Lợi dụng chương trình 1/6, giả danh cán bộ y tế lừa đảo
Lợi dụng sự nhẹ dạ của người dân, một số đối tượng giả danh cán bộ y tế phường cầm theo thuốc và sổ sách đến các hộ gia đình có con nhỏ để lừa đảo.
Ngày 25/5, chị Hoàng Thị Thu Thanh (trú tại số 47, ngõ 20, đường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) cho biết, chị và người thân vừa trình báo Cơ quan công an phường Mỹ Đình 2, quận Từ Liêm, TP Hà Nội về việc một số đối tượng lợi dụng chương trình 1/6 để giả danh cán bộ y tế lừa đảo.
Vào khoảng 10h30 ngày 20/5, có hai phụ nữ trạc tuổi 35-40 vào nhà tự xưng là nhân viên y tế phường Mỹ Đình, có cầm theo thuốc, sổ và giấy có dấu đỏ.
Hai người này nói hiện nay phường đang có chương trình uống và phát thuốc miễn phí cùng với phun thuốc diệt khuẩn phòng các bệnh mùa hè cho các bé như: chân, tay, miệng, tiêu chảy, sởi… và được Nhà nước nghiên cứu theo Viện Pasteur hỗ trợ.
Theo lời chị Thanh, hai đối tượng này đưa cho chị mấy gói thuốc và bảo lấy kim châm vào 4 góc và bỏ vào gầm giường để giệt côn trùng, chiều sẽ có nhân viên đi cùng tổ dân phố đến phun thuốc, sáng hôm sau sẽ cho bé uống thuốc và lấy mẫu nước bọt để xét nghiệm. “Tất cả là miễn phí chỉ thu tiền phun thuốc là 600.000 đồng trong vòng 6 tháng”, chị Thanh cho biết thêm.
Gia đình chị Hoàng Thị Thu Thanh.
Khi chị thắc mắc thì một trong hai người lớn giọng quát rằng: “Em đã không chịu tìm hiểu về các chương trình sức khỏe cho con mà lại còn không tin tưởng lời của cán bộ y tế phường, đã có thông báo dán ở nhà văn hóa và trung tâm y tế, ra mà xem”.
Sau khi lấy được tiền, hai đối tượng này vội vã lên xe máy và phóng đi thật nhanh. Thấy lạ vì mọi khi cán bộ của phường thường đi bộ tới nhà dân, nghi ngờ mình bị lừa nên chị Thanh ra trạm y tế xác minh lại tin tức thì mới tá hỏa nhận ra rằng mình bị lừa thật.
Thực tế thì không có chương trình nào như trên, chỉ có uống vitamin A vào 1/6 hàng năm. Chị Thanh lo lắng chia sẻ thêm: “Có lẽ, các đối tượng này đã theo dõi tôi từ trước nên mới biết gia đình tôi có con nhỏ”.
Video đang HOT
Chị Thanh đã trình báo sự việc này đến công an phường Mỹ Đình 2 cũng như cung cấp vật chứng gồm thuốc, hóa đơn và đề nghị cảnh báo cho các trường mầm non cũng như các mẹ tránh bị lừa và bị các đối tượng xấu lợi dụng làm hại đến các bé.
Thuốc và hóa đơn được lưu giữ tại cơ quan công an.
Xác nhận sự việc Công an phường Mỹ Đình 2, quận Từ Liêm cũng cho biết, đơn vị này đã tiếp nhận thông tin cũng như các vật chứng liên quan đến vụ việc trên và đang trong quá trình điều tra, làm rõ.
Thời gian gần đây, nhiều người dân khu vực TP Hà Nội cũng bị lừa tương tự như trên. Chị Nguyễn Thị Dung (Hà Đông) kể lại, các đối tượng này đều là phụ nữ, rất hoạt ngôn và luôn hướng đến chương trình 1/6. Khi bước vào nhà, họ khẳng định ngay mình là “cán bộ y tế phường phát thuốc diệt khuẩn miễn phí” rồi thu tiền công phun thuốc. Tuy nhiên, do số tiền mà các đối tượng này lừa đảo không quá lớn nên chị không trình báo cơ quan chức năng.
Theo_Người Đưa Tin
Điều gì khiến hàng loạt nạn nhân bị lừa vì những kẻ giả danh?
Thời gian qua, nhiều đối tượng giả danh mác công an tiến hành lừa tình, đoạt tiền người dân theo những kịch bản có độ gay cấn, bi hài đến khó tin.
Lừa tiền, đoạt tình
Điểm chung của tất cả tội phạm kiểu này là nhận mình là công an, luôn ba hoa quảng cáo bản thân có mối quan hệ và quyền lực để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa tình. Đơn cử, ngày 12/3, Công an Hà Tĩnh đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, quyết định tạm giam 4 tháng đối với Trần Văn Nhứt (SN 1958, quê quán xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra ban đầu, đối tượng Trần Văn Nhứt đã giả danh đại tá công an cùng với một đối tượng biệt danh là Bảy "cụt" giả danh Trung tướng thuộc Tổng cục 2, bộ Công an đến các tỉnh, làm quen với cán bộ cao cấp của địa phương, qua đó, tiếp xúc với các doanh nghiệp và giới thiệu có khả năng "chạy" dự án, công trình. Do tin tưởng vào "vỏ bọc" của các đối tượng nên nhiều doanh nghiệp và cá nhân của một số tỉnh thành đã bị Nhứt và đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó Nhứt lừa đảo một nạn nhân ở tỉnh Hà Tĩnh số tiền 500 triệu đồng; lừa một nạn nhân khác ở tỉnh Bắc Ninh 1 tỉ 230 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đây không phải là phi vụ tiền tỉ hiếm hoi mà các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt được của nạn nhân bằng phương thức thủ đoạn giả mạo công an. Tuy nhiên, nóng nhất trong thời gian qua phải kể đến việc các đối tượng lợi dụng công nghệ cao, internet thực hiện hành vi lừa đảo. Cuối tháng Ba vừa qua, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an TP.HCM) đã hoàn tất điều tra về đường dây giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên tới hơn 1,6 tỉ đồng. Nhóm đối tượng này do Chiu Yung Sheng, quốc tịch Đài Loan cùng bốn đối tượng khác trú tại TP.HCM thực hiện. Bằng cách thức sử dụng thiết bị viễn thông công nghệ cao, nhóm đối tượng này đã thực hiện các cuộc gọi giả danh cơ quan công an, công ty viễn thông... để lừa tiền.
Các đối tượng trong đường dây giả danh công an do Chiu Yung Sheng - người Đài Loan cầm đầu.
Để hạn chế tình trạng trên, vừa qua cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50 - bộ Công an) phải thông qua Mobifone để gửi tới khách hàng, cảnh báo những thủ đoạn của các đối tượng xấu. Theo đó, thủ đoạn của chúng là gọi điện thoại qua internet đến số máy cố định của bị hại, xưng là nhân viên của tổng đài VNPT, thông báo số điện thoại đứng tên của bị hại đang nợ cước với số tiền lớn. Sau đó, khi bị hại thắc mắc, đối tượng chuyển máy cho người của chúng tự xưng là cán bộ công an, thông báo bị hại có liên quan đến đường dây ma túy, rửa tiền khủng. Đối tượng sẽ yêu cầu bị hại phải gửi tiền vào tài khoản của bọn chúng (với lý do chuyển cho cơ quan công an để điều tra). Sau khi chuyển tiền, bị hại mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Lợi dụng uy tín hay quyền năng?
Trao đổi với PV, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Hải, Phó Giám đốc học viện An ninh Nhân dân cho rằng, đây là một hiện tượng xã hội cần thiết phải được cảnh báo cho người dân biết để đề phòng. Hiện nay, loại tội phạm này đang hoạt động một cách tinh vi và táo tợn, đặc biệt là các tội phạm công nghệ cao. Nguyên nhân chính là chúng lợi dụng lòng tin của nhân dân vào lực lượng công an.
Đồng quan điểm, GS.TS Vũ Gia Hiền, chuyên gia tâm lý, hội Tâm lý - Giáo dục TP.HCM cũng cho rằng những đối tượng này đang đánh vào lòng tin của người dân đối với ngành công an. Lợi dụng điểm yếu này, bọn tội phạm đã lên kịch bản lừa đảo người dân, thậm chí lừa cả những tổ chức, cơ quan một cách dễ dàng. Ngoài ra, nguyên nhân sâu xa chính là cơ chế xin - cho hiện nay đang tồn tại trong nhiều lĩnh vực. Hơn nữa, bản thân công an lại là cơ quan có quyền lực nên các đối tượng lợi dụng điều này để thực hiện hành vi phạm tội.
Ở một khía cạnh khác, Đại tá, PGS.TS Vũ Trung Quý, Phó Trưởng bộ môn Tâm lý (học viện An ninh Nhân dân) cho biết, những đối tượng này nắm bắt rất tốt tâm lý xuất phát từ nhu cầu chính đáng của người dân như cậy nhờ giúp đỡ, xin dự án, chạy vào trường công an, xin việc,... Cùng với đó là tâm lý dễ tin người, trong công việc thiếu tính phản biện, chỉ cần nghe người khác nói là công an thì vội tin mà không kiểm tra thông tin. Một số vụ việc khi kẻ giả danh công an nói chuyện với bị hại qua điện thoại và yêu cầu gửi tiền vào tài khoản, nhiều người đã vội tin và gửi ngay. Ngoài ra, Đại tá Quý còn cho rằng, để tránh bị lừa người dân khi tiếp xúc với người tự xưng là công an cần phải xem tác phong, trang phục, cử chỉ hành vi, nếu có những biểu hiện bất thường phải báo ngay cho cơ quan công an gần nhất.
"Công an chính quy làm việc thường theo nhóm, trang phục, đầu tóc gọn gàng, làm việc công khai. Khi tiếp xúc với tội phạm giả danh công an, mọi người sẽ thấy chúng dễ nóng tính, câu trước câu sau đã nổi nóng, không giữ được bình tĩnh và dễ văng tục. Tất nhiên, đó chỉ là những kiến thức cơ bản để người dân phòng tránh. Thực tế, có những tên tội phạm rất tinh vi và xảo quyệt, chỉ những người làm trong ngành hoặc có nghiệp vụ mới phát hiện được" - Đại tá, PGS.TS Vũ Trung Quý cảnh báo.
ĐBQH Nguyễn Thị Khá: Tiêu cực trong ngành công an cũng là một nguyên nhân
Liên quan đến việc nhiều đối tượng giả danh công an để lừa đảo trong thời gian qua, ĐÀBQH Nguyn Thị Khá cho rằng, trước hết chúng ta phải đặt câu hỏi, tại sao người ta giả danh công an mà không giả danh các ngành nghề khác. Ngành công an nên có nghiên cứu và đánh giá vấn đề này. Theo tôi, nhận thức pháp luật của người dân hạn chế nên kẻ xấu dễ lợi dụng để lừa đảo. Trong nhiều lần tiếp xúc với cử tri, họ có phản ánh về việc văn bản pháp luật ban hành nhiều nhưng người dân rất hạn chế trong tiếp cận. Đây là một lỗ hổng để kẻ xấu lợi dụng. Ngoài ra, hiện tượng tiêu cực trong ngành công an cũng là một nguyên nhân. Bởi, thông thường cái xấu thì lây lan nhanh. Nhiều người vì tin vào dư luận xấu rồi dẫn đến bị lừa dối. Nhiều vụ việc bị lừa vì tin vào kẻ gian có khả năng chạy án, chạy vào trường công an có một phần nguyên nhân từ bất cập trong ngành công an hiện nay.
Bi hài những vụ gắn mác công an để lừa tình
Nói về các phi vụ lừa đảo giả mạo công an vừa qua phải kể đến chuyện ông Nguyễn Phòng, 68 tuổi, tự nhận là Thượng úy công an cơ động huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) để lừa tình bà Phạm Thu Thủy, 40 tuổi.
Theo như lời nạn nhân kể lại tại trụ sở Công an huyện Đức Trọng thì do tin ông Phòng là công an, nhiều lần thấy ông mang bên mình khẩu súng ngắn. Cùng với việc hứa hẹn được đưa về sống tại thành phố Đà Lạt thơ mộng nên bà chấp nhận cuộc tình "đôi đũa lệch" với kẻ giả mạo này. Đám cưới của hai người được tổ chức long trọng tại nhà gái. Tuy nhiên, sau một thời gian sống với nhau thì bà Thủy đã nghi ngờ mác công an của ông Phòng nên đi báo công an.
Kết quả, công an đã làm rõ việc ông Nguyễn Phòng không phải là công an mà bản thân khẩu súng ông luôn đeo bên mình lại là khẩu súng nhựa. Trước đây một trường hợp, Nguyễn Thùy C., giáo viên cấp 2, ở tỉnh Hà Nam cũng bị đối tượng có tên là Nguyễn Vũ Cường cùng quê lừa đảo bằng phương thức này. Đến mức, khi đã cưới nhau, có với nhau một mặt con thì mới biết chồng mình là cảnh sát rởm.
Chuyên gia tâm lý, GS.TS Vũ Gia Hiền: Nếu tỉnh táo rất dễ vạch mặt kẻ giả mạo
Để tránh tình trạng nhầm lẫn giữa lực lượng cảnh sát thật và cảnh sát giả danh, người dân cần trang bị cho mình những kỹ năng, kiến thức cơ bản về những người trong ngành công an. Lực lượng công an bao giờ khi đi làm việc hay điều tra thường đi hai người hoặc một nhóm người. Các phương tiện, dụng cụ nghiệp vụ của công an bao giờ cũng đầy đủ. Bên cạnh đó, cán bộ công an có tư cách đứng đắn, nét mặt nghiêm túc, trên áo có bảng ghi số hiệu công an và có thẻ ngành mang theo. Do đó, người dân có thể căn cứ vào bề ngoài từ nét mặt, đến cử chỉ, các đối tượng giả danh thường có biểu hiện gian dối, không đàng hoàng. Căn cứ vào những điểm cơ bản đó người dân có thể nhận diện tội phạm giả danh công an để báo cho cơ quan công an gần nhất đến hỗ trợ kịp thời.
Trinh Phúc - Vũ Phương
Theo_Người Đưa Tin
Trộm chó bị bắt khai sẵn sàng dùng kiếm, ớt bột và vỏ chai để chống trả Hình phạt của người dân đối với những kẻ trộm chó tại Thanh Hóa khá khốc liệt, thế nhưng không hiểu vì lí do gì mà nạn trộm chó ở đây vẫn không hề thuyên giảm? Nguồn tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Ngày 7/4, Công an huyện Yên Định (Thanh Hóa) vừa bắt giữ 2 đối tượng: Phạm Văn...