“Lộc rừng” đầu năm giúp dân miền núi thu chục triệu đồng
Nhờ thu hoạch đót mọc tự nhiên trong rừng sau Tết, không ít hộ dân miền núi Quảng Ngãi đã thu về số tiền hàng chục triệu đồng. Vì vậy nhiều người ví von đây là “cây lộc” đầu năm của rừng.
Nhiều năm qua, cứ sau Tết cổ truyền, hàng ngàn hộ dân ở các bản, làng miền núi Quảng Ngãi lại “í ới” vào rừng thu hoạch đót. Cứ khoảng 7-8h sáng, người dân rủ nhau đi vào rừng, đến khoảng 14-16h lại trở về nhà.
Đót được ví là “cây lộc” đầu năm của người dân miền núi.
Người được ít cũng thu được từ 20-30kg đót tươi/ngày, gặp nơi mọc nhiều thì số đót chặt, bẻ lên đến 40-60kg/ngày/người. Với giá mua từ 3.000-5.000 đồng/kg đót tươi, ước số tiền từ thu hoạch loại cây này mang lại cho người dân miền núi Quảng Ngãi mỗi năm tính bằng con số hàng tỷ đồng.
Không chỉ người lớn, nhiều học sinh tiểu học, THCS và THPT ở các trường miền núi cũng tranh thủ thời gian nghỉ vào rừng chặt, bẻ đót để kiếm tiền mua sách vở và dụng cụ để học tập.
Cũng như nhiều loại cây rừng mọc tự nhiên khác, đót mọc tự nhiên nếu không chặt hái sẽ tự rụi, đến năm sau lại ra nên việc thu hoạch không ảnh hưởng gì đến việc bị tận diệt. Vụ thu hoạch đót ở miền núi Quảng Ngãi thường bắt đầu từ tháng 12 (âm lịch) năm trước và kéo dài đến khoảng tháng 3 năm sau. Từ chặt, bẻ đót, nhiều gia đình ở nhiều huyện Tây Trà, Trà Bồng, Sơn Hà… đã có thêm thu nhập hàng chục triệu đồng/vụ/hộ.
Video đang HOT
Đót của người dân thu hoạch được mang ra tập kết ven đường.
Nhiều học sinh tiểu học cũng tranh thủ ngày nghỉ vào rừng tìm đót để kiếm tiền mua sách vở, dụng cụ học tập.
Đót tươi được thu mua, sau đó đem phơi khô trước khi bán cho các cơ sở chế biến.
Theo Danviet
Quảng Ngãi: Dân chẳng buồn thu hoạch "lộc rừng" vì giá thấp
Vụ năm nay, cùng với số lượng đót giảm sút giá mua cũng chỉ khoảng 3.000-4.000 đồng/kg tươi, thấp hơn từ 1.500-2.000 đồng/kg so với năm trước, nên nhiều người dân ở miền núi Quảng Ngãi chẳng mấy mặn mà trong việc đi chặt, bẻ đót vốn được xem là "lộc rừng" đầu năm.
Từ nhiều năm qua, cứ sau Tết cổ truyền người dân ở các huyện miền núi Quảng Ngãi lại đổ xô vào rừng để chặt, bẻ đót. Tuy nhiên năm nay, do diện tích rừng bị phát quang để trồng keo nên số lượng đót bị giảm đi rất nhiều.
Bãi phơi đót trên bãi cát bờ sông Rin của các chủ điểm thu mua ở huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi.
Ông Đinh Văn Deo (34 tuổi), ở xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà cho biết: "Thời gian trước, chỉ cần vào bìa rừng, 2 vợ chồng tôi cũng có thể thu hoạch được từ 130-150 kg tươi/ngày, thậm chí là 200 kg nếu gặp chỗ cây đót mọc nhiều. Tuy nhiên năm nay 2 vợ chồng tôi lội vào tận sâu trong rừng sâu cũng chỉ thu hoạch được 40-60 kg đót/ngày. Giá đót tươi hiện chỉ còn 4.000 đồng/kg, tính ra thu nhập từ đi chặt đót bán chỉ khoảng 100.000 đồng/ngày/người".
Đưa tay chỉ vào số đót ước chừng khoảng 10 tấn đang rải phơi dọc bên bờ sông Rin, đoạn chảy qua thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, nhiều chủ thu mua đót tại đây xác nhận: "Cùng thời điểm này mấy vụ trước, số đót đã mua phơi phải gấp cả chục lần năm nay. Đót được phơi kéo dài gần cả cây số, dọc bên bờ chứ không lèo tèo như vụ này".
Một người dân đang chở đót chặt, bẻ được đi bán.
Phơi khô đót để chở về xuôi bán cho các cơ sở sản xuất chổi.
Bà Thư, một chủ mua đót lớn ở thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng bày tỏ: "Số lượng đót giảm, giá thấp nên tiền bán không bằng tiền công đi làm thuê. Vì vậy nhiều người dân trong vùng không đi thu hoạch. Lượng đót thu mua năm nay chắc chỉ được khoảng 10 tấn tươi, bằng một phần tư so với những năm trước".
Được biết đót tươi sau khi mua về được thương lái đem phơi 3-4 ngày cho khô. Trung bình 3 kg đót tươi sẽ được 1kg đót khô. Đót khô sẽ được chở về cho các cơ sở làm chổi đót ở đồng bằng trong tỉnh, và vùng lân cận để bán.
Theo Danviet