Lời hứa của cậu thủ khoa mê chơi điện tử
Tự nhận mình khá ham chơi, đặc biệt là trò chơi điện tử, em Nguyễn Hữu Trọng đã hứa với bố là sẽ đỗ ĐH Y Hà Nội. Kết quả là cậu học trò quê Hà Tĩnh đã “vượt” cả mục tiêu đề ra khi đỗ thủ khoa trường này với 29,5 điểm (làm tròn).
Với điểm 3 môn thi khối A là Toán 9,75; Sinh 10 và Lý 8,25 (làm tròn thành 29,5 điểm) trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2013, em Nguyễn Hữu Trọng – học sinh lớp 12/9, Trường THPT Phan Đình Phùng, TP Hà Tĩnh đã trở thành một trong 17 thủ khoa của Trường ĐH Y Hà Nội.
Hữu Trọng cũng thuộc top 12 thí sinh đạt điểm cao tại Trường ĐH Dược Hà Nội với số điểm 28 (đã làm tròn) trong đó môn Hóa được 10 điểm
Chơi đàn ghi ta là một trong những sở thích của thủ khoa Nguyễn Hữu Trọng.
Trước đó, tử lớp 1 đến lớp 9 Trọng luôn là học sinh xuất sắc. Đặc biệt, năng khiếu về các môn tự nhiên của em càng có điều kiện phát huy khi bước vào cấp 3. Trong suốt 3 năm học cấp 3, Trọng liên tục đem về nhiều giải cao tại các kỳ thi về cho trường. Năm lớp 10 và lớp 11, em đạt giải Nhì tỉnh môn Toán. Lớp 12, Trọng tiếp tục lập cú đúp khi giành giải Nhất tại 2 kỳ thi lớn của tỉnh Hà Tĩnh là thi học sinh giỏi Toán và giải Toán Casio tỉnh.
Để đạt được kết quả này, trong quá trình học Trọng đã tự đúc rút cho mình những phương pháp học rất hiệu quả.
Chia sẻ về bí quyết học của mình, chàng thủ khoa cho biết: “Mặc dù xác định việc học là quan trọng nhưng em vẫn cố gắng để sắp xếp có thời gian thư giãn. Quan điểm của em là chơi ra chơi mà học ra học. Thời gian học chủ yếu của em là ở nhà, học thêm chỉ là phụ. Đặc biệt em thích tham gia các diễn đàn về học tập trên mạng”.
Được biết, Trọng là một trong 30 Admin của một trang Facebook có tên “Những người thi khối A” với hơn 70.000 người theo dõi. Để trở thành admin của trang này, các thành viên phải trải qua nhiều vòng thi để chọn ra các admin xuất sắc. Đứng top 4 trong cuộc thi và lại đạt điểm tuyệt đối ở môn Hóa nên hiện nay Trọng đang làm trưởng nhóm Admin môn Hóa tại trang này.
“Tại đây chúng em thường xuyên trao đổi, cập nhật các thông tin liên quan đến kỳ thi để học hỏi lẫn nhau. Đặc biệt, tại đây chúng em còn có điều kiện tiếp thu kinh nghiệm của các anh chị đi trước, nhiều người trong đó từng là thủ khoa tại các trường. Bên cạnh đó các trang như k2pi.net; vatlyphothong.com.vn; dayhoahoc.com… là những trang bổ trợ kiển thức rất tốt để em tham khảo…” – tân thủ khoa cho biết.
Video đang HOT
Thủ khoa Nguyễn Hữu Trọng và bố mẹ.
Cùng với sự cố gắng của bản thân, trong quá trình học tập, Trọng luôn nhận được sự giúp đỡ của các thầy cô giáo, đặc biệt là thầy Nguyễn Như Đức – người đã bổ sung cho em những kiến thức còn thiếu hụt trong bộ môn Toán. Thầy Nguyễn Như Đức cho biết: Ngoài tư chất thông minh thì trong giờ học, Đức là học sinh rất tập trung vào bài giảng. Chính vì vậy mà khả năng tiếp thu và phân tích các dạng đề của em rất nhanh. Tuy nhiên, hạn chế của Đức là việc trình bày, nên mặc dù có cách giải đúng nhưng những năm trước, ít khi em được điểm tuyệt đối. Biết được điểm yếu này nên trong quá trình kèm cặp, tôi thường xuyên chú trọng để em cố gắng khắc phục dần dần.”
Nhờ thế, những hạn chế này lên lớp 12 đã được Nguyễn Hữu Trọng dần khắc phục và em đã giành giải Nhất ở kỳ thi môn Toán cấp tỉnh và đặc biệt là 3 lần dẫn đầu kỳ thi thử ĐH do Trường THPT Phan Đình Phùng tổ chức.
“Mê toán từ nhỏ nhưng cháu vẫn khá ham chơi. Một trong những trò chơi yêu thích của cháu là điện tử, trước đây mỗi ngày cháu cũng thường dành ra 2 đến 3 tiềng đồng hồ để chơi. Mê điện tử đến mức đến giờ ăn cơm gọi mãi cũng không chịu xuống. Nhiều hôm 2 mẹ con thường tranh cãi về việc này. Tuy nhiên, kết quả học tập của cháu luôn khiến bố mẹ yên tâm vì năm nào tổng kết các môn cháu cũng trên 8 điểm và được thầy cô khen ngợi rất nhiều” – ông Nguyễn Hữu Toàn – bố Trọng chia sẻ về cậu con trai.
Trọng là con út trong gia đình 3 chị em. Hai chị gái đi làm việc xa nên ở nhà chỉ có mình Trọng. Ngoài việc học, mỗi khi có thời gian rảnh, Trọng lại phụ giúp bố mẹ chăm sóc 6 sào ruộng của gia đình, nhất là vào vụ mùa. Bố của Trọng làm nghề thợ mộc, mẹ là nông dân, hai ông bà có chung tâm niệm là đời mình đã vất vả không được học tập bằng người, nên phải cố gắng bươn chải để tạo điều kiện tốt nhất cho con.
Kết quả học tập của Trọng chính là lời cám ơn của em đối với bậc sinh thành. Đặc biệt đối với người bố, ông đã luôn đồng hành, sẻ chia cùng con trai, xốc lại tinh thần cho cậu khi va vấp. Tân thủ khoa ĐH Y Hà Nội chia sẻ: “Bố là người thường xuyên chia sẻ động viên em. Không bằng lời nói nhưng qua hành động, em biết bố là người rất hiểu em. Biết em mê chơi điện tử nhưng bố vẫn rất tin tưởng, chỉ khuyên bảo em thỉnh thoảng nên ra ngoài vận động để tránh đau đầu chứ không hề trách mắng. Em đã từng chủ quan và thất hứa với bố trong kỳ thi chuyển cấp năm lớp 9. Bố nói con người ta có nhiều ngã rẽ nhưng cuối cùng đều là một đích đến. Vì vậy, em đặt ra quyết tâm đậu ĐH Y và đó cũng là ước mơ lớn nhất của em trong suốt 12 năm học”.
Lời hứa của Nguyễn Hữu Trọng với bố em.
Trên bàn học tập của Trọng, dòng chữ Đậu đại học Y được viết ngay chân chiếc đèn học để nhắc nhở em hàng ngày. Và lời hứa với bố của cậu học trò mê chơi điện tử đã vượt cả mức đề ra.
Phượng Vũ
Theo Dantri
Gặp lại cựu thủ khoa Học viện Cảnh sát
Cựu học sinh Trường THPT Ba Đình (Nga Sơn, Thanh Hóa) từng khiến nhiều người trầm trồ bởi thành tích đỗ thủ khoa Học viện Cảnh sát năm 2006. Hơn 7 năm sau, anh hiện là giảng viên tại ngôi trường nơi anh đã đỗ thủ khoa.
Chàng trai ấy chính là Trương Văn Dương (sinh năm 1987, ở thôn Hội Kê, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa). Năm 2006, anh Dương đỗ thủ khoa Học viện Cảnh sát năm 2006 với tổng điểm 29,5 khi thi khối A, chuyên ngành Cảnh sát điều tra. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Học viện Cảnh sát, anh Dương được giữ lại trường giảng dạy tại khoa Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao
Đam mê nghiên cứu đề tài khoa học
Dương sinh ra trong một gia đình nông thôn, bố mẹ đều làm ruộng, hoàn cảnh hết sức khó khăn với 4 anh em cùng ăn học. Hiểu được điều đó, anh tự nhủ sẽ thi vào Học viện Cảnh sát để bố mẹ đỡ vất vả. Và những nỗ lực trong học tập đã giúp anh đạt được mong muốn khi anh đã đỗ thủ khoa ngôi trường này trong kỳ thi Đại học năm 2006.
Thời gian học tại Học viện Cảnh sát, chàng thủ khoa dành khá nhiều thành tích trong đó có nhiều giải thưởng về nghiên cứu khoa học (NCKH). Dương cho biết, NCKH trở thành niềm đam mê của anh. Suốt quá trình học, anh đã tham gia những đề tài liên quan đến đấu tranh phòng chống tội phạm hay mạng máy tính, thương mại điện tử... Trong đó có một số giải cao như giải Nhất chuyên đề NCKH của Bộ Công an với chủ đề "An toàn an ninh thông tin trong lĩnh vực thương mại điện tử", giải Nhì đề tài về "phương pháp học tập tích cực của sinh viên Học viện Cảnh sát", giải Ba đề tài "Hoàn thiện pháp luật về quản lý trò chơi trực tuyến Game online, góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật"...
Trương Văn Dương tốt nghiệp Học viện Cảnh sát năm 2011.
Sau 5 năm học, vượt qua quá trình tuyển chọn khá khắt khe, anh là một trong những sinh viên được giữ lại trường giảng dạy. Sau 2 năm giảng dạy ở chính ngôi trường mình học, anh Dương tâm sự: "Cuộc sống của mình bây giờ cũng chưa có gì đặc biệt, chủ yếu là tập trung cho công việc liên quan đến học thuật như nghiên cứu, học tập và giảng dạy. Sẽ còn phải cố gắng nhiều hơn nữa".
Hiện tại chàng cựu thủ khoa trường Học viện Cảnh sát đang chờ theo học chương trình Thạc sỹ chuyên ngành Lãnh đạo tư pháp hình sự (Justice Leadership) liên kết với trường Đại học Tổng hợp Maryland, Mỹ. Khóa học này được cấp kinh phí bởi Văn phòng đề án 165, Ban tổ chức Trung ương Đảng. Dự kiến đến tháng 10 năm nay, khóa học sẽ khai giảng.
Cựu thủ khoa Học viện Cảnh sát giờ là giảng viên ngôi trường này.
Chia sẻ về bí quyết để thành công, anh Dương khiêm tốn cho biết: "Việc học của mình không có gì nổi bật về thành tích ngoài những năm cấp I và II mình đạt học sinh giỏi toàn diện, có một giải Khuyến khích môn Sinh học năm lớp 9. Còn lên cấp III, mình chủ yếu chú trọng vào những môn khối A nên chỉ đạt học sinh khá. Khi mình thi vào trường Học viện Cảnh sát, phần vì đam mê, phần vì hoàn cảnh gia đình mình đã cố gắng hết sức. Bởi thế với mình, thành công một phần dựa vào năng lực tư duy của bản thân. Năng lực tư duy cũng có một phần bẩm sinh và một phần được rèn luyện qua thời gian. Cùng với đó là không thể thiếu sự đam mê. Chúng ta dù muốn làm được bất cứ điều gì nhất thiệt phải đam mê, tâm huyết thì mới có kết quả. Hãy đam mê với những việc mình đang làm, sẽ làm thì thành công sẽ đến".
Bố là người truyền đam mê
Được thành công như ngày hôm nay, chàng cựu thủ khoa Trương Văn Dương không quên nhắc đến người cha của mình. Anh cho biết, bố anh là người thầy đầu tiên của cả 4 anh em. Là một nông dân quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nhưng ông có thể giảng bài cho mấy anh em cho đến tận cấp ba. Chính bố là người hun đúc cho mấy anh em Dương niềm đam mê, là người truyền cảm hứng học tập.
Cũng chính ông sau khi các con cùng nhau đỗ đại học, đã lên đường vàoNam ra Bắc để làm thuê lấy tiền nuôi các con ăn học. Kể về những công lao và sự nhọc nhằn của cha mẹ, chàng cựu thủ khoa Học viện Cảnh sát xúc động: "Những năm đó, bố mình phải đi xúc cát thuê cho những chủ khai thác cát ven bờ sông gần nhà, rồi đi vào tận Quảng Bình làm công nhân xây dựng cầu, còn mẹ thì ở nhà làm thêm rất nhiều ruộng. Bố mẹ đã đánh đổi cuộc đời mình để cuộc đời anh em chúng mình được sung sướng".
Cả 4 anh em thủ khoa Học viện Cảnh sát đều học giỏi.
Được biết, 4 anh em cựu thủ khoa Học viện Cảnh sát đều học rất giỏi. Anh trai đầu của anh Dương học ĐH Y Hà Nội và hiện làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo về HIV thuộc ĐH Y Hà Nội, em trai thứ ba là sinh viên năm cuối tại Học viện Quân y còn em út vừa thi khoa Công nghệ Môi trường ĐH Thủy lợi và đạt điểm thi khá cao.
Nguyễn Thùy
Theo Dantri
Trùm côn đồ "xã hội đen" Nguyễn Văn Hoàn ở Bắc Ninh với những trò ngông nghênh và tiểu nhân Việc Hoàn đổ hết mọi tội lỗi lên người phụ nữ vốn đầu kề tay ấp, thỉnh thoảng phải chịu những trận đòn tra tấn từ Hoàn khiến ai cũng phải rùng mình, tự hỏi sao lại có loại người như thế. Cuối tháng 5/2013, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47) đã hoàn tất hồ sơ về hành...