Lời đề nghị đặc biệt khiến ông Trump và ông Putin hoãn gặp ở Pháp
Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận sẽ không gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Paris dù trước đó phía Nga nói rằng 2 nhà lãnh đạo sẽ có cuộc gặp ngắn. Việc thay đổi kế hoạch được cho là do một lời đề nghị đặc biệt từ Pháp.
Tổng thống Trump (bên trái) và Tổng thống Putin (Ảnh: Reuters)
AFP dẫn phát biểu của Tổng thống Trump trong cuộc họp báo ngày 7/11 tại Nhà Trắng cho biết ông không có kế hoạch gặp Tổng thống Putin trong lịch trình khi sang Pháp vào cuối tuần này dù trước đó, Nga nói rằng 2 nhà lãnh đạo sẽ gặp và trao đổi nhanh tại đây.
Truyền thông Nga nói rằng nguyên nhân của sự thay đổi lịch trình là do một lời đề nghị từ Tổng thống Pháp Emanuel Macron tới 2 nhà lãnh đạo Nga và Mỹ. Theo đó, ông Macron được cho là lo ngại cuộc gặp giữa ông Trump và Putin sẽ thu hút hết sự chú ý của truyền thông và dư luận và làm sự kiện chính tại Paris trở nên mờ nhạt.
Hai tổng thống sẽ tới Pháp vào ngày 11/11 tham gia các sự kiện nhằm kỷ niệm 100 năm Thế chiến 1 kết thúc. Đây là dịp quan trọng, dự kiến thu hút hơn 60 nhà lãnh đạo thế giới tham gia.
“Tôi tin là Tổng thống Putin sẽ đến Paris, chúng tôi không có bất cứ lịch trình nào hết. Tôi không nghĩ là chúng tôi sẽ lên kế hoạch gặp mặt ở Paris. Tôi sẽ nhanh chóng quay về Mỹ”, ông Trump nói.
Video đang HOT
Trước đó, cố vấn chính sách đối ngoại của ông Putin Yuri Ushakov cho biết 2 nhà lãnh đạo sẽ có một cuộc bàn bạc ngắn. “Đã có sự đồng thuận rằng 2 tổng thống sẽ trao đổi ngắn, đó có thể là một cuộc họp đứng”, ông Ushakov nói.
Nhật báo Kommersant của Nga ngày 7/11 dẫn một nguồn tin ngoại giao ẩn danh ở châu Âu cho biết hình thức cuộc gặp giữa ông Putin và ông Trump, vốn được công bố sau chuyến thăm của cố vấn an ninh quốc gia John Bolton tới Nga, bị thay đổi. Nhà ngoại giao này nói rằng Tổng thống Macron quan ngại rằng cuộc gặp sẽ trở thành tâm điểm thu hút khiến mọi người lãng quên sự kiện chính.
Ông Ushakov cũng đề cập tới nguyên nhân tương tự. Tuy nhiên, quan chức này vẫn nhấn mạnh rằng 2 nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau ở Paris để bàn bạc chi tiết hơn về cuộc gặp bên lề sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra ở Argentina vào cuối tháng.
Giới quan sát rất trông chờ vào cuộc gặp của 2 tổng thống trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 nước leo thang vì Mỹ tuyên bố muốn đơn phương rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) cũng như có kế hoạch ban hành thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow.
Đức Hoàng
Tổng hợp
Theo Dantri
New Caledonia vẫn thuộc Pháp sau trưng cầu dân ý
Kết quả bỏ phiếu cho thấy đa số cử tri ủng hộ việc duy trì lãnh thổ ở Thái Bình Dương này thuộc về Pháp thay vì trở thành quốc gia độc lập.
Người dân tham gia bỏ phiếu vào ngày 4.11 AFP
Reuters ngày 4.11 dẫn lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho hay vùng lãnh thổ New Caledonia vẫn thuộc về nước này sau cuộc trưng cầu dân ý vào cùng ngày.
"Trước hết tôi muốn bày tỏ tự hào to lớn rằng chúng ta đã cùng nhau vượt qua bước tiến lịch sử này. Tôi cũng muốn bày tỏ tự hào ở cương vị lãnh đạo đất nước rằng đa số người dân Caledonia chọn Pháp. Đó là dấu hiệu của lòng tin vào Pháp cũng như tương lai và giá trị của đất nước", ông nói.
Hơn 80% trong số 175.000 cử tri New Caledonia đã tham gia bỏ phiếu. Họ chọn lựa bỏ phiếu "có" hoặc "không" đối với câu hỏi về việc có muốn New Caledonia hoàn toàn độc lập hay không.
Kết quả cho thấy, 56,4% lựa chọn vùng lãnh thổ này vẫn thuộc Pháp, trong khi 43,6% ủng hộ độc lập.
Một trong những lý do này được cho là nhờ chính quyền Paris cấp cho New Caledonia 1,3 tỉ euro (34.540 tỉ đồng) hằng năm. Số tiền viện trợ chiếm khoảng 15% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của vùng lãnh thổ này, đồng thời Pháp cũng hỗ trợ cho hệ thống giáo dục và y tế chất lượng cao tại đây.
New Caledonia nổi tiếng với các bãi biển đẹp và chiếm 1/4 trữ lượng nickel trên thế giới, nguyên liệu dùng trong ngành công nghiệp điện tử. Bên cạnh đó, vùng lãnh thổ hải ngoại này còn có vị trí chiến lược đối với Pháp ở khu vực Thái Bình Dương.
Khảo sát trước đó cho thấy khoảng 63-75% cử tri muốn New Caledonia vẫn thuộc Pháp. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại cuộc trưng cầu dân ý sẽ khiến căng thẳng leo thang giữa cộng đồng người Kanak bản địa, vốn muốn độc lập, với cộng đồng người da trắng.
Chính quyền Paris tuyên bố New Caledonia là lãnh thổ hải ngoại vào năm 1853. Tuy nhiên, mâu thuẫn kéo dài dẫn đến vụ xung đột vào năm 1984 khiến 70 người thiệt mạng.
Đến năm 1998, Thỏa thuận Noumea được thông qua, với nội dung tổ chức trưng cầu dân ý vào năm 2018. Cũng theo thỏa thuận, New Caledonia được tổ chức 2 lần bỏ phiếu nữa trước năm 2022 sau khi không giành được độc lập trong lần bỏ phiếu mới nhất.
Theo TNO
Vùng New Caledonia thuộc Pháp tiến hành trưng cầu ý dân về độc lập Ngày 4/11, quần đảo New Caledonia thuộc Pháp ở Thái Bình Dương tiến hành cuộc trưng cầu ý kiến cử tri về độc lập của vùng lãnh thổ này. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) thăm hỏi người dân ở New Caledonia ngày 4/5. Ảnh: AFP/TTXVN Tổng cộng 284 điểm bỏ phiếu mở cửa từ 8 giờ sáng theo giờ địa phương (4...