đất, nước, gió, lửa hội tụ tạo nên. Cho nên, nếu cô đã có gan ăn mặc hở hang thiếu thốn vải vóc để vào cửa thiền, thì hãy phát huy thêm bản lĩnh mà trút bỏ hết xiêm y giả tạm ra khỏi tấm thân giả tạm ngay nơi đây đi!
- ...
- Trút bỏ hết đi!
Sư trụ trì quát lên. Cô gái giật bắn mình, vội quỳ mọp xuống, đầu dập đất mấy cái. Sư lại quát:
- Trút hết. Rồi đi ra ngoài, dạo một vòng vãn cảnh mau đi!
- Bạch thầy... Con không dám. Con không dám. Con xin dập đầu tạ tội. Đội ơn thầy đã khai tâm điểm đạo!
... Anh huynh trưởng đứng chờ ngoài hành lang với ruột nóng gan sôi, cứ như đang đứng trên tổ kiến bồ nhọt.
Và rồi, cánh cửa tịnh thất đã mở toang.
Cô gái lạ lùng đã bước ra ngoài với vẻ mặt rạng rỡ tươi vui.
Lạ lùng hơn, trên người cô ta đang mặc một chiếc áo nhật bình của tăng chúng.
Cô gái cười chào anh huynh trưởng, bước thoăn thoắt hướng về phía chánh điện. Anh huynh trưởng lè lưỡi, bước nhón chân lại khép cánh cửa tịnh thất thật nhẹ nhàng. Rồi anh chấp tay xa ba cái về phía bên trong cánh cửa vô tri, nói :
- Quả đúng là chỉ có thầy mới trị được quỷ sứ ma vương!
Anh ta thở phào nhẹ nhõm. Đầu năm vui thật. Thật là vui.
Theo Guu
Cách dễ nhất để buông bỏ, bạn biết đó là gì? Cách buông bỏ đơn giản nhất chính là hoán đổi. Nguyên nhân khiến người ta không buông bỏ là vì không giành được thứ tốt hơn. Một bữa nọ, hai thầy trò cao tăng ngồi nói chuyện với nhau: Đệ tử: Thưa thầy, đạo Phật khuyên người ta buông bỏ mọi thứ đúng không? Sư phụ: Không đúng! Đệ tử: Rõ ràng có...