Lợi ích của khẩu trang trước biến thể Omicron
Trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 biến đổi tạo ra những biến thể mới, trong đó có biến thể Omicron, câu hỏi được đặt ra là liệu chúng ta có phải thay đổi loại khẩu trang để phòng virus hay không?
Liệu đeo khẩu trang thông thường có đủ để phòng ngừa sự tấn công của biến thể mới hay không, hay phải đeo loại khẩu trang N95?
Người dân đeo khẩu trang tại một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Hiện tại vẫn chưa thể khẳng định liệu bệnh tình của người nhiễm Omicron có ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đó hay không. Tuy nhiên, nhiều báo cáo cho thấy con người vẫn có thể nhiễm Omicron ngay cả khi được cho là đeo khẩu trang thường xuyên.
Theo giới chuyên gia, khẩu trang có nhiều kích cỡ, kiểu dáng và chủng loại, không phải ai cũng đeo khẩu trang đúng cách và hiệu quả bảo vệ của khẩu trang giảm đáng kể nếu đeo khẩu trang hở mũi. Do đó, cần có các nghiên cứu sâu hơn, nếu không sẽ rất khó để khẳng định hiệu quả của các loại khẩu trang đối với biến thể Omicron.
Trên thực tế, khả năng lây lan cao không có nghĩa là biến thể Omicron có thể dễ dàng vượt qua “rào chắn” khẩu trang. Có nhiều yếu tố làm gia tăng sự lây lan của virus, trong đó có việc virus có thể tồn tại lâu hơn trong không khí hoặc bề mặt,
Theo Viện quốc gia về an toàn nghề nghiệp và sức khỏe (NIOSH) của Mỹ, khẩu trang N95 có thể lọc bỏ ít nhất 95% các phân tử trong không khí, bất kể kích thước. Do đó, giới chuyên gia cho rằng khẩu trang N95 có thể bảo vệ tốt hơn các khẩu trang không đạt tiêu chuẩn N95. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhắc lại rằng điều này không có nghĩa khẩu trang tiêu chuẩn không có tác dụng bảo vệ con người trước sự tấn công của biến thể Omicron. Với kích thước siêu nhỏ, virus vẫn có thể xâm nhập qua loại khẩu trang thông thường, song những chiếc khẩu trang này vẫn là “tấm lọc” giúp giảm lượng virus có thể tấn công mũi và miệng của người đeo khẩu trang. Theo đó, đeo khẩu trang chính là biện pháp bảo vệ bản thân cũng như bảo vệ người khác. Nếu có điều kiện, hãy lựa chọn khẩu trang N95 hoặc khẩu trang khác đạt tiêu chuẩn tương đương, đặc biệt khi không thể đảm bảo giãn cách xã hội hoặc không chắc chắn về việc liệu những người xung quanh đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều tăng cường hay chưa, như trên máy bay.
Omicron có thể là biến thể gây lo ngại cuối cùng
Giống như tất cả các sinh vật sống, các virus đều có tiến hóa. Thực tế này đã trở nên rất rõ ràng trong thời kỳ đại dịch COVID-19, khi các biến thể mới đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện sau mỗi vài tháng.
Hình ảnh minh họa biến thể Omicron (phải) và Delta (trái). Ảnh: Getty Images/TTXVN
Trong bài viết có tựa đề: "Omicron có lẽ không phải là biến thể cuối cùng, song có thể là biến thể cuối cùng gây quan ngại" được đăng trên trang theconversation.com, tác giả Ben Krishna cho biết một số biến thể này có khả năng lây lan từ người sang người cao hơn, cuối cùng trở nên chiếm ưu thế khi cạnh tranh với các biến thể khác của SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan kém hơn. Khả năng lây truyền được "nâng cấp" này được cho là do các đột biến trong protein gai (S) trên bề mặt của virus, cho phép virus liên kết mạnh hơn với các thụ thể ACE2. ACE2 là các thụ thể trên bề mặt tế bào của con người mà virus bám vào để xâm nhập và bắt đầu nhân lên trong cơ thể. Những đột biến này đã cho phép biến thể Alpha, và sau đó là biến thể Delta, trở thành những biến thể chủ đạo trong số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu. Giờ đây, các nhà khoa học dự đoán điều tương tự sẽ xảy ra với Omicron.
Tuy nhiên, virus không có khả năng "nâng cấp" vô hạn. Các quy luật sinh hóa có nghĩa là đến một thời điểm cuối cùng nào đó, virus sẽ tiến hóa và sở hữu một protein đột biến liên kết với ACE2 càng mạnh càng tốt. Do đó, khả năng lây lan của virus SARS-CoV-2 giữa người với người sẽ không chỉ bị giới hạn do mức độ virus có thể bám vào bên ngoài tế bào. Các yếu tố khác sẽ hạn chế sự lây lan của virus như tốc độ sao chép của bộ gen, tốc độ virus có thể xâm nhập vào tế bào thông qua protein TMPRSS2 và lượng virus mà một người bị nhiễm có thể phát ra. Về nguyên tắc, tất cả những thứ này cuối cùng sẽ phát triển đến hiệu suất cao nhất.
Sau khi nhiễm bất kỳ loại virus nào, hệ miễn dịch sẽ điều chỉnh bằng cách tạo ra các kháng thể bám vào virus để vô hiệu hóa virus và các tế bào T sát thủ sẽ phụ trách tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh. Kháng thể là những mảnh protein gắn vào hình dạng phân tử của virus và tế bào T sát thủ cũng nhận ra các tế bào bị nhiễm bệnh thông qua hình dạng phân tử. Do đó, virus SARS-CoV-2 có thể "né" hệ miễn dịch bằng cách gây đột biến đủ để hình dạng phân tử của nó thay đổi vượt ngoài khả năng nhận biết của hệ miễn dịch. Đây là lý do tại sao Omicron rõ ràng đã rất thành công trong việc lây nhiễm cho những người có khả năng miễn dịch trước đó, từ vaccine ngừa COVID-19 hoặc từng bị nhiễm các biến thể khác. Các đột biến cho phép protein gai liên kết với ACE2 mạnh hơn cũng làm giảm khả năng của các kháng thể gắn với virus và vô hiệu hóa nó. Tuy nhiên, dữ liệu của hãng dược phẩm Pfizer cho thấy rằng tế bào T sát thủ sẽ phản ứng tương tự với Omicron như các biến thể trước đó. Điều này phù hợp với nhận định rằng Omicron gây tỷ lệ tử vong thấp hơn ở Nam Phi, nơi hầu hết mọi người đều có khả năng miễn dịch.
Do đó, điều quan trọng đối với nhân loại đó là việc từng nhiễm bệnh hoặc tiêm vaccine dường như vẫn bảo vệ trước nguy cơ bệnh diễn biến nặng hoặc tử vong. Điều này đồng nghĩa virus SARS-CoV-2 có thể nhân bản và tái nhiễm, nhưng con người sẽ không bị bệnh nặng như khi mắc lần đầu. Tác giả Krishna cho rằng đây là tương lai có thể xảy ra nhất đối với virus SARS-CoV-2. Ngay cả khi xuất hiện một biến thể hoạt động như một "game thủ chuyên nghiệp" và cuối cùng đạt tối đa sức mạnh, không có lý do gì để bi quan rằng biến thể sẽ không bị hệ miễn dịch kiểm soát và đánh bại. Các đột biến cải thiện khả năng lây lan của virus không làm tăng nguy cơ tử vong quá cao. Loại biến thể này sau đó sẽ chỉ đơn giản là đột biến ngẫu nhiên, thay đổi theo thời gian để trở nên khó nhận biết trước các biện pháp phòng thủ đã được điều chỉnh của hệ miễn dịch, dẫn đến nguy cơ tái nhiễm. Thế giới có thể sẽ có mùa COVID vào mỗi mùa đông giống như bệnh cúm hằng năm. Virus gây bệnh cúm cũng có thể có dạng đột biến tương tự theo thời gian dẫn đến tái nhiễm. Có lẽ hình mẫu tiến hóa tốt nhất đối với virus SARS-CoV-2 là 229E, một loại virus corona gây ra cảm lạnh thông thường.
Vì vậy, tác giả cho rằng Omicron sẽ không phải là biến thể cuối cùng, nhưng lại có thể là biến thể cuối cùng gây ra sự quan ngại và đáng được lưu tâm. Nếu may mắn, virus SARS-CoV-2 có thể sẽ trở thành một loại virus đặc hữu, biến đổi từ từ theo thời gian. Khi đó, bệnh COVID-19 sẽ diễn biến nhẹ hơn vì cơ thể đã hình thành miễn dịch trước đó, từ đó làm giảm nguy cơ nhập viện và tử vong.
Nhật Bản sẵn sàng với kịch bản Omicron lây mạnh trong cộng đồng Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 23/12, một ngày sau khi Nhật Bản phát hiện trường hợp lây nhiễm biến thể Omicron đầu tiên trong cộng đồng, Thủ tướng Kishida Fumio tuyên bố Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện các biện pháp tổng thể để đối phó với biến thể này của virus SARS-CoV-2. Người dân đeo khẩu trang phòng dịch...