Lối thoát mưu sinh duy nhất của hàng loạt nghệ sĩ hài đất Bắc
Nhiều nghệ sĩ hài miền Bắc chọn việc diễn tỉnh để cải thiện “miếng cơm manh áo” trong bối cảnh game show, truyền hình thực tế và các dự án điện ảnh chủ yếu diễn ra tại miền Nam.
Cách đây không lâu, MC Thành Trung gây tranh cãi khi bày tỏ sự ngưỡng mộ về sức thu hút của Trường Giang bằng cách so sánh mức độ đón nhận của khán giả miền Nam và miền Bắc đối với hài kịch.
Thành Trung cho biết trong khi sân khấu miền Nam sáng đèn thì các nhà hát miền Bắc lại không thu hút được khán giả. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng không có những tụ điểm ngoài trời như Sài Gòn. Do vậy, anh em nghệ sĩ miền Bắc chỉ có cách diễn tỉnh.
Phát ngôn so sánh mức độ đón nhận của khán giả hai miền đối với nghệ thuật hài của Thành Trung bị không ít người phản đối. Trong cuộc trao đổiZing.vn, các nghệ sĩ hài miền Bắc khẳng định công chúng ở đâu cũng yêu mến nghệ sĩ, do vậy không nên lấy những hạn chế của nơi này để tôn vinh nơi khác.
Tuy nhiên, cũng có nhiều nghệ sĩ đồng tình với một quan điểm của Thành Trung qua việc nhấn mạnh “diễn tỉnh đúng là con đường mưu sinh cốt yếu của diễn viên hài miền Bắc”. Nhờ tình cảm của bà con nhân dân các địa phương, nhiều nghệ sĩ có cuộc sống đủ đầy và dư dả hơn.
Khán giả địa phương quây kín sân khấu xem Quang Tèo biểu diễn. Ảnh: NVCC.
Diễn tỉnh từ tối đến đêm, không từ chối nơi nào
NSƯT Tiến Quang, nghệ danh Quang Tèo, giải thích không thuộc địa bàn Hà Nội thì gọi là diễn tỉnh. Diễn tỉnh là đi khắp mọi nơi, từ những tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương đến những địa phương xa hơn như Thanh Hóa, Nghệ An, thậm chí lên cả khu vực miền núi như Phú Thọ, Tuyên Quang.
“Hôm nay diễn nơi này, mai lại diễn nơi khác. Diễn quanh năm, ngày tháng, tỉnh nào cần là chúng tôi có mặt, chẳng từ chối địa phương nào. Diễn tỉnh đa phần là diễn tối, do vậy, ban ngày hoạt động tự do, thích làm gì thì làm. Cuối ngày lên đường, 20h đến nơi, diễn đến đêm thì về” – Quang Tèo hào hứng nói.
Đồng tình với chia sẻ của “đại gia chân đất”, Hiệp Gà bảo xa đến mấy cũng phải diễn tối vì thời gian ban ngày, bà con còn phải đi làm. Một tháng, “Gia Cát Dự” diễn khoảng 25-28 buổi, trở thành một trong những nghệ sĩ hài miền Bắc chạy show nhiều nhất trong năm qua.
“Tôi không nhận được nhiều lời mời từ truyền hình, phim ảnh. Năm 2016, tôi chỉ tham gia một vai trong Chôn nhời 4, còn lại thời gian chủ yếu, tôi dành đi diễn tỉnh phục vụ bà con. Tôi diễn khắp nơi, bầu show gọi là đi. Đa phần là đi cùng một lái xe nữa nhưng nếu hôm nào không có, tôi sẵn sàng đi một mình” – nam nghệ sĩ chia sẻ.
Khán giả thôn quê rất nồng nhiệt và tình cảm
Là nghệ sĩ hoạt động sôi nổi trong thị trường hài miền Bắc, Trà My cho biết diễn tỉnh tưởng khổ cực nhưng thực ra rất vui vì không nơi nào tình cảm và đón tiếp nghệ sĩ nồng nhiệt như khán giả thôn quê.
“Tôi nhớ một lần diễn ở Nghệ An cùng nghệ sĩ Văn Hiệp, đang diễn thì sân khấu sập. Khán giả không những không bỏ về mà còn hợp sức lại để gồng sân khấu lên cho chúng tôi tiếp tục biểu diễn. Sau đêm diễn đó, tôi đã khóc vì không thể quên được khoảnh khắc xúc động” – Trà My nhớ lại.
Quang Tèo cười hạnh phúc miêu tả cảnh người dân địa phương đứng hai bên đường chờ nghệ sĩ đến mức ô tô không đi được. Khi nam diễn viên hài bước xuống xe, khán giả chạy ào đến ôm ấp, bắt tay và xin chụp hình kỷ niệm.
Video đang HOT
“Hạnh phúc lắm, nghề diễn cần gì hơn thế. Tôi được yêu thích nhờ những vai nông dân, chăn gà nuôi vịt nên rất thích biểu diễn ở những miền quê. Người dân ở đó dân dã, gần gũi và rất quý mến nghệ sĩ. Diễn ở những sân khấu hoành tráng, lộng lẫy khéo lại không được như thế” – nam NSƯT bộc bạch.
Trong cuộc trò chuyện với người viết cách đây không lâu, “Vua hài đất Bắc” Xuân Hinh cũng công nhận tình cảm nồng hậu mà người dân địa phương dành cho nghệ sĩ mỗi lần đi diễn tỉnh.
“Nếu trước đây chỉ diễn khoảng 2 tiếng trong một đêm thì bây giờ phải dành thêm một tiếng vì khán giả xin chụp hình. Từ ngày sinh ra Facebook, ai cũng muốn chụp hình kỷ niệm với nghệ sĩ, do vậy, diễn xong không thể về ngay” -cây hài gạo cội cười giòn chia sẻ.
“Vua hài đất Bắc” Xuân Hinh chụp ảnh với các khán giả nhí trong một lần diễn tỉnh. Ảnh: NVCC.
Cát-xê thấp hơn phim, quảng cáo nhưng “năng nhặt chặt bị”
Khi đề cập đến vấn đề cát-xê diễn tỉnh, các nghệ sĩ hài miền Bắc đều không tiết lộ con số cụ thể vì quan niệm “mỗi diễn viên một khác, mỗi địa phương một khác, do vậy, rất khó để đưa ra một con số chung cho tất cả”.
“Nói chung là đủ sống, nếu chăm chỉ thì không khó để có cuộc sống đủ đầy. Tôi xây được nhà 5 tỷ, mua xe 3 tỷ cũng là nhờ diễn đám cưới và diễn tỉnh. Đi diễn quanh năm, không lúc nào được nghỉ nhưng nghề và khán giả không phụ mình” – Chiến Thắng tỏ ra hài lòng.
Khi phóng viên đặt câu hỏi so sánh cát-xê diễn tỉnh với đóng phim hài Tết hoặc quảng cáo, Chiến Thắng thắng thắn cho biết diễn tỉnh có thể thấp hơn nhưng “năng nhặt chặt bị”, “tích tiểu thành đại”.
“Hài Tết chỉ tham gia được một đến hai phim trong năm, quảng cáo cũng thế. Nhưng diễn tỉnh là công việc thường xuyên, do vậy mang lại nguồn thu nhập ổn định hơn cho nghệ sĩ” – nam diễn viên sinh năm 1975 nói thêm.
Hiệp Gà có đồng quan điểm với Chiến Thắng nhưng nam diễn viên cũng tiết lộ chuyện bầu show nợ tiền cát-xê nên thu nhập không được cao như mọi người nghĩ hoặc so với các nghệ sĩ đồng nghiệp miền Bắc khác.
“Tôi diễn tỉnh nhiều, chắc mọi người đoán tôi có rất nhiều tiền. Nhưng thú thực, tôi cũng là người cho bầu show nợ tiền nhiều nhất miền Bắc. Số tiền đó dần dà uống bia trừ nợ thành ra tổng thu nhập của tôi không cao” – Hiệp Gà nói.
Theo Zing
Cát Phượng cuộc đời chông chênh vì ...
Cuộc đời cô Cát (nghệ sĩ Cát Phượng) đầy trắc trở. Hết biến cố này đến biến cố khác nối tiếp nhau tìm đến như những đợt sóng chưa bao giờ thôi...
Bị đuổi học vì đắt show
Hồi nhỏ mỗi lần nấu cơm, giặt đồ, cho heo ăn... tôi thường vừa làm vừa hát nghêu ngao. Tôi đóng tuồng, diễn kịch một mình. Có lần trời mưa rất to, tôi mang mấy cái nồi ra ngoài mưa, lấy tro trấu chùi từ đen thành trắng. Vừa chùi nồi, tôi vừa hát vừa diễn tuồng.
Tôi coi mấy cái nồi là mấy con người, chỉ cái nồi này tôi nói, chỉ cái nồi kia tôi hát... Người ngoài nhìn chắc sẽ nghĩ tôi điên. Nhưng có lẽ vì vậy mà cha tôi nói "Con học hết lớp 12, cha sẽ cho lên Sài Gòn thi vô trường Quốc gia Âm nhạc".
Ước mơ trở thành nghệ sĩ trong tôi bừng cháy từ đó...
Hồi đó, cha tôi là nhà báo kỳ cựu ở tờ Điện ảnh và Kịch trường với bút danh Huỳnh Kỳ. Thời nghệ sĩ Bạch Tuyết, Ngọc Giàu đều biết cha tôi. Ông nổi tiếng trong giới phê bình lý luận nghệ thuật. Có lẽ tôi được hưởng cái máu nghệ sĩ cũng từ cha.
Một lần nọ, vô tình tôi thấy tờ báo cha đang đọc có dòng chữ "Tuyển diễn viên điện ảnh hệ B" (đóng học phí), tôi xin cha đi thi nhưng ông lại không chịu.
Lúc nhỏ, thấy tôi mê hát, mê kịch nên cha nói vậy nhưng công việc của ông tiếp xúc nhiều với nghệ sĩ, ông biết nghề này cực khổ thế nào. Ông lại sợ nghề làm tôi hư nên bảo: "Trồng trầu trồng lộn dây tiêu/ Con theo hát bội mẹ liều con hư"
Nghệ sĩ Cát Phượng.
Nhưng nhờ mẹ thuyết phục kèm lời hứa của tôi "Con sẽ không hư. Cha cho con theo nghề, nếu không làm được con sẽ quay về quê". Cuối cùng tôi cũng được cha cho đi học trường Sân khấu nghệ thuật 2. Học được 3, 4 tháng thì lớp tan rã vì không ai đóng tiền.
Lần thứ nhất trong đời tôi chông chênh. Tôi khóc, tủi thân vì ước mơ của mình tan biến!
Hết lớp 12, tôi theo cha lên Sài Gòn. Rồi một ngày, tôi lại đọc báo thấy trường Sân khấu Nghệ thuật 2 tuyển sinh hệ A (không phải đóng học phí). Tôi như sống lại...
Tôi đăng ký thi và trúng tuyển. Tôi được nhận học bổng 70.000 đồng. Với năm 1990, đó là một số tiền rất lớn. Tôi vui đến nỗi cả đêm không ngủ được, cứ cười khúc khích như một con điên.
Tôi học khóa 14 do thầy Trần Ngọc Giàu chủ nhiệm. Những ngày đầu vào trường nhận lớp, tôi nghe các anh chị khóa trên nói "học thầy Trần Ngọc Giàu là nhất vì thầy rất giỏi", lòng tôi lại càng phấn khởi.
Nhưng vào lớp được 5 tháng tôi vẫn chẳng thấy bóng dáng thầy đâu. Thầy không một lần vào lớp vì thời điểm đó, thầy đi tỉnh rất nhiều để dựng những vở cải lương.
Ngày ấy, phim "mì ăn liền" rất nhiều. Tôi được mời đi quay từ vai quần chúng đến vai có thoại. Rồi quay karaoke. Cát xê 1.500.000, 2.000.000, 3.000.000 đồng một phim. Đó là một số tiền quá lớn vào những năm 1994. Tôi về ký túc xá chia tiền cho các bạn ăn, về quê...
Còn đang sung sướng vì cảm giác vừa được đi quay vừa có tiền chưa được bao lâu thì tôi nhận được giấy quyết định đuổi Học của Ban giám hiệu. Lý do là vì thầy cô không cho sinh viên ra ngoài quay phim hay đi diễn sớm. Mắt tôi hoa lên. Đầu óc quay mòng mòng...
Lần thứ hai trong đời tôi lại chông chênh!
Trải qua bao nhiêu thăng trầm, biến cố; ở thời điểm hiện tại nghệ sĩ Cát Phượng giờ là một trong những ngôi sao lớn của showbiz Việt.
Mượn nợ nuôi 3 người em...
Bị đuổi học cũng có nghĩa là tôi không được ở trong ký túc xá. Nhưng tôi cũng không biết phải đi đâu nên đành lén lút trong ký túc. Mỗi lần trường vô kiểm tra, anh Vọng bảo vệ lại báo cho tôi biết. Những lần như thế, tôi ra quán cà phê ngồi chờ đến sáng lại mò vào ký túc ngủ.
Nhưng cũng có lúc không ai gọi đi show, tôi đói meo đói mốc. Tôi uống nước thật no để chống đói nhưng cũng không thể kéo dài mãi. Vậy là tôi đi bán máu lấy 20.000 đồng mua thùng mì gói ăn dần. Tôi ăn mì gói riết đến giờ nhìn thấy mì tôi ngán đến tận cổ.
Trong lúc chông chênh ấy, anh Minh Nhí rủ: "Cô Cát, anh thấy cô ở ký túc xá cực quá hay là anh em mình đi thuê nhà ở chung"? Biệt danh "Cô Cát" của tôi có từ ngày đó.
Tôi không suy nghĩ gì và gật đầu ngay. Hai anh em tôi thuê một căn gác với giá 200.000 đồng một tháng. Vài ngày sau, anh Minh Nhí rủ thêm anh Lý Hải về ở cùng.
Được vài năm, anh Lý Hải mua nhà và rời nhóm. Một hai năm sau, anh Minh Nhí cũng mua nhà và chuyển đi. Chỉ còn mình tôi lủi thủi!
Rồi mấy đứa em của tôi ở dưới quê lên. Chị em tôi ở cùng nhau. Cuộc sống của tôi càng cơ cực, khốn đốn hơn với các em. Show không có, tôi phải nuôi 3 đứa em bằng nợ. Nghĩa là tôi mượn nợ nuôi các em rồi đi làm trả dần.
Cho tới ngày các em tôi trưởng thành. Một đứa quay trở về quê. Hai đứa ở lại Sài Gòn với tôi. Tôi gả chồng cho đứa em gái. Tôi cưới vợ cho thằng em trai... rồi tôi nghĩ đến thân mình. Năm đó tôi đă 34 tuổi!
Cát Phượng và Bom (tên thân mật) của con trai chị.
Tôi cũng đẻ con. Những tưởng cuộc đời tôi đã và sẽ yên ổn vui vẻ... nhưng không, lại một lần nữa đời tôi chông chênh! Tôi và Thái Hòa ly dị. Sau đó tôi một mình nuôi con, một mình lèo lái chống chọi!
Các em tôi giờ đă ổn. Đứa em gái ngày nào đứt gánh giữa đường giờ cũng may mắn tìm được hạnh phúc với người đến sau. Vợ chồng nó đă định cư ở Mỹ. Hai cậu em trai tôi giờ cũng rất ổn, vợ con đề huề hạnh phúc.
Đó là niềm vui lớn nhất của đời tôi!
Sau Thái Hòa, tôi cũng yêu thương người khác nhưng tôi biết cuộc sống hiện tại của mình có an mà không ổn! Thầy coi tướng nói tôi có tình yêu nhưng không bao giờ có được một mái ấm trọn vẹn và đúng nghĩa như người ta!
Cuộc đời, khó ai đoán trước được bất cứ điều gì. Thấy đó mà cũng mất ngay đó. Hạnh phúc rất gần, hạnh phúc cũng rất xa xôi! Mọi chuyện ở đời là vô thường. Và tôi biết, những ngày tháng sau... đời tôi sẽ lại một lần nữa chông chênh!
Theo Tri Thức Trẻ
Bảo Anh bị fan cuồng cào rách da trong lúc chen lấn xin chữ ký Bảo Anh đã về lại Sài Gòn nhưng vết thương vẫn còn ở cổ. Mới đây, trên trang cá nhân của mình, Bảo Anh đã đăng tải dòng trạng thái khiến nhiều người hâm mộ lo lắng. Nữ ca sĩ cho biết, sau chuyến đi diễn ở Rạch Giá, Kiên Giang, cô bị fan cào rách da khi họ chen lấn xin chữ...