Loạt sự thật bất ngờ về siêu phẩm kinh dị ‘Black Phone’: Nội dung lấy cảm hứng từ vụ án có thật 100%!
Không chỉ là màn bắt tay đỉnh cao giữa nhà Blum, đạo diễn tài ba Scott Derrickson và tài tử Ethan Hawke, Điện Thoại Đen còn gây tò mò bởi những câu chuyện thú vị trong quá trình sản xuất.
Sau hàng loạt siêu phẩm kinh dị – giật gân thành công về mặt chuyên môn lẫn doanh thu, xưởng phim đình đám Blumhouse đã chính thức trở lại bằng một dự án đặc biệt mang tên Điện Thoại Đen (tựa gốc: The Black Phone).
Không chỉ là màn bắt tay đỉnh cao giữa nhà Blum, đạo diễn tài ba Scott Derrickson ( Doctor Strange, Sinister) và tài tử Ethan Hawke, Điện Thoại Đen còn gây tò mò bởi những câu chuyện thú vị trong quá trình sản xuất, nhất là khi nội dung phim được lấy cảm hứng từ một vụ án hoàn toàn có thật.
Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết của con trai Stephen King
Thời điểm đọc qua và hứng thú với tiểu thuyết Điện Thoại Đen, bản thân đạo diễn Scott Derrickson còn chưa nhận ra tác giả là ai. Hóa ra Joe Hill – ‘cha đẻ’ của Điện Thoại Đen chính là con trai của ‘ông hoàng kinh dị’ đình đám Stephen King. Giống cha mình, Joe Hill cũng có đam mê viết tiểu thuyết, gây tiếng vang với tuyển tập truyện ngắn 20th Century Ghosts mà trong đó, Điện Thoại Đen chính là câu chuyện dài 20 trang khiến Scott Derrickson say mê.
Nói về cơ duyên sáng tác nên Điện Thoại Đen, Joe Hill chia sẻ: ‘ Tôi lớn lên ở Bangor, Maine trong một ngôi nhà rất, rất cũ kỹ. Dưới tầng hầm có một chiếc điện thoại đã bị ngắt kết nối, và tôi thấy nó mới rùng rợn làm sao. Rõ ràng việc lắp đặt điện thoại dưới tầng hầm tối tăm bẩn thỉu là một điều chẳng hề hợp lý. Và là một đứa trẻ, điều tồi tệ nhất mà tôi có thể tưởng tượng ra chính là việc chiếc điện thoại đó sẽ đổ chuông‘.
Lấy cảm hứng từ vụ án có thật
Theo chia sẻ từ Joe Hill, hình tượng sát nhân The Grabber được lấy cảm hứng từ một cái tên có thật ngoài đời. Đó chính là John Wayne Gacy – kẻ sát nhân hàng loạt có biệt danh Killer Clown từng cướp đi sinh mạng của ít nhất 33 nam thanh niên và trẻ nhỏ trong giai đoạn 1972-1978. Thế nhưng đó chỉ là lấy cảm hứng một phần chứ không toàn toàn, vì The Grabber trong phim là một ảo thuật gia thất bại, sống ẩn dật và bị suy đồi đạo đức.
Ngoài ra, bối cảnh của Điện Thoại Đen cũng chính là nơi mà đạo diễn Scott Derrickson từng sống – vùng Denver. Vì vậy, anh có sự kết nối và cảm xúc và ký ức, tạo điều kiện thuận lợi cho những sự sáng tạo đáng mong chờ.
Bí ẩn thú vị về chiếc điện thoại đen
Bên cạnh hai phe thiện – ác trong phim, Điện Thoại Đen vẫn còn một nhân vật đặc biệt, có tầm quan trọng rất lớn. Đó chính là chiếc điện thoại đen trong căn nhà hoang, nơi mà The Grabber giam giữ Finney. Thế nhưng để có được chiếc điện thoại ưng ý, ekip đã trải qua quá trình nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo vô cùng nhọc nhằn. Thiết kế sản xuất Patti Podesta cùng nhóm của mình đã tìm cho bằng được chiếc điện thoại có lớp nhựa ngoài khá cứng cáp, được chế tạo từ thập niên 70 (cũng là bối cảnh chính của phim).
Thế nhưng sau đó, nhóm thiết kế đã tiến hành thay đổi bề mặt bên ngoài để trông nó cũ kỹ giống như đã được sử dụng suốt thời gian dài. Ngoài ra, nếu trong phim khán giả sẽ nghe được nhiều tiếng nói bí ẩn thì ở hậu trường chiếc điện thoại được kết nối đến chỗ của đạo diễn Scott Derrickson, giúp anh có thể trò chuyện với sao nhí Mason Thames thông qua hệ thống được gọi là Viking System.
‘Chi li đến từng lọn tóc’ để tái hiện bối cảnh thập niên 70
Tổ sản xuất đã bỏ ra nhiều công sức để tái hiện một thế giới những năm 70 trong bộ phim. Thậm chí về khoản quần áo lẫn tóc tai, ekip cũng phải tập trung thực hiện vô cùng kĩ lưỡng. Để tạo nên kiểu tóc trông mềm mại, thoải mái trong phim, nhóm hóa trang đã cân nhắc điều kiện khí hậu ở Colorado, và nhận ra rằng nó khá hanh khô. Đây cũng là điểm tuyệt hảo để tạo nên một bầu không khí khó chịu của phim.
Chưa dừng lại ở đó, cả cảnh những đứa trẻ đánh nhau cũng được đạo diễn Scott Derrickson để tâm. Anh dặn điều phối các phân cảnh mạo hiểm Mark Riccardi rằng anh không muốn đặt ra bất cứ giới hạn nào về độ dữ dội, nghĩa là các diễn viên hãy đóng thật nhất có thể. Vì thế, đoàn phim đã cật lực tìm cho bằng được các diễn viên đóng thế có chiều cao khoảng 1,5m để phù hợp với tạo hình thanh thiếu niên những năm 50, dù cho đó là nhiệm vụ chẳng hề dễ dàng.
Trailer The Black Phone
'The Black Phone' - phim bạo lực, ma quái
Trong phim kinh dị "The Black Phone", một chú bé nhận được sự trợ giúp của các thế lực siêu nhiên để đương đầu với tên bắt cóc, giết người hàng loạt đang giam giữ mình.
Thể loại: Kinh dị
Đạo diễn: Scott Derrickson
Diễn viên: Ethan Hawke, Mason Thames, Madeleine McGraw
Điểm: 7/10
The Black Phone được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Joe Hill - con trai ông hoàng kinh dị Stephen King. Đây là tác phẩm điện ảnh thứ hai dựa trên sáng tạo của cha con nhà King ra mắt trong năm nay. Bản làm lại Firestarter với Zac Efron trong vai chính đã phát hành hồi tháng 5 nhưng ít gây tiếng vang.
Dù tới 24/6 mới chính thức phát hành tại rạp, The Black Phone đã nhận phản hồi sớm khá tích cực từ báo chí và các cây bút phê bình. Màn hóa thân của hai diễn viên nhí Mason Thames (Finney) và Madeleine McGraw (Gwen) trong các vai chính lôi cuốn, tạo được bất ngờ cho khán giả.
Câu chuyện vượt ra khỏi nguyên tác văn học
Nhân vật chính của The Black Phone là Finney, một chú bé 13 tuổi tháo vát nhưng nhút nhát. Finney sống cùng em gái Gwen và bố ở một vùng ngoại ô vắng vẻ. Khu dân cư đang bị khủng bố bởi một kẻ thủ ác bí ẩn chuyên nhắm đến các bé trai ở độ tuổi thiếu niên. Một ngày nọ, trên đường về nhà, Finney đã chạm trán với gã đàn ông (Ethan Hawke) lái chiếc xe thùng nhét đầy bóng bay màu đen. Finney đã bị kẻ này bắt cóc và đem nhốt trong một căn hầm cách âm trống trải.
Trong căn phòng, Finney tìm thấy chiếc điện thoại gắn trên tường, nhưng dây cáp đã bị cắt đứt. Chiếc điện thoại đột ngột đổ chuông. Cậu nhanh chóng phát hiện ra thông qua chiếc điện thoại, mình có thể nghe thấy và trò chuyện với những nạn nhân đã bị sát hại của tên bắt cóc.
Dù chỉ còn là mảnh linh hồn vất vưởng, những thiếu niên xấu số vẫn tìm mọi cách để cứu Finney thoát khỏi cái kết bất hạnh. Cùng lúc đó, ở nhà, Gwen cũng quyết tâm tìm cho bằng được anh trai theo phương pháp chỉ riêng cô mới có thể thực hiện.
Tiết tấu chậm của The Black Phone có thể khiến khán giả dễ mất tập trung trong hồi đầu của bộ phim. Nhân vật gã sát nhân Grabber của Ethan Hawke phải chờ đến cuối hồi I mới được xuất hiện.
Khi thông tin The Black Phone sắp chuyển thể thành phim được công bố, độc giả của nguyên tác văn học từng bày tỏ băn khoăn các nhà làm phim sẽ làm thế nào để đưa câu chuyện từ trang sách lên màn ảnh.
"Bản thân truyện ngắn đó cũng chưa hoàn chỉnh", nhiều bình luận nhận xét về The Black Phone của Joe Hill.
Truyện ngắn The Black Phone bắt đầu bằng cảnh cậu bé Finney ngồi trước cửa tiệm tạp hóa quan sát một gã đàn ông béo núc chật vật với những món đồ vừa mua từ hàng tạp hóa.
Finney quyết định giúp đỡ ông ta, và bị bắt cóc. Toàn bộ tác phẩm chỉ xoay quanh diễn biến trong tâm trí Finney, cuộc đấu trí giữa cậu với tên bắt cóc cũng như những cuộc trò chuyện với các hồn ma được kết nối bằng chiếc điện thoại đen và dẫn tới một cái kết mở lửng lơ.
Áng chừng, khoảng 40% những gì khán giả theo dõi trên màn ảnh là sáng tạo mới của nhà làm phim, trong nỗ lực cung cấp một mở bài đầy đủ thông tin hơn cũng như đưa cuộc phiêu lưu của Finney đến với cái kết xứng đáng.
Sự thêm thắt vừa đủ để cắt nghĩa nhiều diễn biến trong câu chuyện mà không dài dòng lạc tông. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của một phim điện ảnh dài 102 phút, The Black Phone vẫn chưa thể cung cấp cho khán giả mọi đáp án họ cần.
So với truyện ngắn xoáy sâu vào yếu tố bất ngờ, đầy cảm giác bất an và chông chênh khi nhiều thông tin quan trọng cố tình bị bỏ trống, bản chuyển thể điện ảnh The Black Phone của Scott Derrickson ( Sinister, Deliver Us Devil, Doctor Strange) có tiết tấu chậm, với kịch tính (và nỗi sợ hãi) được tích lũy theo thời gian.
Phim thuộc nhóm tác phẩm kinh dị "cháy chậm" (slow burn), với các đại diện như Rosemary's Baby (1968), The Omen (1976), The Blair Witch Project (1999)... In the Tall Grass (2019) chuyển thể từ tác phẩm của Joe Hill và Stephen King cũng thuộc nhóm phim này.
Cuộc đối đầu giữa con tin và kẻ bắt cóc
Trong thế giới của The Black Phone trên màn ảnh rộng, Finn và em gái có một bà mẹ sở hữu năng lực tâm linh khác thường. Nhưng món quà ấy sau cùng lại đẩy đời bà vào bi kịch.
Người bố bối rối khi gánh trách nhiệm thay phần vợ chăm sóc các con và trấn an nỗi sợ hãi của chính mình - khi giờ đây cả Gwen cũng dần bộc lộ năng lực giống mẹ. Bạo lực và men rượu là lối thoát mà ông tìm đến.
Không chỉ vẽ nên bức tranh gia đình phức tạp, bộ phim của Derrickson cũng thành công trong việc tái hiện môi trường học đường cuối thế kỷ XX với những mâu thuẫn tuổi mới lớn sinh động.
Ta có anh chàng "con nhà người ta" với tương lai rộng mở, một kẻ bắt nạt ỷ mạnh hiếp yếu, một thiếu niên có lối hành xử như người hùng màn bạc, một cô em gái bướng bỉnh với cái miệng không biết nể nang ai nhưng luôn trở nên nhỏ bé trước cậu anh thông minh nhưng nhút nhát...
Những câu chuyện với góc nhìn mở rộng, cùng dàn nhân vật được đào sâu tìm hiểu mang đến cho bộ phim thêm nhiều nét chấm phá tích cực về cảm xúc thay vì đơn thuần nỗi kinh hãi, tuyệt vọng xen lẫn sự mệt mỏi và căm ghét ngập tràn bên trong căn hầm.
Câu chuyện về cuộc sống của Finney trước biến cố càng được kể chi tiết, hiệu quả cảm xúc (kinh hãi, hoảng sợ, mệt mỏi, hoang mang...) mà nửa sau tác phẩm mang lại cho khán giả càng lớn.
Hai diễn viên nhí có màn diễn xuất thuyết phục. Phim cũng để ngỏ nhiều manh mối giúp cốt truyện có thể tiếp tục phát triển thành thương hiệu nhiều phần.
The Black Phone thuật lại cuộc đối đầu giữa một thiếu niên nhút nhát và kẻ bắt cóc, giết người hàng loạt trên cơ mình về cả sức vóc, quyền lực lẫn sự ranh ma. Hành trình của Finney đi từ nỗi hoang mang tới sự tò mò, hừng hực hy vọng trốn thoát trước khi rơi xuống đáy tuyệt vọng và tiếp tục hy vọng một lần nữa. Nỗi sợ hãi có ở đó, nhưng thường bị lu mờ trước mục tiêu đã sáng rõ - thoát khỏi căn hầm.
Theo dõi cuộc đào tẩu của Finney, nhìn cậu bé gầy gò xoay xở giữa căn phòng rộng thênh thang, trần cao quá tầm mắt, khán giả đôi khi bối rối với câu hỏi bao giờ nỗi thống khổ này kết thúc.
Finney có quá ít lợi thế trước tên bắt cóc. Cậu thậm chí còn thiếu đi sự dạn dĩ, chút ngông cuồng hay một nền tảng thể lực mạnh mẽ như nhiều nạn nhân trước đó. Nhưng thua càng đau thì chiến thắng càng ngọt ngào, điều này không chỉ đúng trong thể thao. Với sự trợ giúp từ những người đồng cảnh ngộ xấu số, Finney đã vẽ ra lối thoát của mình.
Ethan Hawke có trong tay sự nghiệp diễn xuất dày dặn, với nhiều màn hóa thân xuất sắc. Với The Black Phone, anh thủ vai tên bắt cóc, giết người hàng loạt The Grabber - cân đối hơn so với tưởng tượng của Joe Hill và có thêm một chiếc mặt nạ cười quỷ dị. Phần lớn thời gian, Grabber giấu mình dưới chiếc mặt nạ chỉ hở hai hốc mắt. Tuy thời gian lộ mặt trên màn ảnh không nhiều, Hawke vẫn xoay xở tốt với việc bộc lộ sự vặn vẹo trong tâm lý nhân vật mình thủ vai thông qua giọng nói.
Ngôi sao của bộ phim chính là Mason Thames và Madeleine McGraw. Nếu Gwen thu hút người xem vì cá tính mạnh bộc lộ ngay từ khoảnh khắc đầu tiên, phải tới lúc Finney đối đầu với The Grabber, khán giả mới thấy sức cuốn hút trong diễn xuất của Thames được bộc lộ mạnh nhất.
Bộ mặt lầm lì của Finney rất ít thay đổi xuyên suốt bộ phim, nhưng cách cậu bé nhìn kẻ bắt cóc mình lại cho thấy cơn sóng căm thù đang cuộn dâng, chờ đợi một khoảnh khắc bùng nổ.
Finney, Gwen cùng những chú bé dưới tầng hầm đều từng có một thời điểm là nạn nhân của bạo hành. Họ bị người thân trong gia đình, bạn bè ở trường học, thậm chí những người không quen biết, dày vò cả về thể xác lẫn tinh thần. Núp sau lớp mặt nạ của cuồng nộ và bạo lực, những kẻ bắt nạt đều chung một ham muốn rũ bỏ nỗi bất an và khao khát cảm giác chiến thắng những kẻ vô phương chống cự.
Đó là một trận chiến không có người thắng kẻ thua. Kẻ sống sót không nhất thiết phải là người mạnh nhất, cũng như lối an toàn không phải lúc nào cũng dẫn đến thành công tuyệt đối. Nhưng trong tình huống sinh tử, chắc chắn thứ người anh hùng cần có luôn là cái đầu lạnh và lá gan để giáng cú đấm vào mặt kẻ thách thức mình - như những gì người bạn thân của Finney đã thể hiện ở đầu phim.
Bạo lực là một thế lực hiện diện xuyên suốt The Black Phone. Ngay từ đầu phim, khán giả đã thấy nhiều khoảnh khắc nhân vật "nói chuyện" với nhau bằng nắm đấm hay thắt lưng da, đe dọa sẽ ăn miếng trả miếng bằng ý đồ hủy hoại, thậm chí lựa chọn hành hạ và giết hại những người không quen biết để thỏa mãn nhu cầu bạo lực bị kìm nén...
Nó khiến bộ phim, đi xa hơn biên giới một tác phẩm kinh dị về kẻ đi săn và con mồi, trở thành tác phẩm về nạn nhân sống sót qua bóng ma mà những kẻ bạo hành gieo rắc.
4 sự thật bất ngờ về siêu phẩm kinh dị Điện Thoại Đen: Nội dung lấy cảm hứng từ vụ án có thật 100%! Dưới đây là những yếu tố giúp Điện Thoại Đen trở thành siêu phẩm phim kinh dị. Sau hàng loạt siêu phẩm kinh dị - giật gân thành công về mặt chuyên môn lẫn doanh thu, xưởng phim đình đám Blumhouse đã chính thức trở lại bằng một dự án đặc biệt mang tên Điện Thoại Đen (tựa gốc: The Black Phone). Không...