Lội ao hái rau nhút kiếm hơn triệu đồng mỗi ngày ở Sài Gòn
Tận dụng ao nước không, nhiều người dân quận 12 thuê để trồng rau nhút, mỗi ngày hái hàng trăm ký.
Ở phường Thạnh Xuân (quận 12, TP HCM) có hàng chục hộ dân trồng rau nhút, loài rau quen thuộc ở Nam Bộ. Mỗi nhà đều có vài ao trồng loại rau này, cho thu hoạch quanh năm.
Cây rau nhút (còn gọi là rau rút) thuộc họ đậu, sống trên mặt ao hồ. Lá của loại rau này có hình giống như lá me, nhưng nhỏ hơn. Rau nhút có vị dai, giòn, thường dùng nấu lẩu, canh chua… ở miền Nam.
Giữa trưa nắng, anh Ngọ Văn Vĩnh (quê Bắc Giang) liên tục quẳng từng bó rau lên bờ. “Tôi trồng rau nhút hơn 20 năm nay rồi, người trồng rau này đa phần từ miền Bắc di cư vào Nam sinh sống, một số khác là người gốc Khmer ở miền Tây”, anh Vĩnh cho biết.
Mỗi ngày, anh Tú (27 tuổi) đều lội xuống ao nước sâu ngang hông hái rau. “Nhà tôi có khoảng 3.000 m2 mặt nước, trong đó hơn một nửa là thuê để trồng rau. Giá thuê 5 triệu đồng cho 1.000 m2 trong một năm. Hầu hết người trồng rau nhút đều phải thuê ao”, anh Tú cho biết.
Những ao nước được căng dây để rau bám vào sinh trưởng. “Rau này rất dễ trồng, cứ quấn cây vào dây, độ chục ngày là thu hoạch được. Tuy nhiên để rau phát triển cần phải tưới phân, đạm hai lần từ khi trồng đến lúc hái. Thời tiết nắng nhiều thì rau mọc đều, còn mưa rau chậm ra hơn”, anh Tú nói.
Video đang HOT
Ngoài tưới phân, đạm thì người trồng rau nhút thường xuyên phải vớt bèo để cây có không gian sinh trưởng. “Do trồng theo kiểu cuốn chiếu nên sáng nào tôi cũng tất bật hái rau, chiều thì bón phân, vớt bèo rồi mang rau đi bán”, anh Hiền (quê Bắc Giang) chia sẻ.
Rau nhút được hái và sơ chế ngay tại ruộng. Thường đàn ông sẽ hái còn phụ nữ thì lặt rau. Mỗi ngày hai vợ chồng tôi thu hoạch được khoảng 150 ký rau”, chị Tiến (vợ anh Tú) cho biết.
Rau nhút nổi trên mặt nước nhờ những cái phao trắng bao bọc phía ngoài. Khi chế biến, người ăn phải lột bỏ phao và rễ để lại cọng rau xanh mướt bên trong.
Rau được bán cho thương lái với giá 25.000 đồng một ký. Rau nhút trồng ở đây không chỉ có mặt ở các chợ Sài Gòn mà còn tỏa đi các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương…
“Mỗi ngày cả nhà tôi hái được khoảng trăm ký, trừ đi tiền phân bón thì cũng kiếm được gần hai triệu đồng. Tính ra nghề này dù cực nhọc, dầm mưa dãi nắng lội nước suốt ngày nhưng thu nhập khá lắm”, ông Ngọ Văn Vinh chia sẻ.
Ngoài bán thô, nhiều hộ trồng rau nhút còn mở sạp ven đường bán lẻ rau đã nhặt phao, rễ với giá 30.000 đồng một ký.
Theo Quỳnh Trần (VNE)
Trồng rau nổi lềnh bềnh trên mặt nước, bà con vùng lũ hái ra tiền
Mùa lũ, người dân cồn Én (ấp Tấn Long, xã Tấn Mỹ, Chợ Mới, An Giang) không ngồi nhìn con nước lên mà tận dụng đất bãi bồi gieo trồng rau nhút. Nước lên tới đâu, rau nhút nổi bồng bềnh theo tới đó. Dù không cần chăm sóc, phân, thuốc nhưng đây lại là loài rau giúp bà con "hái" ra tiền.
Trồng rau nhút ở Cồn Én
Hoa vàng trên mặt nước
Mùa nước nổi, cồn Én giống như một hòn đảo thu nhỏ, nổi bềnh bồng giữa biển nước mênh mông. Từ trung tâm tỉnh, con đường ngắn nhất để qua cồn Én phải "lụy" đến 3 bến đò. Đầu tiên, phải qua bến phà An Hòa nối Long Xuyên - Chợ Mới, tiếp đó chạy dọc theo đường Rạch Chanh, qua bến đò Chùa Đậu nối thị trấn Mỹ Luông với Cù lao Giêng, chạy thêm khoảng 500m nữa rồi qua bến phà Tấn Long mới tới được cồn Én.
Cũng giống như vùng Cù lao Giêng, dọc theo các tuyến đường bê-tông nông thôn ở cồn Én là những vườn xoài chi chít trái. Trên các bãi bồi, rất dễ bắt gặp những bông hoa vàng nhỏ như hoa mười giờ, nổi lênh đênh theo nhịp sóng. Cùng với đó là những mảng rau nhút xanh dập dìu trong gió bấc.
"Những vùng nông thôn khác, mùa nước thường ít có việc làm nên phần lớn lao động đi làm ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... Đối với cồn Én, mùa nước vẫn sản xuất nhộn nhịp nên nhiều bà con vẫn gắn bó với nghề nông. Nơi đây có vùng đê bao để phát triển vườn xoài quanh năm, có đất bãi bồi để tận dụng trồng rau nhút mùa nước nổi. Những công đoạn trồng, thu hoạch, rửa rau nhút, lặt rau, bó gọn rồi cân cho bạn hàng mang lại thu nhập khá cho người dân" - anh Nguyễn Văn Lùng (46 tuổi, ngụ ấp Tấn Long, xã Tấn Mỹ, Chợ Mới) chia sẻ.
Rau nhút là loại lá nhỏ, thân mềm, phát triển nhanh. Khi chạm tay vào, những cánh lá sẽ xếp lại như ngủ nên người ta gọi là rau nhút (nhút nhát). Khác với cây mắc cỡ (hay trinh nữ, cũng xếp lá khi chạm vào), rau nhút thuộc loài thủy sinh, thân cây được sử dụng như rau sạch, dùng nấu canh chua, nhúng lẩu hay ăn sống với mắm kho, cá kho đều ngon.
Chế biến rau nhút
Vị dân dã của rau nhút khiến nhiều người phát ghiền. Thấy nhu cầu tiêu thụ lớn, cặp theo bờ cồn Én dài trên 2km, hàng chục hộ dân nơi đây đã gieo trồng rau nhút với diện tích khoảng 20ha. "Đây là loại rau rất dễ trồng, lại cho thu nhập khá" - anh Nguyễn Văn Lùng nhấn mạnh.
Anh Lùng là người có thâm niên trồng rau nhút trên vùng đất bãi bồi quanh cồn Én. Với trên 1.000m2 mặt nước, cứ mỗi đợt thu hoạch rau nhút, gia đình anh kiếm được khoảng 2 triệu đồng. "Đối với loài rau nhút, mình cắm thẳng gốc vào đất để cây tự phát triển. Trên mặt nước, mình cần dùng tre làm rào rồi cột rau nhút vào để không bị sóng đánh dạt ra xa. Muốn rau nhanh phát triển, có thể sạ ít phân bón vào đất. Sau đó, chờ khoảng 10 ngày đến nửa tháng là có thể cắt rau thu hoạch" - anh Lùng thông tin.
Nhộn nhịp xứ cồn
Bằng cách gieo trồng liên tục, tính cả mùa nước nổi, gia đình anh Nguyễn Văn Lùng kiếm được khoảng 20 triệu đồng. Sau khi trừ tiền thuê đất và mặt nước, số tiền từ rau nhút cũng đủ nuôi đứa con gái đang học lớp 5 và chăm lo cuộc sống hàng ngày.
Đối với anh Nguyễn Văn Tâm (43 tuổi), người trồng rau nhút lớn nhất cồn Én (trên 7.000m2 mặt nước), thì đây là loại cây trồng mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. Mỗi ngày, vợ chồng anh Tâm thu hoạch khoảng 300kg rau nhút, trừ sở phí rồi giao cho thương lái, gia đình thu về gần cả triệu đồng. Hiện nay, rau nhút là mặt hàng bán chạy nên khi thu hoạch là thương lái chờ sẵn tại nhà, cân theo bó rồi tính tiền tại chỗ.
"Nhờ đám rau nhút giống như mọc hoang đó mà cuộc sống gia đình tôi khá hơn. Tôi mới sắm chiếc Honda Vision trị giá 35 triệu đồng cho đứa con gái có phương tiện đi học đại học cũng từ tiền bán rau nhút" - anh Tâm thật lòng.
"Ở cồn Én, mùa khô bà con làm rẫy, trồng hoa màu, mùa nước họ nuôi thủy sản, trồng rau nhút, chăm sóc vườn tược. Nói chung, dù "ngăn sông cách chợ" nhưng ở cồn Én giờ đây có điện, nước đầy đủ, đường sá được nâng cấp, trường học khang trang, bà con có cuộc sống ổn định" - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Tấn Long Nguyễn Văn Trim khẳng định.
Thương lái thu mua rau nhút
Giữa sóng nước hiền hòa, cuộc sống ấm no, phong trào văn nghệ ở cồn Én cũng phát triển. "Hàng tuần, câu lạc bộ đờn ca tài tử đều sinh hoạt, thu hút vài chục người đến tham gia giao lưu. Văn nghệ giúp bà con thêm cởi mở, hòa đồng, gắn bó tình làng nghĩa xóm. Đây là nơi để bà con trao đổi kinh nghiệm, bí quyết làm vườn, nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là kỹ thuật trồng rau nhút - loại rau ít vốn mà kiếm nhiều tiền" - ông Trim chia sẻ.
Theo Khang Duy (NNVN)
Trồng rau nhút mùa lũ, cứ 1 công lãi 15-20 triệu đồng Cứ vào mùa lũ, nông dân nhiều xã của huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang lại thả trồng rau nhút. Cứ 7-10 ngày, bà con lại thu hái 1 lứa rau nhút, giá bán từ 7-10.000 đồng/kg, mỗi công có lãi từ 15-20 triệu đồng... Những năm gần đây, vào mùa lũ, mô hình trồng rau nhút dưới chân ruộng đã được nông...