Lời cả trăm triệu nhờ 19 bể xi măng nuôi ép lươn đồng đẻ trứng
Lươn đồng là loài dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao, lại phù hợp với điều kiện tự nhiên ở vùng biên giới…Đây là những lý do chính để con lươn trở thành vật nuôi được nhiều hộ dân ở khu vực biên giới huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp chọn để phát triển kinh tế hộ gia đình trong thời gian qua.
Khoảng 10 năm trước, anh Nguyễn Thanh Khắc (SN 1984) ngụ ấp 2, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự trở về quê sau những năm dài thuê đất trồng lúa không mang lại hiệu quả nơi đất khách. Thấy nhiều anh em trong xóm nuôi lươn đồng hiệu quả nên anh Khắc cũng gom vốn liếng nuôi lươn.
Anh Nguyễn Thanh Khắc thu hoạch trứng lươn để ương lên lươn giống phục vụ nhu cầu nuôi lươn thịt của gia đình và cung cấp lươn giống cho các hộ dân…
Vụ đầu, anh mua khoảng 300 con lươn giống được săn bắt từ ngoài đồng tự nhiên về nuôi. Song do không có kinh nghiệm nuôi lươn và vì chọn mua nguồn lươn giống không chất lượng nên vụ đó tỷ lệ hao hụt trên 70%. Dù thất bại nhưng qua vụ lươn đầu tiên, anh cũng đúc kết được nhiều kinh nghiệm nuôi lươn. Từ đó các mùa vụ sau lươn nuôi của anh Khắc không còn hao hụt nhiều.
“Hiện gia đình tôi có 19 hồ xi măng chuyên dụng dùng để nuôi lươn thịt thương phẩm và nuôi lươn giống. Doanh thu mỗi năm từ nghề nuôi lươn của gia đình khoảng 200 triệu đồng, trừ hết các khoản chi phí đầu tư, lợi nhuận mỗi năm cũng khoảng 150 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa” – anh Khắc phấn khởi.
Đến vùng biên giới Thường Phước 1, nhiều người sẽ ngạc nhiên bởi nghề nuôi lươn không chỉ dành cho cánh “mày râu” mà công việc chăm sóc lươn được nhiều chị em phụ nữ đảm nhận. Gắn bó với nghề nuôi lươn được 7 năm, bà Phạm Thị Nhôm ngụ ấp 2, xã Thường Phước 1 tâm sự: “Mấy hồ lươn của tôi mang lại kinh tế ổn định hơn rất nhiều so với một chục công đất canh tác lúa của chồng tôi. Nuôi lươn không khó vì không phải đòi hỏi nhiều kỹ thuật như những vật nuôi khác…”.
Video đang HOT
Theo bà Nhôm, tông thường lươn bị một vài bệnh như: phù đầu, lở loét… nhưng nuôi lâu có kinh nghiệm thì sẽ kiểm soát được hết những bệnh này. Ở đầu nguồn, lượng cá tạp và ốc bươu vàng khá dồi dào là nguồn thức ăn ưa thích của lươn. “Chị em phụ nữ chỉ cần bỏ công một chút là có thể nuôi lươn được. Từ ngày nuôi lươn, kinh tế gia đình của tôi cũng “dễ thở” hơn trước rất nhiều…”, bà Nhôm tiết lộ.
Khoảng 2 năm trở lại đây, giá lươn thương phẩm khá cao và ổn định nên nhiều hộ dân ở khu vực biên giới mạnh dạn cải tạo diện tích xung quanh nhà để phát triển nuôi lươn. Hiện giá lươn thương phẩm loại I được thương lái thu mua dao động từ 230 – 250 ngàn đồng/kg, cao hơn cách đây 2 năm khoảng 100 ngàn đồng/kg. Theo nhiều thương lái, lươn thương phẩm được tiêu thụ tại các nhà hàng ở những thành phố lớn của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM.
Theo thống kê của UBND xã Thường Phước 1, hiện nay trên địa bàn xã có trên 80 hộ nuôi lươn thương phẩm. Nghề nuôi lươn phát triển ở địa phương được gần 8 năm trở lại đây, từ hiệu quả kinh tế trong những năm qua cho thấy, mô hình nuôi lươn bước đầu giúp nhiều gia đình thoát nghèo, ổn định kinh tế.
Ông Phạm Hồng Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Thường Phước 1 cho biết, mô hình nuôi lươn phát triển ở địa phương đã nhiều năm nay, bên cạnh những hộ nuôi hiệu quả thì vẫn còn một số hộ do thiếu kinh nghiệm nên nuôi không hiệu quả. Nhận thấy thời gian gần đây nhu cầu của thị trường về lươn thịt thương phẩm khá cao, giá ổn định, vì vậy UBND xã đã mạnh dạn đề xuất với UBND huyện Hồng Ngự cho thành lập Hội quán nuôi lươn trên địa bàn xã.
Theo ông Cường, mục đích của việc thành lập Hội quán nuôi lươn là góp phần giúp cho bà con trên địa bàn xã có nơi sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm nuôi lươn. Ngoài ra, thông qua Hội quán nuôi lươn, UBND xã cũng kết nối với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp để mở các lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình nuôi lươn cho bà con có nhu cầu nuôi lươn trên địa bàn xã.
Nhận thấy triển vọng mô hình nuôi lươn mang lại, hiện ngành nông nghiệp huyện Hồng Ngự cũng hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình nuôi lươn sinh sản. Đây là mô hình được nhiều hộ nuôi lươn của địa phương đặt nhiều kỳ vọng, bởi nếu mô hình này hiệu quả sẽ giúp người nuôi lươn vùng biên giải quyết được bài toán khan hiếm lươn giống tự nhiên hiện nay.
Bên cạnh đó, thông qua mô hình sản xuất lươn giống, ngành nông nghiệp địa phương cũng mong muốn bước đầu giúp nông dân giảm bớt chi phi sản xuất, từng bước tổ chức sản xuất, xây dựng mô hình nuôi lươn thành một chuỗi khép kín.
Theo Mỹ Lý (Báo Đồng Tháp)
Nuôi lươn không bùn: Cứ bán 1 lứa thu 150 triệu, lãi ròng 70 triệu
Ông Lê Văn Đấu (sinh năm 1947) ở ấp Long An A, xã Phú Thành A, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp là một trong những người nuôi lươn không bùn trong bể xi măng thành công. Trung bình, cứ 1 lứa nuôi lươn không bùn trong bể xi măng khi xuất bán ông Đấu thu về 150 triệu đồng, trừ chi phí lãi ròng 70 triệu đồng.
Những năm gần đây, nhiều nông dân ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã tận dụng diện tích đất trống cạnh nhà, xây bể xi măng để nuôi lươn. Hiện toàn huyện có hàng trăm hộ đang nuôi lươn trong hơn 300 bể xi măng và bồn lót bạt...; tập trung nhiều tại các xã An Long, Phú Thọ, Phú Thành A và Phú Thành B. Trung bình, mỗi đợt nuôi từ 6 - 8 tháng, nông dân xuất bán hàng chục tấn lươn thương phẩm, thu lãi từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.
Ông Đấu đang theo dõi đàn lươn nuôi trong bể xi măng
Ông Lê Văn Đấu (sinh năm 1947) ở ấp Long An A, xã Phú Thành A là một trong những người nuôi lươn trong bể xi măng thành công của huyện Tam Nông. Bể nuôi lươn được thiết kế rất đơn giản bằng cách xây tường xi măng lên cao 1m thành hình chữ nhật, có thể thay nước dễ dàng. Với 72m2 mặt nước, ông Đấu ngăn ra từng ô nhỏ 24m2...
Về kỹ thuật nuôi lươn trong bể xi măng: Phía đáy bể nuôi lươn, ông phủ một lớp bùn cao khoảng 1 tấc, rồi bơm nước vào bể và thả 15.000 con lươn giống ương nuôi. Bên trên mặt nước hồ được phủ kín bởi một mảng lục bình, rau muống và các thân cây bắp sau thu hoạch... để tạo bóng mát cho lươn có nơi bám vào nghỉ ngơi - trú ẩn.
Mỗi góc bể ông Đấu chừa một khoảng trống nhỏ để bỏ thức ăn cho lươn ăn. Nguồn thức ăn cho lươn chủ yếu là thức ăn viên công nghiệp có nhiều độ đạm trộn với cá tạp, cua, ốc bươu vàng nấu chín. Lúc đầu, ông mua lươn giống của những người xúc ụ, đặt dớn... đem về thả lươn giống vào bể ương nuôi.
Hơn một tháng sau, ông tuyển chọn những con lươn khỏe mạnh thả đều khắp vào 3 cái bể để nuôi đại trà và tăng lượng thức ăn lên theo quá trình tăng trưởng của lươn. Theo ông Đấu thì cứ đầu tư khoảng 3,5 kg thức ăn sẽ cho ra 1 kg lươn thương phẩm.
Về kinh nghiệm nuôi lươn không bùn: Ông Đấu còn thường xuyên thay nước bể nuôi lươn mỗi ngày, chăm sóc đàn lươn nuôi thật chu đáo và phòng ngừa dịch bệnh cho lươn kịp thời để giúp lươn tăng trọng nhanh, hạn chế dịch bệnh tấn công...
Cuối tháng 12/2018, sau hơn 6 tháng chăm sóc, lươn đạt trọng lượng bình quân từ 4 - 5 con/kg, ông Đấu cho tát bể và thu hoạch 7.000 con cho trọng lượng được gần 1 tấn lươn thương phẩm, bán giá 135.000 - 165.000đồng/kg, thu nhập 150 triệu đồng.
Trừ các khoản chi phí đầu tư và công chăm sóc ông Lê Văn Đấu còn lãi hơn 70 triệu đồng. Ông Đấu hiện đang nuôi tiếp 8.000 con lươn trong 3 bể xi măng cạnh nhà. Đàn lươn nuôi của ông đang được chăm sóc cẩn thận và lươn đang tăng trưởng tốt, không có dấu hiệu bị bệnh.
Nuôi lươn trong bể xi măng của ông Lê Văn Đấu và các hộ nuôi lươn ở xã Phú Thành A vừa giúp người dân có nguồn thu nhập cao, vừa giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động nhàn rỗi. Đây là mô hình hay đang được các ngành chức năng nghiên cứu phát huy và nhân rộng.
Ông Huỳnh Thanh Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thành B cho biết: "Mô hình nuôi lươn trong bể xi măng và bể lót bạt đã đạt hiệu quả đáng kể. Hội sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động những hộ nuôi lươn tham gia vào Tổ nuôi lươn để từng bước hình thành Tổ hợp tác nuôi lươn ở địa phương....
"Hội sẽ kiến nghị mở các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi lươn và tiếp tục vận động thành lập Tổ nhân giống ở địa phương để từng bước cung cấp lươn giống cho các Tổ nuôi lươn trên địa bàn. Hội cũng sẽ hỗ trợ một phần vốn cho nông dân và tích cực phối hợp các ngành chức năng tìm kiếm đầu ra ổn định để những hộ nuôi lươn an tâm sản xuất, qua đó giúp phong trào nuôi lươn ở địa phương phát triển bền vững", ông Huỳnh Thanh Hùng.
Theo Trần Trọng Trung (KNQG)
Có 10m2 bể, nuôi được cả tấn lươn không bùn, thu hàng trăm triệu Tuy chỉ mới "bắt đầu" nhưng anh Nguyễn Văn Phương ở khóm Vĩnh Sử, phường 3 (TX. Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) đang rất thành công với mô hình nuôi lươn không bùn. Đây là một trong những mô hình nuôi lươn mới ở Sóc Trăng giúp giảm chi phí trong chăn nuôi, mang lại nguồn thu nhập cao. Trước khi đến với...