Lợi ích kép từ thúc đẩy chuyển đổi số của hải quan Quảng Ninh
Từ việc ứng dụng hải quan số, hải quan thông minh sớm trong thực hiện nhiệm vụ, ngành hải quan Quảng Ninh không chỉ tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại cho doanh nghiệp mà còn hiện đại hóa công tác quản lý, điều hành, nâng cao hiệu quả thực thi công vụ.
Từ năm 2014, Cục Hải quan Quảng Ninh là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai thí điểm hệ thống VNACCS/VCIS (hệ thống thông quan hàng hóa tự động của Việt Nam). Đến nay, 100% quy trình thủ tục hải quan đã được tự động hóa qua hệ thống này.
Trung tâm giám sát trực tuyến các cửa khẩu, chi cục đặt tại Cục Hải Quan Quảng Ninh giúp công tác quản lý thuận tiện. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN
Lợi ích kép từ chuyển đổi số
Việc áp dụng thí điểm hệ thống VNACCS/VCIS từ năm 2014 do Nhật Bản tài trợ, có kết nối với cơ chế một cửa quốc gia đã tạo ra những khác biệt rõ rệt về tốc độ xử lý và phân luồng tờ khai, cải thiện nhiều nghiệp vụ về hải quan đặc biệt là xóa bỏ việc khê khai bằng giấy…
Ngoài ra, hệ thống cũng giúp tăng tính chủ động và giảm thời gian thông quan. Do VNACCS tự động kiểm tra, cấp số và phân luồng tờ khai 24/7 nên người khai hải quan có thể khai báo bất cứ đâu, bất cứ khi nào đều nhận được phản hồi ngay. Triển khai VNACCS/VCIS cũng đã hạn chế tối đa việc doanh nghiệp tiếp xúc với cán bộ hải quan, đại diện doanh nghiệp có thể ngồi tại trụ sở để khai báo và hệ thống VNACCS/VCIS sẽ phản hồi kết quả. Nếu được phân vào luồng xanh, doanh nghiệp in kết quả và ra cửa khẩu lấy hàng luôn; khi nào bị phân vào luồng vàng và đỏ thì doanh nghiệp mới phải tới cơ quan hải quan để xử lý.
Ông Nguyễn Khắc Hán – Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu B12 (có trụ sở tại Quảng Ninh), đơn vị có lượng hàng nhập khẩu qua Cảng Hòn Gai cho biết, thay vì phải trực tiếp lên cảng cửa khẩu để nộp tờ khai thì nay, cán bộ công ty chỉ ngồi một chỗ và thực hiện nộp trên môi trường số. Mỗi năm đơn vị phải thực hiện gần 1.000 tờ khai, cán bộ của công ty không phải đi gặp cán bộ hải quan để làm thủ tục bằng giấy.
Công ty xăng dầu B12 ( trụ sở tại Quảng Ninh) mỗi năm thực hiện gần 1.000 tờ khai hải quan qua hệ thống ECUSS VNACCS rất nhanh chóng. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN
Thủ tục hải quan được làm bằng số rất khoa học, hiệu quả đặc biệt là minh bạch về thông tin, tiết kiệm chi phí đi lại. Qua đó, cán bộ của công ty cũng tiếp cận được chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số của ngành – ông Hán nhận xét
Không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho doanh nghiệp, hệ thống VNACCS/VCIS còn tự động tính toán số thuế phải nộp, cảnh báo những tiêu chí khai chưa chính xác… và phản hồi lại doanh nghiệp chỉ sau vài giây.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, Cục Hải quan Quảng Ninh triển khai một số phần mềm quản lý quan hệ đối tác giữa hải quan – doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp đánh giá mức độ hài lòng đối với từng nhóm lĩnh vực và có thể kiến nghị với cơ quan hải quan về những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.
Sau VNACCS/VCIS, hệ thống giám sát, quản lý hải quan tự động VASSCM (hải quan điện tử) cũng giúp doanh nghiệp rút ngắn được thời gian làm thủ tục giao nhận hàng từ 5-7 lần so với trước. Việc áp dụng công nghệ số, các phần mềm không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn giúp Cục hải quan Quảng Ninh tiết kiệm nhân lực, chi phí và thời gian.
Ông Trịnh Văn Nhuận – Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh chia sẻ, phần mềm có tính quyết định là quản lý rủi ro. Hệ thống máy tính thu thập thông tin dẫn đến hệ thống máy tính phân luồng hàng hóa tự động theo từng lô hàng luồng xanh, luồng đỏ, luồng vàng. Hải Quan không tốn nhiều nhân lực để kiểm tra, phân hóa lô hàng. Nhất là những năm gần đây, khối lượng công việc tăng nhưng biên chế không tăng, thậm chí giảm. Thông qua đó, những doanh nghiệp chấp hành tốt hàng hóa sẽ được giải phóng rất nhanh. Ngành tập trung lực lượng để kiểm soát hàng hóa có nguy cơ rủi ro và trọng điểm.
Từ chuyển đổi số đã góp phần tích cực đến thu ngân sách qua hải quan. Đến hết tháng 11/2022, Cục Hải quan Quảng Ninh thu 14.600 tỷ đồng, vượt 46% so với kế hoạch Bộ Tài chính giao và vượt 20% so với chỉ tiêu phấn đấu của ngành. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua Cục Hải quan Quảng Ninh đạt 14 tỷ USD; trong đó, khối doanh nghiệp FDI đạt 7 tỷ USD, tăng 200% so với năm ngoái.
Hiện đại hóa trong quản lý
Không chỉ đẩy mạnh cách hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin như yêu cầu của Chính phủ, Cục Hải quan Quảng Ninh đã xây dựng biểu thuế điện tử giúp doanh nghiệp có thể tra cứu mức thuế từng mặt hàng, đảm bảo thu đúng, thu đủ; thành lập tổ hỗ trợ doanh nghiệp 24/7, tư vấn hỗ trợ các thủ tục hải quan cho doanh nghiệp và áp dụng công nghệ thông tin.
Các bộ Chi cục Hải Quan Hòn Gai giám sát trực tuyến hàng hóa qua cảng Cái Lân (Hạ Long). Ảnh: Thanh Vân/TTXVN
Ông Nguyễn Tiến Trình – Phó Chi cục Hải quan Hòn Gai cho biết, chi cục đã ban hành 10 nhóm giải pháp trọng tâm về chuyển đổi số thực hiện một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và chuyển đổi số về nghiệp vụ hải quan đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Năm 2022, số lượng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cảng cửa khẩu Hòn Gai tăng đột biến, đạt 8,6 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu hơn 3 tỷ USD và nhập khẩu hơn 5 tỷ USD. Bên cạnh đó, khối lượng doanh nghiệp mới (trước đây chưa từng tới chi cục làm thủ tục) đã thu hút hơn 100 doanh nghiệp đến làm thủ tục thông quan tại chi cục.
Cục Hải quan Quảng Ninh đã thành lập tổ triển khai, nghiên cứu sâu về chuyển đổi số, hiện đại hóa và cải cách thủ tục hải quan. Đồng thời thực hiện giám sát trực tuyến, theo dõi toàn bộ hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu đường bộ, cảng biển thông qua hệ thống camera được lắp đặt tại chi cục, cửa khẩu… qua đó hỗ trợ cho chi cục trong giám sát hàng hóa, phương tiện xuất nhập cảnh 24/7.
Mới đây, Cục Hải quan Quảng Ninh là một trong số ít đơn vị trong cả nước được đầu tư máy soi container di động Eagle M60 tại khu vực Cảng Cái Lân. Đây là thiết bị hiện đại tránh việc mở container để kiểm hóa, hạn chế thấp nhất chi phí cho doanh nghiệp. Đặc biệt đối với những xe hàng trọng điểm hoặc có nguy cơ rủi ro sẽ dễ được phân loại, kiểm soát hơn, giảm bớt được nhiều quy trình cho cả cơ quan chức năng và doanh nghiệp.
Máy soi container di động Eagl M60 được đưa vào thực hiện kiểm soát hàng hóa tại Cảng Cái Lân giúp việc kiểm tra hàng hóa nhanh chóng, tiện lợi. Ảnh: TTXVN phát
Theo ông Trịnh Văn Nhuận, Hải quan Quảng Ninh sẽ cập nhật thêm công nghệ mới, cùng với Tổng cục Hải Quan xây dựng bài toán nghiệp vụ để triển khai số, hải quan thông minh, tiến tới 2025 sẽ triển khai hải quan thông minh đồng bộ trên mọi phương tiện công nghệ thông tin. Như vậy, doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong khai báo hải quan.
Riêng với lĩnh vực chuyển đổi số phục vụ doanh nghiệp xuất nhập khẩu, Cục Hải quan Quảng Ninh sẽ thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số công tác nghiệp vụ, triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN. Qua đó, 100% thủ tục hành chính công có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho người dân, doanh nghiệp và được thực hiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau. Dịch vụ công trực tuyến được cung cấp 24/7. Việc trả kết quả thủ tục hải quan cũng được thực hiện trên môi trường số.
Hà Nội thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp
Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh thời gian qua tại các đơn vị nông nghiệp, kinh doanh nông sản của Hà Nội đã góp phần tạo đà phát triển kinh tế nông thôn.
Chuyển biến nhờ chuyển đổi số
Là đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số của Hà Nội, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) đã gặt hái được thành công trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Từ năm 2016, Hợp tác xã đã tìm hiểu và thực hiện chuyển đổi số trong 2 lĩnh vực là: Ứng dụng trạm cảnh báo thời tiết iMetos và Cụm công nghệ eGap. Trạm cảnh báo thời tiết iMetos giúp nông dân quản lý, giám sát sản xuất, điều chỉnh kế hoạch xuống giống, quy trình chăm sóc rau kịp thời khi thời tiết biến động. Còn công nghệ số eGap giúp hợp tác xã thực hiện việc truy xuất nguồn gốc điện tử cho từng hộ trồng rau, từng thửa ruộng rau. Từ thành công này, rau của Hợp tác xã đã vào được các kênh phân phối uy tín với giá bán rau ổn định hơn nhiều so với bán rau ở chợ thông thường.
Sản phẩm rau sạch được giới thiệu tại các hội chợ quảng bá về OCOP Hà Nội.
Năm 2021, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn tiếp tục thí điểm hoàn thiện quy trình chuyển đổi số đồng bộ trong sản xuất và phát triển chuỗi cung ứng ra thị trường, kết nối tiêu thụ trên 2 sàn thương mại điện tử Kinhpeec/vn và Cadosa.vn có xác nhận chất lượng eGap trên tem nhãn sản phẩm. Đến nay, Hợp tác xã đã số hóa được 15 sản phẩm rau.
Còn theo ông Nguyễn Thế Hanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Rau an toàn Hải Anh, xóm Ba, xã Vân Nội (huyện Đông Anh, Hà Nội), đơn vị đã đứng ra thu mua và tiêu thụ cho những nông dân liên kết sản xuất với Công ty, bằng cách đăng tải hình ảnh về nông sản, sản phẩm OCOP của đơn vị, rao bán thông qua website, các trang mạng xã hội... để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận và đặt hàng an toàn trong mùa dịch bệnh. Nhờ vậy, mỗi ngày Công ty đã tiêu thụ được khoảng 5-6 tạ rau, củ cho người nông dân.
Tuy nhiên, chưa nhiều hợp tác xã, trang trại trên địa bàn thành phố cũng như cả nước thực hiện được chuyển đổi số trong sản xuất như các đơn vị trên. Nguyên do là các hộ sản xuất, hợp tác xã, trang trại trên địa bàn thành phố còn hạn chế về tiềm lực tài chính, nguồn nhân lực công nghệ cao, điều kiện tiếp cận công nghệ...
Chương trình chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (kèm theo Quyết định 4098/QĐ-UBND ngày 6-9-2021 của UBND thành phố Hà Nội) xác định đối với lĩnh vực nông nghiệp, thành phố sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của ngành Nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Thành phố cũng tập trung phát triển ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc chuỗi cung ứng sản phẩm bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, bảo đảm vệ sinh thực phẩm.
Thành phố cũng đặt mục tiêu: Mỗi nông dân được định hướng đào tạo, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo về giá, thời vụ... nông sản; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp...
Triển khai giải pháp đồng bộ
Theo ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn, chuyển đổi số mở ra cơ hội cho nông dân, hợp tác xã, trang trại... được bán sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng. Tuy vậy, để thành công, cần hội tụ đủ yếu tố là sản xuất số, tiêu dùng số và sàn thương mại điện tử cho nông dân.
Thực phẩm sạch luôn được người tiêu dùng quan tâm.
Còn theo PGS, TS Mai Quang Vinh, Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam, Nhà nước cần có chương trình khuyến nông chuyển đổi số nông nghiệp, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, tập huấn kỹ năng, trang thiết bị công nghệ phục vụ chuyển đổi số, quản trị sản phẩm, quản trị doanh nghiệp cho các vùng nuôi trồng và sản xuất có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Các bộ, ngành và thành phố Hà Nội cũng cần hỗ trợ công nghệ giám sát eGap, hỗ trợ lắp đặt các trạm quan trắc thời tiết thông minh, cấp tem truy xuất nguồn gốc QR Code eGap, thiết kế bao bì thương hiệu, mã nhận diện cho sản phẩm... để đẩy mạnh chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng: Để chương trình chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 và kế hoạch hằng năm. Các đơn vị trong ngành nông nghiệp cũng phối hợp đồng bộ chương trình kinh tế số từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp chuyển đổi số và các doanh nghiệp phân phối tiêu thụ sản phẩm. UBND các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục chủ động nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị tư vấn, các đơn vị liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số, chuyển đổi số trong nông nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2022-2025 theo chỉ đạo UBND thành phố; liên kết với các doanh nghiệp chuyển đổi số, phân phối và tiêu thụ sản phẩm kết nối sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng cao trên cơ sở minh bạch thông tin mã số vùng trồng, nguồn gốc sản phẩm bằng công nghệ như eGap... để người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện được sản phẩm đặc hữu của Thủ đô.
Các doanh nghiệp phân phối và tiêu thụ sản phẩm cần tiếp tục chủ động phối hợp với các đơn vị quản lý nhà nước về lĩnh vực này để được tham vấn về cơ chế chính sách, quy hoạch và định hướng phát triển ngành hàng của từng cơ sở liên kết hiệu quả bền vững... Về phía các đơn vị sản xuất, hợp tác xã, trang trại..., cần tập trung cải tiến và ứng dụng công nghệ, thiết bị kỹ thuật mới như công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, chế biến sâu, kinh tế tuần hoàn... đặc biệt là kinh tế số để tạo giá trị gia tăng và minh bạch sản phẩm.
Thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, cơ sở y tế Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa có công văn về việc thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế. Thanh toán tiền viện phí tại một bệnh viện tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2022...