Lợi nhuận ngân hàng sụt giảm
Khác mọi năm, cảnh nhà băng tấp nập hân hoan báo lãi khủng đã không còn mà năm nay, họ vừa báo lãi vừa lo. Lợi nhuận khối ngân hàng cổ phần giảm gần một nửa còn lãi của các “ông lớn” cũng chỉ nhỉnh hơn năm 2011 rất ít.
Tình hình lợi nhuận ảm đạm trong 2012 đã chấm dứt những năm tháng hoàng kim lãi khủng, lương thưởng cao ngất ngưởng của ngành ngân hàng. Ngay đến “đại gia” trong ngành như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, cũng không tăng trưởng đáng kể so với năm trước. Tiếp tục giữ 3 vị trí cao nhất của toàn ngành về lợi nhuận nhưng các “ông lớn” này đều phải lỗi hẹn với kế hoạch hoành tráng lãi hàng nghìn tỷ đã đặt ra đầu năm.
Hết năm 2012, Vietinbank báo lãi trước thuế hơn 8.200 tỷ đồng – tăng khoảng 100 tỷ so với năm 2011 còn lợi nhuận BIDV chỉ tăng 16 tỷ khi lãi trước thuế gần 4.260 tỷ đồng. Vietcombank dù chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2012 nhưng theo một lãnh đạo của ngân hàng này, lợi nhuận năm nay chỉ tăng khoảng 60 tỷ so với 2011 và ước đạt 5.760 tỷ đồng. Như mọi khi, ngân hàng còn lại trong “tứ trụ” quốc doanh là Agribank vẫn muộn màng trong việc thông báo lợi nhuận. Trong thông cáo phát đi hôm qua (17/1), ngân hàng này chỉ cho biết tín dụng tăng 8,2% còn số liệu về lãi lỗ và nợ xấu vẫn không có thông tin.
Lợi nhuận toàn ngành sụt giảm gần một nửa so với năm 2011. Ảnh: Hoàng Hà.
Trao đổi với VnExpress.net, hầu hết các ngân hàng cổ phần đều nói sẽ có lãi trong năm 2012 nhưng con số lợi nhuận sụt giảm rất mạnh. Ông Nguyễn Thanh Toại – Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) – cho biết dù năm 2012 trải qua nhiều biến cố nhưng nhà băng này vẫn lãi khoảng 1.200 tỷ đồng. Mặc dù vậy, mức lãi này thấp xa chỉ tiêu lãi 4.500 tỷ ban đầu.
Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình cho biết năm nay lãi ước đạt 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2011 lợi nhuận trước thuế của DongA Bank đạt 1.255 tỷ đồng và tăng 46,3% nếu so với năm 2010. Như vậy, lãi năm 2012 may ra chỉ ngấp nghé năm 2011, thậm chí thấp hơn.
Ông Phan Huy Khang – Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)- thì dè dặt công bố con số lãi chính thức. Tuy nhiên, ông Khang cũng thừa nhận, việc phải chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp qua giảm lãi suất cho vay cũng như tăng trích lập dự phòng rủi ro xử lý nợ xấu đã khiến lợi nhuận các ngân hàng đi xuống.
Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) thì thở phào khi báo lãi bởi trước đó, lãnh đạo của nhà băng này chỉ dám đăng ký mục tiêu khiêm tốn là “hòa vốn” sau khi phải cáng đáng khoản lỗ nghìn tỷ từ Habubank. Một số ngân hàng trong diện yếu kém phải tái cơ cấu khác cũng đang chới với giữa khả năng lãi ít hoặc thậm chí lỗ.
Ngân hàng Quân đội là một trong hiếm hoi các nhà băng có tín dụng tăng cao (26,5%) và tăng trưởng lợi nhuận được tính theo đơn vị “nghìn tỷ” thay vì vài tỷ như các đơn vị khác. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng cho biết cơ cấu lợi nhuận nay đã thay đổi, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh trong khi từ tín dụng giảm xuống.
Video đang HOT
Một nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tổng lợi nhuận toàn ngành ngân hàng năm 2012 là 28.600 tỷ đồng, sụt giảm gần 50% so với năm 2011. Như vậy, trong khi lãi của các ông lớn quốc doanh (chưa kể Agribank) không giảm thì lợi nhuận của khối ngân hàng cổ phần ước sụt giảm một nửa. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước đến cuối tháng 10, tổng tài sản của các ngân hàng cổ phần cũng đã “bốc hơi” thêm gần 21.500 tỷ đồng.
Lãi giảm khiến lương thưởng và cổ tức ngân hàng sụt giảm mạnh. Ảnh: Hoàng Hà.
Về những con số này, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần vừa tham gia tái cơ cấu trong năm 2012 tâm sự đầy cay đắng: “Cuối năm 2011, khi ngồi với nhau, nhóm lãnh đạo mấy ngân hàng đã bảo nhau năm 2012 sẽ khó khăn nhưng không ngờ lại thê thảm đến như vậy”. Vị này còn nói thẳng, cứ tình hình này, việc năm 2013 có ngân hàng đặt chỉ tiêu hòa vốn hoặc thậm chí lỗ ngay từ đầu năm như một số doanh nghiệp đã làm vừa qua là hoàn toàn có thể xảy ra.
Chẳng riêng các lãnh đạo, ở cấp dưới, nhân viên ngân hàng cũng ngấm dần chuyện những đồng lãi đã không còn nhiều trong két của nhà băng. Một nhân viên đã từng làm việc 4 năm trong ngành kể: “Đòi tăng lương thì sếp trả lời nửa đùa nửa thật nhưng tôi cũng thấy đúng: ‘Cậu còn được ngồi đây làm việc là may rồi’. Còn chuyện thưởng Tết, thì chỉ cần nhìn vào việc ngay đến suất tặng lịch đầu xuân của nhân viên năm nay cũng bị cắt đáng kể là anh em đủ hiểu”.
Lương thưởng và cổ tức – những quyền lợi sát sườn nhất của cán bộ công nhân viên và cổ đông – cũng bị ảnh hưởng nặng trong năm 2012. Khác với mọi năm, đến nay thị trường vẫn không tìm thấy nhà băng công bố mức thưởng Tết “khủng” nhiều tháng lương, thay vào đó là những lời đánh tiếng dè dặt về việc cắt thưởng Tết của hàng loạt ngân hàng. Bên cạnh đó, các ông chủ nhà băng cũng ngần ngại hơn khi nói đến chuyện chia cổ tức.
Tuy nhiên, không cần biết lãi ít hay nhiều, năm nay họ sẽ khó lòng phóng tay chi trả bởi “lệnh” cấm của Thống đốc đã ban và được hiện thực hóa qua Chỉ thị 06 – cấm nhà băng tăng lương, chia cổ tức nếu chưa trích lập đủ dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Mà nợ xấu thì lại chưa thể giải quyết ngay trong một vài tháng, thậm chí một vài năm. Và như vậy, khó khăn có thể sẽ còn tiếp tục chờ đón ngành ngân hàng trong năm sau nữa.
Theo VNE
Nhiều ngân hàng miễn phí giao dịch ATM
Để thu hút khách hàng mới, một số ngân hàng sẽ không tính phí giao dịch ATM nội, ngoại mạng sau ngày 1/3. Các nhà băng này cho hay sẽ chấp nhận bù lỗ để phát triển số lượng khách hàng thay vì tận thu bằng mọi loại phí.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho thu phí nội mạng kể từ ngày 1/3, nhiều khách hàng đã phản đối và thậm chí, một số cho biết sẽ không dùng ATM để tránh mất phí. Trước thực trạng trên, nhiều ngân hàng đã thông báo miễn phí toàn bộ chi phí giao dịch nhằm "câu" thêm nhiều khách hàng.
Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) cho biết sẽ tiếp tục duy trì chính sách miễn phí rút tiền tại hơn 14.000 ATM nội địa trên cả nước đã áp dụng từ tháng 6/2012. Theo đó, các khách hàng mở mới tài khoản thanh toán tại VIB sẽ được miễn phí rút tiền tại tất cả ATM của các ngân hàng nội địa trong 6 tháng đầu kể từ ngày đăng ký. Từ tháng thứ 7 trở đi, nếu duy trì số dư trung bình tài khoản tháng trước từ 500.000 đồng trở lên, khách hàng sẽ tiếp tục được miễn phí. Với các khách hàng hiện hữu, VIB đã áp dụng chính sách miễn phí trong thời gian 6 tháng cuối năm 2012 và từ tháng 1/2013, khách hàng sẽ tiếp tục được rút tiền miễn phí nếu duy trì số dư trung bình tài khoản tháng trước từ 500.000 đồng trở lên,
Lý giải quyết định trên, ông Richard Harris - Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB - cho rằng, chính sách này nằm trong định hướng phát triển ngân hàng bán lẻ giai đoạn hiện nay của VIB nhằm giúp khách hàng an tâm, thoải mái khi sử dụng thẻ, đồng thời giúp khách hàng tiết kiệm thời gian khi có thể dễ dàng rút tiền tại bất kỳ cây ATM nội địa nào thay vì phải tìm đúng cây ATM khi có nhu cầu về tiền mặt hay phải xếp hàng chờ đến lượt rút tiền, nhất là trong những dịp cao điểm lễ Tết cuối năm. "VIB muốn chú trọng việc phát triển số lượng khách hàng cá nhân và sản phẩm dịch vụ cho đối tượng này thay vì quan tâm lệ phí thu được. Đây cũng chính là tiền đề để VIB đẩy mạnh những sản phẩm dịch vụ khác như Mobile Banking, Internet Banking trong tương lai", ông Richard Harris cho biết.
VIB vẫn tiếp tục duy trì chính sách miễn phí giao dịch ATM để tăng số lượng khách hàng. Ảnh:Hoàng Hà.
Ngày 28/12, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 35 quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa, trong đó có biểu phí mới về các giao dịch thẻ được thực hiện tại máy rút tiền tự động (ATM).
Theo đó, từ ngày 1/3/2013 đến hết năm 2013, phí rút tiền nội mạng được khống chế không quá 1.000 đồng mỗi giao dịch. Sang năm 2014, mức phí này sẽ tăng gấp đôi và gấp ba vào năm 2015. Các giao dịch rút tiền ngoại mạng sẽ mất tối đa 3.000 đồng mỗi giao dịch. Các mức phí này đều chưa có Thuế giá trị gia tăng (VAT).
Tương tự, Ngân hàng Tiên Phong cũng khẳng định chưa thu phí ATM nội và ngoại mạng đối với các chủ thẻ. Hiện tại, mọi giao dịch rút tiền ATM ngoại mạng (ngoại trừ tại ATM của Ngân hàng ANZ, HSBC và Citibank) đều được miễn phí.
Ngân hàng TMCP Bản Việt (VCCB) cũng đang áp dụng chính sách miễn phí cho chủ thẻ Viet Capital E-Plus bao gồm phí thường niên, rút tiền mặt, chuyển khoản nội bộ, in sao kê, kiểm tra số dư tài khoản. Nếu khách hàng sử dụng thẻ Viet Capital E-Plus, phí rút tiền tại máy ATM của ngân hàng khác sẽ được Viet Capital Bank trả thay chủ thẻ.
Tổng giám đốc Nguyễn Hưng cho biết: "Chủ trương hiện tại của ngân hàng là sẵn sàng bù lỗ để mở rộng khách hàng. Mọi chi phí tại các giao dịch của khách hàng hiện nay đều do ngân hàng chịu". Từ chối cung cấp chi tiết chi phí bù lỗ hàng tháng nhưng ông Hưng cho biết cũng "kha khá". "Ví dụ như với mỗi giao dịch rút tiền, TienPhong Bank vẫn phải trả cho ngân hàng bạn 3.300 đồng. Do đó, hoạt động ATM chưa bao giờ lãi".
Ở phía Nam, hai đơn vị là Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á và Ngân hàng Phát Triển Mê Kông (MDB) cũng sẽ tiếp tục miễn toàn bộ phí đối với các giao dịch ATM (cả nội lẫn ngoại mạng). Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á Trần Anh Tuấn chia sẻ: "Việc khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt cũng rất quan trọng nên NamA Bank xe, quyết định không thu phí giao dịch ATM như một giá trị cộng thêm để thu hút khách hàng".
Theo ông Tay Han Chong, Tổng giám đốc MDB, việc gia tăng giá trị cộng thêm và sự tiện lợi cho khách hàng quan trọng hơn nhiều so với việc ngân hàng tận thu các loại phí.
Nhìn nhận động thái một số ngân hàng miễn phí giao dịch ATM cho khách hàng dù đã được "bật đèn xanh" bằng Thông tư 35, một quan chức của Ngân hàng Nhà nước cho rằng, điều này là đáng ghi nhận. "Việc này không trái với Thông tư, các ngân hàng có thể thu phí 0 đồng đối với khách hàng, tùy vào chính sách cạnh tranh của mỗi nơi", vị này trả lời. Cũng theo ông, những quy định được đưa ra trong Thông tư chỉ mang tính định hướng và cơ sở pháp lý để ngăn chặn việc một số nhà băng tự ý thu phí với mức quá cao, không phù hợp.
Trong khi đó, nhiều nhà băng có hệ thống máy ATM lớn vẫn đang cân nhắc kỹ việc thu phí. Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Sacombank Phan Huy Khang cho biết, dù chưa quyết định cụ thể nhưng đảm bảo không thu nhiều để khách hàng phải bức xúc. "Sacombank có thể cân nhắc miễn giảm phí với những đối tượng thu nhập thấp, học sinh, sinh viên và đưa ra mức phí hợp lý cho các đối tượng khác", ông Khang cho hay.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Toại - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), ngân hàng cũng đang cân nhắc chính sách thu phí và sẽ thu phí theo đúng quy định của Thông tư 35. Tuy nhiên, lãnh đạo này từ chối tiết lộ có miễn phí cho khách hàng hay không.
Theo tổng giám đốc của một ngân hàng phía Nam có trên 800 ATM trên toàn quốc, nếu hạch toán thì kinh doanh dịch vụ thẻ ATM trước đến nay đều lỗ. "Mỗi máy ATM giá mười mấy nghìn USD cộng với chi phí thuê địa điểm ngày càng đắt. Phí bảo trì, sửa chữa hàng năm cũng khá lớn nên số lãi từ tiền gửi không kỳ hạn mà chủ thẻ gửi vào không đủ bù đắp", ông cho hay.
Mặt khác, theo vị lãnh đạo này, nhà băng còn phải duy trì số dư thấp nhất vài trăm triệu đồng mỗi máy. Hiện nay, chỉ cần vài trăm máy ATM đã có thể ngốn hàng trăm tỷ đồng số tiền không sinh lãi.
Chia sẻ với VnExpress.net, tổng giám đốc một ngân hàng nhỏ vẫn duy trì chính sách miễn phí ATM thừa nhận: "Có lẽ ngân hàng chỉ miễn phí được thêm một thời gian nữa để tăng số lượng khách hàng chứ không thể chấp nhận bù lỗ mãi. Để nâng cao chất lượng dịch vụ thì có thể ngân hàng sẽ thu phí nhưng khoanh vùng đối tượng chứ không thu toàn bộ".
Đồng tình với quan điểm này, một nữ tổng giám đốc tại ngân hàng cổ phần khác nói thẳng: "Khách hàng nên chia sẻ cùng ngân hàng và nên hiểu những dịch vụ miễn phí mãi sẽ khó đi kèm với chất lượng cao".
Theo VNE
"Kiểu gì cũng có thưởng tết" DN kêu khó, nhiều "đại gia" năm nay cũng tuyên bố cắt thưởng. Nói là vậy song bằng cách này hay cách khác kiểu gì cũng sẽ có thưởng cho người lao động. Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH khẳng định như vậy khi nhận định tình hìnhthưởng tết năm nay. Thứ trưởng nhận định như thế nào về tình hình...