Loay hoay vì “nhà không số, phố không tên” giữa Thủ đô
Loay hoay hỏi – tìm đường, nhiều người phải “toát mồ hôi hột” mới đến được địa chỉ cần đến. Thậm chí, có người “bất lực” phải tạt vào quán nước, hoặc đứng ở ngã tư đường để chờ người đến đón…
10h sáng 9.9, một nam nhân viên Siêu thị Pico (Hà Nội) với đồ đạc lỉnh kỉnh trên xe, đứng ngơ ngác trước tòa nhà A6A, Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) hỏi đường. Theo chỉ dẫn của bà bán nước, anh này phải quay xe lại theo hướng vừa đi qua. Nhưng qua 3 tòa nhà tiếp theo, rẽ trái, anh vẫn phải dừng xe tiếp để hỏi người dân.
Loanh quanh khu đô thị theo chỉ dẫn của 3 người khác, nhân viên này vẫn không tìm được địa chỉ mình cần đến. Đứng lơ ngơ giữa ngã tư, không biết đi về hướng nào, anh đành rẽ vào quán nước gọi điện cho khách hàng.
Nhân viên Siêu thị Pico đang gọi điện thoại để khách hàng chỉ đường.
Chép miệng bấm điện thoại gọi, cuối cùng anh đành ngồi uống nước chờ khách hàng đến đón.
“Tôi có khách hàng yêu cầu đến lắp máy điều hòa, nhưng tìm mãi tòa nhà ở đây mà không thấy. Hỏi dân thì người này chỉ đi ra đường Nguyễn Chánh, người kia nói đi theo đường Mạc Thái Tông, còn khách hàng nói ở phía sau tòa nhà Keangnam… Loanh quanh gần 30 phút vẫn không thấy địa chỉ đâu, giờ tôi đành ngồi chờ khách hàng đến đón”, nam nhân viên này “tố khổ”.
Cũng không tìm được đường như người đàn ông trên, anh Quân (quận Hà Đông, Hà Nội) phải dựng xe ở ngã tư chờ bạn đến đón.
Anh Quân cho biết, anh đã tìm địa chỉ theo hướng dẫn của một số người dân, nhưng mãi không thấy. Sau đó, anh bật mạng 3G lên để định vị vị trí mình đang đứng để tìm, nhưng chỉ dẫn trên mạng chỉ có tên những con đường khó hiểu như LS, AR, ARV…
“Thôi, đành đứng đây chờ bạn đến đón cho nhanh. Lòng vòng mãi ở khu bé tẹo này mà không tìm được, thấy bực mình quá!”, anh Quân thở dài.
Video đang HOT
Anh Quân phải đứng ở ngã tư để chờ bạn đến đón vì không tìm được đường.
Bà chủ quán nước tên Hoa (56 tuổi, sống ở tòa nhà A6A, Khu đô thị Nam Trung Yên) cho biết, việc người dân không tìm được đường cần đến ở đây là “chuyện cơm bữa”. Bởi, khu vực này từ nhiều năm nay vẫn chưa được đặt tên.
“Năm 2014, một số con đường ở đây được gắn biển với những cái tên lạ như: LS1, LS2, CD1, CD2, AR1, ARG… Sau một thời gian ngắn lại thấy dỡ đi. Đến nay, những con đường này vẫn chưa có tên”, bà Hoa nói.
Người phụ nữ này than phiền rằng, nhiều lần người thân, bạn bè đến chơi, nhưng bà không biết chỉ đường cho họ thế nào. Vì “nhà không số, phố không tên” nên bà thường lấy tên một số địa chỉ “nổi tiếng” để định vị, như “sau Keangnam”, “gần Big C”, “gần chợ Nam Trung Yên”…, rồi đến những vị trí này để đón họ.
Đại diện phường Trung Hòa (Cầu Giấy) cho biết, mới đây địa phương cũng đã đề xuất đặt tên cho một số tuyến đường ở đây.
“Ngoài đường Nguyễn Chánh, mới đây có thêm hai con đường đã được đặt tên là Mạc Thái Tông và Mạc Thái Tổ. Trước đây, một số tuyến đường nhỏ có những cái tên lạ như LS, SP, AR… là do Ban quản lý dự án tự lắp đặt, nhưng sau đó cũng đã phải gỡ bỏ vì không mang ý nghĩa văn hóa. Còn nhiều tuyến đường nhỏ khác trong khu vực, chúng tôi sẽ nghiên cứu và gửi đề nghị đặt tên đường”, vị đại diện này nói.
Cây cột này trước đây được gắn biển với cái tên LS1, giờ biển đó đã bị gỡ bỏ và đến nay vẫn chưa có tên.
Về quy trình đặt tên đường, ông Phan Đăng Long (Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, thành viên Hội đồng tư vấn đặt tên Hà Nội) cho biết, việc đặt tên phố phải đúng quy trình. Trước tiên cần có đề xuất của địa phương. Theo đó, Sở VHTTDL sẽ xem xét trong ngân hàng dữ liệu theo thứ tự ưu tiên: Tên gọi cũ, địa danh, di tích lịch sử, danh nhân… Tiếp theo sẽ có liên ngành cơ quan chức năng gồm Sở GTVT, Sở VHTTDL, Sở Xây dựng, các ban, ngành của thành phố… khảo sát xem đặt tên phố hay đường. Sau khi hoàn thiện hồ sơ, Hội đồng tư vấn sẽ xem xét lại và lấy ý kiến của người dân. Bước cuối cùng, cần thông qua cuộc họp HĐND và ký quyết định.
“Trước đây, mỗi năm HĐND họp sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài của các tuyến đường một lần. Tuy nhiên, những năm gần đây, do tốc độ mở đường mới ngày càng nhiều, vì vậy sẽ có 2 lần họp biểu quyết vào tháng 6 và tháng 12 về đặt, đổi tên đường, phố”, ông Long nói.
Vậy, để đúng quy trình, chưa biết đến bao giờ khu đô thị vừa kể trên mới thoát cảnh “nhà không số, phố không tên”(?!).
Theo Ong Lý (danviet.vn)
Ai duyệt pano "kì dị", sai tên nước?
Liên quan đến Pano "kì dị" in hình cô gái có bàn tay 4 ngón gây xôn xao dư luận, nhiều ý kiến cho rằng, việc đơn vị chịu trách nhiệm đổ lỗi cho kỹ thuật là không thỏa đáng, thiếu trách nhiệm.
Như tin tức đã phản ánh, tấm pano chào mừng ngày 30/4 in hình cô gái với cánh tay mọc từ cổ, bàn tay trái có 4 ngón, bàn tay phải không ăn khớp với bó hoa... thể hiện sự cắt ghép cẩu thả gây phản cảm trong dư luận. Theo đơn vị chịu trách nhiệm, những tấm pano này đã được lập tức tháo gỡ, thay mới trong đêm nhận được phản ánh.
Tấm pano chào mừng 30/4 kỳ dị gây xôn xao dư luận với hình ảnh cô gái cùng bàn tay 4 ngón.
Trao đổi với báo chí về "sự cố" trên, ông Phan Đăng Long - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho hay, được báo cáo là do lỗi kỹ thuật, thiết kế. Theo ông Long, bản để duyệt, cấp phép được in trên khổ nhỏ nên đơn vị cấp phép đã không phát hiện ra lỗi này.
Đây cũng là lời giải thích của cán bộ Sở Văn hóa - thể thao - du lịch Hà Nội khi trao đổi với phóng viên về những chi tiết "kì dị" của tấm pano gây xôn xao dư luận.
Cán bộ này đã cho biết, lúc phê duyệt, cấp phép bản vẽ chỉ là khổ giấy A4 nên không phát hiện được những chi tiết không hợp lý, khi in bản lớn, phóng to mới phát sinh một số trường hợp bị xấu.
Trước câu trả lời này, phóng viên đã đặt câu hỏi "Nếu đánh giá lỗi kỹ thuật, do bản duyệt, xin cấp phép ở khổ nhỏ vậy sao không yêu cầu đơn vị thiết kế nộp bản to?" thì vị cán bộ này nói rằng "những ngày lễ lớn như dịp 30/4 này có hàng nghìn mẫu tranh cổ động gửi cho các quận huyện để lựa chọn tấm nào đẹp, treo ở đâu thì phù hợp nên không thể in hết bản cỡ lớn được".
Điều này có nghĩa, việc in bản duyệt ở khổ giấy lớn sẽ gây tốn kém kinh phí cho đơn vị thực hiện. Vậy khi triển khai, những tấm pano sai phải gỡ bỏ, thay bằng tấm mới thì ai, đơn vị nào chịu trách nhiệm bồi hoàn? Điều lớn hơn là khi những tấm biển "kì dị" được treo trên phố làm người dân mất niềm tin vào cơ quan quản lý thì ai có thế lấy lại hay bù đắp?
Hơn nữa, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng treo pano lỗi trên các tuyến phố. Vậy phải chăng tất cả các vụ pano lỗi đều do lỗi kỹ thuật? do khâu phóng to?
Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc đổ lỗi cho kỹ thuật không thỏa đáng, thể hiện sự thiếu trách của những cá nhân, đơn vị liên quan. Dù có thể những sai sót này không lớn, nhưng cơ quan có trách nhiệm phải có phản hồi đề dân biết, phải xử lý trách nhiệm những cá nhân, đơn vị liên quan chứ không phải chỉ gỡ bỏ bano lỗi, thay mới là xong. Ai, đơn vị nào duyệt những pano kỳ dị này? chịu trách nhiệm ra sao? Tất cả cần phải được thông tin rõ ràng để dư luận biết và chia sẻ.
"Từ đơn vị thiết kế đến đơn vị phê duyệt, cấp phép, kiểm tra không thể làm ăn ẩu như thế được. Nếu không làm nghiêm một lần thì hiện tượng này sẽ còn tiếp diễn", một độc giả ý kiến.
Trên thực tế, những tấm pano lỗi, phản cảm đã xuất hiện ở những dịp kỷ niệm ngày lễ lớn những năm trước.
Cụ thể, dịp kỷ niệm ngày lễ 2/9 năm 2013, nhiều người dân Thủ đô không khỏi nhức mắt trước tấm pano ghi sai tên nước Việt Namvới nội dụng "Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 68 năm quốc khánh nước cộng hòa xã hội Việt Nam Việt Nam" được dựng lên tại ngã tư đường Nguyễn Lương Bằng, Xã Đàn, Tôn Đức Thắng và La Thành thuộc quận Đống Đa (Hà Nội). Điều đáng nói, ngay sau khi tấm pano ghi sai tên nước được dựng lên, người dân cho biết đã nhiều lần phản ánh tới chính quyền sở tại để sửa đổi, song đến nay tấm biển vẫn đứng "hiên ngang" giữa ngã tư phố.
Pano viết sai tên nước xuất hiện trên đường phố Hà Nội trong dịp kỷ niệm ngày 2/9/2013.
Trao đổi với báo chí vào thời điểm đó, ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội thừa nhận: "Sai sót như vậy là điều không thể chấp nhận được đối với một tấm pano biểu ngữ chào mừng ngày Quốc khánh".
Theo ông Lợi, để dẫn đến sự sai sót này là do sự thiếu thận trọng của những người trực tiếp làm tấm pano và sự lơ là của cán bộ của Phòng Văn hóa quận Đống Đa trong việc giám sát, kiểm tra việc triển khai hệ thống pano, biểu ngữ chào mừng ngày lễ lớn của đất nước.
Và khoảng 2 ngày sau khi sự việc được dư luận phản ánh, bí thư quận Đống Đa Lê Tiến Nhật thừa nhận sai sót của quận và cho biết, thành phố chỉ đạo làm pano 2/9, còn việc thiết kế, in ấn là do quận.
"Do sơ xuất trong quản lý, triển khai và thực hiện nên quận đã in sai tên nước trên pano. Quận không đổ trách nhiệm riêng cho ai vì cũng cảm thông cho cán bộ nhiều khi làm việc mệt mỏi nên sai sót", ông Nhật nói.
Trước đó, dịp chào mừng giải phóng miền Nam năm 2010, một tấm pano mừng giải phóng miền Nam sai chính tả một cách khó hiểu (chữ nước viết thành nớc - PV) được treo ngay bên hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Các đơn vị chịu trách nhiệm có thể coi những trường hơp trên là sơ xuất nhỏ, do lỗi kỹ thuật nhưng với người dân nó là "thảm họa" thể hiện sự cẩu thả, thiếu sự tôn trọng người dân và làm lãng phí của công.
Theo Đời Sống Pháp Luật
Hà Nội sẽ báo cáo Thủ tướng vụ chặt hạ, thay thế cây xanh Ông Phan Đăng Long - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội - cho biết, thành phố sẽ có báo cáo chi tiết đến Thủ tướng, Ban Bí thư về đề án cũng như quá trình triển khai thay thế cây xanh trên địa bàn. Ngày 24/3, cuộc giao ban báo chí về tổ chức giao thông và kiểm soát xe...