Lời ‘gợi ý’ của bác nông dân giúp cảnh sát phá án giết người, giấu xác
Khi vụ án tưởng chừng như bế tắc thì các trinh sát phát hiện ra một tình tiết vô cùng quan trọng…
Cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường. (Ảnh minh họa)
Trước vụ án có 3 nhóm nghi can và hai giả thiết gây án, Ban chuyên án sử dụng phương án loại trừ, chỉ đạo các trinh sát theo dõi sát sao di biến động của các đối tượng, khoanh vùng vụ án hẹp lại hơn nữa.
Sợi dây chuyền tang vật ở đâu?
Quá trình điều tra, cảnh sát đã làm rõ chứng cứ ngoại phạm của nhóm nghi can đầu tiên là vợ chồng ông Hồng, người chủ khu vườn nơi phát hiện xác nạn nhân, cũng là người có hiềm khích với gia đình nạn nhân. Chính ngày xảy ra vụ án, vợ chồng ông Hồng thật sự có đi chợ huyện mua mỹ phẩm và đồ sinh hoạt trong gia đình. Vào thời gian cháu Bảo bị giết hại, vợ chồng ông vẫn còn ăn bánh xèo ở nhà một người bà con. Bằng chứng ngoại phạm được xem là khá thuyết phục, vợ chồng ông Hồng được loại khỏi danh sách nghi can và giả thiết nạn nhân bị giết do tư thù với gia đình được loại bỏ.
Cảnh sát chuyển hướng điều tra sang hướng xác định đây là một vụ án giết người cướp tài sản và tập trung điều tra hai nghi can còn lại. Các chiến thuật điều tra được tập trung với hai đối tượng chính là Tánh và bà Bé.
Nghi phạm Tánh khai nhận lúc xảy ra vụ án, mình đang uống rượu cùng với một số người bạn ở huyện Cai Lậy, sau khi những người bạn về thì Tánh say khướt và ngủ ở một căn chòi ngoài ruộng. Nghi phạm không đưa ra được chứng cứ nào khác. Các điều tra viên cho rằng Tánh là đối tượng khả nghi nhất vì có quá khứ bất hảo và nhiều tiền sự trộm cắp tài sản, hoàn toàn có khả năng xảy ra chuyện vì thiếu tiền tiêu xài nên Tánh sát hại cháu Bảo để chiếm đoạt sợi dây chuyền.
Video đang HOT
Những người đã từng uống rượu với Tánh vào ngày 24/6/1998 được triệu tập đến cơ quan điều tra để lấy lời khai, giúp các điều tra viên có cơ sở xác định độ chính xác những gì Tánh cung cấp. Kết quả cho thấy các “chiến hữu” của nghi phạm đều khai đúng như Tánh nói. Như vậy Tánh cũng có chứng cứ ngoại phạm. Vậy chẳng lẽ kẻ thủ ác chính là bà Bé, bà nông dân chân yếu tay mềm, được đánh giá là hàng xóm tốt của gia đình nạn nhân? Lý do nào khiến người phụ nữ chưa từng có tiền án tiền sự gì có thể phạm một tội ác dã man như thế?
Khi vụ án tưởng chừng như bế tắc thì các trinh sát phát hiện ra một tình tiết vô cùng quan trọng, đúng ngày 24/6/1998 tức ngày cháu Bảo bị giết, một người đàn ông trong xóm đã đến nhà bà Bé thúc ép phải trả nợ một chỉ vàng và kỳ hẹn cho bà trong vòng hai ngày phải trả, nếu không sẽ kiện ra Tòa. Phải chăng bà Bé do bị túng quẫn, thiếu nợ đầm đìa nên đã bộc phát phạm tội. Vậy tang vật ở đâu? Hàng chục trinh sát tỏa đi khắp các vùng dò hỏi các tiệm vàng thì được biết bà Bé không đến bán vàng, chủ nợ của bà Bé cũng xác nhận bà Bé chưa được trả.
Chứng cứ đắt giá từ mẫu bùn trong ao nhà hàng xóm
Gia đình bà Bé thuộc diện nghèo của xã, thu nhập chính của gia đình là 2.000m2 đất nông nghiệp nhưng phải nuôi đến sáu miệng ăn, còn lo cho bốn đứa con đang ăn học. Chồng bà Bé là một người rất hiền lành cần cù, chịu thương chịu khó, là lao động chính trong gia đình. Về phần mình, bà Bé là một người thường đau yếu bệnh tật. Đã không giúp được chồng con, do bà thường xuyên phải nằm bệnh viện nên chồng bà phải vay mượn khắp nơi để lo thang thuốc cho vợ, nhà đã nghèo nay lại càng nghèo hơn. Gia đình bà mắc nợ rất nhiều người, trong đó có cả gia đình cháu Bảo.
Cảnh sát mời chủ nợ của bà Bé lên “hú họa” thử xem có manh mối gì. Một lời nói của ông này bất ngờ lóe lên manh mối: “Nhà bả chẳng có gì để xiết nợ, chẳng lẽ tui lại xuống ao nhà bả bắt cá để thế nợ?”. Ngay lập tức trinh sát âm thầm thu mẫu bùn trong ao nhà bà Bé về để giám định, xem có giống với mẫu bùn dính trên xác nạn nhân không? Điều bất ngờ xảy ra, hai mẫu bùn hoàn toàn giống nhau.
Ngày 23/8/1998, gần hai tháng sau khi án mạng xảy ra, cảnh sát bắt khẩn cấp bà Bé để làm rõ hành vi giết người. Nghi phạm một mực khẳng định mình không liên quan đến vụ án, khẳng định “giữa gia đình tôi và gia đình cháu Bảo có mối thâm tình, gia đình Bảo nhiều lần giúp đỡ gia đình tôi, tôi xem cháu Bảo như con thì có lẽ nào ra tay giết hại cháu Bảo, còn nói chi đến chuyện giết Bảo để cướp tài sản? Các anh bắt oan”.
Các điều tra viên đã hết sức tỉnh táo và từng bước dẫn dắt đối tượng bằng những câu hỏi hết sức khôn ngoan để tự nghi phạm bộc lộ sơ hở. Hồ sơ vụ án lưu lời hỏi – đáp trong cuộc lấy cung như sau:
Hỏi: Vào ngày 24/6/1998 bà có gặp cháu Bảo không?
Trả lời: Có, tôi còn nựng cháu Bảo
Hỏi: Cháu Bảo có đến nhà bà chơi không?
Trả lời: Không. Do bệnh tật nên suốt ngày tôi không đi đâu, chỉ ở quanh nhà làm việc lặt vặt.
Hỏi: Vậy sao hôm đó bà gặp cháu Bảo?
Trả lời: Hôm đó tôi chặt củi, chỉ gặp cháu Bảo ở trước cửa nhà tôi, rồi cháu chạy đi chơi nên tôi cũng không quan tâm
Hỏi: Trong ngày 24/6/1998 bà có thấy việc gì lạ xảy ra ở gần khu vực nhà bà không? Có thấy ở khu vực phát hiện xác cháu Bảo có gì lạ không? Có ai đến ao nhà bà câu cá hay bắt cá gì không?
Trả lời: Tôi không nhớ rõ có việc gì lạ xảy ra vì tôi không để ý. Nhưng chắc chắn là không ai đến ao nhà tôi bắt cá vì ao nhà tôi nuôi cá nên tôi phải canh giữ cẩn thận.
Hỏi: Theo kết quả giám định, bùn dính trên xác cháu Bảo hoàn toàn trùng khớp với bùn ở đáy ao nhà bà. Bà hãy giải thích chuyện này giúp?
Trả lời (ấp úng): Tôi… tôi không biết?
Khẳng định ngày hôm đó không có chuyện gì lạ xảy ra ở ao nhà mình, nhưng không giải thích được vì sao có bùn ở ao nhà mình trên xác cháu bé, đối tượng đã “tự chui đầu vào rọ”; buộc khai nhận mình chính là thủ phạm.
Nỗi ân hận làm kẻ cướp vứt bỏ sợi dây chuyền tang vật
Hung thủ khai, ngày 24/6/1998 bị đòi nợ và buộc phải trả trong kỳ hạn hai ngày nhưng không có tiền trả, bị chửi bới thậm tệ. Hết cách không biết chạy tiền đâu để trả nợ nên bà ở nhà một mình. Khoảng 16h cùng ngày, đang chuẩn bị nấu cơm thì bà nhìn thấy Bảo đi ngoài đường. Nhớ lại thường ngày Bảo đến nhà chơi, bà thường hay nựng, thấy trên cổ đứa bé có đeo sợi dây chuyền vàng khoảng hơn một chỉ, có lẽ cũng đủ để trả khoản nợ của mình nên ý nghĩ độc ác chiếm đoạt sợi dây chuyền bỗng nảy ra. Bà Bé liền gọi: “Bảo ơi vô đây chơi, bác cho bánh nè”.
Đứa bé ngây thơ chạy vô nhà, lợi dụng lúc Bảo không để ý, bà Bé liền giật lấy sợi dây chuyền nhưng bị phát hiện la lên: “Sao bác lấy sợi dây chuyền của con? Bác trả lại cho con, nếu không con chạy về méc cha mẹ là bác bị công an bắt đó”.
Thủ phạm liền ngọt ngào: “Bác giỡn chơi với con tí mà, con đừng tưởng thật, bác cháu mình ra nhà sau, bác có bánh gửi cho cha mẹ con nè, rồi bác trả cho con sợi dây chuyền”. Khi ra đến nhà sau, đứa bé đứng lại hỏi “Bánh đâu bác” thì từ phía sau người đàn bà độc ác tiến đến bẻ cổ đứa bé. Sau một hồi thấy đứa bé vẫn còn thở, hung thủ mang nạn nhân đến cái ao sau nhà nhận xuống ao.
Sau khi gây án, Bé đi vào nhà nằm nghỉ một lúc, rồi sợ khi chồng đi làm về sẽ phát hiện xác chết nên nghĩ cách giấu xác. Định chôn xác trong vườn nhà mình nhưng sợ nếu lỡ phát hiện thì sẽ bị liên can, hung thủ liền nghĩ đến trong khu vườn vắng nhà ông Hồng hàng xóm có một cái hố, có lẽ đem xác chết giấu ở đó thì không ai biết, nếu có biết thì cũng chẳng liên can gì đến mình. Sau khi phi tang thi thể nạn nhân, đối tượng về nhà đốt chiếc áo thun của cháu bé rồi vứt tro xuống ao, còn sợi dây chuyền thì đem giấu, tiếp đó đi nấu cơm chiều và sinh hoạt bình thường.
Tuy không ai phát hiện ra nhưng những ngày sau đó là những ngày Bé bị lương tâm dày vò, sợi dây chuyền cứ ám ảnh tâm trí hoài, không dám bán sợi dây chuyền mà cũng không dám bỏ đi vì tiếc. Cuối cùng Bé quyết định vứt bỏ tài sản cướp được, chiều ngày 25/6/1998 đem vứt sợi dây chuyền xuống kênh cách nhà khoảng 600m.
Ngày 26/8/1998, công an khởi tố đối tượng Lê Thị Bé về hai tội danh giết người và cướp tài sản. Trong vụ án mở vào giữa tháng 12/1998, Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang nhận định hành vi của bị cáo là hết sức nguy hiểm cho xã hội, bị cáo thực hiện liền hai tội giết người và cướp tài sản, đã xâm phạm đến tính mạng của con người và xâm phạm đến tài sản, vì lòng tham lam bị cáo đã nhẫn tâm giết chết một đứa bé hàng ngày đến chơi nhà bị cáo, thân thuộc như người trong nhà để chiếm đoạt một chỉ vàng, thực hiện hành vi phạm tội hết sức dã man; phạm tội hết sức gian xảo thể hiện ở việc giấu xác để đánh lừa cơ quan chức năng. Tội ác của bị cáo bị dư luận căm phẫn và lên án, cần phải xử lý nghiêm để bảo đảm tính công bằng của pháp luật và tính răn đe, phòng ngừa chung. Tuy nhiên xét thấy bị cáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, lại có bệnh tật thường xuyên vì thế cũng cần giảm nhẹ một phần, Hội đồng xét xử quyết định tuyên án bị cáo mức án tù chung thân
Nguồn Xa Lộ Pháp Luật