Lời hứa xây nhà cho anh Ngô Trung Sổng bị lãng quên
Ngày 6/2, tức là cách đây 4 tháng, ông Lê Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Phủ Lý (Hà Nam) khẳng định với PV Dân trí sẽ xây nhà cho anh Ngô Trung Sổng. Tuy nhiên, đến nay lời hứa nói trên dường như đã bị lãng quên. Sau thời gian mòn mỏi chờ đợi, anh Sổng đành phải tự xây nhà cho chính mình.
Trở lại thăm anh Ngô Trung Sổng (xã Trịnh Xá, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), nhân vật trong bài viết “Thương người đàn ông quanh năm ăn mì tôm sống” và cũng là nạn nhân trong loạt bài điều tra “Quan xã ăn chặn gói mì tôm của người tàn tật” đăng trên báo Dân trí hồi tháng 1/2015, chúng tôi vui mừng khi hay tin anh đang xây lại nhà mới. Căn nhà được xây lại trên nền đất cũ với diện tích chừng 30m2, đang giai đoạn gần xong phần thô. Anh Sổng cho hay, hiện việc thi công tạm dừng ít hôm do bà con trong thôn bận mùa gặt. Công trình nhà cấp 4 này do em anh Sổng là anh Ngô Trung Phức đảm nhận, với dự kiến tổng chi phí khoảng 40 triệu đồng.
Anh Ngô Trung Sổng cho biết, mặc dù anh em trong gia đình đã đồng ý cho anh sửa nhà, nhưng hơn 4 tháng nay phía chính quyền xã Trịnh Xá và thành phố Phủ Lý vẫn chưa có ai đến thăm hỏi và thực hiện lời hứa xây nhà mới cho anh nên buộc anh phải tự xây nhà vì căn nhà cũ đã quá cũ nát, có thể đổ sập bật cứ lúc nào
“Tôi cũng nghe là thành phố hứa xây cho tôi một căn nhà sau khi đạt được thỏa thuận với anh em họ hàng về việc xây nhà trên đất tổ tiên. Nhưng suốt 4 tháng qua không ai hỏi lại gì nữa, tôi thì tàn tật chẳng biết đi hỏi ai, nên đành phải tự xây. Cũng may có một đơn vị ở Hà Nội khi về thăm đã cho tôi 20 triệu để xây nhà, số còn lại tôi trích ra từ nguồn ủng hộ của bạn đọc Dân trí trước đây. Tôi chỉ dám làm nhà cấp 4, gọi là có chỗ che mưa che nắng, đảm bảo an toàn khi sinh sống là tôi vui lắm rồi”, anh Sổng nói.
Anh Sổng cho biết thêm, căn nhà cũ sập xệ đến mức khi thợ vào tháo dỡ, vừa mới tháo một trụ chống thì toàn bộ căn nhà đổ sập. “Hôm đó may mà thợ kịp thoát ra ngoài chứ không thì chết người như chơi. Căn nhà này dự kiến khoảng 1 tháng nữa là hoàn thành. Đời tôi cũng chưa bao giờ dám nghĩ sẽ có được ngôi nhà mới như này nếu không có tấm lòng hảo tâm của bạn đọc Dân trí đã giúp đỡ trong thời gian qua”, anh Sổng chia sẻ.
Anh Sổng trong ngôi nhà xập xệ, đổ nát hồi tháng 1/2015 khi lần đầu tiên PV Dân trí đến thăm anh
Video đang HOT
Sau thời gian mòn mỏi chờ đợi, anh Sổng phải tự phá dỡ và xây lại nhà từ sự ủng hộ của bạn đọc Dân trí. Căn nhà có kết cấu đơn giản với dự toán khoảng 40 triệu đồng
Nhà lợp mái tôn không có chống nóng
Tường lát gạch 10cm, nhưng với anh Sổng là cả một giấc mơ sau bao nhiêu năm sống trong khốn khó
Liên quan đến việc xây nhà cho anh Sổng, PV Dân trí đã gặp ông Phạm Văn Quân, Chánh Văn phòng UBND thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam để nắm thêm tình hình. Tại buổi gặp, ông Quân cho biết: “Hôm qua tôi về dự buổi họp Hội đồng nhân dân bất thường của xã Trịnh Xá thì mới biết anh Sổng đang xây nhà. Đúng là lãnh đạo UBND thành phố Phủ Lý có hứa xây nhà cho anh Sổng khi anh đạt được thỏa thuận với anh em trong gia đình chọn mảnh đất để xây. Việc này thành phố giao cho xã, nhưng từ đó đến nay không nghe phía xã báo cáo lên. Giờ nhà anh Sổng đang xây rồi, nên tôi dự định tham mưu với lãnh đạo thành phố hỗ trợ một phần kinh phí cho việc xây nhà của anh Sổng trong thời gian tới”.
Ông Phạm Văn Quân cũng cho biết, sau hơn 4 tháng rốt ráo điều tra về việc ông Mai Hiển Dũng, cán bộ chính sách của xã Trịnh Xá ăn chặn tiền trợ cấp dành cho người tàn tật trên địa bàn Trịnh Xá, ngày 28/5, phía Công an tỉnh Hà Nam đã có kết luận điều tra chính thức và đã chuyển cho Viện Kiểm sát truy tố. “Hiện tại kết luận điều tra của công an tỉnh chúng tôi cũng chưa nhận được, nên nội dung xử lý vụ việc như thế nào các anh phải hỏi bên Công an tỉnh”, ông Quân cho hay.
PV Dân trí cũng đã liên lạc với lãnh đạo công an tỉnh Hà Nam để xin kết luận điều tra của cơ quan này về sự việc “quan xã Trịnh Xá ăn chặn gói mì tôm của người tàn tật”, nhưng đại diện của công an tỉnh Hà Nam cho biết chưa thể cung cấp với báo chi lúc này mà hẹn sẽ chuyển ít hôm nữa sau khi hoàn tất công tác điều tra về sự việc. Theo một nguồn tin chưa chính thức mà PV Dân trí có được, số tiền ăn chặn của ông Mai Hiển Dũng không chỉ dừng lại ở 9 đối tượng với số tiền 18 triệu đồng như kết luận ban đầu trước đây, mà lên đến con số cả trăm triệu đồng, với rất nhiều đối tượng và nhiều nội dung phức tạp. PV Dân trí sẽ thông tin đến bạn đọc về sự việc trong thời gian tới.
Thế Nam – Phạm Oanh – Đức Văn
Theo Dantri
Truy trách nhiệm liên đới trong các vụ tai nạn giao thông chết người
Tại hội nghị sơ kết Công tác đảm bảo an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2015, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín yêu cầu không chỉ khởi tố lái xe mà phải xác định trách nhiệm liên đới của chủ doanh nghiệp, đơn vị cấp phép bằng lái, đơn vị đăng kiểm...
Hiện trường vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm chết 5 người vừa xảy ra ngày 31/5 tại quận Thủ Đức (ảnh Đình Thảo)
Xác định trách nhiệm liên đới
Theo báo cáo của Ban ATGT TPHCM, từ tháng 12/2014 đến ngày 15/5/2015, trên địa bàn thành phố xảy ra 1.454 vụ tai nạn giao thông, làm chết 293 người và bị thương 1.270 người. So với cùng kỳ năm 2014, số vụ giảm 328 vụ; số người chết không tăng - không giảm và số người bị thương giảm 335 người.
Tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn thành phố lại xảy ra liên tiếp nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng có liên quan đến container, xe rơ-moóc và xe tải gây hoang mang, bức xúc trong dư luận. Về vấn đề này, lãnh đạo UBND TP yêu cầu phải mở rộng điều tra, xác định trách nhiệm liên đới của các đối tượng khác chứ không chỉ của lái xe.
Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP yêu cầu làm rõ trách nhiệm của cơ quan kiểm định, không để xảy ra tình trạng xe mất thắng, hư hỏng mà vẫn được phép lưu thông, gây tai nạn giao thông. "Cơ quan đăng kiểm không chỉ có việc nhận tiền rồi cấp giấy", ông Lê Hoàng Quân đặt ra câu hỏi liệu cơ quan kiểm định có làm việc nghiêm túc, chủ doanh nghiệp có móc ngoặc với cơ quan đăng kiểm để kiểm tra sơ sài?
Để có cơ sở pháp lý làm việc này, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở - ngành liên quan sớm ban hành quy chế quản lý các hình thức vận tải. Đặc biệt, HTX phải chịu trách nhiệm khâu tuyển chọn lái xe, không thể để "lọt" các tài xế sức khỏe yếu, dùng chất kích thích (ma túy, chất gây nghiện), nghiện bia rượu hoặc sử dụng bia rượu trong khi điều khiển phương tiện, không thể sử dụng lao động mà không biết, không thể phủi trách nhiệm.
Triển khai cụ thể, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo Sở Tư pháp cùng các sở ngành liên quan xây dựng quy chế quản lý hình thức vận tải, các phương tiện tham gia giao thông để trình UBND TP ban hành ngay trong tháng 7. Trong đó, quy định rõ chế tài cụ thể, trách nhiệm của đối tượng liên quan như đăng kiểm, doanh nghiệp, đơn vị cấp giấy phép lái xe.
Không có tình trạng "xe vua"
Cũng theo báo cáo của Ban ATGT TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2015, tình trạng ùn ứ giao thông hiện nay diễn biến hết sức phức tạp, đã xảy ra 13 vụ ùn ứ (tăng 5 vụ so với cùng kỳ 2014). Hiện tượng xe "dù", bến "cóc" và tình trạng xe quá tải chưa được giải quyết triệt để.
Liên quan đến phản ánh của báo chí về hiện tượng "xe vua" được bảo kê, gắn logo thương hiệu để né trạm cân, thách thức công luận, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín yêu cầu Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt (PC67), Công an thành phố làm rõ vấn đề này.
Đại tá Trần Thanh Trà - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67), Công an TPHCM khẳng định không có bảo kê hay "xe vua" nào cả. Theo ông, ở TPHCM không có "vùng cấm", tất cả các phương tiện vi phạm đều bị xử lý, xe quá tải thì đều bị bắt, buộc hạ tải, giữ giấy tờ, không có chuyện có logo thì cho qua. Ông cũng khẳng định thời gian qua, xe quá tải tại các cửa ngõ đã giảm nhiều, thời gian tới sẽ tiếp tục mua thêm cân để xử lý xe quá tải tại cửa ngõ ra vào thành phố.
Kết thúc hội nghị, ông Nguyễn Hữu Tín yêu cầu các đơn vị, cơ quan chức năng có thẩm quyền trong tay thì phải biết phát huy để xử lý sai phạm. Ông Nguyễn Hữu Tín nhấn mạnh: "Ban ATGT TP cùng các đơn vị lập đoàn đi kiểm tra cụ thể để xác định lỗi của ai, xử lý rồi xem xét trách nhiệm. Trong năm 2015 phải dứt điểm xe quá tải, tình trạng bến "cóc", xe "dù".
Quốc Anh
Theo Dantri
Thứ trưởng Bộ Công an: Thuốc độc rất đắt nên tử hình bằng tiêm thuốc tốn kém Thượng tướng Đặng Văn Hiếu - Thứ trưởng thường trực Bộ Công an cho biết Bộ đang nghiên cứu 2 phương án, đầu tư trang bị các xe thi hành án tử hình lưu động hoặc xây dựng những trại giam chuyên để quản thúc các bị án tử hình để thuận lợi khi tiêm thuốc. Việc thi hành án tử hình bằng...