Lời kể hãi hùng người sống sót ở gia đình có 4 người chết do lũ dữ
Sự mất mát quá lớn đối với anh Vi Văn Dũng, ở bản Hắc, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh ( Thanh Hóa) khiến ai cũng phải xót lòng. Bà nội, bố đẻ, vợ và con anh bị dòng lũ dữ cướp đi ngay trước mặt, còn mẹ đẻ đang phải nằm viện. Bao nhiêu công sức, tài sản của bố, mẹ và vợ chồng anh bỗng chốc tan tành, trắng tay.
Nửa đêm, trận lũ kinh hoàng quét qua cuốn trôi theo nhà cửa, tài sản và tất cả những gì có trong gia đình người nông dân nghèo khổ ấy. Dù đã hai ngày trôi qua, nhưng người may mắn sống sót dường như vẫn không thể tin đó là sự thật. Bởi lẽ, chỉ trong giây lát, bà nội, bố đẻ, vợ và con đều bị dòng lũ dữ cướp đi sinh mạng. Có những lúc, thấy nhiều người hỏi thăm, động viên, anh Vi Văn Dũng chỉ cười. Nhìn thấy vậy, mọi người càng nhói lòng hơn.
Bà Vi Thị Thắm – con gái cụ Tằm kể về nỗi đau của gia đình sau cơn lũ. Ảnh: H.Đ
Bà Vi Thị Thắm (49 tuổi) là con gái cụ bà Vi Thị Tằm – người bị lũ cuốn trôi tử vong, tâm sự: “Thằng Dũng giờ cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ như người mất hồn. Ai hỏi gì thì nó nói, còn không suốt từ lúc đi đưa bà nội và bố về, nó cứ lầm lì vậy thôi. Ngược lại, nhiều lúc có người đến hỏi thăm, nó lại cười như chưa có chuyện gì xảy ra vậy. Những lúc như thế, nhìn cháu mà chúng tôi không cầm được nước mắt. Có lẽ, nó chịu đựng đau khổ quá mức rồi nên mới như vậy. Chỉ cầu mong ông trời thương cảm cảnh đại tang này, mà phù hộ cho gia đình sớm tìm được thi thể của vợ, con nó”.
Anh Vi Văn Dũng kể về giây phút kinh hoàng nhất của đời mình. Ảnh: H.Đ
Gặp chúng tôi, anh Dũng kể lại giây phút kinh hoàng nhất của đời mình bằng giọng nghèn nghẹn: “Đêm 19.7, lúc đó khoảng 22h, trời mưa tầm tã suốt nhiều giờ liền không ngớt, tôi thấy sốt ruột quá nên đội đèn pin lên đầu rồi chạy qua nhà bố, mẹ và bà nội đang ở xem có việc gì bất trắc không. Khi qua tới nơi, bỗng nghe tiếng ầm ầm từ đâu vọng lại như tiếng sấm xa. Lúc đó, bố tôi bảo chắc là tiếng ô tô rồ ga lên dốc.
Khoảng mấy giây sau, khi tôi nghe những âm thanh của đất đá sạt lở từ trên đỉnh núi xuống thì vội vàng kêu bố là sạt lở núi rồi, chạy thôi. Lúc đó, bố tôi lao đi cứu bà nội, còn tôi chạy về nhà mình để cứu vợ, con. Thế nhưng, khi tôi vừa ra khỏi nhà thì nước lũ tràn về cuốn phăng cả ngôi nhà.
Theo phản xạ, tôi khua tay và ôm được một gốc cây. Lúc đó, nhìn thấy vợ và con bị lũ cuốn đi mà tôi không thể làm gì được. Khi ngoảnh lại, căn nhà của bố và bà nội cũng chẳng còn”.
Video đang HOT
Chị Hà Thị Thúy may mắn sống sót trong cơn lũ đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: H.Đ
Chị Hà Thị Thúy (40 tuổi) – người may mắn thoát chết trong lúc lũ đổ về, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lang Chánh, kể lại: “Cứ nghĩ đến lúc bị lũ cuốn là người tôi lại run lên. Lúc đó, thấy trời mưa to quá nên tôi chạy ra định chằng buộc lại dây cột của chuồng trâu. Vừa ra tới nơi thì nước đổ xuống ầm ầm cuốn trôi tôi về phía ngôi nhà của vợ chồng cháu Dũng. Tôi ôm được cây cột bê tông nên mới may mắn thoát chết. Toàn bộ nhà cửa, tài sản của gia đình tôi mất sạch rồi. Chồng tôi đang đi làm ăn xa, khi biết tin anh ấy đã tức tốc trở về. Sau đợt này, không biết vợ chồng tôi phải làm gì để có nhà ở”.
Còn bà Hà Thị Miên (43 tuổi), bị lũ cuốn mất nhà trong đêm, vẫn không tin vào những gì vừa xảy ra. Ngày hôm ấy, bà gửi nhà của mình cho hàng xóm để đi huyện Thường Xuân thăm con gái ốm. Nửa đêm, bà nhận được điện thoại của hàng xóm báo cho biết, ngôi nhà của mình đã bị lũ cuốn phăng.
“Sáng hôm qua, tôi từ nhà con gái về thì không thấy ngôi nhà của mình đâu cả. Chỉ còn lại ít quần áo, chăn màn cũ được mọi người nhặt lại thôi. Cách đây mấy năm, tôi được Nhà nước hỗ trợ cho hơn 23 triệu đồng để dựng căn nhà này. Bây giờ, lũ cuốn sạch rồi, một mình tôi không biết phải xoay xở thế nào để sống”, bà Miên nghẹn ngào.
Tài sản của bà Miên chỉ còn lại vài chiếc mền chăn, quần áo cũ. Ảnh: H.Đ
Tính đến thời điểm này, trận lũ kinh hoàng ập xuống bản Hắc, đã qua ngày thứ 3, nhưng hai thi thể của mẹ con chị Hà Thị Biển (27 tuổi) và bé gái Vi Thị Huyền Trân (5 tuổi) vẫn chưa được tìm thấy. Huyện Lang Chánh đã và đang điều động hàng trăm người đội mưa, lội suối và dò tìm ở phía hạ lưu những con sông chảy qua địa bàn huyện. Tại khu vực lân cận địa điểm xảy ra lũ quét, các máy móc, thiết bị đào bới cũng được huy động để tìm kiếm hai nạn nhân.
Sáng nay (21.7), trên địa bàn huyện Lang Chánh trời vẫn đổ mưa như trút nước khiến công tác tìm kiếm thi thể hai mẹ con chị Biển càng thêm khó khăn hơn.
Người dân ở bản Hắc bàng hoàng sau cơn lũ dữ. Ảnh: H.Đ
Ông Nguyễn Xuân Hồng – Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh – cho biết, mặc dù trời vẫn mưa to nhưng huyện vẫn chỉ đạo các lực lượng chức năng nỗ lực tìm kiếm hai thi thể của nạn nhân mất tích, đồng thời tập trung giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả của trận lũ càng nhanh càng tốt.
“Điều khó khăn nhất ở thời điểm này là trời vẫn mưa to, nước từ thượng nguồn đổ về khiến các con sông chảy qua địa bàn huyện dâng cao, công tác tìm kiếm các nạn nhân lại càng vất vả. Chỉ mong sao trời tạnh mưa để lực lượng tìm kiếm cứu nạn được triển khai mở rộng thêm địa bàn”.
Cũng theo ông Hồng, sau khi lũ tràn qua, các ban, ngành đoàn thể, cá nhân và tập thể trên địa bàn đến tận nơi chia sẻ, ủng hộ, giúp đỡ gia đình nạn nhân vơi bớt khó khăn. “Trước mắt, huyện ưu tiên cho công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả của trận lũ. Sau đó, huyện sẽ tìm phương án để giúp đỡ những hộ dân bị thiệt hại trong trận lũ vừa rồi”, ông Hồng cho biết thêm.
Theo Danviet
Thanh Hóa: Đến xã có 7 thôn vẫn mất điện, 300 hộ đối mặt đói sau lũ
Trận lũ lịch sử hồi trung tuần tháng 10 vừa qua đã khiến người dân ở xã biên giới Yên Khương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa lâm vào cảnh khốn khó.
Sau trận lũ lịch sử, người dân xã biên giới Yên Khương (Lang Chánh, Thanh Hóa) mất nhà cửa, tài sản, hoa màu.... Nguy cơ phải đối mặt với một cuộc sống đói, nghèo của người dân đang hiển hiện trước mắt.
Hoang tàn sau cơn lũ lịch sử
Cách trung tâm huyện gần 50 cây số, con đường đến xã Yên Khương vô cùng gian nan, vất vả bởi lên dốc xuống đèo và gập ghềnh sỏi, đá. Nhiều đoạn đường bị xuống cấp trầm trọng vì xe quá tải, một phần vì đất đá sạt lở chắn đường trong trận mưa lũ hồi trung tuần tháng 10 vừa qua.
Cơn lũ dữ đi qua, để lại cho người dân Yên Khương cảnh hoang tàn, đổ nát. Hàng trăm gia đình nông dân ở vùng biên giới này lâm vào tình cảnh khốn khó bởi cơn lũ lịch sử đã cuốn trôi mất nhà cửa, tài sản, ruộng nương, hoa màu của họ. Nhiều người may mắn chạy thoát thân, nhưng không kịp níu giữ được tài sản gì.
Những cánh đồng lúa chín vàng đang chuẩn bị thu hoạch nhưng chỉ sau một đêm lũ đổ về, bỗng trơ lại toàn đá sỏi. Nhiều ngôi nhà sàn bên suối hứng chịu thảm họa vì bị lũ cuốn phăng chỉ còn sót lại vài cây cột nhà xiêu vẹo... Sau khi cơn lũ đi qua, những thôn, bản như: Xắng, Hằng, Chiềng, Khon bỗng chốc bị phá tan tành, trở thành bãi hoang tiêu điều, xơ xác. Giờ đây, họ trở thành những người bơ vơ không nhà, không tài sản, không biết sống tiếp như thế nào trong những ngày tháng tới.
Một ngôi nhà của người dân bản Khon, xã Yên Khương bị lũ san phẳng. Ảnh: Hồng Đức
Anh Vi Văn Phương (bản Khon, xã Yên Khương), cho biết: Trận lũ vừa qua đã cuốn phăng ngôi nhà của gia đình anh. May mắn cho cả nhà anh là đã nhanh chân chạy kịp, nếu không có lẽ người cũng không còn.
"Ngôi nhà của tôi bị lũ cuốn xuống sông mất rồi, chẳng còn gì cả. Nhà tôi hiện nay có 4 khẩu, có mấy sào lúa chuẩn bị thu hoạch, thì bị đất đá vùi lấp hết rồi. Đất trồng rừng cũng chẳng có, nhà bị lũ cuốn trôi, hiện nay cả vợ chồng, con cái đang phải ở tạm trong nhà của em trai.."- anh Phương xót xa nói.
Cùng chung cảnh mất nhà do bị lũ cuốn, anh Lò Văn Hợp, ở bản Yên Lập (Yên Khương) hiện nay cũng đang phải đi ở nhờ nhà anh em, họ hàng.
Anh Hợp cho biết; "Lũ đổ về nhanh quá mà điều đáng sợ nữa là lũ về trong đêm tối. Vì thế, gia đình tôi không kịp trở tay. Lúc đó, vợ chồng chỉ kịp kéo mấy đứa con chạy khỏi dòng nước thôi. Bây giờ, nhà cửa không con gì cả, gia đình tôi phải đi ở nhờ. Ruộng đồng, lúa má bị vùi lấp hết, nhà cũng chẳng còn nên không biết rồi sẽ ra sao nữa"- anh Hợp lo âu.
Người dân đối mặt với đói
Anh Lò Văn Chiến, (31 tuổi), ở bản Hằng, xã Yên Khương dựng ngôi nhà gỗ ở ven bờ suối. Bao năm qua, mưa lũ cũng chưa bao giờ ngập cao đến mép sân, nhưng trận lũ vừa qua bất chợt đổ ập về khiến cả nhà anh suýt thì mất mạng.
"Đêm hôm ấy (11.10), cả nhà đang ngủ thì nghe nước nước từ phía thượng nguồn đổ về ầm ầm. Tôi vội vàng soi đèn pin ra cửa, thấy nước lũ đang cuộn dữ dội. Hoảng quá, chỉ biết lôi vợ con dậy chạy lên cao. Chỉ trong chốc lát, nước lũ ập vào nhà cuốn đi mọi thứ tài sản, vật dụng. Bây giờ, nhà chỉ còn trơ lại cái khung gỗ, ngoài ra không còn gì. Cả nhà chỉ biết trông chờ vào 3 sào ruộng, chưa kịp thu hoạch thì cũng bị lũ cuốn đi mất sạch"- anh Chiến buồn rầu nói.
Anh Lò Văn Chiến, ở bản Hằng, xã Yên Khương đứng trong ngôi nhà của mình đã bị lũ phá tan. Ảnh: Hồng Đức
Ông Lê Hồng Chuyên- Bí thư Đảng bộ xã Yên Khương, cho biết: Trận lũ lịch sử vừa qua đã khiến cho xã Yên Khương thiệt hại nặng nề về tài sản. Toàn bộ cơ sở hạ tầng đều bị đánh sập, cho đến nay hơn 50 cột điện hạ thế và trung thế bị gãy, đổ chưa khôi phục hoàn toàn được, 7/12 thôn, bản vẫn chưa có điện. Hàng chục ngôi nhà bị lũ cuốn trôi và nhiều nhà khác bị hư hỏng. Ngoài ra rất nhiều trâu bò, lợn gà, tài sản của bà con trong xã cũng lũ cuốn. Toàn bộ diện tích hơn 50 ha lúa chưa thu hoạch bị mất trắng do đất đá vùi lấp.
Cũng theo ông Chuyên, trận lũ vừa qua đã gây thiệt hại về tài sản cho bà con Yên Khương hơn 24 tỷ đồng. Thời điểm hiện tại, Yên Khương đang có khoảng 317 hộ dân đối mặt với với nguy cơ thiếu đói. Đối với một xã nghèo vùng biên giới, mà bỗng dưng mất đi hơn 24 tỷ đồng, thì quả là số tài sản không hề nhỏ. Cuộc sống của bà con ở đây vốn dĩ đã khó khăn, nay lại càng khốn khổ hơn.
"Vừa qua, cũng có rất nhiều đoàn cứu trợ từ trung ương đến địa phương, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đã về cứu trợ cho bà con trong xã. Tuy nhiên, về tương lai, thì người dân địa phương chúng tôi phải đối mặt với cảnh thiếu đói, nhất là vào thời điểm giáp hạt. Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ của để giúp bà con vượt qua giai đoạn khó khăn này, ổn định cuộc sống"- ông Lê Hồng Chuyên - Bí thư Đảng ủy xã Yên Khương.
Theo Danviet
Thầy giáo thoát nạn trong mưa lũ: "Tôi không tin mình còn sống" Nửa đêm, nước lũ đổ về ầm ầm. Cây cối, đất đá theo dòng nước từ trên núi tràn xuống phá tan nhà cửa. Trong đêm ấy, có hai thầy giáo ở một ngôi trường vùng biên giới xứ Thanh phải trải qua những thời khắc kinh hoàng, không thể nào quên Dù thời gian đã trôi qua gần chục ngày, nhưng trên...