Lời hứa với mẹ trước khi hôn mê vì Covid-19
Sau tin nhắn ‘Con sẽ không để mẹ lại một mình’, Mattia, 18 tuổi, phải đặt nội khí quản và hôn mê. Mẹ cậu một mình nuôi con, còn em gái cậu đã qua đời ngay sau sinh cách đây 5 năm.
Cậu thiếu niên Mattia đến từ Cremona, bị sốt từ ngày 16/3. Chị Ombretta, 48 tuổi mẹ của Mattia đưa con đi khám và được thông báo cậu bé dương tính nCoV nhưng cho về nhà điều trị.
Vài ngày sau tình trạng của Mattia trở nặng, khó thở. Cậu được đưa tới bệnh viện. Hình ảnh đọng lại cuối cùng trong chị Ombretta là đứa con yếu ớt. “Tôi chờ tin của con, nhưng muốn qua tin nhắn SMS. Tôi hy vọng điện thoại không đổ chuông vì khi đó sẽ có tin chẳng lành”, Ombretta chia sẻ.
Tin nhắn của Mattia cho mẹ, hứa “sẽ không bỏ mẹ lại một mình”, trước khi được đặt nội khí quản. Ảnh: Corriere.
Chiều tối hôm đó chị nhận được tin nhắn từ Mattia: “Con sẽ được đặt nội khí quản. Mẹ đừng lo, con sẽ không bỏ mẹ lại một mình. Con yêu mẹ. Con sẽ chiến đấu vì mẹ và Anastasia”.
Anastasia là cô em gái Mattia mà cậu chưa bao giờ được ôm bởi cô bé mất 5 năm trước khi vừa chào đời. Thường vào sinh nhật của mình, Mattia sẽ thắp một ngọn nến cho em gái. “Thằng bé chín chắn, đang học năm cuối ngành kỹ thuật điện”, người mẹ cho hay.
Từ lúc Mattia nhập viện, mỗi ngày Ombretta đều nhận được điện thoại của bạn bè và thầy cô, kể cả người gác cổng của trường con. Chị đã cố tỏ ra mạnh mẽ. Chị giữ liên lạc thường xuyên với bệnh viện. Hôm 29/3, chị đã cầu xin các bác sĩ cho mình được vào gặp con, thậm chí chỉ cần nhìn con qua kính nhưng không được.
Sau đó, Ombretta đã nhờ các y bác sĩ đến bên con, vuốt ve và nói “đó là sự âu yếm của mẹ”. Còn chị, chỉ biết khâu vá ở nhà, chốc chốc lại nhìn đồng hồ, thời gian cứ như đứng im. “Tôi không biết bấu víu vào đâu ngoài đặt niềm tin vào các bác sĩ”, chị nói.
Hai mẹ con Ombretta sống cùng những chú chó. Chú chó tên Aaron ngày thường nghịch ngợm nhất nhưng giờ chỉ nằm im trước cửa chờ đợi sự trở về của Mattia.
“Tôi tự hỏi liệu Mattia có nhớ không. Năm con 3 tuổi thì tôi 30 tuổi, phải chiến đấu với ung thư. Con đã nằm xe đẩy khi tôi được phẫu thuật khẩn cấp. Sau hai tháng tôi có thể nói với mọi người rằng tôi đã thắng. Giờ thì vai trò đảo ngược: một người mẹ đang chờ con trai ở nhà”, chị đau khổ.
Câu chuyện của hai mẹ con Ombretta khiến nhiều người dân Italy xúc động. 20h tối 31/1, các học sinh và các giáo viên của thành phố này đã cùng thắp nến cầu nguyện cho Mattia trên ban công.
Video đang HOT
Ngọn nến trong thành phố thắp lên cầu nguyện cho Mattia. Ảnh: Corriere.
Cảm xúc của người mẹ vỡ oà vào sáng 1/4, khi các bác sĩ thông báo con trai chị không còn phải thở máy. Cuối cùng, Mattia là người trẻ tuổi nhất ở tỉnh Cremona dương tính với nCov và phải thở máy gần nửa tháng, đã chiến thắng. Từ phòng chăm sóc đặc biệt trong bệnh viện Maggiore, các y bác sĩ kết nối điện thoại cho hai mẹ con. “Con là một chiến binh dũng cảm. Chúng ta đã chiến đấu và không bao giờ bỏ cuộc. Giờ đây chúng ta đã chiến thắng trận trong chiến này”, chị Ombretta nói.
Con trai chị gật đầu với mẹ và chậm rãi nói những từ đầu tiên sau những ngày đen tối. Chỉ vài ngày nữa thôi, Mattia sẽ được ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt.
Ngay sau cuộc trò chuyện, chị Ombretta chuẩn bị một túi quần áo sạch gửi đến viện. Cái ôm dành cho con trai, giờ đã gần hơn.
Câu chuyện của hai mẹ con Mattia cũng khiến cựu thủ tướng Italy Matteo Renzi xúc động. Ông viết trên Twitter: “Trước khi được đặt nội khí quản, chàng trai đã hứa với mẹ mình: “Con sẽ không để mẹ một mình”. Cậu bé Mattia, 18 tuổi, ở Cremona, đã được bỏ thở máy ngày hôm nay và các bác sĩ thông báo với chúng tôi rằng cậu bé đã gọi cho mẹ mình. Một câu chuyện nhân văn và đẹp đẽ”.
Bảo Nhiên
Nỗi đau sinh ly tử biệt vì Covid-19
Cuộc đời dài của ông Alfredo Visioli kết thúc ở tuổi 83 bằng một nghi lễ giản đơn tại nghĩa trang gần quê nhà Cremona, thị trấn miền bắc Italy, trong cô quạnh.
"Bố tôi được chôn cất mà không có đám tang và người thân bên cạnh", Marta Manfredi, con gái ông Visioli, hiện không được ra khỏi nhà vì lệnh phong toả, cho biết. "Khi mọi chuyện kết thúc, tôi sẽ tổ chức một tang lễ tử tế cho ông".
Đó là tình cảnh chung của nhiều nạn nhân Covid-19 trên toàn cầu. Hầu hết những nơi Covid-19 tràn vào đều buộc phải bỏ qua các nghi lễ, phong tục phúng viếng người chết vì lo ngại lây lan dịch bệnh. Dù ở đâu, phong tục tập quán ra sao cũng đều có chung một phương thức đưa tiễn người chết bằng cách xử lý nhanh gọn để tránh lây nhiễm.
Một chiếc quan tài của nạn nhân Covid-19 được chuyển đến lò hỏa táng ở Bergamo, Italy. Ảnh: Reuters.
Covid-19 đã lấy đi sinh mạng của hơn 14.600 người trên toàn cầu và Italy là nước có số ca tử vong cao nhất với 5.400. Tại thành phố Bergamo, thuộc vùng Lombardy, miền bắc Italy, số người chết tăng gấp 5 đến 6 lần so với bình thường. Dịch vụ mai táng nơi đây đang bị quá tải dù đã hoạt động hết công suất.
"Lệnh cấm tụ tập đã phá vỡ các nghi thức quan trọng để người thân nạn nhân bày tỏ nỗi đau buồn", ông Andy Langford, giám đốc điều hành của Cruse Bereanterest Care, một tổ chức từ thiện của Anh cung cấp dịch vụ chăm sóc và tư vấn miễn phí cho những người bị chấn thương tâm lý, nói.
"Tang lễ giúp mọi người chia sẻ cảm xúc, bày tỏ sự tiếc thương với người đã khuất và đó chính là lời tạm biệt an ủi mọi tâm hồn. Nhưng ngay cả lễ tiễn đưa người quá cố cũng không được tổ chức khiến người nhà chẳng biết tìm đến đâu để thể hiện lòng tiếc thương. Điều này sẽ khiến nhiều người chịu chấn thương tinh thần hơn nữa", ông Langford nói.
Không chỉ tại Italy, tình hình ở Iran cũng khá nghiêm trọng khi nước này có hơn 1.600 người tử vong vì Covid-19. Các bệnh viện và nhà tang lễ liên tục tiếp nhận lượng lớn thi thể bệnh nhân trong khi chính quyền phải thuê người đào thêm mộ.
"Chúng tôi làm ngày làm đêm mà không hết việc. Tôi chưa bao giờ chứng kiến sự việc nào đáng buồn như thế này. Nhiều thi thể được xe tải chở đến và được chôn cất mà không được hành lễ rửa tội (một nghi lễ quan trọng của người Hồi giáo)", quản lý nghĩa trang ở thủ đô Tehran chia sẻ
Nhiều người dân Iran còn nghi ngờ chính quyền vội chôn thi thể người bệnh nhằm che giấu số liệu tử vong thực tế. Theo một nhân viên y tế ở Bệnh viện Kashan, ngoại ô thủ đô Tehran, nhiều trường hợp tử vong vì Covid-19 đã được ghi nhận là đau tim hoặc nhiễm trùng phổi.
Các nhà chức trách Iran đã bác bỏ cáo buộc che đậy thông tin trong khi đích thân Tổng thống Hassan Rouhani phát biểu trên truyền hình hôm 18/3 rằng chính phủ của ông "luôn trung thực và ngay thẳng với đất nước".
Mối lo ngại Covid-19 lây lan ngày càng khiến nhiều quốc gia khuyến cáo người dân nên hoãn các nghi lễ mai táng và đưa tiễn người đã khuất. Ở Hàn Quốc, chính phủ đề nghị người nhà nên hỏa thiêu trước và tổ chức tang lễ sau.
Thông thường tang lễ ở Hàn Quốc gồm ăn uống và cầu nguyện tập thể trong nhiều ngày. Nhưng kể từ đầu tháng 2, nước này phát hiện một "ổ dịch" Covid-19 ở thành phố Daegu có liên quan chặt chẽ tới đám tang của em trai giáo chủ Tân Thiên Địa tổ chức tại bệnh viện. Sau đợt bùng phát dịch ở Daegu, số lượng người đi phúng viếng giảm tới 90%.
"Các lễ tang chỉ có vài người đi viếng. Họ nhanh chóng chia buồn rồi ra về thay vì ở lại ăn uống cùng gia đình người đã khuất như thường lệ. Tiền viếng cũng được chuyển khoản thay vì trao tận tay", Tổng thư ký Hiệp hội Tang lễ Hàn Quốc, ông Choi Min Ho, nói.
Trước đó, tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, để tránh tình trạng lây nhiễm Covid-19, chính quyền đã yêu cầu tổ chức an táng tập thể tại một địa điểm. Quy định này vẫn tiếp tục được áp dụng nghiêm ngặt ở thành phố này dù hiện dịch bệnh đã suy giảm, Vũ Hán không còn ghi nhận các ca nhiễm mới.
"Các gia đình còn không được nhìn thi thể người đã khuất lần cuối", một người làm nghề mai táng ở Vũ Hán cho biết.
Ở Trung Quốc, tro cốt người đã khuất sẽ được lưu giữ trong nhà tang lễ cho đến lễ Tảo mộ mùa xuân diễn ra vào tháng 4 và được người nhà rước về thờ phụng. Tuy nhiên năm nay nghi thức này đã bị hủy bỏ.
Các bệnh nhân Covid-19 lúc hấp hối cũng không có người thân nào bên cạnh. Ảnh: AP.
Trong khi đó, Tây Ban Nha, quốc gia châu Âu chịu tác động nặng nề của Covid-19 chỉ sau Italy với hơn 1.800 người chết, đã ban hành hướng dẫn chi tiết về quy trình xử lý thi thể nhiễm bệnh. Theo đó, người nhà nạn nhân cũng không thể có mặt tại đám tang của người thân vì đang trong thời gian bị phong tỏa.
Phát biểu về các lệnh hạn chế người dân ra ngoài, Thủ tướng Pedro Sanchez cho hay đại dịch "ác độc" này đã tước đi nhu cầu tương tác xã hội của nhân loại.
Tại Ireland, các đám tang dưới 100 người vẫn được phép tổ chức. Tuy nhiên, nhiều gia đình chỉ muốn cử hành lễ riêng tư và khuyến khích mọi người gửi lời chia buồn qua trang web trực tuyến chuyên chia sẻ cáo phó.
Cơ quan Quản lý An toàn và Sức Khoẻ Ireland ban hành hướng dẫn bao gồm lời nhắc nhở "các gia đình không nên hôn người quá cố". Hướng dẫn này cũng khuyến cáo nhân viên nhà xác phải đeo mặt nạ cho thi thể bệnh nhân phòng trường hợp "tiết ra lượng nhỏ không khí chứa virus khỏi phổi" và lây nhiễm cho người khác.
Với Israel, dù chưa có ca tử vong nào, Bộ Y tế nước này cho biết thi thể nhiễm Covid-19 nên được bọc bằng hai lớp nhựa không thấm nước và người thực hiện các hoạt động chôn cất cần mang đồ bảo hộ đầy đủ.
Trong khi đó, nước Anh vẫn khá chậm trễ trong công tác ứng phó với dịch bệnh dù chuyên gia ước tính sẽ có khoảng hàng chục đến hàng trăm nghìn người Anh tử vong vì đại dịch. Nước này mới đưa ra một dự luật khẩn cấp để chống dịch bao gồm việc "cho phép các đơn vị mai táng báo tử thay cho gia đình bị cách ly".
Bà Deborah Smith, phát ngôn viên của Hiệp hội Tang lễ Quốc gia Anh, cho biết dự luật trên giúp "người chết được thu xếp an nghỉ chu đáo ngay cả khi gia quyến không thể trực tiếp tham gia".
Đối với những người còn sống, việc không bao giờ được gặp lại người thân sau khi đưa họ tới bệnh viện là một "sự tra tấn tinh thần", theo bà Roberta Caprini, một người cung cấp dịch vụ tang lễ ở Bergamo, Italy. "Nhiều khi, chúng tôi phải lái xe tới chỗ gia đình bệnh nhân để họ có thể nhìn thật nhanh người thân lần cuối", bà Caprini nói.
Nhiều công ty mai táng đã cung cấp dịch vụ lễ tang trực tuyến để các gia đình có thể cầu nguyện và nói lời từ biệt từ xa. Tuy nhiên, từ biệt như vậy sẽ không lấp đầy khoảng trống và nỗi đau cho những người ở lại. Chết xa nhau đã đành, nhưng khi còn sống, họ cũng không được gặp nhau.
Sơn Nam
'Khi ác mộng này kết thúc, tôi sẽ làm cho bố một lễ tang đàng hoàng' Đám tang của bệnh nhân chết vì dịch Covid-19 ở nhiều nước được giản lược hết mức có thể, thậm chí người thân đôi lúc còn không thể có mặt vì đang bị cách ly. Cuộc đời dài của Alfredo Visioli, hưởng dương 83 tuổi, kết thúc bằng một nghi lễ giản đơn tại nghĩa trang gần quê nhà Cremona. Ngay cả con...