Lời kể của những thiếu nữ định tự kết liễu đời mình
12h đêm cả gia đình tôi hoảng loạn khi nhận được điện thoại thông báo Nga – con chị gái chồng tôi, uống thuốc ngủ tự tử – đang đi cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai.
Cái tin này như “ sét đánh ngang tai”, cả nhà vừa giận, vừa thương, vừa lo lắng cho cháu.
Biết nó ham chơi và thuộc diện “cứng đầu” nhưng không nghĩ nó lại làm cái chuyện tày trời như thế. Cũng may, đưa lên bệnh viện kịp để rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính giải độc nên đã qua cơn nguy hiểm.
Ảnh minh họa.
Vào thăm cháu mà tôi không khỏi ngạc nhiên bởi tại nơi này có rất nhiều trẻ trong độ tuổi “thần tiên” từ 10 tới 14 tuổi nhưng đứa thì uống thuốc sâu, đứa thì uống thuốc trừ cỏ, đứa lại uống thuốc diệt chuột và thuốc ngủ để tự vẫn. Tôi thầm nghĩ, không biết vì sao bọn trẻ này lại có suy nghĩ kỳ quặc thế. Chúng đem số phận của mình ra đùa với tử thần, xem cái chết là một cách để chiến thắng những uất ức trong lòng thì thật đáng sợ.
Video đang HOT
Tôi nói chuyện với các cô bé nhưng không dám hỏi lý do tự vẫn vì nghĩ rằng chúng đang bị chấn động tâm lý và có khả năng chúng sẽ cảm thấy king hoàng với những gì mới trải qua hoặc có thể thấy xấu hổ hoặc với mọi người. Rất may, sự chia sẻ của tôi đã khiến những thiếu nữ “suýt chết” cảm giác tin tưởng để chúng dốc bầu tâm sự.
Đầu tiên là câu chuyện của cô bé uống thuốc trừ cỏ tên Nguyên ở sinh năm 1994 ở Hưng Yên: Em đi học về muộn, bố mẹ chẳng hỏi lý do mà chửi mắng và dọa đánh em, nhiều lần lắm rồi, em có nói thì bố mẹ cũng chẳng bao giờ tin tưởng con mình cả, lúc nào bố mẹ cũng cho rằng em lừa dối trốn học hoặc lấy lý do đi học để về muộn.
Bị mắng chửi, em thấy uất ức lắm chỉ muốn lấy cái chết để cho bố mẹ thấy hối hận. Lúc đấy, em thấy chai thuốc trừ cỏ nên lấy ra hòa với nước uống luôn mà không nghĩ ngợi gì cả. Uống xong khoảng 30 phút em thấy trong người khó chịu và em bắt đầu nôn rồi bố mẹ thấy thế gào lên đưa em lên bệnh viện…
Cũng chung niềm uất ức bị bố mẹ mắng và một phần do giận nhau với bạn trai mà Thu sinh năm 1992 ở Nghệ An quyết tâm trả thù đời bằng việc uống thuốc trừ sâu. Theo lời Thu kể, do bố mẹ cấm đoán không cho đi chơi với bạn trai và thường xuyên quát mắng Thu, ép phải làm theo lời bố mẹ.
Giận bạn trai, giận bố mẹ và giận bản thân mình không tìm ra lối thoát cho cuộc sống nên nảy sinh ý định tử tử bằng thuốc trừ sâu để ở góc nhà. Uống xong cô bé mới thấy sợ chết nên khai báo với bố mẹ luôn vì thế mà Thu thoát khỏi tử thần.
Còn chuyện của cái Nga cháu tôi thì nó nhất định không nói ra nhưng trên khuôn mặt cô bé vẫn hiện lên nỗi sợ hãi. Không cần nói thì tôi cũng biết tính nết của cháu mình thế nào. Ương bướng, điệu đà và lười biếng ham chơi hơn ham học.
Mới tý tuổi đầu nhưng trông cách ăn mặc của cô bé cứ như một thiếu nữ đã trưởng thành. Gần đây, tôi còn nghe nói nó có người yêu. Do bận công việc mà anh chị tôi ít có thời gian quan tâm tới con và nó cũng thuộc diện khó bảo nên nhiều khi cũng “mặc kệ nó”.
Mới đây, chẳng biết nó lấy đâu ra thông tin “ma sẽ bắt nó chết” cộng với lý do sợ bố mắng vì bỏ học đi chơi mà nó đã đi mua 4 vỉ thuốc ngủ nhưng chỉ uống 2 vỉ. Trước khi uống cô bé còn nhắn tin với bạn ” ma sắp bắt tao đi nên thà chết trước còn hơn chết sau và tao còn chán nhiều lý chuyện khác nữa”. Thế đấy, chỉ vì cái lý do vớ vẫn ấy mà anh chị tôi suýt mất con.
Trong số những bệnh nhân tại đây thì Hà (Thạch Thất – Hà Nội) là nặng nhất và theo lời bác sĩ thì có lẽ cô bé sẽ không sống được bao lâu nữa do nhiễm độc quá nặng. Hà bị bệnh trầm cảm cô bé luôn cảm thấy bế tắc trong cuộc sống, luôn xem mình là gánh nặng của gia đình, muốn tìm đến cái chết để “sướng hơn”, lợi dụng lúc mọi người không để ý Hà đã uống hết chai thuốc sâu. Một tuần nay Hà điều trị tại đây nhưng tình trạng càng ngày càng xấu đi. Chỉ thương cho ông bố mà mẹ lúc nào cũng rưng rưng nước mắt, thắt ruột thắn gan biết mình sắp mất con.
Lỗi tại ai
Có thể tìm đến cái chết là do trẻ quá bồng bột, nông cạn và thiếu suy nghĩ.
Theo chuyên gia tâm lý Thúy Minh, trẻ chỉ tự vẫn khi chúng phải chịu đựng sự mất mát nào đó hoặc bị bỏ rơi, thi rớt, chia tay với bạn trai hoặc bạn gái, người thân vừa qua đời, cha mẹ ly hôn, bị cha mẹ mắng chửi, bị hành hạ về thể chất, bị lạm dụng tình dục, trầm cảm… Khi nhận thấy con mình luôn buồn phiền và tách rời mọi người, cha mẹ nên cẩn thận để mắt đến các em.
“Sự kiện một đứa trẻ tự vẫn sẽ tác động đến tất cả mọi người. Các thành viên trong gia đình, bè bạn, đồng đội, hàng xóm, và đôi khi cả với những người không hề quen biết với đứa trẻ đó đều cảm thấy thương tiếc, hoang mang và có lỗi vì mọi người đều có cảm giác là lẽ ra chúng ta phải làm một điều gì đó để ngăn cản hành động trên”.
“Có thể tìm đến cái chết là do trẻ quá bồng bột, nông cạn và thiếu suy nghĩ. Nhưng gia đình và nhà trường cũng cần có trách nhiệm với những việc làm đó. Bản thân những người làm cha mẹ cần tự nhìn nhận lại cách nuôi dậy con của mình”.
Một đứa trẻ được gia đình, bạn bè, thầy cô… bảo bọc và thương yêu sẽ dễ dàng giải quyết được những khó khăn, thất bại hàng ngày. Ngược lại, những đứa trẻ không được bảo bọc thì cảm thấy bị tách rời, cô lập ngay cả đối với người thân lẫn bạn bè. Những đứa trẻ này có nguy cơ liều mình tự tử và khi cha mẹ nhận ra sự thiếu sót của mình trong cách nuôi dậy con thì có thể đã quá muộn.
Tuyết Minh
Theo Bưu Điện Việt Nam