Lời cảnh báo cho Philippines
Philippines có kế hoạch ký thỏa thuận thăm dò chung với Trung Quốc ở vùng biển của nước này trên biển Đông trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối năm nay.
Trong cuộc họp báo ngày 9-8, ông Harry Roque, phát ngôn viên của Tổng thống Rodrigo Duterte, cho hay: “Hiện chưa có thời gian cụ thể nhưng vì chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Tập, việc ký kết sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian từ đây đến đó”. Theo trang Philippine Daily Inquirer (Philippines), ông Roque khẳng định trong trường hợp thực hiện thăm dò chung, Tổng thống Duterte sẽ không nhượng bộ về vấn đề lãnh thổ và đó là quan điểm không thể thay đổi.
Vấn đề khai thác chung đã được Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alan Peter Cayetano nhắc tới trong cuộc gặp ngày 7-8 với giới chức quân đội và cảnh sát. Theo ông Cayetano, chính quyền Tổng thống Duterte đang xem xét một khuôn khổ mở đường cho cuộc thăm dò dầu mỏ tiềm năng với Trung Quốc.
Mỏ khí đốt Malampaya của Philippines ở biển Đông Ảnh: PHILSTAR
Theo đài ABS-CBN (Philippines), ông Cayetano đồng thời nhấn mạnh dự án chia sẻ lợi nhuận theo tỉ lệ Philippines 60% và Trung Quốc 40%. Tuy Bộ trưởng Cayetano nói quá trình thực hiện thỏa thuận phải tuân theo hiến pháp Philippines cũng như luật pháp quốc tế nhưng trang Philippine Daily Inquirer cho biết hiến pháp năm 1987 quy định quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên của Philippines chỉ dành cho người dân nước này.
Video đang HOT
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes lo ngại Philippines sẽ bị lấn lướt nếu tiến hành dự án chung với Trung Quốc. Từng chịu trách nhiệm đàm phán với Trung Quốc, ông Trillanes chỉ ra Philippines có thể chỉ đảm nhận vị trí quan sát trong dự án chung bởi hạn chế về công nghệ.
“Trong cuộc hợp tác khảo sát địa chấn chung ở biển Đông (JMSU) năm 2004, các chuyên gia Philippines trên tàu nghiên cứu không thể hiểu được tiếng Trung và cũng không đọc được những tài liệu hướng dẫn vận hành thiết bị. Do đó, nếu tiến hành thăm dò chung, Trung Quốc sẽ chi phối toàn bộ vì Philippines hiện không có khả năng và công nghệ đáp ứng yêu cầu” – ông Trillanes bày tỏ hôm 9-8.
Ngoài ra, thượng nghị sĩ này nghi ngờ chính sách chia sẻ lợi nhuận 60/40. “Trung Quốc có thể chỉnh sửa số liệu, kiểm soát các hoạt động và khiến chúng ta tin rằng mình nhận được 60% trong khi con số thực tế chỉ là 10%” – ông Trillanes cảnh báo.
Xuân Mai
Theo NLĐ
Philippines vỡ mộng với đầu tư Trung Quốc
Gần đây nổi lên những thông tin về các cam kết đầu tư trị giá 24 tỉ USD của Trung Quốc dành cho Philippines - trong đó có 15 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 9 tỉ USD vay ưu đãi - hầu như không được triển khai kể từ sau chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 10-2016 của Tổng thống Rodrigo Duterte.
Các phương tiện truyền thông cũng xoáy sâu vào những hành động nhượng bộ của Philippines ở biển Đông để đổi lấy các khoản đầu tư từ Trung Quốc, bất chấp những hành động ngang ngược của Bắc Kinh ở vùng biển tranh chấp.
Thực tế, chính quyền của ông Duterte đã từ bỏ lập trường trước đó của Philippines đối với phán quyết của tòa trọng tài ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông. Sự xuống nước này của quốc gia đầu tiên đưa vấn đề yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông ra tòa án quốc tế khiến Bắc Kinh được đà tiến hành nhiều bước đi ngang ngược hơn ở vùng biển quan trọng này thời gian qua.
Không ít quốc gia đã nếm "vị đắng" của những khoản đầu tư bạo tay của nền kinh tế số 2 thế giới. Song trong câu chuyện của Philippines, sự trì trệ của các dự án không hẳn chỉ xuất phát từ phía Trung Quốc. Bản thân nước chủ nhà đã có những điều chỉnh và đánh giá lại để thấy được hàng loạt dự án nhiều tỉ USD không tốt đẹp như mong đợi.
Tổng thống Rodrigo Duterte bắt tay Chủ tịch Tập Cận Bình sau lễ ký kết ở thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc hồi tháng 10-2016. Ảnh: REUTERS
Theo đó, đề xuất trị giá 780 triệu USD từ Trung Quốc để nâng cấp 4 hòn đảo ở TP Davao - Philippines trở nên bất khả thi sau khi một nghiên cứu chỉ ra các phí tổn to lớn về vấn đề xã hội, môi trường và kinh tế của dự án. Từ đó, chính quyền địa phương quyết định hủy thỏa thuận. Cũng xuất phát từ lý do tương tự, thỏa thuận giữa Global Ferronickel - nhà sản xuất quặng niken lớn thứ 3 ở Philippines và tập đoàn cung cấp đồng Baiyin Nonferrous (Trung Quốc) cũng bị đình trệ, sau lệnh tạm hoãn khai thác mới kéo dài 6 năm ở Philippines đối với tất cả dự án khai thác quy mô lớn mới.
Trong khi đó, dự án thủy điện của Công ty Power China Guizhou (Trung Quốc) và Công ty Greenergy Development (Philippines) gặp trục trặc vì liên quan đến Luật Cơ bản Bangsamoro (BBL) được Philippines thông qua gần đây, theo đó cho phép thực hiện chế độ tự trị đối với các khu vực Hồi giáo ở miền Nam Philippines. Chính vì thế, tất cả dự án đầu tư lớn ở tỉnh Mindanao đều bị trì hoãn trong bối cảnh các nhà đầu tư đang cân nhắc những tác động đối với họ.
Một nghiên cứu khác về nhiều dự án viện trợ không được thực thi cho thấy vấn đề đến từ quá trình thủ tục hơn là việc cố ý rút tài trợ của các nhà đầu tư. Tổng số dự án viện trợ giảm xuống còn 3 dự án ưu tiên trong tháng 1-2017. Một số dự án trong gói cam kết trị giá 9 tỉ USD bị hủy bỏ, không ít kế hoạch bị trì hoãn trong khi một số khác nằm trong danh sách chờ.
Theo báo The South China Morning Post (Hồng Kông), không thể đổ lỗi cho Trung Quốc hay chính quyền Philippines về sự chậm trễ và hủy bỏ các dự án đầu tư. Thay vào đó, cả hai nên bị chỉ trích vì đánh giá sai những cam kết đầu tư và khả năng hiện thực hóa chúng rồi thổi phồng các dự án để tăng cường ảnh hưởng chính trị.
Xuân Mai
Theo NLĐ
Quan chức Philippines thứ 3 bị ám sát trong một tuần Các tay súng đã bắn chết một phó thị trưởng thành phố tại Philippines hôm nay 7/7, chưa đầy một tuần sau hai vụ ám sát trước đó nhằm vào các quan chức nước này. Phó Thị trưởng Alex Lubigan (Ảnh: Rappler) Reuters dẫn thông tin từ cảnh sát Philippines cho biết Alexander Lubigan, Phó Thị trưởng thành phố Trece Martires ở Cavite,...