Lời kể ám ảnh của chiến sĩ cứu hỏa vụ cháy ở Hà Nội
Để tiếp cận vị trí các nạn nhân mắc kẹt, lực lượng cứu hộ đã phải mất rất nhiều thời gian mới có thể tìm được nạn nhân.
Khoảng rạng sáng ngày 4/4, một vụ cháy thương tâm đã xảy ra tại cửa hàng bán đồ sơ sinh trên phố Tôn Đức Thắng khiến 4 người trong cùng gia đình không qua khỏi.
Ngọn lửa ngùn ngụt suốt nhiều tiếng đồng hồ, các chiến sĩ cứu hỏa phải làm việc xuyên đêm mới có thể khống chế, ngăn không cho nó lan sang hộ dân khác. Sau vụ cháy, lực lượng chức năng vẫn chưa hết ám ảnh về những hình ảnh đau lòng mình đã tận mắt chứng kiến.
Hiện trường ngôi nhà bị cháy. (Ảnh: Người lao động)
Chia sẻ trên Doanh nghiệp và Tiếp thị, Trung tá Nguyễn Minh Thành, Phó Trưởng Công an quận Đống Đa cho biết, sau khi nhận được tin báo cháy lúc 0 giờ 25 phút ngày 4/4, đơn vị ngay lập tức triển khai công tác cứu hỏa, đồng thời xin chi viện từ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp của TP. Hà Nội và đội PCCC Công an quận Hoàn Kiếm.
Sau khi nắm được thiết kế nhà là hình ống, cửa cuốn phía trước là lối ra duy nhất, các chiến sĩ đã mặc đồ bảo hộ, đeo bình thở, mũ bảo hiểm tiến vào bên trong ngôi nhà. Lúc này, nhiệt độ trong nhà rất cao, từ 800 – 1.000 độ C, các mặt hàng đồ sơ sinh la liệt khắp mọi nơi, bịt kín lối thoát duy nhất, khói đẩy ra rất nhiều.
Cửa cuốn phía trước là lối thoát duy nhất của căn nhà. (Ảnh: Lao động)
Ngoài các chiến sĩ tiến vào trong nhà thì phía ngoài, đơn vị cứu hộ cũng triển khai tiếp cận từ phía sau và 2 nhà bên cạnh. Một xe thang được điều động đến, phun nước từ trên tum xuống để dập lửa. Do từ tầng 1 đến tầng tum đều là nơi để hàng hóa nên Trung tá Thành nhận định việc tiếp cận người bị nạn và dập lửa vô cùng khó khăn.
Đến 2 giờ 30 phút, đám cháy được dập tắt hoàn toàn và 3 giờ 40 phút, kết thúc công tác chữa cháy nhưng vẫn chưa giải cứu được nạn nhân. Qua tìm hiểu từ các hộ dân bên cạnh, đơn vị cứu hộ nắm được có 4 người đang mắc kẹt trong nhà. Ngay lập tức, lực lượng cứu hộ tìm cách vào sâu trong nhà, lên các tầng. Do bỉm chất kín ở cầu thang và các phòng đã khiến khói độc bốc ra dày đặc. Thậm chí, nhiều chiến sĩ còn giẫm phải hàng hóa, đồ đạc nên trượt chân ngã.
Tìm kiếm ở tầng 1, 2, 3 không thấy ai, đội cứu hộ liền tiếp cận tầng tum. Ông Thành cho biết, cầu thang từ tầng 3 lên tầng tum là cầu thang sắt, rất hẹp và khó di chuyển. Hơn nữa, khu vực tầng tum lại quây khung sắt nên nó chẳng khác nào “chuồng cọp”, không lối thoát.
Bỉm cháy đen, chất ngổn ngang ở hiện trường. (Ảnh: Zing)
Mọi nỗ lực tiếp cận bằng xe thang đều bất thành, cuối cùng, bằng kỹ thuật áp tường đồng thời đi tới đâu phun nước tới đó, các chiến sĩ đã lên được tới tầng tum bằng cầu thang bộ, mất 40 phút.
“Việc đi từ tầng 3 lên tum cực kỳ khó khăn do không có chiếu nghỉ, cầu thang sắt chứa đầy vật liệu dễ cháy như bỉm, thùng bìa carton, ghế thang gỗ thì bị cháy trụi, trời tối nên rất dễ ngã. Hơn nữa, vụ cháy lớn, nhiệt tỏa ra phá hỏng kết cấu xây dựng khiến nhiều nơi trong căn nhà có thể đổ sập gây thương tích hoặc hy sinh”, ông Thành cho hay.
Video đang HOT
Vì sợ làm ảnh hưởng đến các nạn nhân nên các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy không dám dùng dụng cụ đào bới mà dùng tay không tìm kiếm nạn nhân. Lúc này, số bỉm bị nhũn ra do gặp nước tạo thành mớ hỗn độn nên đội cứu hộ phải mất rất nhiều thời gian, thay nhau nghỉ ngơi và đề phòng tum đổ sập.
Đơn vị cứu hộ làm việc tại hiện trường. (Ảnh: Tuổi trẻ)
Hai nạn nhân đầu tiên được tìm thấy là ông N.T.T. (SN 1940) và con rể, anh Đ.H.V., SN 1983. Cả ông T. và anh V. đều trong tình trạng không nguyên vẹn do bị nhiệt độ cao tác động. Thêm một khoảng thời gian rất dài nữa, lực lượng cứu hộ mới tìm được chị N.A.H., SN 1981, đang mang thai khoảng 3 tháng; và cháu Đ.H.T.M., SN 2011.
Do hai mẹ con chị H. bị bỉm đồ đè lên, ít bị nhiệt tác động nên vẫn không bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng điều đau đớn là dường như người mẹ này đã cố gắng tìm mọi cách để cứu con nhưng bất thành. Một chiến sĩ phòng cháy chữa cháy xót xa kể: “Lúc chúng tôi tìm thấy, hai mẹ con nằm ôm nhau, mặt cháu bé úp vào ngực mẹ”.
Nhưng khó khăn vẫn chưa dừng lại ở đó, việc đưa các nạn nhân ra ngoài cũng gặp khá nhiều trở ngại. Vì cầu thang gỗ đã bị cháy hết, lối lại nhỏ không thể bê cáng nên cuối cùng đơn vị quyết định cho nạn nhân vào túi chuyên dụng, chuyền tay nhau, thả dần từ trên xuống. Hai bố con ông T. được đưa ra lúc 5 giờ 30 phút, còn mẹ con chị H. thì đến 9 giờ 50 mới có thể ra ngoài.
Xe cấp cứu có mặt tại hiện trường. (Ảnh: Thanh niên)
Liên quan đến vụ cháy thương tâm này, theo Tuổi trẻ, ông Le Tuan Đinh – chu tich UBND quan Đong Đa cho biết, qua xác minh ban đầu, nguyên nhân là do chập điện.
Vụ việc đã khiến dư luận bàng hoàng, bởi chỉ cách đây vài ngày, tại TP.HCM cũng đã xảy ra vụ cháy nghiêm trọng khiến 6 người trong cùng gia đình không qua khỏi. Việc liên tiếp xảy ra các vụ cháy chính là một hồi chuông cảnh báo, mọi người nên cẩn thận, nâng cao cảnh giác hơn với lửa. Hơn nữa, đây cũng không phải là lần đầu tiên các nạn nhân trong vụ cháy không thể thoát ra ngoài vì mắc kẹt trong “chuồng cọp”.
Đám cháy xảy ra tháng 9/2019, một người phải cắt chuồng cọp, dùng bình chữa cháy mini dập lửa. (Ảnh: Lao động)
Cháy nhà, 6 người chết ở Thủ Đức: Vì sao cháy nhỏ mà nhiều người chết?
Vụ cháy xảy ra vào rạng sáng 30-3 tại căn nhà cấp 4 ở phường Cát Lái (TP Thủ Đức, TP.HCM) không quá lớn nhưng hậu quả khiến 6 người trong một gia đình thiệt mạng.
Cụ Võ Thị Biết (73 tuổi), mẹ của bà Bùi Thị Loan, khóc ngất tại hiện trường - Ảnh: MINH HÒA
Vấn đề đặt ra sau vụ cháy là làm cách nào để phòng ngừa và thoát nạn, cho tới lúc lực lượng cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp tiếp cận được hiện trường.
Nhà bít bùng, không lối thoát
Ghi nhận tại hiện trường căn nhà bị cháy: tứ phía bít bùng, chỉ có một lối ra vào là cửa chính nhưng bị 5 chiếc xe máy chắn ngang.
Khi ngọn lửa bùng lên, 6 người trong gia đình đang ngủ say bên trong không thể thoát nạn và ngạt chết. Người duy nhất sống sót nằm ngủ phía bên ngoài cũng bị phỏng nặng trong lúc tìm cách cứu người thân.
Thông tin về vụ cháy, ông Nguyễn Đức Hiền - chủ tịch UBND phường Cát Lái - cho biết do nhà chật nên gia đình này thường để 5 xe máy ở phòng khách chắn hết cửa ra vào và khóa cửa ngủ.
Khi xảy ra hỏa hoạn, chính số xe máy này bắt lửa, cản lối thoát của các nạn nhân dẫn tới 6 người trong gia đình này thiệt mạng.
Các nạn nhân gồm: bà Bùi Thị Loan (53 tuổi, chủ hộ) và các con cháu bà Loan là anh Lục Kiến Oai (27 tuổi, con trai), chị Lục Tuyết Trinh (25 tuổi, con gái), chị Bùi Thúy An (24 tuổi, con dâu), bé Lục Thái Nghi (7 tuổi, cháu nội) và bé Lục Kiến Phong (2 tháng tuổi, cháu ngoại). Vụ cháy còn khiến toàn bộ ngôi nhà cấp 4 khoảng 60m2 cùng số xe máy trên và vật dụng sinh hoạt gia đình bị thiêu rụi.
Công an TP.HCM cho biết khoảng 1h15 ngày 30-3 có nhận được tin báo cháy nhà dân tại 899 Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái. Do vụ cháy xảy ra trong đêm khuya và người dân phát hiện muộn nên khi lực lượng chữa cháy có mặt thì lửa đã bùng lớn.
Lúc đám cháy được khống chế, chỉ còn một nạn nhân sống sót là ông Lục Chân Tâm (54 tuổi, chồng bà Loan). Hiện ông Tâm đang cấp cứu tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức).
Phía UBND TP Thủ Đức cũng tổ chức họp khẩn, đến thăm hỏi, động viên và trao tổng số tiền hỗ trợ 40 triệu đồng cho người thân gia đình ông Tâm.
Bình tĩnh: yếu tố sống còn
Thời gian gần đây liên tục xảy ra cháy ở các khu dân cư, vụ cháy nhỏ nhưng thời điểm xảy ra ban đêm nên gây ra nhiều thiệt hại về nhân mạng. Trước đó, rạng sáng 25-3, một vụ cháy tại một con hẻm đường Cao Lỗ (P.4, Q.8) khiến 3 người gồm hai vợ chồng cùng con gái chết cháy.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về những trường hợp này chiều 30-3, thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng - phó trưởng Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, Công an TP.HCM - chia sẻ nguyên tắc tối ưu vẫn là phải phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ có thể xảy ra cháy nổ.
Trong trường hợp đám cháy đã xảy ra và còn đang ở mức độ nhỏ thì cần phải hô hoán, báo động cho mọi người xung quanh ứng cứu, hỗ trợ kịp thời. Trong thời điểm này cần phải bình tĩnh sử dụng các dụng cụ phòng cháy chữa cháy có trong nhà, mền chăn nhúng nước để kiểm soát, dập tắt đám cháy.
Trong trường hợp đã xảy ra cháy lớn thì nguyên tắc đầu tiên vẫn phải bình tĩnh, bình tĩnh để thoát hiểm chứ không phải để dập lửa. Người dân cần tìm các lối thoát khác tránh khu vực cháy như cửa sổ, bancông để thoát ra ngoài.
Nếu không còn phương án khác thì phải băng qua lửa khói, lúc này người dân phải bình tĩnh lấy mền nhúng nước quấn quanh người và dùng khăn tẩm nước bịt mũi, miệng rồi băng qua đám cháy.
Nếu không thể thoát ra được nữa thì phải tìm cách kéo dài sự sinh tồn: lấy khăn ướt, mền ướt quấn quanh người để không bị phỏng, đồng thời nằm rạp xuống nền nhà vì đây là nơi duy nhất còn dưỡng khí trong lúc cháy.
Càng chạy tới chạy lui thì càng dễ chết, chỉ cần chạy vài bước sẽ ngạt và ngã gục ngay. Ngay cả người băng qua đám cháy cũng phải lăn qua chứ không lao thẳng vào vùng khói.
"Nếu kéo dài được sự sinh tồn đến khi lực lượng chuyên nghiệp tới thì sẽ được cứu, còn khi chúng tôi tới mà nạn nhân đã mất thì cũng bất lực", ông Trưởng nói.
Còn trung úy Nguyễn Nhật Phương - đội công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ thuộc Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Công an TP.HCM, người thường xuyên tham gia giải cứu các nạn nhân mắc kẹt trong những vụ cháy - cho biết phải thật sự bình tĩnh, tránh hoảng loạn thì khả năng sống sẽ cao.
Khi cháy đã lớn, người bên trong phải làm ướt cơ thể, sau đó cúi người men theo các bức tường để thoát thân. Người bên ngoài phải am hiểu địa hình bên trong căn nhà thì mới được vào ứng cứu, người lạ liều mạng vào rất dễ bị mắc kẹt và tử nạn theo.
Về phương án an toàn phòng chống cháy nổ, thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng khuyên người dân nên lắp các thiết bị báo cháy tự động. Chi phí lắp đặt không cao nhưng chỉ cần có khói hay lửa nhỏ thì thiết bị sẽ báo động ngay để người dân thoát thân.
"Các thiết bị này nhà nào cũng lắp được. Nhiều thiết bị còn liên kết với trung tâm 114, chỉ cần xảy ra cháy có khi người nhà còn chưa biết nhưng chúng tôi đã nắm được và ứng cứu kịp thời", ông Trưởng nói.
Cẩn thận mùa nắng nóng
Trước tần suất các vụ cháy xuất hiện nhiều trong mùa nắng nóng, cơ quan công an khuyến cáo:
Không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy gần nơi đun nấu. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy trong nhà; trường hợp cần thì chỉ dự trữ số lượng ít và để nơi riêng biệt.
Ôtô, xe máy, các phương tiện và dụng cụ có xăng dầu, chất dễ cháy phải để xa bếp, nguồn sinh nhiệt. Không để ôtô trong nhà ở để phòng ngừa xe tự cháy hoặc khí độc khi nổ máy. Không sạc điện thoại, thiết bị tiêu thụ điện vào ban đêm...
[Video] Người thân nạn nhân kể về vụ cháy nhà ở Thủ Đức khiến 6 người tử vong Vụ cháy nhà trên đường Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái, TP Thủ Đức làm 6 người chết. Chủ nhà bị thương trong lúc chữa cháy. Cháy nhà ở TP Thủ Đức, 6 người trong một gia đình tử vong