Lợi ích tương trùng trong quan hệ Thái Lan – Malaysia
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã có chuyến thăm Thái Lan trong hai ngày 24-25/10, hoạt động này là một phần trong chương trình thăm các nước Đông Nam Á sau khi ông lên nắm quyền hồi tháng 5/2018.
Những nội dung thảo luận và nhất trí của hai nhà lãnh đạo cho thấy Bangkok và Kuala Lumpur đã tìm thấy các lợi ích tương trùng trong quan hệ song phương và hướng tới một quan hệ ổn định khăng khít hơn trong tương lai.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (trái), và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha bắt tay sau một cuộc họp báo chung tại nhà chính phủ ở Bangkok, Thái Lan, ngày 24/10. Ảnh: AP
Chủ đề chính được lãnh đạo Thái Lan và Malaysia thảo luận trong chuyến thăm là hợp tác an ninh, đặc biệt là việc giải quyết cuộc xung đột ở miền Nam Thái Lan, đã khiến hơn 7.000 người thiệt mạng trong hơn một thập niên qua. Đây cũng là vấn đề khúc mắc lớn nhất giữa hai nước, mà nguyên do từ lịch sử tồn tại của các tiểu quốc Hồi giáo tại khu vực giáp ranh.
Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Prayut Chan-ocha tại Văn phòng Chính phủ Thái Lan, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã cam kết “làm tất cả những gì có thể” để đem đến hòa bình tại khu vực miền Nam Thái Lan, vốn chìm đắm trong bạo loạn suốt hơn 10 năm qua.
Nhà lãnh đạo lão luyện của quốc gia Hồi giáo đã tuyên bố tại thủ đô của Vương quốc Phật giáo láng giềng rằng đó “không chỉ là việc thảo luận hay soạn ra các hiệp định, đó là quan hệ hợp tác thực sự giữa hai nước láng giềng hữu nghị và chúng tôi muốn tiếp nối tình hữu nghị đó”.
Cũng trong cuộc gặp gỡ báo chí này, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha khẳng định ý chí đối thoại hòa bình của chính quyền Bangkok với các nhóm ly khai ở miền Nam là nguyên vẹn với sự hỗ trợ của Malaysia.
Lãnh đạo hai nước cũng đã cam kết mở rộng phạm vi hợp tác vượt qua khỏi các lĩnh vực an ninh để hướng tới hợp tác phát triển kinh tế. Thủ tướng Malaysia và Thủ tướng Thái Lan đã cùng kêu gọi các quốc gia trong khu vực hợp tác chặt chẽ để cùng nhau vượt qua các ảnh hưởng tiêu cực của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Video đang HOT
Hai bên đều chia sẻ quan điểm rằng trong bối cảnh khu vực và thế giới ngày càng nhiều thách thức, nảy sinh từ cạnh tranh của các cường quốc, các nước trong khu vực nhất thiết phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa với nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và phát triển.
Trước đây, trong không gian Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sự nghi ngại lẫn nhau về thiện chí tạo lập hòa bình ở các tỉnh miền Nam Thái Lan vẫn là khúc mắc của quan hệ Thái Lan – Malaysia, hai thành viên sáng lập khối. Đây cũng có thể là lý do khiến trong thời gian 22 năm đầu cầm quyền của ông Mahathir, quan hệ Thái Lan – Malaysia đã ở trong trạng thái “không tốt, không xấu”.
Hai nước láng giềng vẫn cạnh tranh nhau vị thế nền kinh tế công nghiệp mới hàng đầu trong khu vực. Trong những năm 1980, Thái Lan là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và Malaysia cũng là một “con hổ kinh tế”, tập trung vào hiện đại hóa nền kinh tế và trở thành một quốc gia Hồi giáo hàng đầu.
Tuy nhiên, trong các cuộc họp không chính thức giữa hai bên kể từ tháng 5, trước chuyến thăm của Thủ tướng Mahathir, cả hai bên đã thống nhất rằng tiến trình hòa bình trong hoàn cảnh hiện tại sẽ mang tính “bao quát” với “sự tham gia của tất cả các bên liên quan”.
Tính toán chiến lược mới của Kuala Lumpur trong vấn đề này đã tạo ra những cơ hội mới để cải thiện quan hệ hai nước. Ở phía bên kia, các nhà lãnh đạo ở Bangkok cũng muốn tập trung giải quyết vấn đề miền Nam. Sau nhiều thập niên tập trung vào các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam), Thái Lan hiện đang chú ý đến việc quản lý khu vực biên giới với Malaysia.
Các quan chức cấp cao hai nước đã gặp nhau để thảo luận về nhiều đề xuất thúc đẩy thương mại biên giới như một phần của Cộng đồng Kinh tế ASEAN và kết nối. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế không sáng sủa nếu không có tiến triển đáng kể làm dịu tình hình biên giới bất ổn. Hơn nữa, tình trạng thiếu luật pháp và trật tự dọc theo biên giới là nguyên nhân phát sinh nạn buôn lậu vũ khí, ma túy, buôn người.
Không có hòa bình lâu dài dọc theo biên giới Thái Lan – Malaysia, việc kiểm soát, xử lý những thách thức xuyên quốc gia như chủ nghĩa cấp tiến và cực đoan cũng hết sức khó khăn. Trong vài năm qua, Malaysia cũng đã phải đối mặt với nhiều hình thức cực đoan và chủ nghĩa cấp tiến. Kuala Lumpur cũng quan ngại về hiệu ứng mất an ninh lan rộng trên cả bán đảo đến tận Sabah và Sarawak.
Giới quan sát nhận định chuyến thăm của Thủ tướng Malaysia tới Thái Lan lần này có thể sẽ được ghi dấu trong lịch sử vì đây là một cơ hội rõ rệt để thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng lâu dài ở bán đảo Mã Lai. Để kết thúc cuộc xung đột ở miền Nam Thái Lan, đòi hỏi một cuộc đối thoại bền vững của tất cả các bên với những thay đổi hữu hình trên thực địa.
Cuộc bầu cử sắp tới ở Thái Lan, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 24/2/2019, có thể dẫn tới việc nước này có một chính phủ dân sự mới, bởi vậy vẫn phải chờ xem chính phủ mới ở Thái Lan sẽ tiếp cận quá trình hòa bình như thế nào. Tuy nhiên, những kết quả trong chuyến thăm của ông Mahathir cho thấy hai bên đã đều xem hiện tại là thời điểm thích hợp để mở hết tốc lực cho cỗ máy hòa bình.
Có thể nói, trên cơ sở lợi ích tương trùng, các nhà lãnh đạo Thái Lan và Malaysia đã tìm thấy động lực mới cho hợp tác trên nhiều mặt, bắt đầu từ hợp tác để giải quyết vấn đề miền Nam Thái Lan. Quan hệ Thái Lan – Malaysia là một mối quan hệ lịch sử và hai bên đều hiểu rõ về nhau.
Giờ đây, như lời Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha, hai bên đã “hiểu biết hơn về các quan ngại cũng như hạn chế của nhau”, và một cách tư duy mới, tư duy hợp tác chân thành và toàn diện, sẽ giúp hai bên cùng đi đến đích.
Sơn Nam (Phóng viên TTXVN tại Thái Lan)
Theo baotintuc
Malaysia đổi thái độ với Trung Quốc
Malaysia muốn tìm kiếm những khoản đầu tư chất lượng, minh bạch, không tham nhũng và tạo ra công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Trở lại lãnh đạo đất nước ở tuổi 93, Thủ tướng Mahathir Mohamad không những làm rung chuyển các thể chế trong nước mà còn thay đổi chiến lược đối ngoại của Malaysia. Chính phủ của ông đang xem xét hủy bỏ các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trị giá gần 40 tỉ USD được ký kết thời chính quyền người tiền nhiệm Najib Razak. Chính phủ mới của Malaysia cũng vô cùng lo ngại về sự khiêu khích và không ngừng quân sự hóa của Trung Quốc ở biển Đông.
Trước viễn cảnh Trung Quốc thống trị một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng thế giới, ông Mahathir đang tìm kiếm các mối quan hệ chiến lược mạnh mẽ hơn với Nhật Bản và phương Tây. Từ lâu được xem là một trong những người bạn thân nhất của Trung Quốc, Malaysia giờ đây trở thành một phần làn sóng chống lại sự bá quyền kinh tế của Bắc Kinh ở châu Á.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh hồi tháng 8 -2018 Ảnh: REUTERS
Trong lần nắm quyền trước đó (từ năm 1981-2003), Thủ tướng Mahathir duy trì lập trường cứng rắn chống phương Tây, đặc biệt là sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Trung Đông. Nhà lãnh đạo Malaysia chỉ trích Mỹ đơn phương xâm lược, tàn phá các quốc gia Hồi giáo và tiến hành "cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu", đưa lực lượng đặc nhiệm đến các khu rừng ở Đông Nam Á. Thời điểm đó, quan điểm độc lập giúp ông nhận được không ít ca ngợi và trở thành người hùng trong thế giới Hồi giáo và những nơi khác.
Ở chiều ngược lại, ông xem Trung Quốc là quốc gia thân thiện, cường quốc mới nổi có thể đối trọng với phương Tây. Dù vậy, nhiều thứ đã thay đổi trong 2 thập kỷ qua. Giờ đây, tình hình địa chính trị châu Á đã hoàn toàn khác với một Trung Quốc không ngừng mở rộng ảnh hưởng và tìm cách thay thế vị trí lãnh đạo của Mỹ ở châu lục này. Trong bối cảnh như thế, ông Mahathir có quan điểm ngày càng cứng rắn với Trung Quốc. Hồi đầu năm nay, ông công khai gọi hành động ngày càng ngang ngược của Trung Quốc là "rất đáng lo ngại".
Đáng chú ý hơn, ông còn chỉ trích các thỏa thuận giữa Bắc Kinh với chính quyền tiền nhiệm - tìm kiếm khoản tài trợ trị giá khoảng 2,3 tỉ USD - trong bối cảnh vụ bê bối tham nhũng của quỹ đầu tư nhà nước 1MDB nổ ra. Thủ tướng Malaysia cáo buộc ông Razak ký với Trung Quốc các thỏa thuận có lợi cho ông để đổi lại sự im lặng về việc Bắc Kinh leo thang quân sự hóa biển Đông. Vì lẽ đó, chính phủ Malaysia đương nhiệm đang tìm kiếm các biện pháp bảo vệ lợi ích của mình tại biển Đông, bao gồm củng cố hiện diện quân sự, công khai chỉ trích hành vi của Trung Quốc và ủng hộ công thức hòa bình mới giúp xuống thang căng thẳng trong khu vực.
Kịch tính hơn, Malaysia đang cân nhắc hủy bỏ các dự án hạ tầng lớn được Trung Quốc tài trợ tại các khu vực chiến lược sát eo biển Malacca và biển Đông. Thủ tướng Mahathir đã bày tỏ lo ngại về sự thiếu minh bạch, tính khả thi về kinh tế và việc hạn chế sử dụng lao động, công nghệ, quản lý của địa phương trong các dự án liên quan đến Trung Quốc. Vật lộn với khoản nợ công ngày càng phình to (gần 250 tỉ USD), Malaysia đứng ngồi không yên về nguy cơ sập "bẫy nợ" của Trung Quốc như một số nước khác.
Đứng đầu danh sách các dự án bị xét lại là tuyến đường sắt Bờ Đông (ECRL) trị giá 20 tỉ USD do Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc thực hiện, dự án Melaka Gateway 10 tỉ USD do Công ty PowerChina International đứng đầu và đường ống dẫn khí đốt tự nhiên trị giá 2,5 tỉ USD do công ty con của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc thực hiện. Bên cạnh đó, chính phủ Malaysia cũng hạn chế người dân Trung Quốc mua bất động sản của dự án Forest City trị giá 100 tỉ USD. Đây là dự án gần như chỉ được tiếp thị cho người mua từ đại lục.
Dù vậy, quốc gia Đông Nam Á này vẫn không từ chối các khoản đầu tư của Trung Quốc. Thứ trưởng Quốc phòng Malaysia Liew Chin Tong hồi tháng rồi cho biết điều mà Malaysia tìm kiếm là những khoản đầu tư chất lượng, minh bạch, không tham nhũng và tạo ra công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Giờ đây, Bắc Kinh nhìn thấy ở ông Mahathir không còn là một người bạn cũ trung thành mà là một nhân vật chỉ trích nổi bật. Là đất nước có quan điểm trung lập đối với chính trường khu vực, Malaysia đang trở thành tiếng nói hàng đầu kêu gọi những mối quan hệ cùng có lợi, cân bằng giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc.
Theo Xuân Mai
Người lao động
Phiến quân Hồi giáo tấn công gây thương vong ở miền nam Thái Lan Truyền thông địa phương ngày 9/9 đưa tin, các phiến quân Hồi giáo đã giết hại 2 người và làm bị thương thêm 2 tình nguyện viên của lực lượng phòng vệ địa phương ở tỉnh Narathiwat, miền Nam Thái Lan. Kênh truyền hình Channel 3 cho biết các phiến quân đã tấn công một chốt bảo vệ tại một trung tâm giáo...