Lợi ích kinh tế sẽ giúp Việt Nam – Hoa Kỳ xích lại gần nhau hơn!
“Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ là quan hệ đặc biệt, từ cựu thù thành đối tác, chúng ta phải gỡ từng bước, trước đó là gỡ trong lòng người, sau này là kinh tế, văn hóa… Chính lợi ích và quan hệ kinh tế giữa Việt Nam – Hoa Kỳ đã, đang giúp cải thiện quan hệ hai nước, xích lại gần hơn”.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn Đàm phán Hiệp định Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA), người nhiều năm làm việc với chính phủ Hoa Kỳ về cải thiện quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ từ thời điểm những năm Mỹ mới dỡ bỏ cấm vận Việt Nam trở đi..
Ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam về Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) được ký kết năm 200.
Nhân chuyến thăm và làm việc của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Barack Obama sang Việt Nam từ ngày 23 – 25/5, phóng viên Dân Trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Lương xung quanh mối quan hệ hợp tác giữa hai nước từ thời điểm hai nước thiết lập quan hệ thương mại cho đến nay.
Thưa ông, quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ được ví như đi từ cánh cửa hẹp ra ngõ thông, đường thoáng. Đánh giá của ông về quan hệ giữa hai nước trong thời gian qua và triển vọng thời gian tới?
Hai nước đã đi một bước dài và đã đủ thời gian để từ cựu thù đến đối tác hợp tác và đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những khó khăn trong hợp tác giữa hai nước. Chúng ta đang trông đợi hai bên tháo gỡ hết những trở ngại để phát triển trôi chảy và thuận buồm hơn.
Hiện nay, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ từ ngày bình thường hóa đến nay nòng cốt chủ yếu vẫn là vấn đề kinh tế kinh tế trong bối cảnh Việt Nam mở cửa. Nổi bật lên xuất khẩu Việt Nam tăng sang Mỹ rất nhanh, đây không chỉ do Mỹ mở cửa với Việt Nam mà do Việt Nam mở rộng sân chơi quốc tế nên hàng sang Mỹ mới nhiều đến như vậy, các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư vào đây, thúc đẩy cho quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam…
Dù đã có nhiều tiến triển, nhưng quan hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ mới chỉ mạnh về thương mại, còn đầu tư của Mỹ chưa tương xứng tiềm năng, vị thế của một nhà tư bản lớn, theo ông vì sao?
Video đang HOT
Nhà đầu tư Mỹ là tư bản, họ không chỉ kiếm tìm lợi nhuận mà còn muốn lợi nhuận đó bền vững và được hưởng những điều kiện pháp luật lý tưởng.
Người phương Tây có đặc điểm rất thẳng, không có chuyện phong bì dưới gầm bàn, vận động hành lang chính sách (lobby) sẽ công khai ở bàn đàm phán. Họ không bỏ tiền vào rồi rủi ro quá lớn. Họ không chấp nhận đi đâu cũng phải phong bì; người Châu Á có thể quen nhưng người phương Tây thì không. Cái này chúng ta phải nhận thức cho rõ nếu muốn chơi tốt với Mỹ.
Thời gian qua quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ có phát triển nhưng vẫn chưa đẩy nhanh lên được, không vội được, những vấn đề niềm tin chiến lược cần từng bước tháo gỡ và xây dựng.
Hai bên đồng ý gác lại quá khứ để bàn chuyện tương lai, nhưng trong lòng thế hệ hiện nay cả Mỹ và Việt Nam đều có những nỗi đau và cần phải có ý chí mới có thể vượt qua được. Tôi cho rằng, sự xích lại, tăng cường quan hệ về kinh tế – văn hóa giữa người Mỹ và người Việt sẽ là liệu pháp tinh thần chữa đi nỗi đau và khiến chiến tranh lùi dần vào lịch sử, nơi nó cần đến.
Trong quan hệ giữa Việt Nam với Pháp, với Nhật Bản, chúng ta thấy quan hệ xích lại gần nhau và hợp tác nhiều lĩnh vực và đó là chúng ta đã đi qua đủ thời gian dài và thời gian đã chữa lành những vết thương lịch sử.
Mỹ đang xoay trục hướng Đông, với lợi ích kinh tế – chính trị bao trùm, Việt Nam đứng ở đâu trong chiến lược của Mỹ và vị thế của chúng ta với cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới là gì?
Trong bối cảnh như hiện nay, Mỹ đang thực hiện chiến lược xoay trục, suy cho cùng mục tiêu là kinh tế, họ muốn kiếm tìm lợi ích kinh tế, Việt Nam ở vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng mà Mỹ không thể bỏ qua. TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – PV) là một điển hình, nó là thể chế do Mỹ lập ra với các hành lang chính sách, pháp luật của Mỹ, do Mỹ và bảo vệ Mỹ. Nói cho cùng, luật Mỹ đang thiết lập cho các thể chế kinh tế quốc tế rất chặt chẽ, bài bản. Chúng ta chơi với Mỹ trong TPP phải xác định cải cách nhanh và quyết liệt bộ máy, thủ tục hành chính, đừng chỉ hô hào mà không thực hiện.
Là người trực tiếp đàm phán BTA, một hiệp định được xem là mở bức màn tư tưởng – nhận thức và quan hệ cho Việt – Mỹ thời hậu chiến, ông có thể chia sẻ gì về bối cảnh lúc bấy giờ?
16 năm nước khi mà BTA giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được đề cập và ký kết (năm 2000), lúc ấy nỗi đau chiến tranh, sức nặng của áp lực hậu chiến không dễ dàng làm cho không khí bàn đàm phán chuyển sang màu hồng và nó cứ đè nặng lên vai những người đàm phán từ hai phía.
Lúc đó, người Việt vẫn xem Mỹ là “kẻ thù cơ bản, lâu dài”. Tâm lí chống Mỹ ăn vào tiềm thức của mọi tầng lớp xã hội. Tư duy và thái độ đối với Mỹ, ngay cả khi đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao song phương vẫn là cách đối với kẻ thù, vẫn “với kẻ thù rắn mặt phải đấu tranh là chính”. Sự khác biệt về ý thức hệ càng khiến cho sự nghi ngờ lên cao. Người ta vẫn khó chấp nhận được việc làm ăn với kẻ thù.
Lần đầu tiên sang Mỹ mùa hè năm 1994 nhân một cuộc triển lãm hàng Việt Nam tại San Francisco, tôi thấy rất lạ ngồi trong xe cadilac có kính chống đạn, đã lãnh đủ trứng gà, trứng vịt… nổ lốp đốp bên ngoài xe…
Tôi bắt đầu hiểu, cuộc chiến tranh tại Việt Nam là nỗi đau quằn quại trong lòng nước Mỹ. Lịch sử nước Mỹ là lịch sử của các cuộc chiến tranh, nước Mỹ chưa từng thua ai bao giờ. Mỹ chỉ thua trong cuộc chiến ở Việt Nam, mà lại thua vào thời điểm Mỹ là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Sự thất bại đó làm cho cả nước Mỹ choáng váng, nước Mỹ mất phương hướng, nước Mỹ bị giằng xé và đập vỡ niềm tự hào về các giá trị Mỹ.
Vậy làm thế nào để Việt – Mỹ bước qua những ranh giới của lịch sử, của thời cuộc để đi đến những vấn đề của tương lai trong bối cảnh hậu quả chiến tranh vẫn nặng trĩu?
Lúc đầu, BTA giữa Việt – Mỹ bị nhiều người phản đối lắm, họ mắng khá nặng lời, người ủng hộ cũng đông, nhưng lại ít người lên tiếng, họ phải giữ mình.
Có người coi BTA chỉ là một “âm mưu để chuyển hóa chế độ chính trị của Việt Nam”. Có người coi BTA đơn giản chỉ là “âm mưu phá chủ nghĩa xã hội”, “phá nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa”. Có người nghi ngờ tất cả, nghi cả từng nội dung điều khoản, từng chữ, từng câu…
Thực ra, người phản đối cũng là người yêu nước, người ủng hộ cũng là người yêu nước, mỗi người yêu nước theo cách của mình, theo tư duy, theo hiểu biết, theo tầm nhìn của mình.
Từ xuất phát điểm với hố sâu ngăn cách tưởng không thể lấp đầy, hai phía đã cùng nỗ lực nhặt nhạnh từng hòn sỏi đá lấp đầy khoảng cách, chăm chút từng mũi kim để gỡ cuộn chỉ rối để rồi ngày 13/7/2000, hai nước đã kí vào bản Hiệp định BTA, hoàn tất quá trình bình thường hóa đầy đủ, mở ra chương mới cho quan hệ hai nước, bình thường hóa không chỉ về chính trị.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Nguyễn Tuyền (thực hiện) (Dân Trí)
'Ngựa thồ' của đoàn ông Obama có mặt ở Đà Nẵng
Hai chiếc máy bay Boeing C-17 và C-32 của đoàn Tổng thống Mỹ Obama đã đáp xuống Sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Chiếc Boeing C-17 Globemaster III chở trang thiết bị cần thiết cho chuyến công du của Tổng thống Mỹ, cùng chiếc C-32 chuyên chở khách đang có mặt tại sân bay quốc tế Đà Nẵng trong thời gian ông Obama thăm Việt Nam.
Chiếc C-17 của đoàn tổng thống Obama có mặt tại Đà Nẵng. Ảnh: N.Đ.
Hai phi cơ đáp xuống Đà Nẵng trưa 21/5. "Chiếc C17 chở ôtô, trong khi chiếc còn lại có lực lượng mật vụ để phục vụ cho đoàn của Tổng thống Obama, dù chưa có lịch trình ông ấy đến Đà Nẵng", một nguồn tin giấu tên cho biết.
Hiện hai phi cơ đậu sát nhà ga đang xây mới. Các trang thiết bị trên chiếc C-17 chưa được vận chuyển xuống.
Vẫn theo nguồn tin giấu tên, hai phi cơ sẽ ở lại Đà Nẵng đến ngày 25/5 và dời đi khi Tổng thống Obama kết thúc chuyến thăm tại Việt Nam. Sân bay Đà Nẵng được xem là dự phòng cho chặng bay Hà Nội - TP HCM. Khi có tình huống phát sinh, chuyên cơ của Tổng thống Mỹ sẽ hạ cánh xuống sân bay này.
Trước đó tối 22/5, Tổng thống Mỹ Obama đã đặt chân đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam đến 25/5. Sau các cuộc gặp gỡ, hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Obama sẽ bay vào TP HCM.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Ngoại trưởng Mỹ trả lời phỏng vấn báo nước ngoài bên hồ Gươm Thay vì về khách sạn nghỉ ngơi, Ngoại trưởng Mỹ đi dạo hồ Gươm (Hà Nội) sau một ngày bận rộn cùng Tổng thống Obama gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao Việt Nam. 18h tối 23/5, sau một ngày cùng Tổng thống Obama hội đàm với các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, Ngoại trưởng John Kerry tới hồ Hoàn Kiếm....