Lối thoát nào cho khủng hoảng kép ở Lebanon?
Giới chuyên gia cho rằng Lebanon sẽ không thể phục hồi sau vụ nổ ở Beirut nếu không giải quyết cả hai cuộc khủng hoảng về nhân đạo và chính trị.
Ít nhất 145 người chết, 5.000 người bị thương và khoảng 300.000 người phải mất nhà cửa sau vụ nổ kho chứa 2.750 tấn amoni nitrat tại thủ đô Beirut của Lebanon hôm 4/8, với sức công phá ngang 240 tấn TNT, khiến hơn một nửa thành phố bị tàn phá, gây thiệt hại ước tính lên đến 5 tỷ USD.
Thảm họa càng khoét sâu cuộc khủng hoảng kinh tế mà nhiều người đánh giá xuất phát từ cách quản lý sai lầm của chính phủ Lebanon suốt nhiều thập kỷ. Do lòng tin bị xói mòn, phần lớn người dân Lebanon được cho là không muốn nguồn viện trợ của thế giới rơi vào tay chính phủ để sai lầm lặp lại một lần nữa.
“Chúng tôi hy vọng khoản viện trợ sẽ đến được với người dân Lebanon thay vì những lãnh đạo tham nhũng”, một người đàn ông nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi ông này tới thăm Beirut hôm 6/8. Nhiều người thậm chí muốn Macron tiến xa hơn, khi 52.000 người ký tên vào bản kiến nghị kêu gọi Pháp đặt Lebanon dưới quyền bảo trợ trong 10 năm tới. Pháp từng quản lý thuộc địa ở Trung Đông này từ năm 1920 đến 1945.
Phát biểu trong cuộc họp báo cuối chuyến thăm, Macron cam kết về “sự minh bạch trong quản trị” để số tiền viện trợ có thể đến tay người dân. Nhiều quốc gia khác dường như cũng tránh hỗ trợ nạn nhân vụ nổ thông qua chính phủ Lebanon. Australia tuyên bố góp 1,4 triệu USD cho Chương trình Lương thực Thế giới Liên Hợp Quốc và Hội Chữ thập Đỏ Lebanon, trong khi Pháp, Đức và Nga cử các đội tìm kiếm cứu nạn và y tế đến giúp đỡ các nhóm phi chính phủ.
Lính cứu hỏa dập lửa sau vụ nổ ở Beirut, Lebanon, hôm 4/8. Ảnh: Reuters.
Giới chuyên gia cho rằng đây là một khởi đầu tốt để vực dậy Lebanon, với nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay là giải quyết vấn đề nhân đạo. Bujar Hoxha, giám đốc nhóm viện trợ CARE của Lebanon, cho biết “ưu tiên hàng đầu là tìm kiếm những người mất tích”.
Các nhân viên tìm kiếm cứu nạn cho biết vẫn có thể tìm thấy người sống sót sau 72 giờ từ lúc thảm họa xảy ra, thắp lên hy vọng giải cứu được thêm nhiều người vào một hoặc hai ngày tới. Ngoài ra, CARE và những nhóm viện trợ nhân đạo khác ở Beirut đã xác định 4 nhu cầu chủ chốt cần xử lý.
Đầu tiên là vấn đề lương thực. Khoảng 80% hàng hóa nhập khẩu của Lebanon được đưa vào đất nước thông qua cảng Beirut, 20% còn lại cập cảng Tripoli, nơi không thể mở rộng quy mô. Một số nguồn thực phẩm có thể được vận chuyển đến bằng đường hàng không, nhưng điều này sẽ làm tăng giá hàng hóa. Khủng hoảng kinh tế vốn đã khiến hầu hết mặt hàng thực phẩm trở nên đắt đỏ với người dân Lebanon. Do đó, nhu cầu khẩn trương vào lúc này là giảm bớt nạn đói trên diện rộng.
Nhu cầu thứ hai là chăm sóc y tế. Các bệnh viện ở Beirut đang tràn ngập người bị thương trong vụ nổ, trong khi nhiều cơ sở y tế khác chịu thiệt hại nặng đến mức không thể điều trị an toàn cho bệnh nhân. Những người tìm kiếm hỗ trợ y tế, dù là những vết thương liên quan tới vụ nổ hay triệu chứng nhiễm nCoV, đang bị từ chối hàng loạt.
“Tình hình hiện nay là một thảm họa. Chẳng còn gì hết”, Pamela Makhoul, y tá tại Bệnh viện St. George ở Beirut, cho hay. Theo Hoxha, đây là lý do các nhóm viện trợ ở Beirut đang cật lực làm việc, nhằm thiết lập những bệnh viện dã chiến, cung cấp các loại thuốc và chất khử trùng cần thiết để điều trị cho bệnh nhân.
Nơi tạm trú cũng là một nhu cầu cấp bách. Khoảng 300.000 người buộc phải di dời và hiện không có chỗ ở cơ bản. Các nhóm tại địa phương đang dựng lều và những ngôi nhà tạm để mang lại nơi trú ẩn cho những người chịu ảnh hưởng của thảm họa, đồng thời giúp các gia đình được đoàn tụ.
Một vấn đề khác mà các nhóm viện trợ nhân đạo cho rằng cũng cần giải quyết là hỗ trợ sức khỏe tâm lý. Lebanon đang mắc kẹt giữa nhiều cuộc khủng hoảng về kinh tế, y tế cộng đồng do đại dịch và chính trị. Vụ nổ càng làm khó khăn thêm chồng chất và nhiều người được cho là cần được giúp đỡ để đối mặt với tất cả.
“Họ vốn đang đối mặt với nỗi đau to lớn và vụ nổ càng thổi bùng cảm xúc của họ. Tôi không biết họ có thể chịu đựng thêm bao nhiêu”, Hoxha nói.
Bên cạnh loạt nỗ lực giải quyết những vấn đề trên, khía cạnh chính trị cũng đóng vai trò quan trọng. Randa Slim, chuyên gia người Mỹ gốc Lebanon tại Viện Trung Đông ở Washington, đưa ra hai gợi ý về cách giải quyết khủng hoảng chính trị tại Lebanon.
Beirut tan hoang sau vụ nổ được ví như bom nguyên tử. Video: Guardian.
Đầu tiên, một ủy ban quốc tế bao gồm các chuyên gia Lebanon và những nước khác trên thế giới nên được thành lập để điều tra căn nguyên việc 2.750 tấn amoni nitrat, “thủ phạm” gây ra vụ nổ, được lưu trữ tại một cảng quan trọng như vậy suốt 6 năm. Thông thường, các quan chức chính phủ sẽ chịu trách nhiệm điều tra, nhưng điều đó dường như không phù hợp trong trường hợp này.
“Không có bất cứ ai tin tưởng việc dựa vào chính phủ Lebanon để tìm ra sự thật”, Slim cho hay. Chính họ đã đưa số hóa chất dễ nổ này lên cảng Beirut, chưa kể hàng thập kỷ tham nhũng khiến công chúng không còn tin những gì chính phủ nói.
Slim còn cho rằng nên thành lập một ủy ban, có thể bao gồm một số quan chức Lebanon đáng tin cậy và các lãnh đạo nước ngoài, để giám sát việc chi tiêu ngân sách tái thiết Beirut. Chuyên gia cảnh báo điều này rất quan trọng bởi sau nội chiến 1975-1990, giới lãnh đạo Lebanon bị cáo buộc “đút túi” khoản ngân sách đáng lẽ dùng để tái xây dựng đất nước.
Những chuyên gia khác cũng đề xuất ý tưởng tương tự. Theo Rami Khouri, giáo sư báo chí tại Đại học Mỹ ở Beirut, nguồn viện trợ nhân đạo nên “được giám sát bởi một nhóm mới thành lập, bao gồm một vài quan chức chính phủ hiệu quả và đáng tin cậy, các tổ chức phi chính phủ và nhân đạo uy tín, một số cơ quan viện trợ quốc tế, cùng các cá nhân có chuyên môn”.
Slim nhận định Pháp có thể muốn dẫn đầu những nỗ lực viện trợ quốc tế, bởi nước này rõ ràng vẫn chiếm được cảm tình và sự tôn trọng của nhiều người Lebanon. “Đông đảo dân Lebanon tin tưởng Pháp còn nhiều hơn chính phủ của họ”, Slim cho biết.
Tuy nhiên, Slim thừa nhận những biện pháp giải quyết khủng hoảng này sẽ gặp một số trở ngại lớn. Cụ thể, các đề xuất đòi hỏi chính phủ Lebanon phải đồng ý trao lại một số quyền nhất định cho quan chức nước ngoài. Một chính phủ chịu ảnh hưởng lớn từ Hezbollah, nhóm dân quân dòng Hồi giáo Shiite có quan hệ chặt chẽ với Iran và bị Mỹ coi là tổ chức khủng bố, khó có thể chấp nhận để quốc gia khác can thiệp sâu vào hoạt động của họ.
Thêm vào đó, mọi quốc gia trên thế giới hiện nay đều tập trung kiềm chế Covid-19 tại nước họ cùng nhiều vấn đề khác. Vì vậy, các lãnh đạo nước ngoài có lẽ không còn khoảng trống chính trị hoặc nguồn lực để hỗ trợ Lebanon về lâu dài.
Cô gái trở thành biểu tượng của bi kịch Beirut
Hôn phu của Sahar Fares và gia đình tổ chức hôn lễ mà cô không bao giờ có được, hai ngày khi cô tử vong trong vụ nổ ở Beirut.
Ngày 6/8, các nhạc công mặc lễ phục chơi những giai điệu vui tươi trong khi gia đình và bạn bè tung gạo cùng những cánh hoa. Trong khi đó, những người lính cứu hỏa mặc đồng phục khiêng chiếc quan tài màu trắng đến một chiếc xe tang chờ sẵn.
Hôn phu của cô, Gilbert Karaan, được một người họ hàng công kênh, khóc khi vẫy tay chào Fares lần cuối và trao cho cô nụ hôn cuối cùng. "Mọi thứ em muốn trong lễ cưới đều có, chỉ tiếc là em không được mặc váy cưới", Karaan viết trên mạng.
Sahar Fares, 24 tuổi, nhân viên y tế thuộc đội cứu hỏa, là một trong số ít nhất 145 người thiệt mạng trong vụ nổ ở cảng Beirut ngày 4/8, đã khiến hơn 5.000 người bị thương và hàng trăm nghìn người mất nhà cửa. Chỉ trong tích tắc, thủ đô Lebanon trông giống như một vùng chiến sự dù không có chiến tranh.
Mỗi nạn nhân thiệt mạng là một bi kịch, nhưng câu chuyện của Fares đã gây sốt trên mạng xã hội, khiến nhiều người tiếc thương. Cô gái đã kiên định nỗ lực để bước vào thế giới gần như toàn nam giới của Đội cứu hỏa Beirut, cống hiến hết mình cho đất nước và đang lên kế hoạch xây dựng gia đình riêng trước khi thảm họa xảy ra. Giờ đây, người thân và Karaan, 29 tuổi, chôn cất cô.
Fares gọi cho Karaan vào tối 4/8, cho anh xem cảnh tượng ngọn lửa đang thiêu rụi nhà kho ở cảng Beirut. Không ai cần chăm sóc y tế, vì vậy cô ngồi trong xe cứu hỏa, quan sát các đồng nghiệp của mình khi họ cố gắng dập tắt ngọn lửa.
Khi tiếng lửa cháy ngày càng lớn, cô trèo xuống khỏi xe tải, giơ điện thoại lên để Karaan nhìn rõ hơn thứ trông giống như pháo hoa đang nổ với những tia sáng màu đỏ và bạc trong làn khói dày đặc. Fares nói rằng âm thanh này thật kỳ lạ, không giống bất cứ thứ gì cô và đội ngũ từng gặp.
Anh khuyên cô chạy đi nấp, cô làm vậy nhưng đã quá muộn. Hình ảnh cuối cùng mà Karaan nhìn thấy là những bước chân dồn dập trên vỉa hè khi cô tìm kiếm nơi an toàn. Sau đó một tiếng nổ vang lên.
"Cô dâu xinh đẹp của anh, chúng ta đã lên kế hoạch tổ chức đám cưới vào ngày 6/6/2021", Karaan viết trên mạng ngày 5/8. "Thay vào đó, nó sẽ được tổ chức vào ngày mai, tình yêu của anh".
Được đào tạo làm y tá, Fares quyết định tìm một công việc trong dịch vụ công vào năm 2018. Cô muốn có công việc ổn định và được hưởng phúc lợi của chính phủ, sau khi chứng kiến cha mẹ mình, một thợ hàn nhôm và một giáo viên, phải vật lộn để kiếm sống.
Cô lớn lên ở làng al-Qaa tại bắc Lebanon, gần biên giới với Syria, mơ về những cơ hội và sự an toàn mà nơi này không thể có. Năm 2016, khi Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) còn hoạt động mạnh mẽ, các chiến binh đã xông vào al-Qaa, giết chết 5 cư dân và làm bị thương hàng chục người khác. Một người anh họ của Fares đã chạy ra ngoài để giúp đỡ hàng xóm và là một trong những người thiệt mạng.
Sahar Fares trong một bức ảnh được đăng trên mạng xã hội trước khi thiệt mạng. Ảnh: NYTimes.
Đối với nhiều người dân trong làng, cái chết của Fares vượt quá sức chịu đựng. Họ cảm thấy quá chán nản với tình trạng tham nhũng và lơ là trách nhiệm trong chính phủ.
Amoni nitrat đã được lưu trữ tại cảng trong 6 năm, bất chấp những cảnh báo lặp đi lặp lại về mối nguy hiểm nó đặt ra và những cuộc thảo luận về cách xử lý. Điều đó đã làm dấy lên làn sóng giận dữ đối với chính phủ.
Khi tiễn đưa Fares về nơi yên nghỉ, cư dân của al-Qaa tức giận và thất vọng. Họ nói rằng họ đã mất mát, hy sinh quá nhiều cho một đất nước được vận hành kém.
"Lịch sử của chúng ta đầy rẫy sự hy sinh", Thị trưởng al-Qaa Bachir Mattar nói. "Cái chết của Sahar gửi đi thông điệp đến giới trẻ rằng có những người cống hiến cho quốc gia và đánh mất tất cả. Tuy nhiên, tôi ước chúng ta có một quốc gia đáng để hy sinh và cống hiến. Tôi ước chúng ta có một đất nước tử tế".
"Mọi người đã chán ngấy", Mattar nói tiếp. "Chúng tôi tự hào về sự hy sinh của cô ấy, nhưng chúng tôi cũng rất tức giận. Vì sao? Cống hiến cho một đất nước được quản lý yếu kém, còn không giải quyết được nổi một vấn đề để làm gì".
Sahar Fares trong một bức ảnh được đăng trên mạng xã hội trước khi thiệt mạng. Ảnh: Twitter/Majd khalaf.
Trong vài tháng trước khi thiệt mạng, Fares đã dành dụm để chuẩn bị cho hôn lễ. Nhưng giống như những người Lebanon khác, khoản tiết kiệm của cô bốc hơi chỉ sau một đêm do đồng tiền nội tệ lao dốc, mất 80% giá trị trong năm nay.
Chính phủ Lebanon đặt ra hạn mức rút tiền từ ngân hàng, chỉ cho phép người dân rút vài trăm USD một tháng. Siêu lạm phát nhanh chóng "ăn mòn" số tiền ít ỏi mà cô có, khiến việc mua nhu yếu phẩm cũng trở nên khó khăn.
Fares và hôn phu Karaan tự hào vì công việc của mình. Anh là sĩ quan trong Bộ An ninh Nhà nước Lebanon, cơ quan bảo vệ các chính trị gia. Họ đăng ảnh mặc đồng phục lên mạng xã hội, Fares ngồi bên trong xe cứu hỏa nhìn ra cửa sổ đang mở và mỉm cười.
"Chị ấy là người tình cảm nhất mà tôi biết", em họ của cô, Theresa Khoury, 23 tuổi, nói. "Tốt bụng, quan tâm đến mọi người, luôn chăm sóc cho cha mẹ và các chị em. Chị ấy tràn đầy sức sống và yêu đời. Ước mơ của chị ấy là kết hôn với tình yêu của cuộc đời mình và chung sống với anh ấy trọn đời".
Con tàu như 'quả bom nổi' đưa thảm họa đến Beirut 47 Giận dữ, tuyệt vọng bao trùm Beirut 50 Lebanon - quốc gia đã 'ngã quỵ' vì khủng hoảng chồng chất 80 Amoni nitrat - từ phân bón đến 'thủ phạm' hàng loạt vụ nổ 22
Con tàu như 'quả bom nổi' đưa thảm họa đến Beirut 2.750 tấn hàng hóa tàu Rhosus chở theo khi cập cảng Beirut năm 2013 là "thủ phạm" gây ra vụ nổ thảm họa ở Lebanon hôm 4/8. Năm 2013, tàu Rhosus treo cờ Moldova rời khỏi cảng Batumi, Gruzia, lên đường tới Mozambique. Hàng hóa trên tàu là 2.570 tấn amoni nitrat, hợp chất thường được dùng để làm phân bón trong nông...