Lời chào tạm biệt Việt Nam của các “đại sứ văn hóa Mỹ”
Sau 10 tháng giảng dạy tiếng Anh và tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa tại Việt Nam, 9 trợ giảng tiếng Anh của Mỹ đã chào tạm biệt Việt Nam, kết thúc tốt đẹp thời gian công tác tại dải đất hình chữ S.
Các trợ giảng tiếng Anh trong cuộc giao lưu với các bạn trẻ Việt Nam tại Hà Nội
9 trợ giảng tiếng Anh của Mỹ tới Việt Nam theo Chương trình trợ giảng tiếng Anh (TGTA) Fullbright, một phần trong Chương trình Fullbright tại Việt Nam, được thành lập vào năm 1992 nhằm phát huy sự hiểu biết về văn hóa của hai nước Việt-Mỹ thông qua trao đổi học thuật.
Chương trình TGTA đưa những người mang quốc tịch Mỹ, đã tốt nghiệp đại học, đến các đường phổ thông trung học, đại học và cao đẳng tại Việt Nam để hỗ trợ việc dạy và học các kỹ năng tiếng Anh và đóng vai trò như một đại sứ văn hóa trong thời gian 1 năm học (9 tháng).
Ra đời năm 2008, Chương trình TGTA hướng tới mục tiêu thúc đẩy việc học tiếng Anh tại Việt Nam và tạo ra các cơ hội giao lưu văn hóa giữa viên Mỹ với sinh viên Việt Nam và trường tiếp nhận, qua đó thúc đẩy hiểu biết và hợp tác song phương.
Hàng năm, có khoảng 15 trợ giảng tiếng Anh của Mỹ được tuyển chọn sang Việt Nam công tác. Cho tới năm học 2014-2015, đã có 85 TGTA từ Mỹ tới Việt Nam, làm việc tại hơn 35 tỉnh thành trên khắp cả nước, từ Cao Bằng, Lạng Sơn, tới Cà Mau, Hậu Giang, Đồng Tháp…
Trong thời gian làm việc tại trường tiếp nhận, các TGTA không chỉ hỗ trợ việc dạy và học tiếng Anh mà còn tham gia các hoạt động bên lề nhằm tăng cường sự hiểu biết văn hóa giữa Mỹ và Việt Nam như: tham gia các câu lạc bộ kịch, điện ảnh, đọc sách; nói chuyện về văn hóa Mỹ, hướng dẫn sinh viên trong các dự án phục vụ cộng đồng.
Ngoài ra, các TGTA cũng dành thời gian tìm hiểu và học hỏi về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam thông qua các hoạt động cộng đồng, văn hóa và du lịch.
Hình ảnh về các hoạt động tại Việt Nam của 9 trợ giảng đã được họ chia sẻ trong buổi giao lưu với các bạn trẻ
9 trợ giảng tiếng Anh Fullbright trong năm học 2014-2015 đã tới làm việc tại các tỉnh thành trên mọi miền đất nước Việt Nam.
Wesley Bromm, tốt nghiệp ngành lịch sử tại Đại học Western Kentucky năm 2013, đã có 9 tháng làm việc tại Thanh Hóa, nơi anh công tác đồng thời tại Đại học Văn hóa, Thể thao, Du lịch và trường Trung học Lam Sơn.
Sonia Giebel, từ Seattle, đã có thời gian gắn bó với các sinh viên tại Đại học Quảng Nam ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Ophir Haberer, từ bang Missouri, tới công tác tại Đại học Cần Thơ. Jonathan Hettleman, tới từ bang Maryland và từng tốt nghiệp Đại học John Hopkins, đã tham gia dạy tiếng Anh tại tỉnh Cao Bằng.
Video đang HOT
Kristen Jocabsen, từ bang Wisconsin, tới công tác tại trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận, trong khi Anna Le công tác tại thành phố Lạng Sơn. Leann Miles, sinh tại Việt Nam nhưng lớn lên ở bang Arizona, đã có thời gian 10 tháng sinh sống tại thành phố Lào Cai.
Vincent Quang Pham, tốt nghiệp Đại học Washington năm 2014, đến công tác tại thành phố Vinh. Người đồng hương của anh là Hilary Ross, từ Baltimore, dạy tiếng Anh tại trường Trung học Lê Quý Đôn, Đà Nẵng.
Trong cuộc giao lưu với các học sinh, sinh viên tại Hà Nội vào ngày 28/5, các trợ giảng tiếng Anh đã trải lòng về những kinh nghiệm dạy và học tiếng Anh, những lời khuyên chân thành cho các bạn trẻ muốn thành thạo ngoại ngữ này. Họ cũng kể về những trải nghiệm, kỷ niệm trong suốt quá trình làm việc tại Việt Nam và qua những chuyến đi trên khắp của vùng miền của dải đất hình chữ S.
Các trợ giảng còn chia sẻ nhiều hình ảnh về các kỷ niệm đẹp của họ với thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam. Họ cũng tham gia một trò chơi đố vui với các sinh viên về các danh lam thắng cảnh, đặc sản của các vùng miền trên khắp Việt Nam.
“Có một Việt Nam khác đang tồn tại”
Trợ giảng Jonathan Hettleman đã có 10 tháng công tác tại Cao Bằng
Trợ giảng Jonathan Hettleman tới Việt Nam sau khi tốt nghiệp ngành Khoa học chính trị tại Đại học John Hopkins năm 2004 và đã có 9 tháng dạy tiếng Anh cho các học sinh trung học tại Cao Bằng.
Jonathan cho hay khi tới Việt Nam giảng dạy, anh nhận thấy rằng thái độ của các bậc phụ huynh về việc học tập của con cái họ rất nghiêm túc. Điểm mạnh của các học sinh, sinh viên Việt Nam là cần cù, chăm chỉ và luôn có ý thức về việc học tập. Nhưng Jonathan cũng nhận thấy có sự khác biệt về văn hóa giáo dục tại Việt Nam so với văn hóa giáo dục Mỹ và từ chính bản thân trường hợp của anh. Theo Jonathan, các sinh viên Mỹ độc lập hơn và tự chịu trách nhiệm một phần về việc học tập của chính mình. Khi tới Việt Nam, Jonathan luôn cố gắng khuyến khích các sinh viên tư duy độc lập, tăng cường giao tiếp với bạn bè, tích cực học hỏi từ mọi người xung quanh, chứ không riêng gì từ một trợ giảng như anh.
Một lời khuyên mà Jonathan dành cho các học sinh, sinh viên Việt Nam khi học tiếng Anh là đừng ngại mắc lỗi. Theo anh, các sinh viên Việt Nam cần mạnh dạn, thoải mái khi giao tiếp, tự đặt ra những thách thức cho nhau và không nên ngại mắc lỗi, vì mọi người đều có thể rút ra các kinh nghiệm, bài học từ việc mắc lỗi.
Jonathan cho biết, trong thời gian làm việc tại Việt Nam, anh đã tận dụng mọi thời gian rảnh để tới thăm nhiều nơi nhất có thể, từ Cần Thơ tới Cao Bằng. Thông qua các chuyến đi, anh đã nhận thấy một điểm nổi bật là sự đa dạng tại Việt Nam: sự khác biệt giữa người dân các vùng miền, sự khác nhau nông thôn và thành thị giữa miền biển và miền núi.
“Có nhiều thứ để xem, nhiều thứ để học. Tôi thực sự thấy thích thú khi nhìn thấy sự đa dạng đó”, Jonathan nói.
Jonathan cũng thành thật thừa nhận rằng anh không biết gì nhiều về Việt Nam, về văn hóa, con người nơi đây trước khi lần đầu tiên đặt chân tới Việt Nam theo chương trình trợ giảng. Jonathan ban đầu chỉ kỳ vọng về việc tìm hiểu về lịch sử hai nước vì anh cho rằng đó là điều không thể bỏ qua và có nhiều thứ để khám phá. Nhưng anh cũng muốn trở thành một phần của quá trình nhằm đưa hai nước, hai nền văn hóa, hai cộng đồng xích lại gần nhau hơn.
“Tôi chỉ kỳ vọng thế thôi. Tôi không biết sẽ đi đâu, các trải nghiệm sẽ ra sao”, Jonathan tâm sự.
Nhưng sau 10 tháng làm việc tại Việt Nam, Jonathan thấy anh đã làm được nhiều điều vượt xa mong đợi. Anh cho hay giờ đây anh đã hiểu nhiều điều về Việt Nam, về nước Mỹ. “Tôi đã trưởng thành hơn nhờ những trải nghiệm ở nơi đây. Các trải nghiệm này đã trở thành một phần của cuộc đời tôi, làm thay đổi cuộc đời tôi và sẽ luôn gắn liền với phần còn lại của cuộc đời tôi…”.
Jonathan tâm sự rằng một điều mà anh muốn nói với người thân và bạn bè khi trở lại Mỹ là có một Việt Nam khác đang tồn tại. Jonathan nói, người Mỹ thường chỉ biết tới Việt Nam những bộ phim hay về cuộc sống tại Việt Nam vào những năm 1950 và 60.
“Thực tế đó không phải là Việt Nam ngày nay. Đó cũng không phải là mối quan hệ giữa Việt-Mỹ ngày nay. Chúng tôi muốn nói rằng một Việt Nam khác đang tồn tại, một nước Mỹ khác tồn tại, một mối quan hệ Việt-Mỹ khác đang tồn tại”.
Jonathan cho hay anh luôn mong muốn góp phần phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước Việt-Mỹ và muốn nhiều người Mỹ nghĩ tới Việt Nam ngày nay theo một cách khác, không giống với cách mà bố mẹ họ nghĩ trước đây.
An Bình
Theo Dantri
"Chiến tranh Việt Nam luôn nhắc nước Mỹ về một sai lầm"
Ông Peter Arnett, cựu phóng viên nổi tiếng tại chiến trường Việt Nam năm xưa, cho rằng chiến tranh ở Việt Nam luôn nhắc nước Mỹ về một sai lầm. Sau này, bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của Mỹ ở nước ngoài đều được cân nhắc kỹ để tránh lặp lại tình huống như ở Việt Nam.
Trở lại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm chiến thắng 30/4, ông Peter Arnett, người đã tác nghiệp ở Việt Nam từ 1962-1975, cùng hai đồng nghiệp George Lewis và Nick Út - tác giả của bức ảnh nổi tiếng "em bé Napalm" - đã có cuộc trao đổi với báo giới chiều ngày 6/5 tại Hà Nội.
Nỗ lực mang sự thật tới công chúng Mỹ
Trò chuyện với báo chí, ông George Lewis-cựu phóng viên hãng truyền hình NBC của Mỹ tại Việt Nam từ năm 1969 đến1972- cho rằng, cuộc chiến tại Việt Nam trong những năm 1960-1970 là sự kiện lớn nhất thời đại. Là phóng viên ai cũng muốn đưa tin về cuộc chiến này, vì thế khi được cấp trên đồng ý, ông đã lên đường sang Việt Nam. Ông và các đồng nghiệp được Bộ Quốc phòng Hoa kỳ cấp thẻ căn cước sang Việt Nam tác nghiệp. Các phóng viên đi cùng trực thăng với quân đội Hoa Kỳ.
Cựu phóng viên George Lewis tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều ngày 6/5
Ông Lewis cho biết, có thể nói cuộc chiến ở Việt Nam là sự kiện chiến tranh đầu tiên mà các hãng truyền hình của Mỹ đưa tin trên quy mô lớn. Người ta còn gọi đây là "Cuộc chiến trong phòng khách" vì khi đó, mọi gia đình ở Mỹ đều đã có Tivi, khi đến bữa cơm, họ đều chăm chú theo dõi diễn biến của cuộc chiến qua màn hình nhỏ. Chính vì thế, những thước phim, những bức ảnh được trình chiếu đã có tác động lớn đến công chúng Mỹ, giúp họ hiểu hơn về sự thật chiến tranh ở Việt Nam.
"Trong thời gian tác nghiệp ở Việt Nam, có nhiều lần, chính phủ của Tổng thống Kennedy và Johnson đã tìm cách tạo áp lực đối với lãnh đạo của các hãng thông tấn yêu cầu chỉ đạo phóng viên hiện trường viết nhẹ tay, nhưng các lãnh đạo quyết đảm bảo thực hiện theo tôn chỉ là phản ánh sự thật tới công chúng. Qua đó, chúng tôi cũng nói lên được chính sách không hiệu quả mà Mỹ đang thực hiện ở Việt Nam", ông Lewis nói.
Còn với ông Peter Arnett, phóng viên AP tác nghiệp ở Việt Nam trong suốt 13 năm, chiến tranh Việt Nam đã để lại cho ông biết bao ký ức. Điều ông nhớ nhất là 4 phóng viên ảnh đã hy sinh trong khi tác nghiệp tại chiến trường: 1 người pháp gốc Việt, hai phóng viên trẻ người Mỹ và cả anh trai của ông Nick Út, cũng là phóng viên của AP khi đó.
"Nhiều sĩ quan trẻ của Mỹ đã tin vào chính phủ rằng sang Việt Nam là để bảo vệ miền Nam Việt Nam khỏi cộng sản, chính vì thế nhiều người đã hy sinh cho sứ mệnh đó. Tôi đã chứng kiến những trận đánh có tới hơn hơn 200 lính Mỹ thiệt mạng. Tôi đã kể những câu chuyện đó thông qua những tác phẩm của mình", ông nói.
Ông Peter Arnett đã tác nghiệp tại chiến trường Việt Nam từ 1962-1975
Những phóng viên chiến trường như ông đã lăn xả vào bom đạn, dám thách thức với chính phủ để nói lên sự thật trong cuộc chiến ở Việt Nam. Qua các tác phẩm của mình, họ muốn nhấn mạnh về giá trị của hòa bình: dưới làn bom đạn ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh, mới thấy hòa bình đáng trân trọng như thế nào.
Nói về bức ảnh "Em bé Napalm" được chụp tại Trảng Bàng, Tây Ninh, ngày 8/6/1972, nhiếp ảnh gia Nick Út hiện vẫn làm cho hãng AP chia sẻ, chỉ khoảng hơn một giờ sau khi chụp, bức ảnh đã nhanh chóng được đăng tải trên nhiều kênh truyền hình, báo chí, với chủ đề sự tàn phá kinh khủng của bom napalm. Ngày hôm sau, biểu tình phản đối Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam lan rộng tại nhiều thành phố lớn trên thế giới.
Kỳ vọng lớn vào quan hệ Việt-Mỹ
Theo cựu phóng viên Lewis, trong thời gian ở Việt Nam lần này, đoàn phóng viên chiến trường Mỹ đã có cuộc gặp với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius. Trong cuộc trò chuyện, Đại sứ Mỹ dẫn lời Ngoại trưởng John Kerry cho rằng: Quan hệ của Mỹ với Việt Nam phát triển nhanh chóng hơn với bất kỳ quốc gia nào khác.
Hiện nay, có khoảng 17.000 sinh viên Việt Nam học tập ở Mỹ. Bên cạnh đó, thương mại là điểm nhấn đáng chú ý trong quan hệ hai nước, tăng mạnh từ vài tỷ USD lên khoảng 33 tỷ USD trong năm 2014 và kỳ vọng con số này sẽ ở mức 50 tỷ USD vào năm 2020. "Những gì chúng tôi chứng kiến về quan hệ Việt-Mỹ trong thời gian qua cho thấy nhận định của Ngoại trưởng Kerry là đúng. Đó là một mối quan hệ phát triển vừa nhanh, vừa mạnh", ông Lewis nói.
Ông Arnett cho rằng: "Chiến tranh ở Việt Nam luôn nhắc nước Mỹ về một sai lầm, không nên lặp lại. Cả người dân và chính quyền Mỹ đều thừa nhận sai lầm này. Do vậy, về sau, bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của Mỹ ở nước ngoài đều được cân nhắc kỹ để tránh lặp lại tình huống như ở Việt Nam. Nước Mỹ không quên bài học của họ ở Việt Nam, vì vậy, những gì xảy ra ở Việt Nam có giá trị về mặt chiến lược quân sự trong quan hệ đối ngoại của Mỹ".
Theo ông Arnett, mặc dù Việt-Mỹ vẫn còn một số điểm khác biệt như về cách điều hành chính phủ... nhưng ông tin rằng điều đó không phải là trở ngại trong phát triển quan hệ hai nước và chính quyền Mỹ đều hiểu rằng quan hệ ngoại giao với Việt Nam được cải thiện sẽ tốt cho cả hai quốc gia và cả cho hòa bình thế giới.
Nhà báo Arnett kết hôn với một phụ nữ Việt Nam, đến nay, họ đã có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc 51 năm và có với nhau hai người con. "Tôi có cảm tình với cô ấy ngay từ cái nhìn đầu tiên. Khi ấy, tôi gần 30 tuổi. Càng sống với cô ấy, tôi càng hiểu hơn về con người Việt Nam, và đến nay đã 51 năm trôi qua nhưng tôi chưa từng nuối tiếc về cuộc hôn nhân của mình", ông bộc bạch khi được hỏi về mối tình thời khói lửa.
Từ sau khi chiến tranh kết thúc, ông Arnett trở lại Việt Nam khoảng 15 lần. Ông nhận xét, từ năm 2000 trở lại đây, ông thấy Việt Nam có những thay đổi rõ rệt, xóa mờ dần những vết tích chiến tranh trong quá khứ.
Còn ông Lewis cũng đã trở lại Việt Nam 6 lần kể từ năm 1975, và mỗi lần đến, ông đều không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay tích cực của Việt Nam.
Nam Hằng
Theo Dantri
Thủ tướng: Việt Nam sẽ là mắt xích quan trọng của mạng lưới kinh tế thế giới Tại thành phố Auckland, sáng 20/3/2015 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và phát biểu tại Đối thoại Doanh nghiệp Việt Nam -New Zealand. Phát biểu trước 100 DN hàng đầu hai nước, Thủ tướng nhấn mạnh về các cơ hội hợp tác kinh tế giữa DN hai nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết tiềm...