Lọc dầu “tỷ đô” không còn “ngon” với nhà đầu tư ngoại
Cạnh tranh trên thị trường dầu mỏ giữa Mỹ – Nga và các nước Trung Đông chưa có hồi kết, giá thế giới liên tục giảm sâu là nguyên nhân khiến nhiều đối tác ngoại “chùn chân” ở các dự án quy mô hàng tỷ USD của Việt Nam.
Cuối năm 2015, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Qatar chính thức thông báo rút vốn tại dự án lọc hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu). Phía nhà đầu tư Qatar chỉ thông báo ngắn gọn nguyên nhân là tái cơ cấu và thay đổi chiến lược phát triển. Ban quản lý dự án cho biết, tiến độ công trình đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì sự kiện này.
Có công suất thiết kế 2,7 triệu tấn một năm, dự án tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn được xây dựng trên diện tích hơn 460 hecta tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Dự án có tổng vốn đầu tư 3,77 tỷ USD, trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đóng góp 29%, Qatar góp 25% và Tập đoàn SCG của Thái Lan góp tới 46%. Công trình này dự kiến đi vào hoạt động năm 2019.
Dầu thô lao dốc đã thay đổi trật tự kinh tế thế giới và khiến nhiều đại gia dầu khí rút khỏi Việt Nam. Ảnh: WSJ
Sau diễn biến nêu trên, Bộ Công Thương đã yêu cầu SCG phối hợp với PetroVietnam đàm phán với Qatar về việc chuyển nhượng vốn và duy trì hợp đồng nguyên liệu cho dự án, vốn dự kiến do đối tác Qatar cung cấp. Đồng thời, các bên cũng phải tiếp tục tìm kiếm đối tác thay thế.
Năm 2012, vẻ hào nhoáng của siêu dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội với vốn đầu tư gần 27 tỷ USD, diện tích 2.000 ha đã khiến không ít người choáng ngợp. Sau đó, công trình các nhà đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) và Saudi Aramco đã được điều chỉnh quy mô xuống 22 tỷ USD, công suất 20 triệu tấn một năm. Nhơn Hội dự kiến sẽ góp 40% GDP tỉnh Bình Định khi hoạt động.
Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, dự án vẫn chỉ dừng lại ở những quy hoạch trên giấy và con số khủng. Hiện UBND tỉnh Bình Định chưa nhận được hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký cho dự án này. Trước bối cảnh giá dầu thô thế giới liên tục giảm mạnh, các tập đoàn dầu khí thế giới lâm vào thế khó, PTT và Saudi Aramco cũng không nằm ngoài tác động. Giữa năm 2015, chủ đầu tư này mong muốn được hợp tác, góp vốn với doanh nghiệp trong nước nhưng đến nay vẫn chưa có tín hiệu mới.
Ngay tại một dự án đã hoạt động được nhiều năm là Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị quản lý trực tiếp) – Nguyễn Hoài Giang cũng đang rất lo lắng về khả năng hợp tác đầu tư với đối tác Nga – Tập đoàn Gazprom Neft (GPN).
Video đang HOT
Theo ông Giang, nước Nga đang lâm vào cuộc khủng hoảng dầu thô do giá dầu giảm chỉ còn 30 USD mà nguồn thu của nước này dựa tới 50-60% từ dầu thô, khí đốt. Kinh tế Nga lâm vào khốn khó, các tập đoàn kinh tế nhà nước thiếu tiền, không có nhiều khả năng đầu tư mở rộng.
Trước đó, Tập đoàn Gazprom Neft đã ký thỏa thuận khung mua 49% cổ phần của Lọc hóa dầu Bình Sơn. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đàm phán với phía Nga về giá trị định giá và phương án xử lý các khoản nợ của Bình Sơn. Tuy nhiên kết quả định giá của hai bên còn nhiều khác biệt, đồng thời việc xử lý các khoản nợ của Bình Sơn còn tương đối phức tạp.
Theo kế hoạch, đến hết tháng 6/2015 thỏa thuận giữa các bên phải hoàn thành nhưng ông Giang xác nhận đến nay tiến trình đàm phán đã gián đoạn. Trong khi đó, cũng từ giữa năm 2015, dự án mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã được thông qua với vốn đầu tư 1,82 tỷ USD. “Nếu không có sự tham gia các đối tác Nga thì chúng tôi cũng đã chuẩn bị hướng đi khác để mở rộng nhà máy là vay tín dụng, vay ưu đãi… Đến nay, doanh nghiệp đã hoàn thành khâu thiết kế mở rộng Dung Quất”, ông Giang cho hay.
Các dự án lọc dầu có đối tác nước ngoài tham gia đều có quy mô đầu tư lên tới hàng tỷ USD, đặt ra khi giá dầu thô ở mức cao chót vót vượt 100 USD một thùng. Khi đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có trữ lượng dầu mỏ vào loại lớn ở châu Á. Cùng với đó, chính sách ưu đãi nhằm kêu gọi FDI như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm, giảm trong 9 năm tiếp theo hay miễn thuế thuê đất… đã biến Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ của các đại gia dầu khí thế giới.
Chỉ vài năm sau, giá của các thùng dầu đã thay đổi trật tự kinh tế thế giới. Dầu thô lao dốc kỷ lục thấp nhất 13 năm, có thời điểm xuống chỉ còn 26 USD đã khiến các tập đoàn dầu mỏ bậc nhất thế giới lâm vào khủng hoảng, cắt giảm nhân sự và đầu tư ngoài.
Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Ngay cả Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng bị mất hơn 5.500 tỷ đồng lợi nhuận. Một doanh nghiệp khác là Liên doanh dầu khí Việt-Nga (VietsovPetro) đã cắt giảm 400 biên chế năm 2015 trong bối cảnh giá dầu giảm.
Cuộc chiến dầu mỏ vẫn căng thẳng và chưa một tổ chức nào có thể dự báo giá có thể hồi phục. Trong bối cảnh khó khăn, rất ít các tập đoàn thế giới còn có đủ tiềm lực để đầu tư ra nước ngoài, khiến họ “chùn chân” với những dự định tại Việt Nam. Thêm vào đó, giá dầu ở mức thấp khiến những tính toán về lợi nhuận cũng không còn giá trị.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân lớn khác khiến các các đại gia dầu khí nước ngoài rút khỏi Việt Nam, theo các chuyên gia, là việc ký kết các hiệp định thương mại tự do, khiến hàng rào thuế quan về 0%. Như vậy, những ưu đãi để kéo các nhà đầu tư ngoại vào ngành hóa dầu dần bị các FTA vô hiệu hóa.
Là một trong những người đầu tiên không ủng hộ các dự án lọc hóa dầu “tỷ đô” ồ ạt vào Việt Nam, GS. Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng công suất của các nhà máy lọc hóa dầu hiện nay đã lên tới 40-50 triệu tấn. Nếu tính cả Nhơn Hội, có thể lên tới 65 triệu tấn một năm trong khi sản lượng khai thác của Việt Nam chỉ đạt trên 15 triệu tấn. Như vậy, doanh nghiệp sẽ phải nhập một lượng lớn dầu thô nếu chạy hết công suất.
Ông Mại cho rằng hóa dầu ở các nước đã là ngành công nghiệp cổ điển, gây ô nhiễm môi trường nên Việt Nam chỉ phát triển ở mức độ vừa phải. Chính phủ nên dành nguồn lực, tiền bạc đầu tư các dự án công nghiêp mới như điện tử, vi sinh… mang lại giá trị cao hơn, tạo nhiều việc làm hơn.
“Một dự án lọc dầu Nhơn Hội khi vào Việt Nam chiếm dụng hàng nghìn ha đất nhưng chỉ giải quyết vài nghìn lao động, trong khi một dự án điện tử với vốn đầu tư 2 tỷ USD trên vài ha đất thôi nhưng giải quyết tới hơn 45.000 lao động, góp hàng tỷ USD vào ngân sách. So sánh về tất cả các chỉ số, lọc hóa dầu không thể so sánh với công nghệ cao được”, ông Mại nói.
Theo Bạch Dương (VnExpress)
Tăng 30% trong 11 ngày, liệu dầu thô đã ngừng giảm giá?
Giới đầu tư thế giới từng bối rối khi giá dầu chạm đáy 13 năm ở mức 26,05 USD/thùng hôm 11.2. Song giờ đây, dầu lại ở mốc 34 USD/thùng chỉ sau 11 ngày giao dịch. Liệu dầu thô đã ngưng đà giảm giá?
Tăng 30% chỉ trong 11 ngày, liệu dầu thô đã ngừng giảm giá? - Ảnh: Shutterstock
Trong 11 ngày giao dịch vừa qua, giá dầu tăng đến 30% lên mức 34 USD/thùng ở thời điểm hiện tại. Theo CNN, mức tăng đáng kinh ngạc trên phản ánh sự thay đổi trong tâm lý, chứ không chỉ ra sự khác biệt đáng kể trong các nguyên tắc cơ bản. Thị trường vẫn còn "ngập lụt" dầu thô và sản lượng dầu từ Mỹ vẫn chưa hạ đủ để giảm bớt lượng cung dư thừa kỷ lục.
"Về cơ bản, mọi thứ vẫn còn rất yếu. Giá dầu bị chi phối bởi hy vọng nhiều hơn", chuyên gia nghiên cứu các loại hàng hóa Matthew Smith tại ClipperData, hãng theo dõi các lô hàng dầu thô toàn cầu, cho biết. Hy vọng được thúc đẩy bởi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Ả Rập Xê Út, Nga và những nhà sản xuất khác đã đồng ý đóng băng sản lượng hôm 17.2.
Tuy nhiên, thỏa thuận đóng băng sản lượng trên đòi hỏi sự tham gia của các nhà sản xuất dầu khác như Iran. Giới chức Iran gần đây lên tiếng cho rằng thỏa thuận trên là một "trò đùa" và nước này vẫn muốn đi tiếp kế hoạch tăng bơm dầu sau khi được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế.
"Các cuộc đàm phán đóng băng sản lượng gần đây dường như không có bất kỳ tác động nào ngay lập tức lên dư cung thị trường dầu", ngân hàng Barclays viết trong một báo cáo. Giới phân tích cũng lưu ý rằng các nước đồng ý đóng băng sản lượng đang sản xuất gần hết công suất của họ.
Dù vậy, ngân hàng Barclays cũng cho rằng các đợt đàm phán "là phép thử cho việc xây dựng lòng tin". Nhà băng này cũng nâng khả năng hợp tác, vốn dĩ khó có thể xảy ra, giữa các nhà sản xuất toàn cầu.
Tất nhiên, giá dầu vẫn đang ở mức thấp. Dù đã tăng 30% trong những ngày qua, giá cả vẫn giảm gần một nửa so với một năm trước, khi nó được giao dịch ở mức 62 USD/thùng.
Rất khó để lạc quan về thị trường vì tình hình dư cung hiện tại. Các kho chứa dầu của Mỹ tăng thêm 3,5 triệu thùng trong tuần trước, lên mức 508 triệu thùng, theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA).
"Hàng tồn kho vẫn còn rất cao. Chúng tôi vẫn đang bơi trong biển dầu thế giới", chuyên gia Mike Wittner thuộc ngân hàng Societe Generale nói. Hàng tồn chất đống khiến lo ngại về việc các kho dự trữ sẽ sớm hết chỗ chứa tăng lên.
Những người lạc quan về thị trường dầu thô cho rằng giá cả sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm nay, khi nhiều nhà sản xuất dầu đá phiến bị buộc phải cắt giảm sản lượng vì giá rẻ. Số giàn khoan ở Mỹ đã giảm ở tuần thứ 10 liên tiếp và hạ 25% từ đầu năm đến nay, theo hãng Baker Hughes.
Nếu sản lượng dầu thô Mỹ có sự thay đổi lớn, con số 26,05 USD/thùng dầu hôm 11.2 có thể đã là mức đáy. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc giá sẽ tăng vọt trở lại đến 80 USD/thùng. Chỉ cần "vàng đen" có giá cao hơn, trong khoảng 40 - 50 USD/thùng, các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ sẽ lại tích cực bơm ra lần nữa.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Giá dầu giảm liền 5% sau bình luận của một quan chức Iran Các cường quốc dầu thô thế giới vẫn đang trong mâu thuẫn sâu sắc. Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zangeneh mới đây gọi ý tưởng đóng băng sản lượng do Ả Rập Xê Út khởi động là 'trò đùa'. Giá dầu giảm 5% xuống 31,75 USD/thùng sau bình luận của ông này. Dù ủng hộ, Iran vẫn thể hiện nước này không...