Loạt kịch bản phía trước: Mỹ chọn lựa ra sao tại chiến trường đông bắc Syria?
Trong khi dư luận đang chú ý về căng thẳng giữa Mỹ và Iran thì Washington cũng đang phải vật lộn trên một mặt trận ít được chú ý hơn: khu vực đông bắc Syria.
Đó là nơi Mỹ đã dẫn đầu một liên minh các quốc gia châu Âu và khu vực hỗ trợ một nhóm dân quân người Kurd chống lại các phần tử cực đoan Nhà nước Hồi giáo IS, trong đó có hỗ trợ về vũ khí, huấn luyện, phòng vệ trên không, cùng với sự hỗ trợ từ hàng ngàn binh sĩ và nhà thầu Mỹ.
Khi IS đã bị đẩy ra khỏi các vùng lãnh thổ chúng từng kiểm soát, các tay súng người Kurd – được gọi là Lực lượng Dân chủ Syria SDF, đang kiểm soát một phần ba Syria. Washington muốn củng cố sự kiểm soát đó và không muốn khu vực giàu tài nguyên này rơi vào tay Tổng thống Syria Bashar Assad và những lực lượng hỗ trợ ông này là Iran và Nga. Điều này diễn ra ngay cả khi Tổng thống Donald Trump muốn rút bớt nhân sự Mỹ ở đây.
SDF bị bao vây tứ phía?
Trong khi đó, người Kurd cũng đang diễn ra xung đột với nhiều lực lượng tại đây. Ngay bên kia sông Euphrates là quân đội chính phủ Syria, lực lượng dân quân và các cố vấn được Iran hậu thuẫn từ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran. Họ đang chờ đợi cơ hội để thực hiện tuyên bố từ lâu của Damascus là sẽ lấy lại từng inch lãnh thổ Syria, bao gồm cả khu vực SDF đang kiểm soát.
Nếu họ thành công, các khu vực biên giới Syria có thể sẽ trở thành một phần trong dự án xây dựng con đường nối liền Iran với Lebanon. Điều đó, theo một số người, sẽ cho phép Tehran vận chuyển vũ khí dễ dàng hơn tới các lực lượng ủy nhiệm và xây dựng một mạng lưới phá vỡ các lệnh trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ.
Rất nhiều thế lực không muốn SDF kiểm soát đông bắc Syria. (Nguồn: Getty)
Vượt ra ngoài biên giới phía bắc của SDF là Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Mỹ trong NATO. Tuy nhiên, Ankara ngày càng giận dữ với Mỹ về việc nước này hỗ trợ cho lực lượng người Kurd. Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định YPG – một nhóm lớn trong SDF- là cánh tay nối dài của lực lượng li khai tại nước này.
Hoa Kỳ đã tìm cách xoa dịu Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách đề cập tới một vùng an toàn, nơi người Kurd rút dần khỏi biên giới và sẽ phá hủy các công sự quân sự. Các khu vực sơ tán sẽ được binh lính Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Hoa Kỳ và các thành viên khác trong liên minh tuần tra.
Nhưng các đồng minh châu Âu vẫn không bị thuyết phục. Tháng trước, James Jeffrey, đại diện đặc biệt của Hoa Kỳ tại Syria, nói rằng các kế hoạch ban đầu cho sự tham gia của châu Âu vào vùng an toàn không đi đến đâu.
Trong khi đó, hy vọng của chính quyền Trump về một liên minh NATO Ả Rập dường như đang sụp đổ. Saudi Arabia cho đến nay chưa thể lôi kéo các đồng minh trong khu vực tham gia, còn Ai Cập được cho là đã rút lui.
Video đang HOT
SDF, trong khi đó, cũng không muốn từ bỏ các vùng lãnh thổ mà họ giành được từ tay IS vào tay phe nổi dậy Syria hay các nhóm Arab.
Ngoài ra còn có sự chia rẽ ngay trong khu vực SDF kiểm soát. Các sa mạc ở miền đông Syria là nơi sinh sống của các bộ lạc Ả Rập có thành viên trải rộng qua biên giới Iraq và Ả Rập Saudi. Một số, như bộ lạc Shaitat, là một trong những nạn nhân đầu tiên của IS ở miền đông Syria; hàng trăm người Shaitat đã bị tàn sát khi họ tập hợp chống lại IS. Thân nhân của họ sau đó đã gia nhập với người Kurd để đánh bật IS.
Người dân các bộ lạc chiếm đa số dân cư ở miền đông Syria, và mặc dù họ là đồng minh với người Kurd trong chiến đấu, nhiều người đã phẫn nộ với SDF trong việc quản trị. Đã có một làn sóng biểu tình dai dẳng kể từ tháng Tư tại miền đông Syria chống lại việc người Kurd nắm quyền.
Trong những tháng gần đây, Nga đã phái các đại diện đến các bộ lạc để khuyến nghị họ quay lại ủng hộ ông Assad. Tháng trước, Thamer Sabhan, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề vùng Vịnh của Saudi, đã tham gia một phái đoàn của các quan chức Hoa Kỳ đến miền đông Syria để làm dịu căng thẳng ở đây. (Chuyến thăm của ông càng khiến Thổ Nhĩ Kỳ tức giận, nước đang tham gia vào một “cuộc đấu tay đôi” về ảnh hưởng khu vực với Saudi.)
Sau đó là IS. Các thành viên còn sống sót và những kẻ ủng hộ chúng vẫn rải rác hiện diện tại sa mạc phía đông Syria. Vào giữa tháng 6, IS đã nhận trách nhiệm về một vụ đánh bom xe ở thành phố Qamishli do người Kurd kiểm soát, trong đó sáu người, bao gồm cả dân thường, bị thương, các nhà hoạt động cho biết.
Mỹ “tiến thoái lưỡng nan”
Vấn đề chính về Syria là liệu Mỹ có rút nốt lực lượng ở đây hay không và chính sách sắp tới ra sao?
Dưới thời Obama, các quan chức Hoa Kỳ đã thúc đẩy người Kurd đàm phán với Damascus về vùng đất này. Nhưng người Kurd, theo Dareen Khalifa, một nhà phân tích cao cấp của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, hiện có hàng chục ngàn tay súng và bộ máy quan liêu gồm 140.000 người quản trị khoảng 2 triệu người dân và đang kiểm soát phần lớn dầu, khí đốt và tài nguyên nước của Syria.
“Damascus không muốn đàm phán và người Kurd bây giờ đã trải nghiệm được sự tự chủ trông như thế nào và họ thích điều đó, vì vậy họ cũng muốn đàm phán từ vị trí cao hơn nhiều so với dự kiến ban đầu”, Khalifa nói.
Các cuộc đàm phán đã thất bại sau khi ông Trump nhậm chức và bắt đầu đưa ra những tuyên bố không giống với những quan chức hàng đầu trong chính quyền của ông.
Mặc dù ông Trump luôn nói rằng ông muốn rời khỏi Syria, các quan chức quân sự và đối ngoại hứa hẹn sẽ ở lại. Giờ đây, chiến lược của Hoa Kỳ dường như đã chuyển thành gây sức ép buộc ông Assad phải đẩy Iran rời khỏi nước này và cam kết thực hiện một loạt các nhượng bộ để sự lãnh đạo của ông được Mỹ chấp nhận, theo Nicholas Heras, một chuyên gia tại Trung tâm An ninh Mỹ mới.
Tại cuộc họp giao ban tháng 3, ông Jeffrey cho biết chính sách của Mỹ đối với Syria là ba tầng: “đảm bảo sự thất thế vĩnh viễn” của IS, để “đảm bảo một quá trình chính trị sẽ cho chúng ta một dạng chính phủ khác” và “thứ ba, loại bỏ tất cả các lực lượng do Iran chỉ huy khỏi toàn bộ Syria. “
Tuy nhiên, ông Assad đã tỏ ra không mấy hào hứng, mặc dù ông phải đối mặt với một cuộc bao vây trừng phạt từ phương Tây đã cản trở mọi cơ hội phục hồi sau 8 năm xung đột. Ở tình thế này, bất kì quyết định nào của Mỹ đối với SDF và vùng lãnh thổ do lực lượng này kiểm soát cũng sẽ rất khó đoán.
An Bình
Theo Toquoc
Nga khuyên người Kurd quên Mỹ, về với Syria
Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng cơ chế đối thoại của người Kurd với chính phủ Damascus để tiến tới hòa giải dân tộc.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 17/4 cho biết, Moscow tin rằng chính phủ Syria hợp pháp nên áp đặt quyền kiểm soát đối với khu vực Đông Bắc Syria càng sớm càng tốt.
"Cần phải giải quyết vấn đề liên quan đến chủ quyền đất nước, phía Đông Bắc Syria, tính từ bờ trái của sông Euphrates cần phải thuộc quyền kiểm soát của chính quyền hợp pháp tại Damascus. Đây là sự toàn vẹn lãnh thổ mà quốc gia cộng hòa nào cũng phải đảm bảo" - Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh.
Ông Lavrov phân tích, cần phải có cơ chế đối thoại giữa người Kurd - chính phủ Damascus. Điều này là tối quan trọng với an ninh Syria. Cơ chế đối thoại này đảm bảo quyền lợi của người Kurd như một thực thể hợp pháp trong lòng chính quyền Syria, cũng như giải quyết các mâu thuẫn giữa Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ tại biên giới phía Đông Bắc nước này.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên Nga nói về sự cần thiết của các cuộc đối thoại giữa Damascus và người Kurd tại Syria. Hiện tại, lực lượng bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) đang là nòng cốt chủ lực của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn.
Lực lượng SDF với trang bị hiện đại do Mỹ tài trợ
Chính quyền Washington trong nhiều năm qua đã không tiếc tiền của hỗ trợ cho SDF trở thành một lực lượng quân sự hùng mạnh nhất nhì Syria, kiểm soát vùng đất rộng lớn toàn bộ phía Đông quốc gia này, tính từ bờ trái sông Euphrates, ước tính khoảng 30% diện tích lãnh thổ.
Việc Mỹ hậu thuẫn SDF mang lại lợi ích lớn lao. Họ kiểm soát hoàn toàn các mỏ dầu và nhà máy lọc dầu quy mô lớn của Syria, các công ty của Mỹ làm ăn và kiếm đậm tiền ở khu vực này. Đồng thời thông qua SDF, Mỹ tạo ảnh hưởng lớn ở Syria và cả khu vực các nước Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Jordan...
Tuy nhiên, sau khi Mỹ tuyên bố rút quân, số phận của lực lượng SDF đang là một dấu hỏi lớn: Mỹ có tiếp tục hậu thuẫn về tài chính, trang thiết bị quân sự cho SDF hay không? Và SDF có thể trở thành một lực lượng dân chủ hợp pháp ở Syria, hay bị xem xét là một tổ chức khủng bố bất hợp pháp?
Mối quan hệ giữa người Kurd và chính quyền Damascus đã có nhiều khởi sắc trong vài tháng qua. Hồi đầu năm 2019, YPG đã trao trả quyền kiểm soát tại thành phố chiến lược Manbij cho chính quyền Syria. Đây được cho là tín hiệu đầu tiên để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai lực lượng. Tiếp nối thành công ở Manbij, YPG và Damascus đàm phán về quyền kiểm soát Raqqa.
Bước đột phá tiếp theo diễn ra khi Damascus và SDF tiến hành buôn bán dầu khí, năng lượng. Damascus chi trả bằng tiền hoặc hàng hóa cho các khoản nhiên liệu mà họ mua của SDF. Điều này cho thấy chính quyền Syria có sự tôn trọng nhất định với khu vực mà SDF đang kiểm soát.
Quân Mỹ trong một căn cứ tại miền Đông Syria
Rào cản duy nhất cho hòa giải dân tộc đến thời điểm này là Washington vẫn đang duy trì ảnh hưởng đến SDF. 2000 quân Mỹ vẫn đang đóng ở miền Đông Syria, và hàng trăm chuyến xe viện trợ vẫn đang đổ về khu vực này tài trợ cho SDF hàng tháng.
Damascus và SDF đã có những cuộc trao đổi đầu tiên, dưới sự trung gian hòa giải là Nga. Tuy nhiên, người Kurd đang theo đuổi kế hoạch yêu cầu thay đổi Syria trở thành nhà nước liên bang. Tuy nhiên Syria và Nga không đồng ý cho điều này.
Giới phân tích cho rằng yêu sách của người Kurd lúc này đang chịu ảnh hưởng lớn từ phía Mỹ. Tuy nhiên, Nga đang muốn chứng minh cho SDF và người Kurd hiểu rằng chỉ có một chính phủ duy nhất ở Syria, được xây dựng trên lộ trình hòa giải chính trị và sắc tộc đã được các bên liên quan vạch ra, thể hiện qua Ủy ban Hiến pháp được thành lập cuối năm 2018.
Vì thế, lựa chọn có lợi nhất của SDF lúc này là ngồi vào bàn đàm phán, lựa chọn trở thành một phần hợp pháp của đất nước Syria, giữ các quyền tại Quốc hội, tham gia bầu cử lựa chọn nhà lãnh đạo thực sự, hoặc trở thành thế lực chống đối ngoài vòng pháp luật.
Các lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ đã lựa chọn giải pháp đối thoại và có dấu hiệu hòa hợp với Damascus ở phía Bắc Syria, cùng sát cánh chống lại khủng bố Hay'at Tahrir al-Sham ở Idlib. Đây là bài học mà SDF nên học tập, nếu không muốn trở thành mục tiêu đối đầu của cả quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội Syria.
Đỗ Tú
Theo Datviet
Nghị sỹ Iran: 'Nếu Mỹ tấn công Iran, tuổi thọ Israel sẽ chỉ còn nửa giờ' Một nghị sỹ cấp cao của Iran hôm 1/7 cảnh báo Israel sẽ bị hủy diệt trong nửa giờ nếu Mỹ tấn công Tehran. "Nếu Mỹ tấn công chúng tôi, tuổi thọ Israel sẽ chỉ còn nửa giờ", ông Mojtaba Zolnour, Chủ tịch Hội đồng Ủy ban Đối ngoại và an ninh Quốc gia thuộc Quốc hội Iran cảnh báo. Tuyên bố này...