Lời thú nhận của người huấn luyện chiến binh IS
Cái giá mà Abu Khaled phải trả cho quyết định rời bỏ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo là hiểm nguy rình rập và mạng sống có thể bị tước đi bất cứ lúc nào.
Phiến quân Nhà nước Hồi giáo diễu hành trên phố. Ảnh: Reuters
Phải mất khá lâu phóng viên Michael Weiss từ Daily Beast mới có thể thuyết phục Abu Khaled, từng là một phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), tiết lộ câu chuyện của mình. Sau hàng tuần trao đổi trên Skype và WhatsApp, Weiss cũng phác thảo được đôi nét cơ bản về tiểu sử của Khaled.
Ông từng thuộc “ban an ninh” của Nhà nước Hồi giáo (IS), nhận nhiệm vụ huấn luyện chiến binh jihad và các tay súng nước ngoài. Nhưng nay, theo lời Khaled, vì rời bỏ tổ chức nên ông bị săn đuổi. Dù vậy, Khaled không muốn trốn chạy khỏi Syria vì như thế ông sẽ phải xa vợ và bỏ lại căn hộ vừa mua ở Aleppo. Điều này khiến việc tiếp cận trực tiếp Khaled gần như bất khả thi.
Nhưng thông qua những gì Khaled chia sẻ trong các cuộc trò chuyện trên mạng, Weiss tin rằng ông ta đúng là một thành viên của IS bởi Khaled hiểu rõ về cách mà tổ chức này vận hành, ai là người chịu trách nhiệm chính, phân chia công việc ra sao, quân số có bao nhiêu người. Khaled am hiểu tường tận về sự dã man đến mức bất thường trong các quy định mà những kẻ thuộc đội ngũ an ninh của IS tạo ra để theo dõi dân chúng sống tại vùng đất chúng cai trị hay để giám sát lẫn nhau. Khaled cũng lý giải được tại sao mà rất nhiều người vẫn tôn thờ IS, bất chấp những tội ác khủng khiếp mà nhóm này gây ra.
Khaled từng làm việc với hàng trăm chiến binh ngoại quốc của IS. Không ít người trong số này đã trở về quê hương để thực hiện những “sứ mệnh” mà tổ chức giao phó, bao gồm cả việc làm gián điệp ngay trong lòng những đất nước mà IS cho là kẻ thù.
Đối với một tay súng đào tẩu khỏi tổ chức như Khaled, hiểm nguy luôn rình rập. Điều này lý giải vì sao Khaled không muốn di chuyển cả quãng đường dài để đến Thổ Nhĩ Kỳ gặp mặt trực tiếp với Weiss theo lời đề nghị đưa ra trước đó.
Như lời Khaled kể, IS có khả năng lần theo ông đến cả “vùng đất của những kẻ vô đạo” và giết chết ông ta ngay tại đó. Thực tế, đã có hai nhà hoạt động từ Raqqa, trung tâm đầu não của IS ở Syria, bị các tay súng cực đoan hành quyết chặt đầu tại thành phố Sanliurfa, Thổ Nhĩ Kỳ, hồi cuối tháng trước.
“Không thể cứ thế mà rời khỏi đất của IS”, Khaled nói. Điều này càng khó khăn hơn đối với ông bởi hầu hết những khu vực biên giới hiện đều bị kiểm soát bởi các tay súng mà Khaled từng huấn luyện. “Tất cả bọn họ đều biết mặt tôi”.
“Tôi không thể đi đâu cả”, Khaled nhiều lần nhấn mạnh. “Tôi giờ là một kafir rồi”, ông nói, sử dụng một từ mà IS dùng để chỉ những kẻ phản bội lại cái gọi là đức tin của Nhà nước Hồi giáo. “Tôi từng là người Hồi giáo và nay là một kafir. Tôi không thể quay đầu lại nữa. Cái giá phải trả chính là mạng sống”.
Dù Khaled quả quyết sẽ chết ở Syria nhưng bằng cách nào đó Weiss cuối cùng cũng thuyết phục được ông tới gặp ở Thổ Nhĩ Kỳ. Vay mượn số tiền khoảng 1.000 USD, Khaled trải qua hành trình hơn 1.200 km đi từ Aleppo tới Istanbul bằng xe hơi và xe buýt để hội ngộ Weiss.
Tẩy não
“Cả cuộc đời tôi là người Hồi giáo, nhưng giờ đây tôi không còn tin vào Sharia hay bất cứ tôn giáo nào khác nữa”, Khaled cho biết. “Một ngày nọ, tôi nhìn khuôn mặt mình trong gương với bộ râu rậm. Tôi thậm chí còn không nhận ra mình. Có ai đó trong đầu tôi những lại không phải tôi”.
Khaled là một người đàn ông trung niên, có học thức, biết ngoại ngữ và có kinh nghiệm huấn luyện quân đội. Những đặc điểm này khiến các lãnh đạo IS đánh giá cao giá trị của ông. Khaled nay đã cạo sạch bộ râu rậm mà ông bị ép để, làm lộ ra vẻ ủ dột, khắc khổ. Trông ông hốc hác và như vừa bị ai đó đánh đập.
Khaled tham gia IS ngày 19/10 năm ngoái, một tháng sau khi liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu mở rộng chiến dịch không kích sang Raqqa. Khaled khi đó thấy có nghĩa vụ phải đứng vào hàng ngũ IS bởi ông tin rằng Mỹ, cũng giống như Iran hay Nga, đang lên kế hoạch để củng cố chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người mà Khaled chống lại.
Video đang HOT
Sự tò mò cũng là động lực thôi thúc Khaled. “Tôi thực chất coi đó như một cuộc phiêu lưu”, ông nói. “Tôi muốn xem loại người nào ở đấy. Thành thực mà nói, tôi không hối tiếc. Giờ chúng là kẻ thù của tôi và tôi hiểu rất rõ kẻ thù của mình”.
Sau khi rời IS, Khaled đang tập trung xây dựng một tiểu đoàn để chống lại chính những đồng đội trước kia.
Theo Khaled, những thủ tục để đưa ông vào hàng ngũ của IS được tổ chức tương đối chặt chẽ, kỹ lưỡng. Ông ban đầu tiếp cận một trạm kiểm soát nằm trong tay IS ở thị trấn Tal Abyad, gần biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ. “Chúng hỏi tôi ‘Ông từ đâu đến’. Tôi trả lời ‘Raqqa’. Chúng hỏi tôi vì sao. Tôi trả lời vì muốn gia nhập IS. Rồi chúng kiểm tra hành lý của tôi”.
Từ Raqqa, Khaled đến “Đại sứ quán Homs”, tòa nhà hành chính của IS, nơi mọi người Syria muốn gia nhập tổ chức đến để nộp đơn. Ông ở hai ngày tại đây sau đó được đưa đến “Ban Quản lý Biên giới”.
“Chúng coi tôi là người nhập cư bởi tôi sống bên ngoài Nhà nước Hồi giáo”, Khaled nói. Vì thế, ông phải được “nhập tịch” trước rồi phải vượt qua cuộc phỏng vấn do một người Iraq tên Abu Jaber đưa ra.
“Vì sao ông muốn trở thành một chiến binh IS”, Jaber hỏi. Khaled trả lời cho có lệ điều gì đó về cuộc chiến giữa người thập tự chinh và những kẻ tử vì đạo. Lời đối đáp của Khaled vừa đủ giúp ông đỗ bài kiểm tra nhỏ của Jaber.
Giai đoạn tiếp theo là tẩy não. “Tôi tới tòa án Sharia trong khoảng hai tuần để học. Chúng dạy người ta cách căm ghét người khác”, rằng những người không theo đạo Hồi phải chết bởi họ là kẻ thù của cộng đồng Hồi giáo, Khaled cười nói. “Đó không khác gì tẩy não”.
Các giáo sĩ phụ trách việc tuyên truyền này đều là những thanh niên trẻ tuổi với kinh nghiệm sống ít ỏi và dường như không biết gì về thế giới xung quanh.
Trong những tuần đầu tiên, Khaled gặp rất nhiều người đến từ Đức, Hà Lan, Pháp, Venezuela, Trinidad, Mỹ và Nga. Tất cả đều mới gia nhập. Giữa một cộng đồng quốc tế mà hầu hết không ai có thể nói chuyện bằng tiếng Arab, Khaled, một người thông thạo ba thứ tiếng Anh, Pháp và Arab, nghiễm nhiên trở nên đặc biệt quý giá. Ông trở thành thông dịch viên bất đắc dĩ.
Như một cách để cổ động, IS thường xuyên tổ chức các nghi lễ đốt hộ chiếu để những tay súng ngoại quốc hiểu rằng họ đã không còn đường trở về. Tuy nhiên, hành động này chỉ mang mục đích phô trương bởi đa phần những người mới đến đều tìm cách giữ lại hộ chiếu hoặc trước đó đã giao nộp cho “Ban Quản trị Nhân sự” của IS.
Trước khi cuộc chiến ở thị trấn chiến lược Kobani, Syria, diễn ra hồi năm ngoái, IS mang ánh hào quang của một tổ chức không thể bị khuất phục, khiến những kẻ ủng hộ trên khắp thế giới không ngừng kéo đến với khát khao được sống dưới lá cờ đen. Nhưng trong trận chiến kéo dài nhiều tháng này, lực lượng bán quân sự người Kurd do Mỹ hậu thuẫn đã chiến đấu kiên cường, tiêu diệt từ 4.000 đến 5.000 tay súng cực đoan.
“Gấp đôi con số trên là những người bị thương hoặc không thể tiếp tục chiến đấu”, Khaled cho hay. IS sau đó dùng họ làm bia đỡ đạn trên chiến trường. Tháng 9 năm ngoái, số lượng tay súng nước ngoài tham gia IS mỗi ngày lên tới 3.000 người, nhưng nay, con số này thậm chí còn không tới 60.
Sự suy giảm nghiêm trọng kể trên khiến chỉ huy cấp cao của IS phải điều chỉnh chiến lược sử dụng các chiến binh ngoại quốc.
“Điều quan trọng hơn cả là chúng đang tìm mọi cách để cài cắm chân rết trên phạm vi toàn cầu”, Khaled nhấn mạnh. Các thủ lĩnh IS nay “yêu cầu thành viên ở yên tại đất nước của họ để thực hiện hành vi bạo lực, giết hại dân thường, đánh bom hay bất cứ điều gì trong khả năng”.
Hiện trường bên ngoài một quán ăn bị tấn công ở Paris. Ảnh: AFP
Một số tay súng mà Khaled huấn luyện thực sự đã trở về nước, trong đó có hai người Pháp, khoảng 30 tuổi, mà ông không biết tên.
Sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố nhằm vào thủ đô Paris, Pháp, xảy ra tối hôm 13/11, Weiss liên lạc lại với Khaled để dò hỏi thông tin. Khaled khá chắc chắn rằng một hoặc cả hai người Pháp mà ông từng nhắc tới có liên quan đến vụ việc.
Khaled cho hay ông đang chờ truyền thông công bố hình ảnh của các nghi phạm để kiểm chứng nhưng đồng ý miêu tả sơ qua về những người này. Đầu tiên là một người gốc Bắc Phi, có thể từ Algeria hay Morocco, với chiều cao và cân nặng trung bình. Người kia có quốc tịch Pháp, lùn, mắt xanh, tóc vàng, rất giống một người cải sang đạo Hồi, có vợ và một con trai 7 tuổi.
Khi được hỏi đã cảnh báo cho ai về hai người này chưa, Khaled trả lời rằng “Có” rồi không nói thêm bất kỳ điều gì khác.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Kế hoạch "Sóng thần hạt nhân"
IS muốn xóa sạch các nước phương Tây trên bản đồ thế giới bằng "sóng thần hạt nhân". Đó là một trong những điều mắt thấy tai nghe của một nhà báo Đức qua 10 ngày "phiêu lưu vào cõi chết".
Jurgen Todenhofer là nhà báo duy nhất của một nước phương Tây được phép sống thử 10 ngày trong hang ổ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và trở về an toàn. Năm nay 75 tuổi, ông từng có 15 năm làm nghị sĩ Đảng CDU của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Năm 2000, ông bắt đầu làm phóng viên chiến trường. Cuối tháng 9-2015, ông cho ra mắt cuốn "Inside IS: Ten Days In The Islamic State" kể lại những điều mắt thấy tai nghe và cảm tưởng cá nhân trong 10 ngày "sống cùng, ở cùng" với chiến binh IS tại Iraq và Syria.
Kế hoạch của quỷ
Trong sách, ông Todenhofer tiết lộ những chi tiết ly kỳ, rùng rợn. Trong đó, đáng sợ nhất là kế hoạch " Sóng thần hạt nhân" nhằm quét sạch hàng trăm triệu sinh linh các nước phương Tây. Một cuộc thanh lọc tôn giáo lớn nhất trong lịch sử loài người bằng vũ khí hạt nhân.
Theo kế hoạch này, IS sẽ tiêu diệt tất cả người vô thần và những tín đồ tôn giáo khác, kể cả những người Hồi giáo phái Shiite ủng hộ dân chủ, vì theo quan điểm của IS, họ "áp đặt luật của loài người lên luật của Thượng đế". 500 triệu người là con số ông Todenhofer đưa ra khi nói đến kế hoạch của quỷ này.
Ông Todenhofer mất 7 tháng để chuẩn bị chuyến đi mạo hiểm của mình hồi tháng 12-2014. Trong suốt thời gian này, ông ra sức thuyết phục gia đình đồng ý để mình "phiêu lưu vào cõi chết". Ban đầu, mọi người phản đối quyết liệt. Cuối cùng, gia đình chỉ đồng ý nếu ông chấp nhận để con trai đi cùng làm nhiệm vụ quay phim, chụp ảnh làm tư liệu.
Nhà báo Jungen Todenhofer với chiến binh IS ở Mosul. (Nguồn: AP)
Bởi chuyến đi "lành ít, dữ nhiều" nên trước khi lên đường, ông Todenhofer để lại một tờ di chúc. Ông giải thích: "Dĩ nhiên, tôi đã xem những cuộn băng video chặt đầu con tin. Đó cũng là nỗi lo lớn nhất khi tôi thương lượng với IS. Tôi muốn họ bảo đảm rằng tôi sống sót trở về".
Sở dĩ Todenhofer được IS đồng ý cho đi thực tế vì ông nổi tiếng là người chỉ trích kịch liệt chính sách Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Hơn thế nữa, ông nhận được sự bảo lãnh của "Jihadi John" - tên thật là Mohammed Emwazi, gã đao phủ người Anh gốc Phi chặt đầu con tin Mỹ và Anh trong những clip video nổi tiếng của IS.
Trong 3 ngày đầu, ông Todenhofer chỉ liên lạc được với gia đình lần duy nhất tại một quán cà phê internet. Sau đó, ông bị tịch thu điện thoại di động. Bảy ngày còn lại, ông hoàn toàn mất liên lạc với gia đình và thế giới bên ngoài. Mấy cô con gái ở nhà rất lo cho cha và anh trai.
Hai cha con nhà báo Đức lưu trú lâu nhất ở Mosul - thành phố lớn thứ hai của Iraq, lọt vào tay IS hồi tháng 6 năm ngoái. Họ cũng từng đến Raqqa, "thủ đô" của IS và Deir ez-Zor, thành phố lớn nhất ở miền Đông Syria. Người đưa họ tới những nơi này bằng xe Jeep không ai khác hơn là đao phủ người Anh "Jihadi John". Hằng ngày, họ đối mặt với nguy cơ bị máy bay Mỹ và đồng minh phóng tên lửa tiêu diệt.
Cuộc sống người dân ở những nơi ông Todenhofer đến hết sức lầm than. Ông viết: "Họ sống trong các hố bom, các trại tập trung và những căn nhà bị trúng bom. Riêng tôi được ngủ trên sàn nhà. Đôi khi may mắn lắm tôi mới được ngủ trên tấm đệm bằng chất dẻo. Vật bất ly thân của tôi gồm một ba lô, một vali và chiếc túi ngủ".
Ông Todenhofer mô tả thái độ của người dân sống dưới chế độ IS ở Mosul nói riêng và các thành phố khác tại Syria nói chung là an phận, không chút than vãn bởi binh lính và chế độ IS rất tàn bạo. Điều gây ấn tượng lớn nhất với nhà báo Đức là sức mạnh của IS.
"Chúng kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng bằng nước Anh với tâm thế háo hức như lên đồng, điều mà tôi chưa từng thấy trong bất cứ vùng chiến sự nào. Mỗi ngày có hàng trăm chiến binh tình nguyện đổ về đây từ khắp nơi. Họ chiến đấu hăng hái vì IS. Việc chặt đầu được coi như một chiến lược răn đe, làm cho kẻ thù khiếp vía. Và nó tỏ ra khá hữu hiệu: Chỉ với chưa đến 400 tay súng, IS đã chiếm được Mosul" - ông Todenhofer kể lại. Trong trận đánh này, có tin lính Iraq mất tinh thần "bỏ của chạy lấy người" để lực lượng IS tràn vào chiếm lấy dễ như trở bàn tay.
Mạnh hơn phương Tây tưởng
Trong cuốn sách của mình, ông Todenhofer tỏ ra rất bi quan trong việc chống lại IS: "Chúng mạnh hơn chúng ta - những người phương Tây - tưởng rất nhiều. Đó là kẻ thù tàn bạo nhất, nguy hiểm nhất mà tôi từng thấy trong đời. Chúng không chỉ chặt đầu mà còn có cả một chiến lược thanh lọc tôn giáo. Đó là tư tưởng chính thống của IS. Chúng đang lên kế hoạch tàn sát 500 triệu người nếu có thể". Mua vật liệu phóng xạ để chế tạo "bom bẩn" và bom nguyên tử là một phương cách.
Tác giả cuốn "Inside IS: Ten Days In The Islamic State" kết luận: "Tôi không thấy có cơ may thật sự nào ngăn chặn được bọn chúng. Tôi trở về trong tâm trạng rất bi quan".
Trả lời phỏng vấn của đài Al-Jazeera sau khi rời khỏi Syria, nhà báo Đức tuyên bố: "Tôi nghĩ rằng chỉ có người Ả Rập mới có thể đánh thắng IS. Năm 2007, quân đội Iraq từng thắng một lần nhưng lúc đó vì IS quá yếu. Nhưng đó là khả năng và cách duy nhất ".
Trên trang Facebook của mình, ông Todenhofer đã long trọng cảnh báo: "Phương Tây không thể chiến thắng IS bằng quân sự bởi không có khái niệm gì về hiểm họa IS và đánh giá quá thấp sức mạnh cũng như hiểm họa của địch".
Qua kinh nghiệm cá nhân, nhà báo Đức nhận xét: "Chiến binh IS nguy hiểm và khôn ngoan hơn các nhà lãnh đạo chúng ta tưởng. Chúng có niềm tin sắt đá vào chiến thắng cuối cùng, điều mà tôi chưa hề thấy ở các chiến trường mình đã kinh qua".
(Kỳ tới: Mơ mộng hão huyền)
Theo Nguyễn Cao
Người Lao động
IS tung video cho thấy đống đổ nát sau cuộc đột kích của đặc nhiệm Mỹ Nhà nước Hồi giáo (IS) công bố một video cho thấy hiện trường sau cuộc đột kích của đặc nhiệm Mỹ vào nhà tù của nhóm ở bắc Iraq, trong đó một lính Mỹ đã thiệt mạng. Cảnh được cho là hiện trường ngổn ngang sau cuộc đột kích. Ảnh chụp màn hình Video được hãng tin thân IS Aamaq công bố, dường...