Lớn lên từ nỗi đau của mẹ
Những ngày tháng đó cũng chỉ có mẹ lo toan tất cả. Sau này, bố thương ba mẹ con nên chịu thiệt thòi xin về làm gần nhà. Gia đình tôi đã quen với cái cách đối xử của Nội nên cũng chấp nhận nó như một lẽ thường. Dù sao có bố về gần, cả nhà sum họp nên vấn đề khác chẳng còn quan trọng mấy.
***
Cạch! Tiếng chống xe đạp của mẹ vừa dừng ngay ngoài ngõ, tôi chạy nhanh ra ôm lấy chân mẹ nũng nịu: “Mẹ ơi con đói, trưa chị không nấu cơm cho con ăn. Sang nhà bà nội, mợ và bà bảo về đi. Cho chúng mày ăn thì cháu trai của tao đói mất.”
Mẹ bước đến bờ hàng rào giới tàu, bẻ một cây roi, mà mẹ thường gọi là roi mót. Chị vẫn ngồi yên trên chiếc chiếu rách ngoài hiên nhà, Nơi tôi và chị vẫn ngồi hàng ngày chờ mẹ đi làm về.Tôi ngồi co ro trong góc nhà nhìn mẹ lấy cây roi vụt vào người chị.
“Sao con không nấu cơm cho em ăn? Sao phải sang bên đó để bị đuổi về. Mẹ đã dặn con như thế nào. Không nhớ à? Hay là nhớ mà vẫn không nghe lời? Hả?”
Lúc đó tôi thật sự thấy sợ. Tôi nghĩ mình sai rồi. Tôi chỉ muốn nũng nịu mẹ một chút xíu thôi mà. Khoảnh khắc ấy tôi thấy mẹ như thành người khác. Bình thường mẹ hiền lắm, mẹ thương hai chị em tôi lắm. Hôm nay sao mẹ lại tức giận đến vậy. Đã bao giờ mẹ đánh chị đau thế đâu. Bao nhiêu câu hỏi cứ hiện lên trong đầu tôi. Muốn chạy đến ôm lấy chị, xoa những vết roi hằn ứ máu trên da thịt nhưng lại sợ chị còn giận. Lấy tay quệt những dòng nước mắt, chị đi lên nhà. Mái nhà tranh chỗ xiêu chỗ dột, chị ngồi thụp xuống chõng tre,ngẩng mặt lên mặc cho ánh nắng rọi từ cái lỗ dột trên nhà hắt thẳng xuống. Hẳn chị cũng đang thắc mắc như tôi: Sao mẹ lại vậy?
Dưới căn bếp nhỏ cũng bằng mái tranh, vách tường trét đất, nền nhà chỗ lồi chỗ lõm, mẹ ngồi dựa vào cái kệ đựng bát đĩa đã mối mọt cũ kỹ. Nhìn qua khe cửa tôi thấy những giọt nước mắt của mẹ.
Mẹ không khóc thành tiếng, ầm thầm nhưng đầy nỗi dằn vặt xen lẫn trách móc và oán giận. Khi đó tôi còn quá bé để hiểu được vì sao mẹ khóc.
Đó là ký ức tuổi thơ sâu đậm nhất của tôi về gia đình ở cái thời mặc không có, ăn còn chưa đủ. Cái thời của tư tưởng trọng nam khinh nữ làm khổ biết bao nhiêu gia đình. Mãi đến sau này, tôi mới hiểu về những giọt nước mắt ngày ấy. Mẹ lấy bố là con trai cả trong gia đình. Bố đi bộ đội xa nhà, nơi đóng quân gần thì còn vài ba tháng về thăm nhà, nơi xa có khi đến nửa năm. Lương bộ đội khi đó chẳng được bao nhiêu, mẹ làm công nhân của xí nghiệp gạch ngói. Ngày mẹ đi làm, đêm về thức nấu rượu đến khuya, sáng dậy từ sớm đi nhập cho các cửa hàng rồi mới vội vã đến xí nghiệp. Cuộc sống dường như chỉ có ba mẹ con nương dựa vào nhau. Có lẽ mọi thứ đã khác nếu như tôi sinh ra là một thằng con trai. Sau này lớn lên thi thoảng tôi vẫn tự trách mình như thế khi nghĩ vễ nỗi đau của mẹ.
Cuộc sống của mẹ đã dễ chịu biết bao cho đến khi sinh tôi ra là một đứa con gái. Bà trở nên khắc nghiệt với mẹ, bà coi như tôi chưa hề tồn tại. Cuộc sống của mẹ con tôi phải trải qua sự khó khăn và dằn vặt từ giây phút đó. Chật vật về vật chất nay lại còn thiếu thốn cả về tinh thần. Những lúc mẹ vội vã đi làm chỉ kịp vứt con sang nhà hàng xóm gửi nhờ đưa đi học. Rồi những trận ốm ho gà, sốt phát ban hành chị em tôi đến thừa sống thiếu chết, phải nhờ đến hàng xóm đưa đi viện. Mặc dù nhà nội sát ngay bên, tiếng kêu đau của chúng tôi và tiếng khóc thét lên trong nỗi hoảng sợ sẽ mất con của mẹ cũng không thể làm nội tôi nghe thấy. Vì nội còn phải lo cho cháu trai của nội! Cả những tối lạnh co ro ngồi bên bếp củi chờ mẹ đi làm về đun vội cho nồi cháo để kịp ấm bụng. Có cả những hôm được hàng xóm đón đi học về sớm hai chị em lại phải ngồi ở cái chiếu rách ngoài hiên chờ đến khi mẹ về. Tất cả những khoảnh khắc đó trong trí nhớ của tôi đều chỉ có mẹ gồng mình chèo chống cho hai chị em để cùng nhau trải qua. Hiếm hoi lắm bố mới về thăm nhà, trong bữa cơm, chị tôi hồn nhiên nói:
- Bố ơi, con thích bố về lắm.
Video đang HOT
- Vì sao thế con?
- Tay còn bốc miếng thịt, chị cười híp cả mắt trả lời: thì bố về mẹ mới mua thịt, chị em con mới được ăn thịt. Chưa kịp để bố mẹ phản ứng chị lại tiếp lời.
- Mà bố về sao không báo trước tội nghiệp con Vàng (con chó nhà tôi) tối nay lại không có cơm rồi.
Cả nhà cười ầm lên. Giây phút đó tôi cứ mong gia đình mãi được vui như vậy. Tôi chưa bao giờ thấy mẹ kể cho bố nghe những chuyện về nội hay than vãn về những gì mẹ phải trải qua. Tôi biết, mẹ muốn bố yên tâm công tác, mẹ hiểu được nỗi khổ tâm của bố khi chạm ánh mắt khắc nghiệt của nội. Là con đầu không sinh được con trai có lẽ đã là một cái tội. Tội lại lớn hơn khi bố mẹ quyết định không sinh thêm nữa, để lo cho hai chị em khôn lớn nên người.
Tôi hiểu bố mẹ đã phải dằn vặt như thế nào. Tôi cũng hiểu mẹ đã chịu đựng ra sao. Không đếm được cũng không nhớ nổi bao nhiêu lần mẹ khóc. Có lẽ, nếu nước mắt là thứ có giá trị thì mẹ tôi sẽ là người giàu nhất thế gian. Bố thì khác, bố không nói nhưng không ít lần tôi bắt gặp ánh mắt đượm buồn của bố mỗi lần Nội nhắc đến cháu đích tôn. Hay cả những lúc anh em bà con bàn tán về vấn đề con trai con gái, mâm trên mâm dưới. Tôi hiểu, bố đã phải suy nghĩ nhiều như thế nào. Tôi cảm nhận được sự cứng rắn mạnh mẽ của người đàn ông trụ cột gia đình trong cách bố đã vượt qua tất cả để giữ vững lập trường của mình: “Không sinh thêm, lỡ lại con gái nữa khổ cả mình cả nó, chỉ cần nuôi hai đứa này khôn lớn là đủ”. Tôi chưa bao giờ bị bố đánh, tôi vẫn còn nhớ như in câu nói của bố với mẹ “em muốn dạy con, đánh con thì tùy em. Còn anh , anh không đánh nó đâu. Thiên hạ ác mồm ác miệng lại bảo anh ghét nó, đánh nó vì nó không phải là con trai”
Thời gian trôi đi, bố vẫn làm xa nhà hơn 300km, 3 mẹ con vẫn nương vào nhau như thế. Mẹ vay mượn bạn bè cất được một mái nhà nhỏ đủ che mưa che gió. Những ngày tháng đó cũng chỉ có mẹ lo toan tất cả. Sau này, bố thương ba mẹ con nên chịu thiệt thòi xin về làm gần nhà. Gia đình tôi đã quen với cái cách đối xử của Nội nên cũng chấp nhận nó như một lẽ thường. Dù sao có bố về gần, cả nhà sum họp nên vấn đề khác chẳng còn quan trọng mấy.
Chúng tôi đã lớn lên trong tình yêu thương vẹn tròn và kiên định của bố mẹ. Cuộc sống hiện đại kéo theo tư tưởng con người cũng trở nên thoáng hơn, thay vì đè nặng việc sinh con trai như ngày xưa thì giờ đây các bậc cha mẹ giành thời gian suy nghĩ làm sao để nuôi dạy con khôn lớn và có ích, trai hay gái gì cũng được. Giờ đây cả tôi và chị đều đã có gia đình. Đều sinh được một bé trai xinh xắn. Nhiều người chả biết vô tình hay cố ý, họ hỏi mẹ tôi bà có cháu chưa? Trai hay gái? Thích nhỉ có hai cháu trai rồi cơ à. Thế là con hơn mẹ rồi đó.
Lúc đó tôi biết vết thương năm xưa của mẹ lại nhói lên chút xíu. Gia đình tôi mỗi lần có dịp ngày nghỉ hay ngày lễ vẫn quây quần vui vẻ bên nhau, vẫn nhắc lại những kỷ niệm, những vất vả năm xưa. Nhìn ông bà chơi đùa cùng con cháu tôi thầm cảm ơn những gì đã trải qua. Tôi muốn bù đắp thật nhiều cho đấng sinh thành ra mình. Ai đó đã từng nói con người trưởng thành lên từ những nỗi đau. Và tôi, tôi lớn lên từ nỗi đau của mẹ.
Hoa Nguyễn
Theo blogradio.vn
Những chiếc bóng của cuộc đời
Năm tôi lên hai, chị gái lên bảy bế theo tôi chập chững bước ngắn bước dài chạy theo mẹ đang tất tưởi quang gánh phía trước. Trong đôi quang gánh ấy là một cái bao tải có chứa quần áo của cả ba mẹ con, bên kia là một ít nồi niêu và mấy cân gạo.
Mẹ bước những bước đi thật nhanh như muốn chạy trốn khỏi ngôi nhà đó, chạy khỏi nỗi đau đớn dằng xé mà mẹ phải chịu đựng. Chị tôi bước theo không kịp, òa khóc lên nức nở. Tôi thì sợ hãi, ùa khóc theo. Nhận thấy tiếng khóc của hai chị em, mẹ chậm bước hơn một chút. Trong bóng chiều vàng úa, bóng ba mẹ con liêu xiêu chìm dần vào màn sương lạnh đầu đông...
Ba mẹ con đến ở nhờ trong một ngôi nhà cũ của người bà con, váng chiều u uẩn len lỏi vào tâm trí của mẹ. Chị bế tôi ra ngoài sân chơi thơ thẩn, một mình mẹ loay hoay trong căn bếp nhỏ, nồi cơm được bắc lên, khói bắt đầu lên ủ ấm căn nhà lạnh lẽo. Thế nhưng cái ấm áp như một gia đình ấy lại càng khiến lòng mẹ tê tái hơn?
Mẹ ngồi lặng im, tay chẳng buồn nhấc lên để dượm lại ánh lửa bắt đầu cháy lan ra ngoài. Hôm nay, một ngày kinh khủng thật sự đã xảy ra. Ông bà nội đuổi mẹ con tôi ra khỏi nhà trong những lời đay nghiến và chì chiết, trong cái nhìn khinh bỉ và rẻ mạt của mấy người hàng xóm nhiều chuyện. Còn ba tôi thì tay đang ôm người phụ nữ khác mà chẳng nhìn qua ba mẹ con tôi một chút.
Bị mắng, bị chửi, bị đuổi nhưng mẹ tôi chẳng khóc, đôi mắt ngùn ngụt hận thù, chân bước vội vã chạy trốn khỏi ngôi nhà đầy rẫy những tháng ngày đau khổ và cơ cực ấy. Thế mà giờ đây, khi đang ngồi ở ngôi nhà mới này, mẹ bắt đầu khóc. Những giọt nước mắt giàn giụa chảy xuống nền đất ẩm ướt của căn bếp cũ. Mẹ cố kìm nén, nhưng có lẽ nỗi tủi hờn quá lâu có dịp giải tỏa, mẹ cứ thế mà khóc lên nức nở, ai oán, bi thương.
Chị em tôi len lén bước vào bếp, nhìn mẹ. Rồi cứ thế ba mẹ con ôm nhau mà khóc. Tôi òa khóc theo khi mẹ và chị vẫn còn nức nở. Có lẽ hai tuổi tôi chưa thể cảm nhận được tiếng khóc day dứt của mẹ, thế nhưng cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa ngừng ám ảnh về tiếng khóc ngày hôm đấy.
Đau đớn.
Oan ức.
Bi thương.
Đó là lần đầu tiên mẹ khóc sau khi bước ra khỏi nhà ông bà nội, và cũng là lần duy nhất cho mãi đến ngày chị gái tôi đi lấy chồng, nước mắt mẹ mới lại rơi xuống. Bữa cơm tối ảm đạm trôi đi, tối hôm ấy, mẹ ôm chặt chị em tôi vào lòng như báu vật, ánh mắt mẹ sáng rực trong đêm. Cả đêm hôm ấy mẹ không ngủ.
Hôm sau, trời chưa sáng rõ mẹ đã trở dậy và bắt đầu đi tìm việc làm. Mẹ làm bất cứ việc gì, miễn là có tiền mua gạo cho chị em tôi. Đôi quang gánh của mẹ bắt đầu có công dụng. Mẹ ra đồng, mua rau của người ta rồi gánh ra chợ bán. Có những ngày mẹ phải đi lên tận chợ huyện, chợ tỉnh. Suốt quãng đường mấy chục cây số nhưng đôi chân mẹ vẫn thoăn thoắt chưa từng chùn bước. Mẹ đi từ sáng sớm, chuẩn bị cho chị em tôi nắm cơm nhỏ ăn tạm qua trưa, hoặc có khi cũng là củ khoai, cái bánh nhỏ. Còn mẹ phải đi chợ đến tận tối mới về.
Thời gian cứ thế trôi qua, mỗi một ngày, một tháng, rồi một năm, có lẽ chẳng có điều gì khắc nghiệt như thời gian nhưng cũng đáng trân trọng như thời gian. Bởi vì nó khiến con người ta lớn lên và vô tình khiến cả nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai lớn lên. Mẹ vẫn mang tiếng là đứa con dâu hư đốn trong bà con nhà nội, và hai chị em bỗng chốc trở thành đứa cháu ghẻ bị người ta coi thường. Sau này mẹ vẫn bảo rằng tối hôm đó, mẹ đã từng nghĩ đến việc buông xuôi cuộc đời, nhưng khi nhìn hai đứa con vẫn còn quá nhỏ dại, mẹ lại cố mình sống tiếp. Và đó cũng là lần duy nhất mẹ khóc, bởi vì nước mắt không thể dành cho những người không xứng đáng. Nỗi đau của mẹ chẳng hề nguôi ngoai mà vẫn âm ỉ theo thời gian. Những tháng ngày cũ quá khổ sở đã in hằn vào tâm trí mẹ, khiến cuộc đời mẹ đầy thăng trầm và u uẩn. Thế nên mẹ vẫn ít nói, ít cười, trầm mặc và khó tính. Có lẽ cuộc đời đã quá cay đắng để khiến người ta phải hơn thua, phải dè chừng với nó, phải quật cường mà sống tiếp.
Nhưng còn với tôi, thời gian lại trở thành một phép màu nhiệm để tôi có thể lớn lên thật tốt trong những tháng ngày nghèo khó và cơ cực ấy. Những tháng ngày mà nắm cơm con con để tôi cầm hơi suốt cả ngày. Những tháng ngày hai chị em nhường nhịn nhau củ khoai môn nướng trong vườn mà không hề biết khi ăn nó vào khiến cổ họng bị ngứa rát không thôi. Thế mà chị gái vì nhường cho em củ khoai môn ấy lại bị ăn đòn chỉ vì trông em không tốt. Hôm ấy, sau khi nôn thốc nôn tháo và mệt lả đi vì sốt, tôi nằm thiêm thiếp trên giường, bên cạnh là chị gái vẫn không ngừng khóc lóc vì sợ tôi có mệnh hệ gì. Rồi tôi cũng khóc, nước mắt cứ âm thầm chảy xuôi theo khóe mắt mà rơi xuống gối ướt đẫm. Giá như khi ấy tôi đủ sức mà gượng dậy ôm lấy chị, xin mẹ đừng đánh chị nữa. Chỉ là đói và mệt đã đánh gục tôi, đánh gục ý chí còn non nớt của đứa trẻ con quen với cảnh nhà nghèo.
Thế nhưng đáng tiếc là phép màu ấy lại chẳng thể khiến nỗi đau của mẹ và chị tôi nguôi ngoai. Mẹ gồng mình trải qua tất cả, đanh đá một mình chống chọi lại ánh mắt coi thường của người đời, mạnh mẽ bước qua những tháng ngày nhấp nhô khó khăn chồng chất để nuôi nấng hai chị em tôi.
Giá như phép màu ấy cho người ta những điều ước, tôi sẽ chẳng mong giàu sang phú quý mà chỉ mong rằng có thể xóa hết nỗi hận thù và khổ sở trong ký ức của mẹ, để nó thôi hành hạ mẹ vào mỗi chiều đông sương lạnh như hôm nay...
Giá như phép màu ấy cho người ta điều ước, tôi sẽ ước rằng tiếng khóc ngày hôm ấy của mẹ bớt day dứt bi thương thì đã chẳng ám ảnh suốt cả cuộc đời tôi như thế. Để giờ đây mỗi lần nhìn về phía mẹ lại thấy gương mặt kiên nghị lạnh lùng khiến lòng tôi thêm đau.
Trong màn sương lành lạnh, mẹ vẫn thường ngồi bên cửa sổ mà nhìn ra xa xăm váng chiều, nhìn ra khoảng không gian rộng lớn và ảm đạm trước mặt, đôi mắt khi thì dại đi vì đau đớn, khi thì hừng hực nỗi dày xé. Đã hơn 20 năm qua nhưng nỗi đau ấy vẫn ùa về như những đợt gió mùa thổi hun hút vào lòng người thấm đẫm cái lạnh tê tái ruột gan. Hình ảnh ba chiếc bóng nhỏ chìm dần vào màn sương hun hút não nề vẫn chưa từng tan đi mà chỉ càng khi càng hiện lên rõ nét...
Đoàn Hòa
Theo blogradio.vn
Những khoảnh khắc "hòa vào làm một" khi ta là của nhau Lấy cảm hứng từ mối quan hệ tình yêu hôn nhân, họa sĩ lai Pháp - Mỹ Pascal Camio đã vẽ một bộ tranh siêu dễ thương và cực ngọt ngào về những khoảnh khắc đời thường trong tình yêu có khả năng làm "tan chảy" trái tim người xem. Có người nói rằng " Tình yêu là nơi trú ẩn an toàn...