Lợi thế chạy đua thủ tướng với ‘cánh tay phải’ của Abe
Kể từ tháng 6, Suga, quan chức thân cận với Abe, dự ba bữa tối cấp cao với Nikai, tổng thư ký có ảnh hưởng lớn trong đảng cầm quyền.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga đang được coi là ứng cử viên hàng đầu cho chức thủ tướng, sau khi ông Shinzo Abe từ chức hôm 28/8 vì lý do sức khỏe. Người đắc cử chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền gần như chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng, bởi đảng này chiếm đa số trong hạ viện.
Lý do “cánh tay phải” của Thủ tướng Abe được đánh giá cao là bởi 5/7 phe của LDP tại quốc hội được cho là sẽ ủng hộ ông trong cuộc bầu cử dự kiến vào ngày 14/9. Nhiều thập kỷ qua, đảng LDP theo xu hướng bảo thủ bị chi phối bởi các phe phái, với những người đứng đầu có tầm ảnh hưởng lớn.
Mặc dù tầm ảnh hưởng bị suy yếu sau các cuộc cải cách chính trị vào những năm 1990, người đứng đầu các phe trong LDP vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc phân bổ chức vụ trong đảng và nội các, cũng như quá trình xác định ai sẽ chiến thắng những cuộc đua vào ghế lãnh đạo.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga trong cuộc họp báo tuyên bố ứng cử chủ tịch đảng LDP tại Tokyo hôm 2/9. Ảnh: AFP.
Điều bất thường là bản thân Suga không thuộc bất cứ phe phái nào trong LDP, khiến thế “thượng phong” của ông càng gây chú ý. Đây dường như là kết quả sau những nỗ lực vận động và thỏa thuận ở hậu trường, bắt đầu vài tháng trước khi Abe tuyên bố từ chức. Các cuộc thảo luận về khả năng rời ghế sớm của Thủ tướng Nhật được cho là đã âm ỉ từ lâu, do tỷ lệ tín nhiệm của ông thấp và căn bệnh mạn tính ngày càng tồi tệ.
Các nguồn tin giấu tên trong nội bộ LDP cho biết con đường trở thành ứng viên thủ tướng hàng đầu của Suga được hỗ trợ bởi Tổng thư ký đảng cầm quyền Toshihiro Nikai, người có tầm ảnh hưởng đáng kể, nắm quyền kiểm soát cách đảng phân bổ quỹ vận động tranh cử.
Theo giáo sư Katsuyuki Yakushiji tại Đại học Toyo của Nhật, Nikai là “một chính trị gia kiểu cũ và hoạt động chính trị theo phong cách cũ”. “Đối với ông ấy, ý kiến công chúng không quan trọng. Nikai đã bắt tay với Suga để thu hút sự ủng hộ cho Suga, giúp ông ấy trở thành tân thủ tướng”, Yakushiji cho hay, nói thêm rằng Nikai sẽ hưởng lợi bởi Suga gần như chắc chắn sẽ để ông tiếp tục giữ chức tổng thư ký LDP.
Video đang HOT
Hôm 1/9, Suga được trao lợi thế to lớn khi ủy ban các vấn đề chung của LDP quyết định chọn chủ tịch bằng hình thức bầu cử rút gọn, giới hạn phiếu bầu cho 394 nghị sĩ thuộc đảng LDP cùng ba đại diện từ mỗi tỉnh trong 47 tỉnh của Nhật, tổng cộng 535 cử tri.
LDP từ chối lời kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử quy mô đầy đủ, với sự tham gia của toàn bộ đảng viên, giải thích rằng hình thức này sẽ tốn rất nhiều thời gian và để lại khoảng trống chính trị, bất chấp việc Abe vẫn đảm đương công việc cho đến khi lãnh đạo mới được chọn.
Quyết định của LDP được đánh giá tạo điều kiện chiến thắng cho Suga, đồng thời gây bất lợi đối với cựu bộ trưởng quốc phòng Shigeru Ishiba, người cũng tuyên bố ứng cử chủ tịch đảng và chiếm được cảm tình của công chúng, cùng các đảng viên LDP cấp cơ sở.
Những cuộc vận động trong hậu trường và thỏa thuận ngầm khiến nhiều đảng viên LDP và nghị sĩ trẻ bức xúc. “Việc này không nên được bí mật định đoạt. Tôi nghĩ họ làm vậy để loại bỏ Ishiba”, Ryusuke Doi, thư ký LDP tại tỉnh Kanagawa, nêu ý kiến.
Cựu bộ trưởng Ishiba là thành viên LDP hiếm hoi chỉ trích Thủ tướng Abe suốt gần 8 năm cầm quyền, lâu nay quay lưng với các phe phái khác trong đảng và đang dẫn đầu một phe chỉ gồm 19 thành viên. Sau khi tuyên bố ứng cử hôm 1/9, Ishiba bày tỏ tiếc nuối trước quyết định về cách bầu chủ tịch LDP, cho rằng điều này gây tổn hại cho cả đảng và nền dân chủ của đất nước.
Những người ủng hộ Suga bao gồm 98 nghị sĩ của phe Hosoda, phe lớn nhất LDP, cùng 54 thành viên thuộc phe của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso, phe lớn thứ hai đảng cầm quyền.
Thủ tướng Abe từ lâu được cho là ủng hộ cựu ngoại trưởng Fumio Kishida, một ứng cử viên khác. Tuy nhiên, Kishida không thu hút được cử tri, xếp hạng thấp trong các cuộc thăm dò dư luận, cũng không được Abe công khai ủng hộ. Do đó, đường tới ghế thủ tướng của Suga càng rộng mở.
Giới phân tích đánh giá ưu thế của Suga chứng minh tầm ảnh hưởng lâu dài của các phe phái trong LDP và phong cách chính trị kiểu cũ, cũng như mức độ quan trọng của những mối quan hệ cá nhân, thay vì các cuộc tranh luận về chính sách. Tuy nhiên, việc vươn lên nhờ vận động hậu trường có thể làm giảm uy tín của Suga với công chúng, trong bối cảnh Nhật sẽ tổ chức tổng tuyển cử bầu lại lãnh đạo vào tháng 9/2021.
Bất chấp điều đó, Gerry Curtis, giáo sư danh dự tại Đại học Columbia của Mỹ, chỉ ra rằng điểm khác biệt của Suga là ông không phải thành viên, cũng không lãnh đạo bất cứ phe nào trong LDP.
“Các phe phái vẫn giữ vai trò quan trọng. Tuy nhiên, tình hình đã khác so với trước đây, khi ghế thủ tướng là cuộc đua giữa những lãnh đạo phe phái quyền lực. Suga hiện là người quyền lực nhất dù ông không thuộc phe nào”, giáo sư nhận xét.
3 ứng viên kế nhiệm Thủ tướng Abe: Ai đang có lợi thế nhất?
Trong số 3 cái tên ra tranh cử Thủ tướng Nhật Bản, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nổi lên như ứng cử viên tiềm năng nhất.
Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền Nhật Bản hôm 2/9 tuyên bố cuộc bầu chọn người nhiệm Thủ tướng Shinzo Abe sẽ diễn ra vào ngày 14/9 tới.
Do LDP chiếm đa số trong nghị viện, lãnh đạo mới của đảng này gần như chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản.
Người chiến thắng trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng LDP sẽ được bỏ phiếu thông qua để trở thành tân Thủ tướng trong phiên họp Quốc hội bất thường, có thể được triệu tập vào ngày 16/9 tới, Kyodo đưa tin.
Cuộc chạy đua vào vị trí lãnh đạo LDP bắt đầu nóng lên sau khi 3 ứng viên khởi động các hoạt động tranh cử của họ.
Từ trái qua phải: Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga, Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba, cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida (Ảnh: Straits Times)
Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga, 71 tuổi hôm 2/9 chính thức tuyên bố tham gia tranh cử Thủ tướng Nhật.
"Tôi muốn tiếp nối và củng cố chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe (Abenomics)", ông Suga nhấn mạnh.
Theo JiJi Press, ông Suga mới đây gặp gỡ một số quan chức cấp cao của 5 đảng ủng hộ ông ra tranh cử và các các nhà lập pháp không ủng hộ ông tại một khách sạn để thảo luận về chiến lược cho cuộc bầu cử lãnh đạo LDP tới đây.
Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida cũng vừa tổ chức một cuộc họp báo, đưa ra "Tầm nhìn Kishida" với một loạt các biện pháp chính sách mà ông quyết tâm thực hiện nếu được bầu làm Thủ tướng.
Với khẩu hiệu "từ chia rẽ tới hợp tác", ông Kishida đặt mục tiêu đạt được sửa đổi hiến pháp và kêu gọi thành lập một "cơ quan dữ liệu" mới để thúc đẩy số hóa các thủ tục hành chính.
"Chúng ta phải tiến hành các cuộc thảo luận kỹ lưỡng", ông Kishida nói về đề xuất sửa đổi hiến pháp của LDP, bao gồm việc bổ sung điều khoản công nhận vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
Về phần mình, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba gặp gỡ các thành viên trong phe phái của mình để thảo luận về chiến lược bầu cử. Ông được dự đoán sẽ giải thích về các chính sách của mình trong một chương trình truyền hình vài ngày tới.
Theo Kyodo, cuộc chạy đua vào vị trí lãnh đạo LDP sẽ chính thức bắt đầu vào ngày 8/9. Các ứng viên sẽ nộp đơn, sau đó lãnh đạo mới của đảng này sẽ được bầu trong phiên họp toàn thể các đảng viên LDP được tổ chức tại Tokyo vào 14h chiều 14/9.
Tờ Mainichi nhận định, ông Suga, đồng minh lâu năm của Thủ tướng Abe gần như chắc chắn sẽ giành được 70% lá phiếu ủng hộ từ các nghị sỹ trong đảng.
Trong khi đó, ông Ishiba lại là người được lòng công chúng nhất. Trong một cuộc thăm dò mới đây, 34,3% được hỏi ủng hộ ông Ishiba trở thành tân Thủ tướng, bỏ xa vị trí thứ 2 là ông Suga với 14,3%.
Khác với quy trình thông thường, đảng LDP với khoảng 1,08 triệu thành viên trên cả nước quyết định chỉ cho phép 394 nghị sĩ và 141 đại biểu từ các chi hội địa phương bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lần này.
Về quyết định này, Chủ tịch Đại hội đồng LDP Shunichi Suzuki cho biết việc để toàn bộ các thành viên trong đảng bỏ phiếu sẽ mất tới 2 tháng chuẩn bị và ảnh hưởng tới ngân sách cũng như việc đưa ra các chính sách liên quan tới chống dịch.
Thăm dò dư luận về ứng cử viên tiềm năng cho vị trí thủ tướng Nhật Bản Với 34,3% số người được hỏi ủng hộ, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã nhận được sự lựa chọn lớn nhất cho vị trí thủ tướng tiếp theo của đất nước "Mặt Trời mọc". Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba đang là sự lựa chọn hàng đầu của các cử...