Lợi nhuận ngân hàng TP HCM giảm gần 96%
Ngân hàng Nhà nước TP HCM cho biết tổng lợi nhuận của các tổ chức tín dụng trên địa bàn năm qua đạt 667 tỷ đồng, chỉ bằng 4,4% năm trước.
Tại hội nghị tổng kết tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP HCM diễn ra sáng nay, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết hiệu quả kinh doanh (chênh lệch thu nhập và chi phí) của các tổ chức tín dụng tại TP HCM giảm sút và chỉ đạt 667 tỷ đồng. Trong đó, một số ngân hàng có tổng lợi nhuận 6.900 tỷ đồng, bù trừ cho các đơn vị khác hơn 6.200 tỷ đồng, nên nhìn chung hiệu quả kinh doanh của cả hệ thống rất thấp so với năm trước.
Nguyên nhân chính theo ông Lâm là do một số tổ chức tín dụng kinh doanh lỗ (từ hoạt động huy động vốn và cho vay vốn bằng vàng), đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác đầu tư, lợi nhuận giảm, nợ xấu…
Ông Lâm cho biết các ngân hàng cổ phần lỗ, nhưng các ngân hàng có nguồn vốn lớn của Nhà nước và nước ngoài vẫn đạt kết quả kinh doanh tốt, tổng lợi nhuận đạt hơn 6.900 tỷ đồng.
Ông dự báo năm 2013, hoạt động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn vẫn còn tiếp tục chịu tác động không nhỏ bởi những khó khăn cơ bản. Nợ xấu tiếp tục ảnh hưởng đến tính ổn định bền vững của thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng. “Nợ xấu đang có những tín hiệu tích cực hơn trong những tháng gần đây, hiện giảm 3.328 tỷ đồng so với tháng trước và chiếm 5,5% tổng dư nợ, nhưng vẫn đòi hỏi các tổ chức tín dụng cần đặc biệt quan tâm, có giải pháp quyết liệt hơn”, ông nói.
Ngân hàng Nhà nước TP HCM khuyến nghị, năm 2013 các tổ chức tín dụng trên đại bàn thành phố cần tiếp tục chủ động các giải pháp cơ cấu hoạt động, gắn liền với xử lý nợ xấu để ổn định hệ thống ngân hàng.
Video đang HOT
Thống đốc Nguyễn Văn Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lệ Chi.
Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình chia sẻ, thời điểm này hàng năm, các ngân hàng đã thi đua báo lãi. Tuy nhiên, năm nay thì tình hình đã khác, lợi nhuận toàn ngành đã giảm mạnh do trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ hơn. “Lợi nhuận sụt giảm tất nhiên là buồn nhưng bên trong nó lại tiềm ẩn một niềm vui. Đó là mọi hoạt động ngân hàng đã về giá trị thật”, Thống đốc nói.
Cũng theo ông Bình, trong năm qua, tuy tình hình rất khó khăn nhưng các ngân hàng đã biết sống theo kỷ cương, kỷ luật để tạo hiệu quả lâu dài. Bản thân Ngân hàng Nhà nước cũng đã định hướng được chính sách tiền tệ, mục tiêu…
Ông Bình cũng nhìn nhận, trước tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động và sức khỏe của bản thân ngân hàng hiện nay, năm 2013 vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhiều thách thức đối với nền kinh tế và ngành ngân hàng. “Tuy nhiên, chúng ta cũng sẽ nhìn thấy những ánh hồng trong khó khăn đó. Vì thế, mỗi bước đi ngày hôm nay phải vững chắc mới trở thành nền tảng cho ngày mai”, ông Bình nói.
Thống đốc cũng cho biết, với kế hoạch tăng trưởng cao hơn năm 2012, tức tăng trưởng lên 5,5%-5,7%, còn lạm phát thấp hơn 6,8%, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12%-13%, sẽ vẫn có phân cấp tín dụng và hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng. Việc thành lập công ty mua bán nợ xấu nếu được thông qua sớm sẽ góp phần xử lý nợ sớm nhằm khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế.
Theo VNE
Chủ nhà băng dè dặt chia cổ tức
Lãi giảm mạnh, thậm chí chỉ mong không lỗ nên nhiều ngân hàng thừa nhận khó trả cổ tức 2012. Ngoài ra, áp lực từ "lệnh"cấm chia cổ tứccủa Thống đốc nếu chưa trích dự phòng rủi ro cũng khiến các ông chủ thêm do dự.
Nếu như mọi năm, giai đoạn quý III và quý IV là thời điểm các ngân hàng rục rịch công bố tạm ứng, chi trả cổ tức thì đến hết năm 2012, số nhà băng thông báo chỉ lác đác. Tỷ lệ chi trả cũng không còn ở những mức cao trên 10% hay thậm chí 20% như cuối năm 2011.
Đến nay, Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) là đơn vị thông báo tỷ lệ tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2012 cao nhất với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt. MB cũng là một trong số ít các nhà băng không giảm lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất ngành. Tuy nhiên, theo kế hoạch đưa ra đầu năm của MB là chi trả cổ tức tỷ lệ 15%.
Nhiều nhà băng có thể lại lỡ hẹn cổ tức với cổ đông do năm 2012 quá khó khăn. Ảnh: Hoàng Hà.
Cùng với MB, một số ngân hàng cổ phần khác đã chi trả tạm ứng cổ tức. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tạm ứng cổ tức 8% bằng tiền mặt. Tháng 11/2012, Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MaritimeBank) cũng tạm ứng cổ tức 7% bằng tiền mặt trong khi Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã tạm ứng 6% và hứa trả tiếp 4% vào tháng 2 năm nay. DaiA Bank cũng đã trả 5% cổ tức trong khi kế hoạch là 12%.
Phần còn lại, các nhà băng đều thông báo việc chi trả cổ tức nhỏ giọt, thậm chí có nơi đánh tiếng là không thể chi trả. Ngay đến khối ngân hàng thương mại Nhà nước cũng phải "nâng lên hạ xuống" khi đưa ra quyết định. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa điều chỉnh giảm tỷ lệ chi trả cổ tức từ 14% xuống 11,7%.
Tương tự, Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cũng cho biết tỷ lệ trả cổ tức chỉ còn 13-15% so với kế hoạch 20% từ đầu năm. Vào đầu năm 2013, bản thân Chủ tịch Vietinbank Phạm Huy Hùng cho biết sẽ trả cổ tức 17% nhưng bằng cổ phiếu để đảm bảo kế hoạch tăng vốn sau khi bán cổ phần cho đối tác chiến lược Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ của Nhật Bản. Về phần mình, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sau khi đề nghị điều chỉnh giảm một số chỉ tiêu kinh doanh vào giờ "G" cũng bất ngờ hủy ý định và đến nay vẫn chưa có thông tin về cổ tức.
Trao đổi với VnExpress.net, đa phần các ngân hàng cổ phần rất dè dặt khi đưa ra kế hoạch trả cổ tức năm. Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu Nguyễn Thanh Toại cho biết, Hội đồng quản trị chưa chốt phương án trả tiền mặt hay cổ phiếu cũng như tỷ lệ chi trả. Tuy nhiên, đại diện ACB khẳng định dù khó khăn nhưng chắc chắn sẽ có cổ tức. Mặc dù vậy, ông Toại cũng lưu ý, lợi nhuận năm 2012 ước đạt 1.200 tỷ đồng - chưa bằng một phần tư kế hoạch 5.000 tỷ ban đầu - nên tỷ lệ chi trả cổ tức sẽ giảm so với dự kiến ban đầu.
Những năm trước đây, ACB vẫn là một trong những ngân hàng trả cổ tức đều đặn và với tỷ lệ cao trong ngành ngân hàng. Năm 2010, ACB chi trả cổ tức với tỷ lệ 20% bằng tiền mặt.
Một lãnh đạo của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín Sacombank cho biết đang trình xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước kế hoạch chi trả cổ tức nên chưa thể công bố. Đầu năm, Sacombank dự kiến đạt 3.400 tỷ đồng lợi nhuận và chia cổ tức từ 13-16% nhưng lợi nhuận sau 10 tháng chỉ đạt trên 60% kế hoạch cả năm.
Một chuyên gia tài chính hiện đang tham gia cố vấn tại một ngân hàng cổ phần cho biết, ngoài lợi nhuận sụt giảm mạnh còn có nguyên nhân khiến cổ tức năm nay bi quan là nhiều ngân hàng phải ưu tiên việc thực hiện tái cơ cấu. Sau khi sáp nhập Habubank, SHB phải cáng đáng khoản nợ xấu và xử lý việc giảm lỗ, san lấp vốn chủ sở hữu để bằng và vượt vốn điều lệ. Chính vì vậy, trao đổi với báo chí, lãnh đạo SHB từng thừa nhận chỉ hy vọng không lỗ và ngân hàng này cũng không có nguồn để trả cổ tức. Bù lại, các cổ đông của SHB đã được thưởng bằng cổ phiếu khi hoán đổi cổ phiếu giữa Habubank và SHB.
Theo vị chuyên gia trên, đặc biệt những nhà băng yếu kém, gần như sẽ không có có cơ sở trả cổ tức. Tổng giám đốc một đơn vị vừa tham gia tái cơ cấu trong năm 2012 cũng cho VnExpress biết, ngân hàng này chưa thể trả cổ tức vì phải dành nhiều nguồn lực cơ cấu lại để ngân hàng đi vào ổn định.
Theo VNE
Tái cơ cấu ngân hàng quá chậm Tại hội thảo "Hoạt động ngân hàng - Bức tranh toàn cảnh 2012 và kiến nghị chính sách 2013" do Học viện Ngân hàng tổ chức ngày 25.12, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng chính sách tiền tệ quốc gia, cho biết chính việc xử lý chậm các NH yếu kém dẫn đến hiện nay Chính phủ làm gì cũng bị...