Lời khuyên cho chị em bị đau bụng dữ dội trong kì kinh nguyệt
Nếu bạn bị đau bụng dữ dội trong kì kinh nguyệt, thì nên uống thuốc để cân bằng nội tiết trong cơ thể hơn là dùng các loại thuốc giảm đau.
Em năm nay 22 tuổi. Cứ đến những ngày có “đèn đỏ” là em bị đau bụng dữ dội, người lạnh toát, ra nhiều mồ hôi, buồn nôn và kèm theo hiện tượng đi ngoài. Em thường đau vào những ngày đầu, nhất là ngày thứ 2 -3, cơn đau thậm chí có thể kéo dài cả ngày.
Liên tục như vậy trong thời gian dài, tháng nào em cũng phải uống thuốc giảm đau. Giờ đây em lại lo lắng uống nhiều thuốc giảm đau có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng có con sau này của em. Nhưng nếu không uống thuốc thì em không chịu đựng nổi cơn đau.
Em muốn hỏi bác sĩ, nếu em uống thuốc giảm đau nhiều như vậy thì có tác hại gì không? Và ngoài cách uống thuốc thì em có thể làm gì để giảm cơn đau trong những ngày này. Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin chân thành cảm ơn! (Hoa Mai)
BS. Hoa Hồng tư vấn:
Bạn Hoa Mai thân mến,
Rất nhiều chị em có những triệu chứng khó chịu trước kì kinh nguyệt như bụng dưới hơi căng tức, bụng đau lâm ram, lưng mỏi. Cơn đau xuất hiện trong lúc hành kinh là cơn đau do co thắt, xung huyết, liên quan đến hiện tượng tăng co bóp của lớp cơ ở thành tử cung.
Nếu bụng đau nhiều, đau từng cơn kèm nôn mửa, tiêu chảy và cơn đau xảy ra không nhất định… trong khoảng thời gian trước hoặc trong khi có kinh nguyệt thì Đông y gọi là “thống kinh”. Nguyên nhân chủ yếu gây nên thống kinh là do khí huyết vận hành không lưu thông. Nếu đau bụng dữ dội vào mỗi chu kỳ kinh nguyệt, lượng kinh thất thường lúc ít lúc nhiều, đau trong và sau khi giao hợp, khi đi vệ sinh và một số triệu chứng khác như mệt mỏi, buồn nôn… thì phải nghĩ tới bệnh lạc nội mạc tử cung.
Video đang HOT
Ảnh minh họa
Trường hợp của bạn nếu đau bụng kinh chỉ diễn ra từ 1 đến 2 ngày thì không sao cả nhưng nếu kéo dài hơn và kèm theo các biểu hiện như khí hư ra nhiều, hôi, có màu vàng xanh thì bạn nên lưu ý và nên tìm đến các bác sĩ chuyên khoa để thăm khám.
Nếu bạn bị đau bụng dữ dội trong kì kinh nguyệt, thì nên uống thuốc để cân bằng nội tiết trong cơ thể hơn là dùng các loại thuốc giảm đau. Bởi nếu uống thuốc giảm đau trong một thời gian dài, liên tục có thể dẫn đến hại gan, thận, về lâu dài sẽ giảm phản ứng của cơ thể với thuốc, dẫn đến nhờn thuốc…
Để giảm các cơn đau trước và trong ngày có kinh nguyệt, bạn hãy áp dụng cách thay đổi trong chế độ ăn uống. Bạn ên những thức ăn dễ tiêu hóa và hấp thu trước kì kinh nguyệt 3-5 ngày, đồng thời tránh ăn những thực phẩm có nhiều gia vị hay các loại thực phẩm lạnh vì chúng có thể kích thích tử cung, ống dẫn trứng hoặc làm trầm trọng thêm cơn đau bụng. Bạn nên chia thành các bữa nhỏ trong ngày, tránh những thức ăn khó tiêu…
Ngoài ra, bạn cũng cần ăn các loại thực phẩm chua như bắp cải muối, salad, nộm, canh chua… để giảm cơn đau bụng kinh. Uống nước ấm và dùng túi giữ nhiệt đặt lên bụng cũng là cách để giúp giảm cơn đau trong những ngày nhạy cảm này.
Chúc bạn vui, khỏe!
Theo VNE
Khó nhận biết trẻ lồng ruột
Nhiều phụ huynh thấy trẻ đau bụng cứ lầm tưởng con bị đầy hơi hoặc tiêu chảy mà không biết đó có thể là triệu chứng của bệnh lồng ruột.
Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương cho biết thời gian gần đây, BV tiếp nhận nhiều bệnh nhi cấp cứu do lồng ruột. Gần đây nhất là bé Nguyễn Quang Lâm (1 tuổi, ở TP Hải Phòng), nhập viện trong tình trạng sốt, nôn, đau bụng dữ dội, khóc ngặt từng cơn. Tuy nhiên, do bé không được chẩn đoán và phát hiện kịp thời nên đoạn ruột lồng đã chui sâu vào nhau gây sưng nề, tắc nghẽn mạch máu. Các bác sĩ (BS) đã phải phẫu thuật để tháo lồng cho bé.
Gặp nhiều hơn ở trẻ bụ bẫm
Trước đó, Khoa Cấp cứu BV Nhi Trung ương cũng tiếp nhận bé Nguyễn Hồng Minh (8 tháng tuổi, ở quận Thanh Xuân - Hà Nội) nhập viện trong tình trạng mặt lờ đờ, môi khô, bụng trướng to, đi ngoài ra máu nhiều. Mẹ Minh cho biết bé có biểu hiện sốt, quấy khóc từng cơn, đến khám tại một phòng khám tư được BS kê đơn thuốc hạ sốt, men tiêu hóa và thuốc chống đầy bụng nhưng 2 ngày sau vẫn không đỡ nên gia đình đưa vào BV. Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán bị lồng ruột cấp, nếu không phẫu thuật gấp, tính mạng có thể bị đe dọa.
Trẻ nhỏ có biểu hiện đau bụng nên được khám, chẩn đoán sớm bệnh lồng ruột
Theo TS-BS Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, lồng ruột là một cấp cứu ngoại nhi thường gặp và là nguyên nhân hàng đầu gây tắc ruột ở trẻ, thường gặp ở các cháu 3-12 tháng tuổi, khi một đoạn ruột phía trên lồng vào đoạn kế tiếp. Bệnh gặp ở trẻ trai nhiều hơn trẻ gái và ở trẻ bụ bẫm nhiều hơn trẻ nhẹ cân, trẻ lớn hơn vẫn có thể bị.
Bệnh diễn tiến nhanh
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi BV Bạch Mai - Hà Nội, cho biết nếu phát hiện sớm khi đoạn ruột bị lồng ít và mới, việc bơm hơi từ hậu môn trực tràng sẽ giúp đoạn lồng được thoát ra và chỉ 1-2 ngày sau, trẻ có thể xuất viện. Tuy nhiên, đáng tiếc là nhiều bậc cha mẹ còn chưa nhận biết các dấu hiệu cơ bản của bệnh lồng ruột nên không đưa trẻ đến BV sớm. Nhiều trường hợp trẻ nhập viện đã có những biến chứng như hoại tử, tắc ruột, nhiễm trùng, nguy hiểm đến tính mạng.
PGS-TS Dũng cho rằng dấu hiệu dễ nhận biết nhất là trẻ đang chơi đùa khỏe mạnh bỗng khóc thét từng cơn, mỗi cơn cách nhau vài ba phút do đau bụng quằn quại, tiếp đó là nôn. Khoảng 7-8 giờ sau, trẻ đi ngoài ra máu. Ở trẻ càng nhỏ, dấu hiệu đại tiện ra máu càng sớm. Tuy nhiên, không phải trẻ nhỏ nào bị lồng ruột cũng có biểu hiện trên. Thực tế, có bé trong ngày đầu tiên, các cơn đau chỉ xuất hiện nhanh, thoáng qua, sau đó trẻ lại chơi nên rất dễ khiến cha mẹ nhầm lẫn, chủ quan.
BS Lê Thanh Hải khuyến cáo do diễn biến của bệnh rất nhanh nên khi thấy các dấu hiệu của bệnh lồng ruột, cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời. Với thiết bị siêu âm, BS dễ dàng phát hiện khối ruột lồng để xử lý kịp thời. Đến BV chậm dễ khiến trẻ bị tắc ruột, ứ đọng, gây nhiễm trùng, rối loạn nước điện giải trầm trọng, nhiễm trùng huyết, hoại tử ruột, thủng ruột... Khi đã xuất hiện các triệu chứng trên ở trẻ, BS bắt buộc phải phẫu thuật. Trường hợp trẻ đã bị thủng ruột, các BS sẽ phải cắt bỏ cả đoạn ruột. Cũng theo TS-BS Hải, lồng ruột không phải chỉ xảy ra một lần mà có thể tái mắc.
Chưa rõ nguyên nhân gây bệnh
Một số BS cho biết theo nhiều phụ huynh, con họ lồng ruột là do bị tung hứng nhưng các nghiên chưa bao giờ thấy nói đến nguyên nhân này. Hiện vẫn chưa xác định chính xác được nguyên nhân gây bệnh lồng ruột, do vậy cũng chưa có cách phòng ngừa. Tuy nhiên, những trẻ nhiễm khuẩn đường hô hấp, đường ruột, tai mũi họng có mối liên hệ với bệnh lồng ruột. Trẻ bị tiêu chảy do virus và vi khuẩn, nhu động ruột tăng có thể dẫn đến lồng ruột. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy do chế độ ăn giặm, thay đổi sữa đột ngột làm nhu động ruột của trẻ thay đổi dễ gây bệnh lồng ruột.
Các BS khuyến cáo cha mẹ cần giảm các nguy cơ trên cho trẻ. Trường hợp đổi sữa hoặc thay đổi chế độ ăn thì nên thực hiện từ từ. Với trẻ dưới 1 tuổi, các BS khuyên không nên làm các cháu cười quá nhiều hoặc tung lên cao, rung lắc mạnh...
Theo KHÁNH ANH (Người lao đông)
Ngộ độc vì ăn... cơm nhà Người ta vẫn hay dặn nhau là hạn chế cơm đường cháo chợ, duy trì bữa ăn gia đình cho an toàn. Ấy vậy mà vẫn thường xuyên có những ca ngộ độc do ăn cơm nhà. Mầm mống gây ngộ độc thực phẩm hiện diện trong đồ dùng làm bếp mất vệ sinh, trong nguyên liệu mua về không được chọn kỹ...