Loạt SUV địa hình ‘huyền thoại’ tại Việt Nam: Đủ cả xe Nhật, châu Âu, giá lên đến chục tỷ đồng vẫn hút khách
Những huyền thoại trong làng xe địa hình thế giới đều đã góp mặt tại Việt Nam, từ Jeep Wrangler đến mẫu xe chục tỷ như Mercedes-AMG G 63.
Bên cạnh những mẫu SUV đô thị, danh mục SUV địa hình cũng ngày càng được mở rộng tại Việt Nam. Trong đó, những mẫu xe địa hình lừng lẫy thế giới hàng chục năm qua cũng đã góp mặt gần như đầy đủ. Tuy nhiên, những “huyền thoại off-road” hiện nay là phương tiện thể hiện sự giàu có của chủ xe, thay vì băng rừng lội suối như trước đây.
Jeep Wrangler – 3,3-3,7 tỷ đồng
Cuối năm 2020, Jeep khai trương đại lý đầu tiên tại Việt Nam và đồng thời ra mắt 2 dòng xe là Wrangler và Gladiator. Trong đó, Wrangler là một trong những dòng xe địa hình nổi danh thế giới trong nhiều năm qua.
Wrangler là dòng SUV chuyên off-road có tiếng của hãng xe Mỹ. Điểm đặc biệt là Wrangler có thể tháo rời nhiều bộ phận để thành xe mui trần, thậm chí không có cửa để thuận tiện di chuyển trong địa hình khó khăn.
Ở đời mới, Wrangler đã bớt khô khan hơn so với đời cũ. Những đặc điểm nhận diện của mẫu xe này vẫn được giữ lại như lưới tản nhiệt dạng nan dọc, cản trước sơn đen bệ vệ, cụm đèn tròn và bộ lốp địa hình to bản.
Ở bên trong, nội thất Jeep Wrangler sang trọng hơn với ghế bọc da, đồng hồ tích hợp màn hình điện tử, màn hình giải trí trung tâm 8,4 inch hỗ trợ Apple CarPlay/Android Auto, dàn âm thanh Alpine…
Phiên bản cao cấp nhất của Jeep Wrangler sử dụng động cơ tăng áp 2.0L, cho công suất 270 mã lực tại 5.250 vòng/phút và mô-men xoắn 400 Nm tại 3.000 vòng/phút. Động cơ kết hợp với hộp số tự động 8 cấp và hệ dẫn động bốn bánh Rock-Trac.
Land Rover Defender – 3,855-6,31 tỷ đồng
Sau khi được nâng cấp thế hệ vào năm 2019, Land Rover Defender được mang về Việt Nam một năm sau đó. “Biểu tượng việt dã” của Land Rover được phân phối chính hãng với 5 phiên bản đi kèm mức giá từ 3,9 tỷ đồng đến 6,7 tỷ đồng.
Ra mắt lần đầu vào năm 1984, Defender ban đầu được gọi là Land Rover 90/110. Đặc điểm nhận diện của Defender là chiếc SUV vuông vức, cục mịch, thậm chí có phần lỗi thời về kiểu dáng. Land Rover giữ form dáng này của Defender trong suốt 33 năm, đến khi tạm dừng sản xuất vào năm 2017.
Hai năm sau, Land Rover hồi sinh Defender bằng một thế hệ mới hoàn toàn, thay đổi từ trong ra ngoài. Defender đời mới vẫn có các đường nét vuông vức làm chủ đạo nhưng đã được bo tròn nhiều hơn, mang đến kiểu dáng hiện đại, cá tính. Tuy nhiên, thay đổi này cũng làm “biểu tượng việt dã” bớt đi tính “bụi bặm” vốn đã làm nên thương hiệu từ thế hệ trước.
Video đang HOT
Nội thất của Defender được làm hiện đại hơn với bảng đồng hồ 7 inch, màn hình thông tin giải trí 10 inch và bảng điều khiển trung tâm bố trí gọn gàng. Tại Việt Nam, Land Rover Defender có 2 tuỳ chọn động cơ là 4 xy-lanh 2.0L mạnh 300 mã lực, 400 Nm và động cơ hybrid 400 mã lực, 550 Nm. Cả 2 tùy chọn động cơ đều đi kèm hộp số tự động 8 cấp và hệ dẫn động 4 bánh.
Toyota Land Cruiser – 4,06 tỷ đồng
Toyota vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 cho Land Cruiser vào năm nay. Chắc chắn rằng vòng đời của Land Cruiser vẫn sẽ kéo dài khi mẫu xe này vừa bước sang thế hệ mới. Land Cruiser thế hệ mới được ra mắt tại Việt Nam vào tháng 7, chỉ 1 tháng sau khi ra mắt toàn cầu.
So với thế hệ trước, Land Cruiser 2022 được làm vuông vức, hiện đại hơn nhưng vẫn giữ được sự đồ sộ đã làm nên tên tuổi. Phần đầu xe gây ấn tượng nhiều nhất với lưới tản nhiệt dạng thanh ngang to bản, nối liền với cụm đèn 2 bên.
Cụm đèn trước được thu gọn hơn so với đời cũ. Phần đuôi xe ít nổi bật hơn với cụm đèn hậu LED sắc sảo. Chiếc SUV cỡ lớn của Toyota cũng được trang bị đèn full-LED, mâm 18 inch, giá nóc…
Vẻ cũ kỹ, già dặn của thế hệ trước đã được loại bỏ trên Land Cruiser 2022 nhờ sự thay đổi về bố cục, vật liệu. Vô-lăng kiểu mới bọc da và ốp gỗ, đồng hồ analog kết hợp màn hình đa thông tin 7 inch, màn hình trung tâm 12,3 inch đặt nổi và dàn âm thanh 14 loa JBL là những trang bị đáng chú ý của Land Cruiser 2022.
Land Cruiser thế hệ mới sử dụng động cơ tăng áp kép V6 3.5L, sản sinh công suất 409 mã lực và mô-men xoắn 650 Nm. Xe được trang bị hộp số tự động 10 cấp và 3 chế độ lái. Là mẫu xe đầu bảng của Toyota, Land Cruiser sở hữu gói an toàn Toyota Safety Sense với tính năng cảnh báo trước va chạm, kiểm soát hành trình tự động thích ứng, cảnh báo lệch làn đường, đèn pha tự động, 10 túi khí.
Mercedes-AMG G 63 – 11 tỷ đồng
Nhắc tới SUV địa hình, không thể không nói đến Mercedes G-Class. Tại Việt Nam, G-Class được phân phối chính hãng với duy nhất phiên bản Mercedes-AMG G 63 có giá gần 11 tỷ đồng.
Nếu Defender giữ một form dáng trong suốt 33 năm thì với G-Class, con số này lâu hơn – 39 năm. Từ khi ra mắt vào năm 1979, G-Class không thay đổi quá nhiều cho đến tận năm 2018.
Ra mắt toàn cầu vào tháng 1/2018 tại triển lãm Detroit, Mercedes G-Class thế hệ mới được đưa về Việt Nam cuối năm đó bởi đại lý tư nhân với bản G 63. Tận 1 năm sau, mẫu xe này mới được phân phối chính hãng tại Việt Nam.
Ở thế hệ mới, G 63 được thay đổi hoàn toàn từ trong ra ngoài. Nếu ở thế hệ trước, nội thất của dòng xe này không khác gì những mẫu xe ở thập niên 1990 thì đời này có khoang lái hiện đại hoàn toàn. Nhờ sự thay đổi này, G 63 nói riêng và G-Class nói chung được lòng khách hàng hơn.
Cung cấp sức mạnh cho Mercedes-AMG G 63 là động cơ tăng áp kép V8 4.0L, sản sinh công suất 577 mã lực và mô-men xoắn 850 Nm. “Ông vua off-road” có 3 chế độ khóa vi sai: trước – trung tâm – sau để tối ưu mô-men xoắn ở đường off-road.
SUV off-road 4 tỷ đồng, chọn Land Rover Defender hay Jeep Wrangler?
Hai mẫu SUV của Land Rover và Jeep cùng nổi tiếng về khả năng đi đường xấu, trong đó Defender có thiết kế và trang bị hiện đại, còn Wrangler tiện dụng và cơ động hơn khi off-road.
Trong hơn một năm qua, thú chơi SUV địa hình tiền tỷ tại Việt Nam bắt đầu được hâm nóng với sự xuất hiện liên tiếp của Land Rover Defender thế hệ mới và Jeep Wrangler. Trong năm nay, Land Rover cùng Jeep tiếp tục trình làng biến thể trục cơ sở ngắn của 2 mẫu xe gầm cao này đến khách hàng trong nước, lần lượt là Defender 90 và Wrangler 2-Door (2 cửa).
Vậy 2 mẫu SUV ở cùng tầm giá gần 4 tỷ đồng Land Rover Defender 90 2.0 SE và Jeep Wrangler Rubicon 2 cửa có gì hơn kém nhau?
Ngoại hình Defender hiện đại, Wrangler mang phong cách bụi bặm
Khác biệt tiên quyết và sẽ trở thành yếu tố chi phối quyết định lựa chọn Land Rover Defender hay Jeep Wrangler của người dùng chính là thiết kế.
Nếu là một người thích kiểu SUV mạnh mẽ, hiện đại và đi đến đâu cũng nổi bật thì mẫu xe Anh quốc sẽ là cái tên phù hợp. Trong khi đó, đại diện đến từ Mỹ mang phong cách nhà binh và duy trì chất SUV "nồi đồng cối đá" đặc trưng của Jeep, phù hợp nhất cho những chuyến đi băng rừng lội suối rời xa thành phố.
Land Rover Defender gây ấn tượng bằng thân hình trông vạm vỡ, phần đầu và thân có các góc bo đầy đặn trong khi đuôi xe được thiết kế vuông vức tạo sự đối lập. Hệ thống đèn mang đặc trưng của Land Rover với dải LED phía trước dạng vòng tròn khuyết, còn đèn hậu có hình vuông.
Ngược lại, những điểm nổi bật của Jeep Wrangler hầu hết tập trung phục vụ cho khả năng off-road như cản kim loại trước/sau có sẵn móc kéo, vòm che bánh xe cỡ lớn đi cùng bộ lốp địa hình được trang bị tiêu chuẩn hay thanh sắt ốp bảo vệ thân xe. Ngoài ra, phiên bản Rubicon của Wrangler 2 cửa cũng được trang bị hệ thống đèn Full-LED như đối thủ.
Điểm chung của cả 2 mẫu SUV này nằm ở việc cùng có 2 cửa hông 2 bên khi khoảng cách 2 trục được giảm xuống so với phiên bản đầy đủ 5 cửa, đi cùng đó là lốp dự phòng được treo phía sau nhằm tối ưu không gian cabin.
Bên cạnh đó, Land Rover và Jeep đều cung cấp cho khách hàng khả năng tùy biến đa dạng cho 2 mẫu SUV. Với Land Rover là hàng loạt tùy chọn cho ngoại thất như kiểu mâm 18-22 inch, kiểu nóc xe hay 4 gói phụ kiện gồm Urban, Country, Adventure và Explorer.
Còn mẫu SUV Mỹ có thể tự tạo nên sự độc đáo với khả năng tháo nóc để "biến hình" thành xe mui trần. Đi cùng đó là các phụ kiện độc đáo như cửa sắt, mui vải, "ống thở" tăng khả năng lội nước, tấm ốp bảo vệ lưới tản nhiệt...
Land Rover ứng dụng công nghệ, Jeep thuần chất SUV địa hình
So sánh chi tiết thông số kích thước, phiên bản thu nhỏ của Defender chiếm ưu thế khi có chiều dài và chiều dài cơ sở nhỉnh hơn đối thủ, hứa hẹn cho không gian nội thất rộng rãi và thoải mái hơn.
Đồng thời, mẫu SUV của Land Rover cũng có thể lội nước tốt hơn với 900 mm khả năng chịu ngập khi được trang bị tùy chọn treo khí nén (850 mm với treo lò xo tiêu chuẩn). Hệ thống này có giá hơn 220 triệu đồng và có thể nâng hạ gầm dao động 216-291 mm tùy theo điều kiện di chuyển.
Defender 90 còn có thể tăng khả năng đi đường xấu nếu được lắp gói Off-Road với khóa vi sai cầu sau chủ động, hệ thống kiểm soát địa hình Terrain Response 2, hộp số phụ có cấp chậm để tăng sức kéo hay trang bị thêm lốp gai.
Trong khi đó, biến thể thu gọn của Wrangler ghi điểm với hệ thống khung gầm rời (body-on-frame) cho khả năng chịu vặn xoắn tốt hơn khi đi đường xấu, khác với kiểu thiết kế khung gầm liền khối (unibody) của Defender.
Ngoài ra, việc khoảng cách 2 trục ngắn hơn cũng giúp Wrangler 2 cửa có thông số góc vượt đỉnh dốc trội hơn. Kết hợp cùng đó là những hệ thống hỗ trợ off-road truyền thống trên SUV như hệ dẫn động 4x4 có 4 chế độ gài cầu, 2 khóa vi sai riêng cho cầu trước/sau và thanh cân bằng (sway bar) điều khiển điện tử.
Phiên bản 2.0 SE của Defender 90 và mẫu Wrangler Rubicon 2 cửa tại Việt Nam cùng sử dụng động cơ xăng tăng áp I4 2.0L. Trong đó, mẫu SUV nước Anh nhỉnh hơn ở thông số công suất với sức mạnh gần 300 mã lực, còn lại mô-men xoắn là ngang nhau và 2 mẫu xe đều có hộp số tự động 8 cấp.
Bên cạnh model 2.0 SE, Land Rover Việt Nam còn cung cấp biến thể Defender 90 3.0 X (từ 6,555 tỷ đồng) với động cơ 6 xy-lanh thẳng hàng dung tích 3.0L, kết hợp cùng mô-tơ điện (mild-hybrid) cho công suất 395 mã lực.
Khá đáng tiếc khi Jeep không đưa về cấu hình động cơ V6 3.6L có công nghệ mild-hybrid mạnh 285 mã lực để Wrangler Rubicon đối đầu cùng Defender X.
Defender rộng rãi và tiện nghi, Wrangler thực dụng và đa năng
Khác với sự đối lập rõ nét ở kiểu dáng ngoại thất, cabin của Land Rover Defender và Jeep Wrangler chỉ khác biệt đôi chút về phong cách. Còn lại, cả 2 đều hướng đến việc phục vụ cho việc đi off-road khi ưu tiên vật liệu nội thất có độ bền tốt, dễ vệ sinh và có những chi tiết hỗ trợ như tay nắm, sàn chống trượt...
Điểm cộng của Defender là có nhiều hộc và ngăn để đồ rộng rãi, đi cùng danh sách tùy chọn đa dạng của Land Rover để chủ xe có thể thay đổi nhiều màu sắc da ghế, phối màu vô-lăng và bảng tablo, màu trần xe hay loại họa tiết ốp gỗ trang trí.
Về phía Wrangler, ưu điểm chính là khả năng chống chọi với bụi bẩn, đất cát và thời tiết khắc nghiệt tốt hơn. Jeep thiết kế bảng táp-lô cùng cabin có thể xịt rửa trực tiếp và có lỗ thoát nước, giúp dễ dàng vệ sinh sau các chuyến lăn lộn ở điều kiện nhiều đất cát hay bùn lầy.
Xét về danh sách tiện nghi an toàn, Land Rover Defender 90 2.0 SE chiếm ưu thế khi có bảng đồng hồ kỹ thuật số, màn hình cảm ứng trung tâm tiêu chuẩn 10 inch cùng tùy chọn nâng cấp 11,4 inch (lớn hơn cỡ 8 inch của Wrangler), sạc điện thoại không dây, tùy chọn cửa sổ trời, phanh tay điện tử, hệ thống camera 360 độ, hỗ trợ giữ làn đường, phanh chủ động, gương chiếu hậu kỹ thuật số...
Những tính năng tương đồng giữa 2 mẫu xe có thể kể đến điều hòa tự động 2 vùng, kiểm soát hành trình thích ứng, kết nối Apple CarPlay/Android Auto, chìa khóa thông minh, cảm biến áp suất lốp, cảnh báo điểm mù...
Với vóc dáng to lớn hơn như đã nói phía trên, Defender 90 có không gian sử dụng tốt hơn khi so sánh với Wrangler 2 cửa. Khoảng để chân tối đa ở hàng ghế thứ 2 của mẫu SUV Anh quốc đạt 929 mm, trong khi con số tương ứng của dòng xe Mỹ là khoảng 907 mm.
Khoang hành lý của Land Rover Defender 90 cũng có dung tích tiêu chuẩn nhỉnh hơn, đạt gần 400 lít, đi cùng khả năng gập hàng ghế sau theo tỷ lệ 40:20:40. Trong khi đó, thông số khoang hành lý của Jeep Wrangler 2 cửa khi đi đủ 4 người đạt 365 lít, ngoài ra tựa lưng là dạng liền nên kém linh hoạt hơn khi cần bố trí chở đồ.
Kết luận
Khi mà 2 dòng xe địa hình của Land Rover cũng như Jeep đều có khả năng đi đường xấu linh hoạt và sở hữu nhiều tính năng hiện đại, việc chọn cái tên nào sẽ phụ thuộc vào sở thích riêng của mỗi khách hàng.
Với Defender 90 có giá khởi điểm 3,935 tỷ đồng, chiếc SUV này sẽ phù hợp với hầu hết người dùng khi có thiết kế nội/ngoại thất hiện đại, đi cùng nhiều tiện ích cao cấp của một chiếc xe sang, vừa có sử dụng hàng ngày, đi chơi xa cuối tuần hay đơn giản là dạo phố cuối tuần.
Trong khi đó, Wrangler 2 cửa (từ 3,688 tỷ đồng) có phần kén khách hơn khi tính năng vận hành "đậm chất" off-road với những trang bị hỗ trợ đi địa hình chuyên biệt từ ngoài vào trong. Kết hợp với kiểu dáng bụi bặm và nam tính, mẫu xe của Jeep sẽ được lòng những ai cần một phương tiện khác biệt và cơ động ở mọi nẻo đường.
Cận cảnh chiếc Mercedes-AMG G 63 độ Brabus 800 tại TP.HCM Ngoài bộ bodykit hầm hố, chiếc SUV địa hình của Mercedes-Benz còn được trang bị thêm bộ mâm độ từ Vossen trị giá 200 triệu đồng. Một chiếc Mercedes-AMG G 63 đặc biệt đã xuất hiện tại quận 7, sau khi TP.HCM vừa có chỉ thị mới về việc nới lỏng giãn cách xã hội từ ngày 1/10. Khác với những chiếc G...