Lời trăn trối của nữ y tá Ấn Độ chết trong dịch virus Nipah
“Em sẽ không thể gặp lại anh nữa. Xin lỗi. Hãy chăm sóc các con thật tốt”, nữ y tá Lini Puthusheri nhắn nhủ chồng.
Trong khu vực cách ly, Lini Puthusheri viết từng chữ nguệch ngoạc bằng bút mực xanh. Nhiễm virus Nipah từ các bệnh nhân do mình chăm sóc, nữ y tá 31 tuổi lúc ấy đang chờ cái chết.
“Em nghĩ sắp đến lúc rồi. Em sẽ không thể gặp lại anh nữa. Xin lỗi”, Lini nhắn nhủ chồng. “Hãy chăm sóc các con thật tốt. Yêu anh rất nhiều”.
Nữ y tá Lini Puthusheri khi còn sống. Ảnh: BBC.
Theo The Hindu, chồng Lini là Sajeesh cho biết vợ mắc bệnh sau khi chăm sóc Mohammed Sadik, một trong những bệnh nhân nhiễm virus Nipah đầu tiên được phát hiện hồi đầu tháng 5 ở bang Kerala. “Một hai ngày sau cái chết của Sadik, cô ấy bỗng dưng sốt cao”, Sajeesh kể.
Ngày 20/5, nghe tin Lini ốm nặng, Sajeesh khẩn trương về nhà từ chỗ làm nhưng vợ anh đã được chuyển vào khu vực cách ly. “Cô ấy phải đeo ống thở vì lượng oxy quá thấp”, Sajeesh nghẹn ngào. “Lini không thể nói được nên nắm chặt lấy tay tôi”.
Lini trút hơi thở cuối cùng ngày 21/5. Lúc này, thân nhân nữ y tá mới tiết lộ lời nhắn của cô gửi tới chồng. Để tránh nhiễm virus, thi thể Lini không được trao trả cho gia đình mà hỏa táng dưới sự giám sát của các chuyên gia y tế.
Theo AFP, từ đầu tháng 5 đến nay, ít nhất 10 người Ấn Độ đã tử vong và hơn 90 người bị cách ly vì virus Nipah. Bị xếp vào danh sách các mầm bệnh nguy hiểm nhất thế giới theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), virus Nipah lây truyền qua dơi, lợn hoặc tiếp xúc giữa người với người.
Virus Nipah gây sốt cao, co giật, nôn mửa, viêm não và khiến 75% bệnh nhân tử vong. Đây là virus mới xuất hiện và hiện chưa có văcxin. Biện pháp điều trị duy nhất là chăm sóc hỗ trợ nhằm đem lại sự thoải mái cho bệnh nhân.
Minh Nguyên
Theo vnexpress.net
Video đang HOT
Tranh cãi kịch liệt vụ 2 học sinh ôm nhau bày tỏ tình cảm
2 bạn học sinh trẻ ôm nhau đã trở thành đề tài tranh cãi kịch liệt sau khi trường của 2 em quyết định đuổi học họ vì tội "công khai bày tỏ tình cảm".
Phóng viên của BBC đã nói chuyện với hai bạn học sinh này.
Sau khi hát trên sân khấu trong một cuộc thi tại trường trung học St Thomas ở bang Kerala, miền nam Ấn Độ, cô bé 15 tuổi bèn hỏi bạn mình, một nam sinh 16 tuổi, rằng mình hát thế nào. Cậu thiếu niên liền ôm lấy cô gái và chúc mừng màn biểu diễn của cô.
Nam sinh trong vụ việc. (Ảnh: Vivek Nair)
Cô gái (đề nghị phóng viên không chụp ảnh) nói với BBC: "Việc đó [việc ôm] chỉ kéo dài một hoặc hai giây. Có nhiều học sinh và giáo viên ở quanh và em không thấy là mình đã làm điều gì sai trái cả".
Nhưng một trong các giáo viên được cho là đã than phiền điều này với vị hiệu trưởng của ngôi trường, và rồi theo lời của cô gái, "mọi điều khủng khiếp bất ngờ đổ ụp xuống".
Ngay ngày hôm sau, ngày 22/7, cặp đôi nói trên bị đình chỉ học vô thời hạn. Bốn tháng sau đó, vào ngày 22/11, cậu bé bị đuổi học.
"Hành vi tục tĩu"
Hiệu trưởng Sebastian T Joseph của ngôi trường nói với BBC: "Nhà trường là nơi giáo dục trẻ em. Chúng tôi đã cho cậu ấy cơ hội xin lỗi, nhưng cậu ấy và cha mẹ của cậu không hề có chút ăn năn nào cả".
Nhưng nam sinh thì lại cho biết mình đã xin lỗi "ngay lập tức".
Trong khi đó, cô gái không quay lại trường nữa vì theo hồ sơ của ngôi trường này, cô còn chưa xong thủ tục đăng ký. Cô mới chuyển đến đây từ Dubai (UAE), nơi bố cô làm việc, và vào trường St Thomas vào tháng 6. Thủ tục giấy tờ liên quan đến việc nhập học của cô vẫn chưa hoàn tất khi xảy ra "sự cố" ôm nhau.
Mặc dù vậy, cả hai học sinh lại được yêu cầu ra trình diện Ủy ban kỷ luật mà trường này đã thành lập để điều tra các "cáo buộc" nói trên.
BBC có được một bản sao tờ "cáo buộc" do trường St Thomas soạn. Theo đó, nhà trường tố cáo hai học sinh đã có "hành vi công khai bày tỏ tình cảm một cách không đứng đắn, thiếu đạo đức và vô kỷ luật" khi đứng trước các học sinh khác và các giáo viên.
Ngôi trường St Thomas. (Ảnh: Vivek Nair)
Cáo buộc cũng nói rằng các trang blog và tài khoản Instagram cá nhân của hai học sinh có cả "những đoạn hội thoại và bức hình có tính chất thân mật, lộ liễu, thô lỗ, tục tĩu và chướng tai gai mắt".
Về phần mình, nam sinh nói với BBC rằng tài khoản Instagram của cậu là riêng tư và chỉ những người "follow" thì mới đọc được các đăng tải của cậu. Cậu khẳng định "chẳng có gì thô lỗ, tục tĩu" như tờ cáo buộc nêu.
Cậu thiếu niên cho biết thêm rằng cậu đã đáp lại các cáo buộc bằng việc giải thích với họ rằng cái ôm đó chỉ đơn giản là để chúc mừng và không có động cơ thiếu trong sáng nào đằng sau hành động đó cả.
Nữ sinh trong vụ việc này thì cho biết, các thành viên trong Ủy ban kỷ luật có trong tay các bức ảnh mà hai học sinh đã đăng trên Instagram và các vị này đã sử dụng những từ có tính lăng mạ để gọi hai em.
Cô gái kể: "Một lãnh đạo trong ban đó đã gọi em là đồ chó cái động đực".
Cuộc chiến pháp lý
Vào thời điểm ủy ban nói trên kết luật hai học sinh có tội, hai em đã nghỉ học hơn 4 tháng.
Trong thời gian đó, cha mẹ của nam sinh đã khiếu kiện lên Ủy ban quyền trẻ em của bang Kerala, và ủy ban này đã ra lệnh cho trường thu hồi lại quyết định đình chỉ học.
Nhưng ngôi trường cũng chẳng phải vừa - họ đã kháng cáo lên Tòa án Kerala - cơ quan này đã giữ lại lệnh đuổi học trên cơ sở nhà trường có quyền bảo vệ "các nguyên tắc và danh tiếng của mình".
Cha mẹ cậu bé đang đợi tòa mở lại sau kỳ nghỉ Giáng sinh để họ có thể kháng cáo tiếp.
Cha của cậu bé nói: "Chúng tôi đang đặt hy vọng vào hệ thống tư pháp". Kể từ khi cậu bé bị cho nghỉ học, ông đã nghỉ việc để có thể ở nhà xử lý vụ việc và hỗ trợ con trai mình.
Người cha cho biết, các lãnh đạo của ngôi trường nói trên không nằm trong danh sách những người "follow" các tài khoản Instagram của hai học sinh nhưng họ lại nhìn thấy các bức ảnh của hai em, sao chép và trình ra tòa.
Ông đặt nghi vấn: "Phải chăng là bọn họ rình rập hai đứa?". Ông cho biết, sẽ đưa vấn đề quyền riêng tư ra tòa.
Hai vợ chồng ông hiện đang lo lắng cậu con trai của mình sẽ lỡ kỳ thi cuối năm, mà điều này sẽ ảnh hưởng đến cơ hội được nhận vào đại học vì đây là năm cuối cấp.
Lãnh đạo nhà trường nói với BBC rằng họ đã cho phép cậu bé chuyển sang trường khác và việc cho cậu bé dự thi là tùy thuộc vào Ban giáo dục trung ương - một cơ quan độc lập.
Bản thân nhà trường sau vụ việc này đã vấp phải nhiều chỉ trích. Nhiều người xem quyết định của trường là lạ lùng và khắc nghiệt.
Hôm 21/12/2017 vừa qua, cậu bé đã nhận được thư của hiệu trưởng mời cậu tới dự một cuộc họp vào ngày 3/1/2018 tới đây để họ có thể xem xét lại "vấn đề" này.
Nhưng tình hình phía cô gái thì vẫn chưa rõ ràng. Cha mẹ cô không chắc mình sẽ đưa vấn đề này ra tòa hay không.
Mặc dù cô bé không muốn tiếp tục học ở St Thomas, cô vẫn hy vọng họ sẽ cho phép cô dự kỳ thi hàng năm để cô không bị mất cả một năm học.
Nữ sinh nói: "Tôi muốn học ở một cơ sở giáo dục tốt hơn, an toàn hơn, nơi mà người ta sẽ không đối xử với học sinh theo kiểu coi thường".
Cô cho biết mình đã xin học ở một trường khác nhưng đã bị từ chối nhập học chỉ vì sự cố trên. Cô tố trường St Thomas là đã "xâm phạm quyền học hành và quyền riêng tư của mình".
Theo Trung Hiếu (VOV)
Tâm sự đắng chát của mẹ chồng có 4 con dâu chẳng ai chịu ở chung nhà với bố mẹ Các con! Khi viết những dòng này, mẹ thực sự đang nghẹn đắng trong cổ họng, mẹ không phải vì muốn lên án hay chỉ trích các con, mẹ chỉ thấy chạnh lòng. Hôm nay, đi ăn cưới ngồi nói chuyện với mấy người bạn học cũ, mấy chục năm về trước, mẹ thấy họ vui vẻ lắm. Họ cười nói xốn xang...