Loạt tai ương tấn công Trung Quốc: Dịch bệnh, lũ lụt, mưa đá, tuyết giữa mùa hè
Hàng loạt thảm họa thiên nhiên xảy ra ở nhiều khu vực khác nhau tại Trung Quốc vào thời điểm quốc gia tỷ dân đang phải chống chọi trước đại dịch.
Gần như ở cùng một thời điểm, hàng loạt các thảm họa, tai ương diễn ra trên khắp Trung Quốc. Từ đợt bùng phát dịch mới ở Bắc Kinh, lũ lụt liên tục ở miền Nam, thảm họa mưa đá lan rộng ở Cam Túc, Hà Bắc, Thiên Tân cho tới đợt tuyết rơi bất thường ở Tân Cương hay nạn châu chấu hoành hành ở nhiều tỉnh vùng Đông Bắc.
Lũ lụt kéo dài
Ở phía Tây Nam của đại lục, tình hình mưa lũ vẫn diễn ra phức tạp.
Bộ Thủy lợi Trung Quốc cho biết, kể từ 2/7, mực nước của 304 con sông đã vượt mức báo động. Lũ lụt nghiêm trọng ở 26 tỉnh, thành và khu tự trị ở Trung Quốc ảnh hưởng tới cuộc sống của 19.380.000 người trên 26 tỉnh, thành và khu tự trị ở Trung Quốc. 875.000 người phải di dời khẩn cấp, 235.000 ngôi nhà bị sập hoặc hư hỏng, 1.560.000 ha hoa màu bị tàn phá, thiệt hại kinh tế trực tiếp lên tới gần 42 tỷ NDT (gần 6 tỷ USD).
Video: Lũ lụt hoành hành ở Trung Quốc
Trưa 2/7, Cục Thủy văn của Ủy ban Bảo tồn Nước sông Dương Tử cảnh báo trận lũ đầu tiên trong năm có thể sẽ hình thành ở thượng nguồn sông Dương Tử. Thượng nguồn sông Dương Tử là nơi có Đập Tam Hiệp- đập thủy điện lớn nhất thế giới.
14h cùng ngày, lưu lượng nước đổ về hồ chứa Tam Hiệp lên tới mức 53.000m3/s, cao hơn cả lưu lượng trong đợt lũ lịch sử năm 1998 khiến 4.150 người thiệt mạng (50.000m3/s).
Nhiều chuyên gia cảnh báo nguy cơ vỡ đập nếu mưa lũ vẫn diễn ra trong những ngày tiếp theo, nhưng giới chức Trung Quốc phủ nhận kịch bản này. Guo Xun – nhà nghiên cứu tại Viện Cơ học kỹ thuật Trung Quốc khẳng định, đập Tam Hiệp vẫn an toàn kể cả khi mực nước tại hồ chứa cao tới 175m và lưu lượng nước đổ về đạt 75.000 m3/s.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc, từ tối 3/7 đến tối 4/7, mưa lớn và bão sẽ xảy ra tại các tỉnh Chiết Giang, An Huy, Giang Tây, Hồ Bắc, Hồ Nam, Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Sơn Tây, Thiểm Tây và Vân Nam. Một số khu vực sẽ có lượng mưa lên tới 70 mm, kèm theo giông lốc và gió giật mạnh, trong đó đặc biệt cảnh báo một số địa điểm thuộc Giang Tây và An Huy có thể có lượng mưa lên tới 150 mm.
Dịch bệnh
Khi lũ lụt tấn công miền Nam, Bắc Kinh những ngày qua vẫn đang phải nỗ lực đối phó với đợt bùng phát dịch mới. Làn sóng lây nhiễm mới lây bệnh cho khoảng 300 người ở thủ đô Trung Quốc.
Hàng loạt các khu vực ở Bắc Kinh phải sống dưới lệnh phong tỏa lần 2. Chính quyền kêu gọi cư dân không rời thành phố và đóng cửa các trường học trở lại.
Nhiều khu vực ở Bắc Kinh bị phong tỏa vì làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 2.
Các tuyến xe liên tỉnh cũng bị buộc dừng hoạt động. Thông báo khẩn ban hành khắp Trung Quốc nhấn mạnh người dân không tới Bắc Kinh trừ khi có việc quan trọng, đồng thời tăng cường giám sát những người trở về từ Bắc Kinh.
Không chỉ có dịch bệnh, Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc dự báo từ tối 3/7 tới trưa 4/7, Bắc Kinh sẽ đón “trận mưa lớn nhất kể từ khi bước vào mùa lũ”.
Chính quyền thành phố này mới đây cũng đưa ra cảnh báo xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Mưa đá, tuyết rơi giữa mùa hè
Nhiều địa điểm ở Tân Cương như Kanas, Nalati, Bayanbulak, Kalajun, quốc lộ Duku, thảo nguyên Yili và hồ Thiên Trì ghi nhận các đợt tuyết rơi dày đặc vào cuối tháng 6.
Đặc biệt khu vực thảo nguyên Bayanbulak vừa đón một cơn bão tuyết mạnh với độ dày trung bình của tuyết lên tới 30 cm, có nơi lên tới 70 cm.
Tuyết bất ngờ rơi ở Tân Cương giữa mùa hè. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Trong khi đó, Cam Túc, Hà Bắc, Thiên Tân và một số tỉnh thành khác ở Trung Quốc ghi nhận các trận mưa đá dữ dội.
Người dân ở Hà Bắc cho biết đá từ mưa làm vỡ nhiều cửa kính ô tô đậu trên đường.
Tại Bảo Định, Hà Bắc, hạt mưa đá to như quả cà chua cỡ lớn. Nhiều hạt mưa với phần ngoài gồ ghề được người dân ví như virus SARS-CoV-2.
Ở Cam Túc, trận mưa đá với hạt mưa to như quả trứng rơi xuống với mật độ dày và liên lục gây thiệt hại đáng kể cho mùa màng, nhà cửa và các cơ sở công cộng.
Không phải đối mặt với mưa đá hay tuyết rơi nhưng các tỉnh Cát Lâm, Hắc Long Giang, Hồ Nam, Quảng Tây đang phài hứng chịu thảm họa khi châu chấu trở lại.
Ngoài châu chấu nội địa, Cục Lâm nghiệp Trung Quốc cảnh báo châu châu sa mạc châu Phi có thể vào Trung Quốc theo 3 con đường, từ Pakistan đến Tây Tạng, từ Myanmar đến Vân Nam và từ Kazakhstan đến Tân Cương.
Tháng 7 thường là dịp châu chấu hoành hành mạnh nhất trong năm vì đây là giai đoạn chúng trưởng thành.
Trên diện tích 1 km2, đàn châu chấu có thể ăn mất số lương thực cần cho 35.000 người mỗi ngày.
Đập Tam Hiệp, kiệt tác hay thảm họa lơ lửng trên đầu?
Đập Tam Hiệp là công trình thủy điện được cả thế giới biết đến, sừng sững chắn ngang dòng sông Dương Tử dài thứ 3 trên hành tinh. Nhưng thảm họa mà nó gây ra nếu bị vỡ sẽ vô cùng tàn khốc.
Được khởi công từ năm 1994 và vận hành toàn phần từ tháng 7/2012, đập Tam Hiệp hiện vẫn giữ ngôi vị con đập thủy điện lớn nhất thế giới với chiều dài 2,3km và chiều cao 185m. Hồ chứa mà con đập tạo ra có diện tích bề mặt hơn 1.000km2.
Để hoàn thành công trình, 40.000 công nhân đã làm việc không ngơi nghỉ trong 12 năm, với chi phí hàng chục tỷ đôla.
Chính phủ và nhiều người dân Trung Quốc rất tự hào về công trình bê tông khổng lồ này. Họ ca ngợi đó là một kiệt tác về kỹ thuật dân dụng, một biểu tượng về năng lượng tái tạo. Với 34 máy phát điện, mỗi máy nặng 6.000 tấn, đập sản xuất tổng lượng điện 22.500MW, đủ đảm bảo năng lượng cho hàng chục triệu dân Trung Quốc.
Tuy nhiên, công trình khổng lồ này hứng chịu với nhiều chỉ trích ngay từ đầu. Để xây dựng đập Tam Hiệp, các nhà chức trách Trung Quốc phải di dời 1,3 triệu người và phá hủy nhiều khu vực khảo cổ lịch sử. Khoảng 100 công nhân đã thiệt mạng trong quá trình xây đập.
Đập Tam Hiệp còn gây họa cho môi trường. Không ai có thể dám chắc về tác động lâu dài của siêu công trình này, nhưng số lượng cá các loại bị suy giảm và ô nhiễm gia tăng vì bản chất tự làm sạch của dòng sông đã bị con đập vô hiệu hóa.
Áp lực dồn lên khu vực nơi hồ chứa tạo ra có thể gây nhiều trận lở đất. Thực tế cho thấy một đập thủy điện khác trong khu vực đã bị vỡ vì lở đất. Chưa kể, hồ chứa nước lại nằm trên hai đường đứt gẫy khác nhau nên bị cho là làm gia tăng các hoạt động địa chấn.
Ngoài ra, các lớp lắng cặn đang tích tụ phía sau con đập chứ không được chảy xuôi theo dòng để nuôi dưỡng cây trồng và động vật hoang dã. Tuy các kỹ sư thiết kế đã nghĩ ra cách để một số lớp cặn này chảy qua đập nhưng ước tính 30-60% số lượng vẫn bị giữ lại phía sau đập. Thực trạng này chính là thủ phạm đang gây ra tất cả các vấn đề trong hệ sinh thái.
Nhưng có lẽ nguy cơ tàn khốc nhất tiềm tàng ở khả năng đập bị vỡ ở một thời điểm nào đó do hoạt động địa chấn hoặc sự suy yếu của bản thân con đập. Trường hợp này nếu xảy ra sẽ gây lụt ở mức độ chưa từng được ghi nhận.
Đập Tam Hiệp đã hứng chịu với nhiều chỉ trích ngay từ ban đầu
Hiện tình trạng mưa lớn, với 5 đợt từ đầu tháng 6, đã gây lũ lụt trên diện rộng, ảnh hưởng tới ít nhất 13 triệu người ở 26 tỉnh, thành phố và khu tự trị của Trung Quốc. Một lần nữa, sự an toàn của đập Tam Hệp lại trở thành đề tài tranh luận nóng bỏng, với nhiều ý kiến lo ngại nguy cơ đập nứt vỡ khi mực nước trong hồ chứa vượt mức báo động.
Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc dẫn lời một số chuyên gia khẳng định con đập khổng lồ được thiết kế để đủ sức trụ vững trước nhiều áp lực hơn như thế. Trong tuần này, Chính phủ Trung Quốc thông báo đã xả nước từ đập tràn lần đầu tiên trong năm nay.
Những tuyên bố trấn an dư luận như trên không xua tan được những lo lắng của thế giới bên ngoài về cuộc sống và tính mạng của khoảng 600 triệu người sống dọc hai bờ Dương Tử nếu đập bị vỡ.
Viễn cảnh thảm khốc này nếu xảy ra sẽ tạo nên một trận sóng thần khủng khiếp, xóa sổ toàn bộ vùng hạ lưu Dương Tử, bởi năng lượng nước từ áp lực dòng chảy là khủng khiếp. Nó cũng khiến Trung Quốc lâm vào tình trạng thiếu điện, kinh tế suy sụp và dịch bệnh bùng phát.
Nước cuồn cuộn đổ về hồ chứa Tam Hiệp, Trung Quốc phát cảnh báo 'đợt lũ số 1' Ủy bản Thủy lợi Trường Giang (CWRC) trưa 2/7 phát đi cảnh báo khẩn cấp rằng thượng nguồn sông Dương Tử có thể sẽ chứng kiến "đợt lũ số 1 trong năm 2020". Chiều 2/7, CWRC cho biết lưu lượng nước đổ về hồ chứa Tam Hiệp đã tăng lên mức khoảng 50.000 m3/s, tương đương với lưu lượng trong đợt lũ lịch...