Lời xin lỗi của Hương Giang không có giá trị?
Khi sự giận dữ của đám đông lên đỉnh điểm, Hương Giang đã nhún nhường xin lỗi. Nhưng rất tiếc, cô đã có một lời xin lỗi hoàn toàn vô nghĩa.
* Cuộc chiến giữa Hương Giang và antifan chưa có dấu hiệu dừng lại. Mới đây, Hương Giang đã nói lời xin lỗi trên trang cá nhân. Dưới đây là bài viết dưới góc nhìn của chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long về việc xử lý khủng hoảng truyền thông khi Hương Giang nói lời xin lỗi.
Gần đây, dư luận có nhiều ý kiến phản đối cách biên soạn bộ sách Cánh diều. Một trong những vấn đề được các bậc phụ huynh tâm tư chính là bài học cảm ơn và xin lỗi.
Nghe thì đơn giản, tưởng như đó là “chuyện của trẻ con”. Nhưng kinh nghiệm hơn 15 năm tư vấn xử lý khủng hoảng truyền thông, tôi thấy xin lỗi cho đúng chưa bao giờ là chuyện dễ dàng.
Nhầm lẫn “xin lỗi” và “nhận lỗi”
Là một người rất giỏi triết lý, tôi tin rằng Hương Giang đã từng nghe qua câu nói: “Lời xin lỗi không phải lúc nào cũng có nghĩa là bạn sai và người kia đúng. Điều ấy chỉ có nghĩa rằng bạn coi trọng mối quan hệ với người ấy hơn cái tôi của bạn mà thôi”.
Hương Giang làm tốt việc “nói xin lỗi”.
Nếu thực sự hiểu câu nói này, Hương Giang hẳn biết rằng “xin lỗi” xuất phát từ mong muốn giữ gìn mối quan hệ, còn “nhận lỗi” xuất phát từ mong muốn sửa đổi, hoàn thiện bản thân.
“Xin lỗi” chỉ cần hạ thấp cái tôi, còn “nhận lỗi” đòi hỏi phải thực sự nhìn ra cái sai mà bản thân gặp phải. “Xin lỗi” chỉ là một câu nói, còn “nhận lỗi” là một quá trình.
Quá trình “nhận lỗi” lúc nào cũng phải trải qua 5 giai đoạn là: “Nhận lỗi sớm”, “chịu trách nhiệm”, “nói xin lỗi”, “thành ý sửa sai” và “rút ra kinh nghiệm”.
Đối chiếu với bài xin lỗi của Hương Giang, rõ ràng cô làm tốt việc “nói xin lỗi”. Mặc dù việc “nói xin lỗi” này rất ổn về nội dung và đẹp về hình thức, chuẩn chỉ đến từng dấu chấm dấu phẩy, nó lại không có yếu tố “nhận lỗi sớm”. Việc này chỉ được thực hiện sau khi đám đông trở nên phẫn nộ.
Bài xin lỗi của Hương Giang cũng không có “thành ý sửa sai” vì ngay sau tuyên bố sẽ không xuất hiện trong các chương trình cần bày tỏ quan điểm bản thân, cô vẫn xuất hiện trong tập cuối của một game show mà trước đó cô bị cáo buộc “dạy đời” (họ có thể đã ghi hình trước khi xảy ra sự vụ nhưng nếu thực sự muốn xử lý khủng hoảng, Hương Giang phải có động thái). Điều này khiến những người quan sát có cơ sở để quy kết cô (tiếp tục) giả tạo.
Trong khi “nói xin lỗi”, Hương Giang cũng không đề cập đến việc rút khỏi các chương trình mà dư luận đang không muốn cô góp mặt. Tất nhiên, nếu làm như vậy, cô sẽ bị ảnh hưởng nặng nề về uy tín, về kinh tế và thậm chí, gây khó khăn cho cả sự nghiệp sau này trong ngắn hạn. Nhưng không làm như vậy, dư luận có quyền nghi ngờ mong muốn “chịu trách nhiệm” của cô. Còn với bản thân mình, Hương Giang cũng chẳng “rút ra kinh nghiệm” gì hết.
Tóm lại, Hương Giang chỉ làm được việc duy nhất là “nói xin lỗi”. Chứ cô không “nhận lỗi sớm”, không “chịu trách nhiệm”, không “thành ý sửa sai” và cũng không “rút ra kinh nghiệm”. Hay nói cách khác, Hương Giang đã nhầm lẫn giữa “xin lỗi” và “nhận lỗi”.
Quay trở lại với bài học về cảm ơn và xin lỗi của các bé lớp 1, thì tôi cho rằng “xin lỗi” như vậy là chấp nhận được. Nhưng tiếc rằng Hương Giang không phải là học sinh lớp 1. Những người chỉ trích cô càng không phải là học sinh lớp 1 để không hiểu chuyện này.
Có thể vì thông minh, Hương Giang biết rằng xin lỗi sẽ giúp cô cứu nguy được mối quan hệ với những người đang mất thiện cảm với mình. Nhưng lần này, đám đông lại muốn nhìn thấy cô sửa sai, tức là họ cần cô “nhận lỗi”. Hay nói cách khác, bài xin lỗi của Hương Giang chỉ giúp vui được cho những người đang yêu quý cô thôi, còn với những người đang mất thiện cảm với cô thì đó là một bài xin lỗi vô giá trị.
Xử lý khủng hoảng cách nào?
Đích đến của việc xử lý khủng hoảng truyền thông, theo quan điểm nghề nghiệp cá nhân của tôi, là bằng mọi giá thúc đẩy khách hàng thực thi quy trình “nhận lỗi” (chứ không phải chỉ đưa ra lời xin lỗi).
Nên việc đầu tiên phải làm là thu thập thông tin, phân tích mọi khía cạnh đúng sai để nhận lỗi sớm. Với lưu ý rằng, trong mọi trường hợp, kể cả chúng ta không làm gì sai, thì việc để cho dư luận hiểu chưa đúng cũng là một cái sai rồi!
Video đang HOT
Hương Giang vẫn lên sóng sau khi tranh cãi nổ ra. Ảnh: Chụp màn hình.
Hương Giang cũng vậy, cô ấy cần phân tích và nhìn nhận một cách khách quan mọi cáo buộc mà antifan đã giúp cô tổng hợp (riêng ở điểm này, tôi nhấn mạnh rằng thực ra họ đang giúp cô tổng hợp cái sai, chứ đừng nghĩ antifan là những người chăm chăm muốn làm hại nghệ sĩ). Sau đó đi vào từng vấn đề, Hương Giang cần xem xét cáo buộc nào là đúng, cáo buộc nào chỉ là sự hiểu lầm.
Với những cáo buộc hoàn toàn do hai phía chưa hiểu nhau, Hương Giang phải tìm cách giải thích để cho người ta hiểu.
Nhưng giải thích thế nào, vào lúc nào, bằng cách nào, trực tiếp hay gián tiếp (qua một kênh trung gian, thí dụ như nhờ nghệ sỹ khác được dư luận yêu mến hơn nói đỡ cho mình chẳng hạn) thì cần cân nhắc. Không phải cứ cho rằng mình đúng thì “nhào lên” trang cá nhân để thanh minh. Và tất nhiên, việc dựa trên lý lẽ mình đang đúng để đe dọa ngược lại dư luận thì luôn là điều tối kỵ.
Với những cáo buộc mà Hương Giang đồng ý rằng cô ấy đã sai, thì… cũng đừng xin lỗi! Mấu chốt nằm ở chỗ này. Vì nói xin lỗi phải đi kèm với chịu trách nhiệm và thể hiện được thành ý sửa sai. Nếu chỉ xin lỗi không thì dễ quá, ai cũng làm được, và nó hầu như vô giá trị hoặc khiến dư luận cảm thấy rằng lời xin lỗi đó là giả tạo.
Với các khủng hoảng liên quan đến doanh nghiệp, thì “chịu trách nhiệm” thường là kỷ luật, phạt tiền, hay điều chuyển công tác một cá nhân nào đó. Còn với cá nhân, trong đại đa số trường hợp, dư luận sẽ chấp nhận khi nhìn thấy một kế hoạch sửa sai.
Nhưng Hương Giang thì khác, rõ ràng đám đông đang rất phẫn nộ và đòi hỏi tẩy chay. Cho nên “chịu trách nhiệm” ở đây phải là chủ động xin rút khỏi một số chương trình hoặc hủy các hợp đồng quảng cáo.
Vì ở cấp độ nặng hơn, cô ấy sẽ phải âm thầm hoặc họp báo công khai tuyên bố tạm ngưng hoạt động nghệ thuật một thời gian. Thậm chí phải rút hẳn khỏi môi trường showbiz.
Chung sống hòa bình với antifan
Khi đã nhìn nhận được đúng sai, chấp nhận “chịu trách nhiệm” thì Hương Giang cần ngay lập tức “nói xin lỗi” kèm theo hành động cụ thể cho dư luận thấy cô có “thành ý sửa sai”.
Hương Giang cần có thành ý sửa sai. Ảnh: Chị em chúng mình.
Thực ra, ông bà ta có câu “đánh người chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại”, nên Hương Giang hoặc bất cứ nghệ sỹ nào khác cũng hãy tin rằng dù sự việc có tệ đến đâu, chỉ cần thành tâm “nhận lỗi”, khán giả sẽ vẫn yêu thương và không bao giờ đồng loạt quay lưng.
Theo đánh giá của tôi, Hương Giang là một trường hợp cá biệt của showbiz Việt. Thực lòng tôi không hiểu, bằng một cách nào đó cô ấy đã vượt qua rất nhiều scandal trong quá khứ để liên tục có được chỗ đứng. Điều đó trong ngắn hạn tưởng là hay nhưng thực ra lại dở.
Các scandal không được giải quyết thấu đáo, triệt để và tích lũy lại dần theo năm tháng cho tới khi bùng nổ. Đây là cơ hội để Hương Giang xử lý dứt điểm một lần, bỏ đi và làm lại. Cách giải quyết sự vụ như việc nhắn tin xin lỗi Lâm Khánh Chi vừa rồi của Hương Giang chỉ càng làm mọi việc trở nên rối ren hơn (vì danh sách nghệ sỹ mà Hương Giang phạm lỗi nhiều không kể nổi).
Còn Hương Giang của sau này, hay với bất cứ một nghệ sỹ nào khác, chỉ cần xác định rõ ràng cả fan và antifan đều quan trọng như máu thịt của mình. Cả hai lực lượng đó đều giúp nghệ sỹ duy trì sức nóng và tỏa sáng.
Người nghệ sĩ chân chính không cần đôi co và đừng đối đầu với antifan làm gì cho thiệt. Thay vào đó, hãy coi như họ đang cần mẫn giúp mình nhìn ra điểm yếu của bản thân để mà sửa đổi – vốn là việc mà lực lượng fan chẳng bao giờ làm được tốt hơn.
Tất nhiên, đó chỉ là góp ý từ phía tôi. Còn Hương Giang có chọn cách trở thành một nghệ sỹ chân chính hay không là do cô ấy.
Nguyễn Ngọc Long là chuyên gia truyền thông, có hơn 15 năm nghiên cứu về truyền thông và xây dựng thương hiệu cá nhân. Nguyễn Ngọc Long cũng từng là diễn giả của nhiều sự kiện chia sẻ các vấn đề truyền thông cho start-up hay xử lý khủng hoảng truyền thông.
Vì sao Hương Giang bị tẩy chay dữ dội?
Đến bây giờ, khi cơn thịnh nộ của cộng đồng mạng đã chuyển qua giai đoạn bình lặng hơn, có lẽ Hương Giang cần bình tâm nhìn lại để xem vì sao số lượng "anti" mình đông thế?
* Cuộc chiến giữa Hương Giang và antifan kéo dài nhiều ngày nay. Hương Giang tiếp tục bị kêu gọi tẩy chay trên diện rộng, ở nhiều chương trình, nhiều sự kiện cô tham dự. Dưới đây là bài viết dưới góc nhìn của chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long.
Nghệ sĩ có người yêu kẻ ghét là hết sức bình thường. Nhưng nếu chỉ sau một đêm mà có cả trăm nghìn người lên tiếng tẩy chay, thì đó quả là hy hữu. Nhưng cái gì cũng có nguồn cơn của nó.
Hàng trăm lý do để yêu
Hương Giang là ca sĩ chuyển giới nổi tiếng tại Việt Nam. Cô bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực giải trí từ năm 2012. Sau 8 năm, Hương Giang dành được cho mình bảng dài thành tích.
Cô phát hành nhiều album nhạc và các đĩa đơn, ra mắt tự truyện, đóng phim, làm MC, trình diễn thời trang, tham dự cuộc thi sắc đẹp, làm đại sứ nhãn hàng và cả kinh doanh.
Hương Giang đạt nhiều giải thưởng trong các chương trình giải trí trên truyền hình, giải nhất cuộc thi sắc đẹp cho người chuyển giới do một công ty nhỏ ở Thái Lan tổ chức. Uy tín hơn cả là danh hiệu top 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2019 thuộc lĩnh vực Hoạt động xã hội do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn.
Về ngoại hình, Hương Giang được coi là ca chuyển giới thành công với sắc vóc mềm mại gọn gàng, giọng nói nhỏ nhẹ nữ tính. Cô gây ấn tượng bởi sự thông minh, lối nói chuyện sắc sảo, lý luận chặt chẽ và bản lĩnh.
Về đời sống cá nhân, Hương Giang giành được sự cảm thông với hành trình vươn lên, nỗ lực tìm lại giới tính thật của bản thân, sẵn sàng chia sẻ rộng rãi câu chuyện của mình. Và đến nay, có thể coi như cô đang hạnh phúc với tình yêu viên mãn.
Tóm lại, nếu cần tìm một nghệ sĩ để "thần tượng", thì xét trên bình diện chung, Hương Giang là ứng cử viên sáng giá.
Hàng nghìn lý do để ghét
Đọc các bình luận "phẫn nộ" từ nhiều hội nhóm, không khó để tổng hợp được vô số lý do khiến người ta "thấy ghét" Hương Giang (mà dưới đây tôi xin phép được dùng từ antifan như một danh từ chung để gọi).
Antifan nói cô hát dở. Và điều này được minh định bằng nhận xét của "giám khảo" Mỹ Tâm. Trong cuộc thi Vietnam Idol năm thứ 2 Hương Giang tham dự, Mỹ Tâm nói Hương Giang có thực lực kém nhất trong top 16 thí sinh. Và thực tế là dù sở hữu nhiều sản phẩm âm nhạc có lượt xem khá, Hương Giang cũng không được giới chuyên môn đánh giá cao.
Antifan nói cô nhảy xấu, kèm một danh sách các đoạn video ghi lại cảnh cô trình diễn nhìn rất lạ và... vui! Antifan ghi nhận Hương Giang "đầu tư nghiêm túc", "lăn xả" và "xông xáo" trong điện ảnh nhưng đánh giá diễn xuất của cô là "dở tệ".
Antifan lên án đời tư của của Hương Giang vì cho rằng tự truyện của cô cổ xúy chuyện "lừa thầy phản bạn", và lợi dụng tiền bạc người lớn tuổi.
Cô nhận nhiều chỉ trích trên mạng xã hội.
Antifan gán cho Hương Giang danh hiệu "nữ hoàng đạo lý" vì cô liên tục "lên giọng dạy dỗ" đồng nghiệp, giới truyền thông, khán giả và cả bố mẹ họ thế nào là đúng thế nào là sai về... mọi thứ trên đời.
Từ công việc, cuộc sống, ăn ngủ, vận động, thể thao, tâm sinh lý, đến cách giữ chồng giữ vợ. Cộng thêm việc thiếu tiết chế khi bày tỏ quan điểm cá nhân, Hương Giang bị antifan cho rằng cô quá "lộng ngôn".
Antifan quy kết Hương Giang "sống lỗi" khi cô đụng độ với các nghệ sĩ khác trên mọi mặt trận. Cô nói xấu Lâm Khánh Chi và miệt thị giới tính đàn chị. Cô vô lễ với nghệ sĩ gạo cội Trung Dân. Cô nói chuyện tục tĩu với các thí sinh trong cuộc thi siêu mẫu. Cô phát ngôn xem thường ca sĩ Tim, cãi lộn với Trang Trần và "cà khịa" khi siêu mẫu này gặp chuyện không may.
Antifan cho rằng Hương Giang sống hai mặt và giả dối khi dùng câu chuyện giới tính của mình để bước chân vào showbiz nhưng lại phát ngôn sai trái về cộng đồng LGBT.
Cô phẫu thuật chuyển đổi giới tính và thẩm mỹ nhưng nhận xét nghệ sĩ Lê Giang đã "sửa quá nhiều". Cô đạt danh hiệu Hoa hậu chuyển giới - vốn là một cuộc thi quy mô nhỏ, nhưng lại thản nhiên phủ nhận hậu tố "chuyển giới" để coi mình là "hoa hậu".
Gần đây nhất, antifan quy kết Hương Giang lợi dụng sự yêu mến của người hâm mộ để kiếm tiền sai trái vì "kinh doanh kem trộn" kém chất lượng.
Tại sao bị tẩy chay?
Một lần nữa tôi nhắc lại, nghệ sĩ có người yêu kẻ ghét là hết sức bình thường. Những lý do khiến Hương Giang bị ghét không là cá biệt. Vậy tại sao người khác cũng mắc lỗi đó không bị làm lớn chuyện, còn Hương Giang lại bị tẩy chay?
Vì sao Hương Giang bị khủng hoảng vì antifan hơn các nghệ sĩ khác?
Thứ nhất, Hương Giang là nghệ sĩ duy nhất "bán sỉ" những điều xấu xí cho người hâm mộ.
Ai đó có thể hát dở nhưng nhảy đẹp. Ai đó có thể nhảy xấu nhưng lại dễ thương. Ai đó có thể đóng phim bị "đơ" nhưng đáng yêu và lễ độ. Ai đó có thể vừa hát chưa hay, nhảy chưa đẹp, đóng phim kém nhưng họ lại thật thà. Nhưng chỉ có Hương Giang là có đủ các thói hư tật xấu ở cả tài năng và tính cách.
Thứ hai, Hương Giang là "hoa hậu" duy nhất đóng vai cô giáo và nhà phê bình cuộc sống.
Như đã nói, Hương Giang có trí thông minh ngôn ngữ. Cô hoạt ngôn, thông minh và sắc sảo. Bộ môn nào cô cũng biết, nhưng lại không đạt cấp độ chuyên gia. Vì thế, các quan điểm cá nhân của cô không đủ uy tín và sẽ khiến người đối diện có cảm giác cô đang "chém gió", lên mặt dạy đời. Vốn là việc tối kỵ với quan niệm công - dung - ngôn - hạnh mà bất cứ hoa hậu nào cũng cần phải có (ngay cả với một hoa hậu tự phong).
Thứ ba, Hương Giang là nghệ sĩ duy nhất "tuyên chiến" với với số đông khán giả.
Ai quan tâm đến showbiz Việt đều dễ dàng liệt kê vô số scandal "kinh thiên động địa" hơn các sự cố mà Hương Giang gặp phải.
Không biết Hương Giang có nhận ra không. Rằng những scandal trong quá khứ của Hương Giang, đều là câu chuyện của cô với một người nào đó (với Lâm Khánh Chi, nghệ sĩ Trung Dân, Lê Giang, ca sĩ Tim, siêu mẫu Trang Trần...).
Và tất nhiên, scandal đó có thể "bùng nổ" thành mâu thuẫn giữa những người hâm mộ cô và những người hâm mộ của nghệ sĩ mà cô "đắc tội". Còn với số đông khán giả ở ngoài, họ có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng thực sự không quá liên quan.
Chỉ tới khi cô hùng hồn tuyên bố tất cả antifan của cô đều là người xấu, là những "kẻ không thiện chí", chăm chăm nói xấu cô để "dìm hàng".
Vì sai lầm trong câu chữ, lý ra Hương Giang chỉ nên "cảnh cáo" những người bôi nhọ mình, cô lại khiến cho tất cả khán giả không-hâm-mộ cô có cảm giác trở thành nhân vật chính bị cô chỉ trích. Hương Giang vô tình tuyên chiến với số đông xung quanh mình, và cho họ tính chính danh để liên kết lại với nhau nhằm chống lại cô.
Tôi cho rằng đây là lý do quan trọng nhất, mang tính kích hoạt sự phẫn nộ không hồi kết của đám đông.
Bên nào sẽ thắng?
Khi đã mang "pháp luật" và "tù tội" ra đe dọa, câu chuyện không còn là thích hay không thích, không còn là ghét hay yêu. Hương Giang đẩy câu chuyện trở thành "tao sống" thì mày "phải chết". Cô buộc những người đang không ưa cô phải chọn cách tấn công để tự vệ. Cô buộc họ phải liên kết lại với nhau để tận dụng sức mạnh đám đông.
Nếu không tỉnh táo để ngay lập tức tháo ngòi nổ cuộc chiến này, Hương Giang sẽ nhận về một kết cục khó lường. Vì cô đã từ đúng thành sai, cô đánh mất tính chính danh khi đánh đồng tất cả "người-không-thích-Hương Giang" trở thành "kẻ-xấu".
Nguyễn Ngọc Long là chuyên gia truyền thông, có hơn 15 năm nghiên cứu về truyền thông và xây dựng thương hiệu cá nhân. Nguyễn Ngọc Long cũng từng là diễn giả của nhiều sự kiện chia sẻ các vấn đề truyền thông cho start-up hay xử lý khủng hoảng truyền thông.
Tiết lộ biên bản ghi nhận việc công an và Hương Giang đến nhà antifan làm việc Trước đó, Hương Giang đã vướng phải tin đồn dàn dựng clip đối chất với antifan trên YouTube, khiến công chúng xôn xao bàn tán. Những ngày gần đây, diễn biến trong drama của Hương Giang và antifan khiến dân tình dành sự chú ý. Đáng chú ý hơn cả, vào tối 31/10, Hương Giang còn tung clip gần 18 phút đến tận...