Loạt món ngon từ dừa nổi tiếng Việt Nam
Vì hương vị thơm ngon, nhiều món ăn được chế biến từ dừa trở nên phổ biến ở các tỉnh thành với giá tương đối rẻ.
Dừa là loại thực phẩm được sử dụng nhiều trong ẩm thực Việt Nam. Dưới bàn tay của các đầu bếp, một quả dừa có thể chế biến thành nhiều món đặc biệt như cơm, chè hay bánh…
Chuối đập chấm cốt dừa là món ăn mang nhiều hoài niệm với người miền Tây. Những người đã ăn thử đều khó lòng quên được hương thơm của chuối quyện lẫn với mùi béo từ cốt dừa.
Món này có hai nguyên liệu chính là chuối và cốt dừa. Chuối được chọn phải là chuối xiêm, chín vừa tới. Người miền Tây hay gọi là chín hường hường. Loại này không cứng hay quá nhão. Do đó, sau khi nướng, chuối sẽ săn lại vừa đủ. Vị chuối chưa chín còn khá chát nên hợp để chấm cốt dừa béo ngậy hơn.
Chuối đập cốt dừa là đặc sản nên thử khi du lịch miền Tây. Ảnh: Hoàng Mai.
Tùy từng nơi, nước dừa có thể được thêm hành hoặc đậu phộng. Tại một số thành phố lớn, người bán không nướng chuối trên bếp than hoa. Họ thường xiên nhiều quả chuối một lúc trên chiếc máy quay tự động. Giá mỗi phần chuối nướng cốt dừa khoảng 20.000 đồng (2 quả chuối lớn).
Rau câu trái dừa
Các thành phần cơ bản của món này là dừa tươi, bột rau câu và nước cốt dừa.
Món này có phần rau câu được làm từ chính nước dừa. Những quả được chọn thường là dừa xiêm, có cùi mềm, mỏng. Loại này sẽ có nhiều nước và ngọt hơn. Sau khi chế biến nước dừa thành rau câu, người bán đổ lại phần thạch vào quả.
Mỗi phần rau câu trái dừa thường có giá 30.000 đồng.
Bánh bò dừa
Bánh bò dừa khá nổi tiếng ở khu vực Nam Bộ. Hiện nay, một số nơi như Hà Nội cũng đã xuất hiện những xe bán bánh dừa với giá chỉ 5.000 đồng/chiếc. Món bánh này khá đơn giản, trông như hai cái nắp úp ngược vào nhau với nhân dừa bào sợi.
Video đang HOT
Bánh bò dừa ngon, rẻ được nhiều bạn trẻ yêu thích. Ảnh: Tasting VietNam.
Vỏ bánh làm từ bột mì, trứng gà. Người bán sẽ đổ bột vào chiếc chảo gang nhỏ và nướng để tạo hình vỏ. Sau đó, họ cho dừa sợi xào vào trong và úp hai đầu lại.
Món cơm đặc biệt này có nguồn gốc từ Bến Tre. Người dân sử dụng vỏ trái dừa thay cho bát ăn cơm. Món cơm này thơm mùi dừa đặc trưng nhờ công thức nấu cầu kỳ.
Cơm nấu trong quả dừa là một sáng tạo độc đáo của người dân Bến Tre. Ảnh: VTV.
Ban đầu, họ cắt ngang phần đầu và trút sạch nước dừa. Sau đó, họ bỏ gạo, nước vào quả dừa rồi nấu. Phần đầu bị cắt được dùng làm nắp đậy. Sau khi chín, cơm có vị thơm do được nấu bên trong quả dừa. Màu vàng của cơm là do hơi dầu bốc lên.
Để ăn đúng chuẩn Bến Tre, du khách sẽ thưởng thức món này cùng tôm rang.
Chè bà ba hay chè thưng là một trong những món chè thập cẩm nổi tiếng của vùng Nam Bộ.
Món này có các thành phần chính gồm sắn, khoai lang, dừa nạo, lá dứa, đậu xanh và đường cát. Sự hòa quyện hoàn hảo của các nguyên liệu đã tạo nên hương vị đặc trưng cho món chè này.
Nhiều người nhận xét nếu muốn thưởng thức trọn vị ngon của chè bà ba, bạn phải ăn ở các quán trong ngõ, hẻm nhỏ.
Từng có thời gian, dừa dầm trở thành từ khóa “hot” nhất mạng xã hội. Trên khắp các con phố, những hàng dừa dầm xuất liên tiếp xuất hiện. Dù độ “hot” của món này đã giảm, dừa dầm vẫn là thứ đồ ăn vặt được nhiều người yêu thích.
Dừa dầm Hải Phòng từng gây “bão” một thời. Ảnh: Dietwmomo.
Một cốc dừa dầm gồm các thành phần như cùi dừa nạo sợi, thạch rau câu dừa, trân châu, sữa dừa. Nhìn chung, đây là một món “ngập dừa”. Giữa những ngày nóng nực, dừa dầm là lựa chọn hoàn hảo. Tuy nhiên, nhiều người không thích món này vì có vị ngọt đậm.
Mức giá phổ biến khoảng 25.000 đồng/cốc.
Bánh lá dừa
Ởcác tỉnh miền Tây như Long An, Tiền Giang, Trà Vinh hay Bến Tre, món này rất phổ biến.
Cách làm khá đơn giản nhưng muốn chiếc bánh đẹp lại đòi hỏi bàn tay khéo léo của người đứng bếp. Phần lá dừa được tỉa thành ống để nén nhân. Gạo nếp vo sạch, trộn cùng cơm dừa tươi, nước cốt dừa hay chuối sứ, đậu xanh. Nhìn chung, cách làm khá giống với bánh chưng hay bánh tét.
Do đó, việc nén nhân bánh rất quan trọng. Nếu làm quá chặt, bánh sẽ bị khô. Ngược lại, bánh dễ bị bung bét.
Bánh gói xong được cho vào nồi, đun bằng bếp củi. Việc nấu chín mất hơn một giờ đồng hồ. Sau khi bánh chín, mùi thơm của lá dừa và nước cốt dừa khiến nhiều người “mê mệt”.
Bản đồ ăn vặt "xịn" nhất Vịnh Bắc Bộ đều di cư về Hà Nội hết rồi, food tour ngay thôi!
Sau dừa dầm Hải Phòng, sữa chua trân châu Hạ Long, tới lượt kem dừa Côn Đảo chính thức "gia nhập" bản đồ ăn vặt của teen Hà Nội.
Dừa dầm Hải Phòng
Món ăn vặt nổi tiếng của teen Hải Phòng ngay khi "hạ cánh" ở Hà Nội đã lập tức gây sốt trên bản đồ ăn vặt của teen Hà thành. Món dừa dầm Hải Phòng được mix từ dừa tươi miếng, dừa tươi nạo sợi, thạch dừa, nước cốt dừa và cả sữa dừa nữa. Chất lừ!
Dừa dầm Hải Phòng - Ảnh: @bachuaviahe
Vì nhiều dừa như vậy nên cơ bản là món này khá ngọt, thế nhưng ăn cùng đá đập nhuyễn thì vị ngọt được cân bằng, vừa miệng vô cùng! Topping quyết định độ ngon của ly dừa dầm chính là trân châu. Phải là loại trân châu trắng làm bằng tay, khi nấu sẽ mềm và không bị bở như trân châu trong trà sữa. Dừa tươi giòn thơm, trân châu mềm dai, càng nhai càng thấm vị ngọt của dừa hòa quyện với nước cốt dừa cùng sữa dừa beo béo.
Topping xịn sò - Ảnh: VSolution
Một ly dừa dầm Hải Phòng hiện có giá khoảng 15 - 30K tùy nơi. Bạn cũng rất dễ dàng tìm kiếm món ăn vặt này ở bất kỳ hàng chè hoặc các quán ăn chuyên đồ Hải Phòng ở Hà Nội.
Sữa chua trân châu Hạ Long
Sữa chua trân châu Hạ Long cũng hot không kém, khi chỉ trong một thời gian ngắn đã phủ sóng khắp các tuyến phố của Hà Nội. Đúng như tên gọi của món ăn này, một suất sẽ gồm có một ly đựng sữa chua, một ly đựng trân châu kèm nước cốt dừa được đun nóng.
Sữa chua trân châu Hạ Long - Ảnh: Chudu
Điểm đặc biệt ở món ăn này là sữa chua tơi xốp được lấy thành từng viên tròn giống kem. Sữa chua không quá cứng, có vị ngọt và chua dịu. Ngoài sữa chua trắng truyền thống, bạn có thể mix với nhiều vị khác nhau như socola, matcha, café... hoặc ăn kèm với mít, dâu, nếp cẩm... Viên trân châu ở đây là loại truyền thống, dai dai và có vị bùi bùi, chứ không phải loại có nhân hay mềm mềm như trân trâu trong món trà sữa. Được đựng trong ly nước cốt dừa được đun nóng nên vị sữa chua béo ngậy và rất thơm. Bạn có thể ăn riêng hoặc trộn cùng trân châu với sữa chua cũng rất tuyệt!
Hấp dẫn chưa? - Ảnh: wecheckin
Hiện có rất nhiều cửa hàng sữa chua trân châu Hạ Long với các thương hiệu khác nhau. Giá cho mỗi ly sữa chua trân châu truyền thống vào khoảng 25K, topping có giá từ 5 - 10K tùy loại.
Kem dừa Côn Đảo
Món kem dừa xứ đảo vừa xuất hiện ở Hà Nội nhưng cũng đã nhanh chóng thu hút rất đông đảo các tín đồ ăn vặt. Nghe về kem dừa đặc sản của Côn Đảo thì nhiều nhưng không phải ai cũng có dịp được nếm thử.
Kem dừa Côn Đảo ngon trứ danh - Ảnh: toplist
3 viên kem dừa xinh xắn được đặt trong trái dừa Côn Đảo. Loại dừa này quả nhỏ nhưng nước dừa rất ngọt, phần cùi non thì ăn mát thôi rồi. Phủ lên trên bề mặt kem là một ít sữa đặc và đậu phộng đập vụn. Nếu bạn muốn ăn hạnh nhân, sơ ri, dừa khô... thì có thể gọi thêm. Đi kèm mỗi suất kem là một ly nước dừa miễn phí.
Không cầu kỳ như kem dừa Thái Lan, kem dừa Côn Đảo giản dị hơn nhưng ăn khá ngon và cũng có giá "hạt dẻ" hơn nhiều - chỉ 39K thôi. Hiện kem dừa Côn Đảo đang được bán ở 42C Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Sủi dìn và 7 món ăn đặc trưng của Hải Phòng Đến Hải Phòng khám phá thiên đường ẩm thực, bạn không nên bỏ qua 7 món ăn nổi tiếng gắn liền với thành phố biển này. Sủi dìn: Là món ăn đường phố nổi tiếng của Hải Phòng, sủi dìn thường được những tín đồ ẩm thực lựa chọn thưởng thức khi tiết trời chuyển lạnh. Khá giống bánh trôi nước Hà Nội,...