Lỗi thẩm định, chủ nợ lâm “thế bí”
Cẩu thả trong khâu thẩm định, thậm chí “phớt lờ” tính pháp lý của tài sản đảm bảo, dẫn đến hợp đồng thế chấp có khả năng bị tuyên vô hiệu. Rủi ro này khiến chủ nợ là ngân hàng lâm vào “thế bí”.
Tài sản đảm bảo chính là “phao cứu sinh” của ngân hàng khi xảy ra tranh chấp hợp đồng tín dụng, nên không thể thẩm định lơ là
Đã có rất nhiều vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng có nguyên nhân xuất phát từ khâu thẩm định. Hậu quả của việc thẩm định cẩu thả, thậm chí “lờ” đi tính pháp lý của tài sản đảm bảo khiến hợp đồng thế chấp có khả năng bị tuyên vô hiệu. Đối với ngân hàng, đây là rủi ro lớn bởi ngân hàng sẽ chẳng biết “bấu víu” vào đâu khi mà “phao cứu sinh” cuối cùng là tài sản đảm bảo đã nằm ngoài tầm với.
Vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa một ngân hàng và CTCP Sản xuất thương mại bao bì Hùng Vân (Công ty Hùng Vân) mới đây là một ví dụ. Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội vừa quyết định hủy bản án sơ thẩm tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và Công ty Hùng Vân. Quyết định không chỉ khiến vụ án bị kéo dài thời gian, mà còn cho thấy “lỗ hổng” lớn trong khâu thẩm định của ngân hàng này.
Được biết, cuối năm 2011, ông Trần Trung Hùng, Giám đốc Công ty Hùng Vân ký với ngân hàng hợp đồng cung cấp hạn mức tín dụng số tiền là 12 tỷ đồng theo 4 khế ước nhận nợ. Thời hạn trả nợ là 5 tháng, mức lãi suất thỏa thuận của từng khế ước dao động từ 20,5- 22%/năm.
Ông Hùng đã thế chấp 3 tài sản gồm: quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất diện tích 54,5m2 tại xã Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) của gia đình; quyền sử dụng đất và tài sản trên đất diện tích 380m2 của hộ gia đình ông Trần Hữu Minh; quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với thửa đất diện tích 172m2 tại quận Cầu Giấy do ông Nguyễn Công Điều đứng tên.
Sau khi nhận tiền giải ngân, Công ty Hùng Vân đã sử dụng để thanh toán tiền hàng. Tuy nhiên, khi đến hạn trả nợ, Công ty Hùng Vân không thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi. Kể từ khi vay, ông Hùng mới trả được 1,2 tỷ đồng tiền lãi.
Sau nhiều lần đôn đốc nợ bất thành, ngân hàng quyết định khởi kiện Công ty Hùng Vân ra tòa đề nghị thanh toán toàn bộ nợ gốc là 12 tỷ đồng, lãi tạm tính đến ngày 14/1/2015 là hơn 5 tỷ đồng (gồm lãi trong hạn, lãi quá hạn và lãi phạt do chậm trả) và tiền phạt do vi phạm hợp đồng và 240 triệu đồng.
Phía bị đơn mong muốn được trả dần nợ gốc trong 5 năm, giảm mức lãi suất trong hạn, miễn lãi quá hạn và tiền phạt. Tuy nhiên, đề nghị này không được ngân hàng đồng ý.
Giải quyết tại cấp sơ thẩm, Tòa án Nhân dân quận Nam Từ Liêm chấp nhận yêu cầu đòi nợ 12 tỷ đồng, xử lý 1 phần tài sản đảm bảo và bác bỏ đề nghị phát mại 2 khối tài sản là nhà, đất của hộ gia đình ông Trần Hữu Minh và Nguyễn Công Điều. Đồng thời, không chấp nhận lãi phạt do chậm trả và tiền phạt vi phạm hợp đồng.
Video đang HOT
Chính vì 2 vấn đề trên mà ngân hàng kháng cáo bản án sơ thẩm.
Đối chiếu với nhiều trường hợp khác, vấn đề mấu chốt trong vụ án này là “kẽ hở” trong thế chấp tài sản. Cơ quan công tố đã chỉ ra rằng, lỗi xuất phát từ chính khâu thẩm định của ngân hàng.
Trong 3 tài sản đảm bảo thì có 2 tài sản là hộ gia đình ông Trần Hữu Minh và Nguyễn Công Điều có tính chất pháp lý ràng buộc.
Tại thời điểm thế chấp, vợ ông Nguyễn Công Điều không hề hay biết và không được ký vào hợp đồng. Trong khi theo Luật Hôn nhân gia đình, nhà đất này là tài sản chung của hai người, nên vợ ông Điều cũng phải có trách nhiệm liên đới.
Tương tự, vào năm 2007, thửa đất của ông Trần Hữu Minh đã được chuyển nhượng một phần cho người khác xây nhà kiên cố trên đó.
Để bảo vệ quyền lợi, ngân hàng đã xuất trình giấy tờ đề năm 2012 với nội dung vợ ông Điều cam đoan tài sản đem thế chấp là tài sản riêng và ông Điều có quyền định đoạt mà không cần hỏi ý kiến của bà.
Về thửa đất còn lại, ngân hàng cho rằng, hợp đồng chuyển nhượng giữa hai bên chưa hoàn tất nên không được pháp luật bảo vệ.
Song những lập luận trên của ngân hàng đều không được chấp thuận. Bởi lẽ, ngân hàng không chứng minh được chữ ký của vợ ông Điều trong giấy cam đoan. Còn thửa đất của hộ ông Trần Hữu Minh, tài liệu hồ sơ thể hiện bên nhận chuyển nhượng đã xây nhà và chuyển hộ khẩu.
Trong vụ án này, Hội đồng xét xử nhận định, ngân hàng không làm hết trách nhiệm khi lập hợp đồng thế chấp. Để đảm bảo giải quyết vụ án triệt để, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội quyết định hủy án sơ thẩm để giám định chữ ký của vợ ông Điều. Đồng thời, xem xét việc tuyên vô hiệu hợp đồng của hộ gia đình của ông Trần Hữu Minh là vô hiệu một phần hay toàn bộ.
Hà Linh
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Bị bắt giam vẫn có chữ ký trong hợp đồng thế chấp
Ngày 16/12/2015, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã xét xử vụ tranh chấp liên quan đến hợp đồng tín dụng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV).
Được biết, 2 năm trước, BIDV đã có đơn khởi kiện đối với Công ty TNHH Gia La (địa chỉ tại thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội) xung quanh việc tranh chấp Hợp đồng tín dụng hạn mức số 427.
Theo đó, tháng 4/2011, do nhu cầu vay vốn kinh doanh ngành nghề giặt là, ông Nguyễn Văn Mùi, Giám đốc Công ty TNHH Gia La đã ký Hợp đồng tín dụng hạn mức số 427 vay BIDV số tiền 400 triệu đồng. 5 tháng sau, Công ty vay thêm 700 triệu đồng.
Ngân hàng đã đồng ý cho vay với tổng số tiền là 1,1 tỷ đồng. Thời hạn vay là 10 tháng, lãi suất vay 19%/năm tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng và lãi suất thả nổi được điều chỉnh theo thông báo của BIDV Tây Hà Nội tại từng thời điểm.
Lãi suất nợ quá hạn là 150% lãi suất trong hạn (lãi suất vay đã được điều chỉnh nếu có). Hàng tháng, bên vay phải trả tiền lãi và đến thời hạn trả hết tiền gốc, nếu đến hạn không trả nợ sẽ chuyển sang nợ quá hạn.
Tài sản đảm bảo cho khoản vay là nhà và đất đứng tên hộ gia đình ông Trương Văn Ý (anh trai ông Mùi). Hộ gia đình gồm 4 người, diện tích đất 467,6m2 tại thôn Gia Trung, xã Quang Minh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội.
Thực hiện hợp đồng trên, BIDV đã tiến hành giải ngân 1,1 tỷ đồng theo 2 khế ước. Sau một thời gian kinh doanh, Công ty Gia La làm ăn thua lỗ, không trả được nợ gốc và lãi. Quá hạn thanh toán, Ngân hàng đã gửi đơn đến tòa, đề nghị Công ty phải thanh toán khoản nợ trên.
BIDV tạm tính khoản nợ đến ngày 1/7/2013 được xác định là gần 1,5 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 1,1 tỷ đồng; nợ lãi là hơn 363 triệu đồng.
Mặc dù vắng mặt bị đơn và những người có nghĩa vụ liên quan, song phiên tòa sơ thẩm (tháng 12/2014) vẫn diễn ra. Theo đó, Tòa án Nhân dân huyện Mê Linh tuyên bố chấp nhận đơn khởi kiện của Ngân hàng, buộc bị đơn phải hoàn trả tiền nợ, tính đến ngày 30/12/2014, tổng cộng là 1,8 tỷ đồng. Trường hợp Công ty không trả được nợ, Ngân hàng có quyền đề nghị phát mại tài sản để thu hồi nợ.
Theo quy định tại Điều 48 Luật Công chứng: "Người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên".
Sau phiên tòa trên, ông Trương Văn Ý kháng cáo toàn bộ bản án. Trước Hội đồng xét xử phúc thẩm (Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội), ông Ý trình bày, hồi tháng 8/2010, con trai ông bị bắt và phải thụ án về hành vi Chống người thi hành công vụ (thời gian là 3 năm tù). Do đó, tại thời điểm hợp đồng thế chấp được thiết lập vào tháng 4/2011, con trai ông không có mặt ở nhà để ký vào hợp đồng. Bản công chứng có đầy đủ chữ ký của các thành viên trong gia đình ông là không chính xác.
"Con tôi không có mặt nhưng lại có chữ ký là không thể xảy ra", ông Ý nói.
Tại tòa, luật sư bảo vệ quyền lợi của ông Ý đã cung cấp tài liệu thể hiện trong quá trình cấp sơ thẩm thụ lý, thân chủ của ông không được tòa tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử. Ông Ý cũng cho biết chỉ được triệu tập 2 lần để lấy lời khai về chương trình vay và lịch trình trả nợ.
Với 2 lý do nêu trên, ông Ý đề nghị cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, giám định lại chữ ký. Đặc biệt, bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân huyện Mê Linh cũng bị Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội kháng nghị theo hướng hủy án để xét xử lại. Nguyên do là cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng vì không đưa một số thành viên trong gia đình ông Ý tham gia tố tụng.
Tại phiên tòa, hai bên đương sự tranh luận khá căng thẳng. Luật sư bảo vệ quyền lợi của người có nghĩa vụ, người liên quan khẳng định tòa sơ thẩm đã không thu thập đầy đủ chứng cứ.
Phản bác các quan điểm của bên đối phương, phía nguyên đơn cho rằng, gia đình ông Ý không đến dự phiên tòa sơ thẩm là lỗi chủ quan, thậm chí là hành vi cản trở hoạt động tố tụng hợp pháp. Còn vấn đề tòa án sơ thẩm không trưng cầu giám định chữ ký là không trái luật, bởi lẽ không có đơn yêu cầu hoặc tố cáo.
Sau khi xem xét lời khai và diễn biến tại tòa, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội chấp nhận đơn kháng cáo và nội dung kháng nghị, quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho cấp sơ thẩm giải quyết lại.
Đồng thời kiến nghị cấp sơ thẩm cần thiết đưa phòng công chứng tham gia tố tụng và giám định chữ ký nhằm xác định tính hiệu lực của hợp đồng thế chấp, cũng như xem xét trách nhiệm các bên liên quan để giải quyết triệt để vụ án.
Đỗ Mến
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
ANZ, HSBC tại Việt Nam bị khách Ukraine rút tiền bất hợp pháp Người đàn ông quốc tịch Ukraine đã bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt 3 năm tù giam vì đã lợi dụng mạng internet rút tiền bất hợp pháp của HSBC và ANZ. Tổng số tiền mà Serhiy đã rút từ các máy ATM của ANZ và HSBC tại Việt Nam là 174,3 triệu đồng Theo tài liệu truy...