Lợi bất cập hại khi cho trẻ uống thuốc tăng chiều cao thần tốc
Quảng cáo “uống hai tháng tăng 2-5 cm chiều cao”, nhiều loại thuốc và thực phẩm chức năng được bán tràn lan thị trường, bác sĩ khuyên tránh lạm dụng.
Không khó để chọn mua một sản phẩm giúp tăng chiều cao hiện nay. Tại các cửa hàng thực phẩm chức năng hoặc trang bán hàng online, những sản phẩm tăng chiều cao được quảng cáo “tăng chiều cao cấp tốc”, “ thuốc tăng chiều cao 100% thiên nhiên”, “tăng chiều cao trong một tháng”. Sản phẩm có xuất xứ từ nhiều nước khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Australia…, được quảng cáo phù hợp với người 3-27 tuổi.
“Hai tháng đầu tiên người uống sẽ tăng 2-5 cm, nếu uống 4-7 hộp có thể tăng lên 10 cm chiều cao tùy vào độ tuổi người uống”, nhân viên tư vấn tại một cửa hàng cho biết. Thành phần ghi trên nhãn của các sản phẩm này chủ yếu là nano canxi, protein, vitamin A, quả óc chó Ba Tư, nhung hươu, hải sâm… Giá khá đa dạng, từ 490.000 đến 2,7 triệu đồng một sản phẩm.
Ngoài thuốc và thực phẩm chức năng còn có si rô, cốm bổ xương, kẹo ngậm… được giới thiệu giúp tăng chiều cao cho trẻ em dưới 10 tuổi.
Bác sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, giáo viên bộ môn Nhi ĐH Y Dược TPHCM, cho biết khi sử dụng bất kỳ một sản phẩm nào cần phải xem xét thành phần thuốc, liều dùng, chỉ định dùng cho ai và có chống chỉ định hay không.
Theo bác sĩ Quỳnh, đa phần sản phẩm tăng chiều cao đều chứa canxi, song cần phải biết chính xác là loại hợp chất canxi gì, liều dùng ra sao. “Nếu lạm dụng dẫn đến dư thừa caxin có thể gây sỏi thận, suy thận, vôi hóa mô mềm… cho người sử dụng”, bác sĩ Quỳnh nói.
Dược sĩ Lê Kim Phụng, nguyên giảng viên trường ĐH Y Dược TPHCM cho rằng, không có bằng chứng y khoa hoặc lâm sàng nào cho thấy cơ thể có thể phát triển cao hơn khi đã trải qua tuổi dậy thì. Các loại thuốc nước, thuốc tiêm hoặc thuốc viên được cho là tăng trưởng chiều cao, đều không làm cho xương tăng trưởng khi sự phát triển của bạn đã dừng lại.
Video đang HOT
Theo dược sĩ Phụng, có một số loại thuốc hỗ trợ tăng chiều cao như dạng thuốc tiêm chỉ định cho sự suy giảm tăng trưởng ở trẻ, có loại thuốc giúp vận chuyển hormone tăng trưởng có tác động kéo dài xương và mảng xương phát triển mạnh hơn trong giai đoạn thiếu niên. “Tuy nhiên khi bạn đến 23 tuổi, các loại thuốc này sẽ hết tác dụng”, bà Phụng nhấn mạnh.
Bà Phụng cũng cho biết, có nhiều trường hợp khi tiêm hormone đã gây ra những rối loạn sinh trưởng, sinh dục và khiến trẻ dậy thì quá sớm.
Tiêm hormone tăng trưởng có thể khiến trẻ dậy thì quá sớm và làm ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ. Ảnh: MNT
Các bác sĩ khuyên cha mẹ khi muốn tiêm hormone tăng trưởng cho con thì cần xem xét kỹ lưỡng và phải có lời khuyên từ chuyên gia y tế. Việc điều trị hormone tăng trưởng chỉ được chỉ định cho những trường hợp cơ thể không sản xuất đủ hormone này.
Theo bác sĩ Quỳnh, những trẻ dậy thì quá sớm sẽ xuất hiện sự cốt hóa các đầu xương và ngưng phát triển chiều cao sớm. “Một trong những yếu tố nguy cơ cho dậy thì sớm là tình trạng béo phì. Cha mẹ cần có biện pháp phòng ngừa thừa cân béo phì để trẻ để phòng ngừa tình trạng dậy thì sớm làm ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ”, bà Quỳnh khuyến cáo.
Cẩm Anh
Theo vnexpress.net
Điều trị hormone tăng trưởng cho trẻ chậm phát triển chiều cao
Bé gái ở TP HCM 11 tuổi chỉ nặng 23 kg cao 115 cm, thấp hơn cô em họ cùng tuổi gần 10 cm.
Bé bị bạn bè trêu chọc nên tự ti, mặc cảm về chiều cao của mình. Bố mẹ cho bé uống nhiều loại sữa bổ sung canxi nhưng cải thiện chiều cao không khả quan, đến khi được bác sĩ chẩn đoán bé lùn do suy tuyến yên và được điều trị bằng hormone tăng trưởng. Sau một thời gian điều trị, kết quả là năm đầu tiên bé tăng 10 cm, năm kế tiếp bé tăng thêm 7 cm.
Theo bác sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, phòng khám Nhi Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, khi trẻ bị lùn, chậm tăng trưởng chiều cao, vẻ mặt "non" so với tuổi, có thể kèm sứt môi, chẻ vòm... nguy cơ cao đang thiếu hormone tăng trưởng.
Bác sĩ Quỳnh khuyến cáo, cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán, điều trị càng sớm càng tốt, giúp bé tăng trưởng chiều cao bình thường ở độ tuổi trưởng thành.
Bác sĩ đang thăm khám cho bé tại Bệnh viên Đại học Y Dược TPHCM. Ảnh: N.P
Thông thường, trẻ sơ sinh có chiều cao trung bình khoảng 50 cm. Trong năm đầu tiên, trẻ tăng 25 cm và hai năm kế tiếp mỗi năm tăng thêm 10 cm. Từ 3 tuổi trở lên cho đến lúc dậy thì, mỗi năm trẻ tăng thêm 5 cm. Nếu bé không đạt được các mốc tăng trưởng về chiều cao theo từng độ tuổi thì được gọi là chậm tăng trưởng chiều cao.
Bà Quỳnh cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao như suy dinh dưỡng, các bệnh lý dị tật bẩm sinh, loạn sản sụn, còi xương, thiếu máu, suy thận mạn hoặc các bệnh lý nội tiết như suy giáp, thiếu hormone tăng trưởng...
Trên thế giới, tỷ lệ trẻ con thiếu hormone tăng trưởng là một trong 4.000 trường hợp. Bệnh có thể do bẩm sinh hoặc chấn thương đầu, u não, nhiễm trùng dạng viêm màng não và viêm não...
Từ tháng 6 đến tháng 8, mỗi sáng thứ bảy Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM khám và tư vấn miễn phí cho 300 trẻ em trước độ tuổi dậy thì bị chậm tăng trưởng chiều cao. Đăng ký khám qua số điện thoại 02866 406 690.
Cẩm Anh
Theo vnexpress.net
Cách đơn giản giúp bạn tăng độ cao cho căn phòng hiệu quả nhất Các cách để tăng chiều cao hiệu quả cho căn phòng trong ngôi nhà của bạn như: dùng đèn, ánh điện để điều tiết, dùng màu sắc trần nhà và hoa văn trên tường của căn nhà để điều tiết, dùng đồ dùng để làm nền để điều tiết Dùng đèn, ánh đèn để điều tiết. - Căn phòng tương đối thấp thì...