Lời tiễn biệt đẫm nước mắt của anh trai Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An
Lời tiễn biệt của ông Lê Hải Khôi trong lễ truy điệu Thứ trưởng Lê Hải An khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
Ngày 21/10, hàng nghìn người đến Nhà tang lễ Nhà tang lễ Quốc gia (số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội) tiễn biệt Thứ trưởng Lê Hải An. Nhiều người không được nước mắt và vẫn chưa tin sự ra đi đột ngột của Thứ trưởng Lê Hải An là sự thật.
Tại lễ truy điệu, ông Lê Hải Khôi – anh trai Thứ trưởng Lê Hải An chia sẻ: “Sự ra đi của em trai là tổn thất vô cùng to lớn không gì có thể bù đắp được của đại gia đình và dòng họ.
Ngành giáo dục nước nhà mất đi một niềm hy vọng, gia đình mất đi một người con hiếu thảo, vợ con mất đi một điểm tựa vững vàng, dòng họ mất đi một thành viên ưu tú. Làm sao có thể diễn tả được nỗi đau thương mất mát này…”.
Ông Lê Hải Khôi dường như không thể trụ vững khi nói lời tiễn biệt em trai – Thứ trưởng Lê Hải An. (Ảnh: Phạm Chiểu)
Ông Khôi thay mặt gia đình cảm ơn Bộ GD&ĐT, Đại học Mỏ – Địa chất, các lãnh đạo, cơ quan, họ hàng nội, ngoại gần xa gửi những lời thăm hỏi, động viên, cũng như giúp đỡ để tang lễ được tổ chức chu đáo.
Những giây phút tiếp theo, ông Khôi dường như không thể trụ vững khi nói những lời cuối cùng với em trai: “Hải An ơi, em ra đi khi tuổi đời còn đang trẻ, khi sự nghiệp chỉ mới bắt đầu, khi những hoài bão đang dần có cơ hội thực hiện. Nhưng sao lại em đột ngột, đau xót như thế em ơi… Trời ơi sao lại thế?
An ơi, em có biết không, những ngày qua, núi Hồng Lĩnh mây dày bao phủ, dòng sông Lam nước lũ đỏ ngầu, như xuân gió thảm mưa sầu, Hà Thành nước ngập nghẹn câu nhân tình… Người đời khóc về em đấy, Hải An ơi…
Video đang HOT
Gia đình, dòng họ, người thân càng tự hào về em bao nhiêu, bạn bè, đồng nghiệp, học trò càng nể phục quý mến em bao nhiêu thì giờ đây càng đau xót tiếc thương em bấy nhiêu.
Hàng nghìn người không cầm được nước mắt trong tang lễ Thứ trưởng Lê Hải An. (Ảnh: Phạm Chiểu)
An ơi, còn đâu những giờ phút anh em tranh thủ gặp nhau gần nửa đêm, chú cháu tranh thủ điện thoại lúc tờ mờ sáng để tâm sự, trao đổi, lo lắng cho sức khỏe của bố mẹ, ông bà. Còn đâu những hôm mấy anh em cùng nhau đi thăm họ hàng người thân, còn đâu lúc ba anh em quây quần bên bố mẹ nghe kể chuyện cuộc đời, đóng góp cho nền giáo dục Việt Nam.
Hải An ơi, em cứ yên lòng nhé. Anh Khôi, anh Thanh cùng gia đình lớn, nhỏ sẽ thay phần An chăm sóc bố mẹ, quan tâm chăm lo cho Lê và các cháu Nguyên, Khuê. Đồng nghiệp và học trò sẽ tiếp tục thực hiện những hoài bão tâm huyết của An còn đang dang dở, cầu mong linh hồn em siêu thoát nơi miền cực lạc.
Hãy yên nghỉ và thanh thản nhé An. Vĩnh biệt em, em trai yêu quý!“
Nhiều tiếng khóc nấc vang lên trong bầu không khí tang thương bao trùm sau lời nhắn nhủ tiễn đưa của anh trai Thứ trưởng Lê Hải An.
Sáng 17/10, Thứ trưởng Lê Hải An qua đời tại trụ sở Bộ GD&ĐT ở Hà Nội do tai nạn.
Ông Lê Hải An sinh năm 1971 tại Hà Nội, nguyên quán tại Xuân Đan, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông là kỹ sư Địa Vật lý, Đại học Thăm dò Địa chất Matxcơva, CHLB Nga; thạc sĩ Dầu khí, Đại học Tổng hợp Brunei; tiến sĩ Dầu Khí Đại học Heriot – Watt, Vương quốc Anh.
Ông Lê Hải An có nhiều năm công tác tại Đại học Mỏ Địa chất. Cụ thể ông An bắt đầu quá trình làm việc tại trường Đại học Mỏ Địa chất từ tháng 12/1995 với vai trò trợ giảng, bộ môn Địa vật lý, Khoa Dầu khí.
Tháng 8/1998, ông trở thành giảng viên của bộ môn Địa vật lý. Năm 2008, ông là trưởng khoa Dầu khí của trường.
Năm 2010, ông được công nhận chuẩn chức danh phó giáo sư. Ông là phó hiệu trưởng Đại học Mỏ – Địa chất từ năm 2011-2014.
Tháng 3/2014, ông Lê Hải An được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Đại học Mỏ Địa chất. Ngày 2/11/2018, ông Lê Hải An được Thủ tướng điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.
HẠ VŨ
Theo VTC
Kỳ thi đầu cũng là kỳ thi cuối của thứ trưởng Bộ GDĐT Lê Hải An
Tin Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An đột ngột qua đời khi rơi từ tầng 8 tòa nhà trụ sở bộ sáng 17/10 khiến người thân, bạn bè, đồng nghiệp, học trò cũ của ông bàng hoàng, xót xa.
Sinh năm 1971 tại Hà Nội, nguyên quán tại Xuân Đan, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, ông là kỹ sư địa vật lý tại ĐH Thăm dò địa chất Matxcơva, Nga; thạc sĩ dầu khí tại ĐH Tổng hợp Brunei; tiến sĩ dầu khí tại ĐH Heriot - Watt, Anh. Ông bắt đầu làm việc tại ĐH Mỏ - Địa chất từ tháng 12/1995 với vai trò trợ giảng bộ môn địa vật lý, khoa Dầu khí. Từ tháng 3/2014 - 11/2018 ông giữ chức Hiệu trưởng ĐH Mỏ - Địa chất, Hà Nội. Từ tháng 11/2018 ông giữ chức Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.
Thứ trưởng Lê Hải An hỏi thăm động viên em Lý Thị Ban tại điểm thi trường THPT Nà Giàng, huyện Hòa An, Cao Bằng tại kỳ thi THPT quốc gia 2019 ảnh: NGHIÊM HUÊ
Ông An xuất thân từ một gia đình trí thức, cha là Nhà giáo nhân dân Lê Hải Châu, tác giả nhiều cuốn SGK toán phổ thông, người từng nhiều năm làm trưởng đoàn dẫn đội tuyển Việt Nam dự các kỳ thi Olympic toán học quốc tế. Anh trai ông là GS Lê Hải Khôi, từng là thành viên đội tuyển quốc gia thi Olympic toán quốc tế, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, hiện nay đang công tác tại ĐH Quốc gia Singapore (NTU).
Mùa thi 2019, lần đầu tiên, ông Lê Hải An tham gia chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia với vai trò là thứ trưởng sau hơn nửa năm nhận nhiệm vụ. Trước kỳ thi, từ tháng 4, Thứ trưởng Lê Hải An đã có các chuyến đi kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị thi tại các địa phương như Cao Bằng, Bắc Giang.
Khi bước vào kỳ thi, một số phóng viên nhận được thông tin lên đường "hành quân" 3 ngày diễn ra kỳ thi theo cung đường Hưng Yên, Bắc Ninh, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn. Đoàn kiểm tra do Thứ trưởng Lê Hải An dẫn đầu. Lần đầu đi làm thi với Thứ trưởng Lê Hải An, ấn tượng đầu tiên với phóng viên là khả năng đi bộ rất nhanh của ông. Tại các điểm thi, ông luôn quan tâm điều kiện đi lại, ăn ở của thí sinh, giám thị coi thi. Ông cũng "soi" rất kỹ cơ sở vật chất, điều kiện đảm bảo an toàn tại phòng thi, xung quanh trường thi. Đến điểm thi nào, ông cũng đảo một vòng khu vực thi. Chỗ nào đã làm tốt, chỗ nào vẫn còn phải hoàn thiện, ông đều có những chia sẻ cụ thể. Vị thứ trưởng thường đến điểm thi trước khi bắt đầu thời gian gọi thí sinh vào phòng thi, nhờ vậy ông có thời gian hỏi han, trò chuyện cùng thí sinh và giám thị.
Khi đến điểm thi trường THPT Nà Giàng (huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng), ông hỏi thăm, động viên hai thí sinh Sùng Thị Sao và Lý Thị Ban, dân tộc H'Mông. Sùng Thị Sao cho biết hàng ngày đến trường, em phải đi bộ quãng đường khoảng 20km toàn đá tai mèo sắc nhọn vì không có phương tiện nào có thể đi được.
Sao có 7 anh chị em, bố mất khi em mới được 8 tháng, gia cảnh khó khăn nên chỉ có mình em được ăn học. Đồng hành với Sao suốt ba năm là Lý Thị Ban. Những ngày thi, Sao và Ban được cô hiệu trưởng cho ở nhờ để tiện đi lại. Thứ trưởng Lê Hải An động viên các em thi thật tốt, cố gắng thực hiện bằng được giấc mơ ĐH để trở thành những sinh viên đầu tiên của của bản.
Thời gian diễn ra kỳ thi, đi qua hàng nghìn km, đoàn công tác do Thứ trưởng Lê Hải An dẫn đầu chỉ dừng chân lúc ăn và nghỉ buổi tối còn lại ông dành hết cho công việc. Kỳ thi THPT quốc gia 2018 với những sai phạm không nhỏ đã để lại hậu quả nặng nề. Để lấy lại niềm tin trong xã hội, những người trong Ban chỉ đạo thi Quốc gia của ngành giáo dục không thể không nhận thấy trách nhiệm của mình tại kỳ thi THPT quốc gia 2019. Theo đoàn công tác, phóng viên các báo đều nhận ra điều đó ở Thứ trưởng Lê Hải An. Chỉ đạo xuyên suốt của ông là nghiêm túc, công bằng nhưng không được tạo căng thẳng, khó khăn cho thí sinh.
Theo Nghiêm Huê (Tiền Phong)
Thứ trưởng Bộ GDĐT Lê Hải An đột ngột qua đời vì ngã từ tầng cao Theo nguồn tin của Dân Việt, ngày 17/10, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Lê Hải An bị tử vong sau khi ngã từ trên cao xuống đất tại tòa nhà trụ sở Bộ Giáo dục - Đào tạo ở Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Lê Hải An. (Ảnh: I.T) Sáng nay, một nguồn tin của...