Loạt hàng hóa Nga vẫn chảy vào Mỹ sau 6 tháng xung đột Ukraine
Tổng thống Biden đã tuyên bố giáng “đòn nghiền nát” nhằm vào Nga thông qua lệnh trừng phạt đánh lên các loại hàng hóa chủ lực của nước này.
Nhưng những chuyến tàu chở gỗ, kim loại, nhiên liệu thậm chí cả đạn của Nga vẫn không ngừng cập cảng Mỹ.
Container hàng hóa chất đầy cảng Baltimore vào ngày 12/8/2022. Ảnh: AP
Vào một ngày nóng ẩm ở Bờ Đông (Mỹ) trong mùa hè này, một con tàu container khổng lồ đã cập cảng Baltimore chở đầy gỗ ván ép, thanh nhôm và nguyên liệu phóng xạ. Tất cả đều có nguồn gốc từ những cánh đồng, rừng và các nhà máy của Nga.
Tổng thống Joe Biden đã cam kết sẽ “giáng đòn đau” và “đòn nghiền nát” nhằm vào Nga thông qua các hạn chế thương mại đánh lên các loại hàng hóa chủ lực của nước này như rượu vodka, kim cương, xăng dầu để trả đũa chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Nhưng hàng trăm loại hàng hóa khác trị giá hàng tỉ đô la, bao gồm cả những hàng hóa trên con tàu từ St. Petersburg cập cảng Baltimore kể trên, vẫn tiếp tục đổ vào các cảng của Mỹ.
Hãng tin AP đã phát hiện hơn 3.600 chuyến hàng chở gỗ, kim loại, cao su và các hàng hóa khác đã đến cảng Mỹ kể từ khi xung đột bùng phát hồi tháng 2. Con số này giảm xuống đáng kể so với cùng thời kỳ trong năm 2021, khi khoảng 6.000 chuyến tàu đã tới, nhưng vẫn mang lại giá trị thương mại hơn 1 tỉ USD mỗi tháng.
Trên thực tế, không ai thực sự nghĩ rằng thương mại với Nga sẽ ngừng lại hoàn toàn do xung đột ở Ukraine. Việc cấm nhập khẩu một số mặt hàng có thể còn gây hại nhiều cho các ngành đó ở Mỹ hơn là ở Nga.
“Khi chúng tôi áp đặt lệnh trừng phạt, nó có thể làm gián đoạn thương mại toàn cầu. Vì vậy nhiệm vụ của chúng tôi là suy tính xem biện pháp trừng phạt nào mang lại tác động lớn nhất, nhưng vẫn cho phép thương mại toàn cầu diễn ra”, ông Jim O’Brien, người đứng đầu Văn phòng Điều phối Các biện pháp trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói với AP.
Các chuyên gia cho rằng nền kinh tế toàn cầu gắn bó chặt chẽ đến mức các lệnh trừng phạt phải được giới hạn trong từng phạm vi để tránh làm tăng giá trong một thị trường vốn đã không ổn định.
Hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ tại cảng Baltimore, ngày 12/8/2022. Ảnh: AP
Trong khi một số nhà nhập khẩu Mỹ đang tìm nguồn cung ứng nguyên liệu thay thế, thì những nhà nhập khẩu khác cho biết họ không có lựa chọn nào khác ngoài Nga.
Video đang HOT
Với mặt hàng gỗ, những cánh rừng bạch dương dày đặc của Nga tạo ra loại gỗ cứng và chắc đến mức hầu hết đồ nội thất gỗ trong các lớp học của Mỹ và nhiều sàn nhà gia đình đều được làm từ nó.
Container vận chuyển các hàng hóa của Nga, từ yến mạch, giày tập tạ, thiết bị khai thác tiền điện tử, thậm chí cả gối ngủ, vẫn đổ tới các cảng của Mỹ gần như hàng ngày.
Phân tích hàng hóa nhập khẩu từ Nga cho thấy một số mặt hàng rõ ràng là hợp pháp và thậm chí được chính quyền Biden khuyến khích, như hơn 100 lô hàng phân bón. Các sản phẩm bị cấm hiện nay như dầu và khí đốt của Nga tiếp tục đến các cảng của Mỹ rất lâu sau khi có thông báo về lệnh trừng phạt do điều khoản thời gian trễ, cho phép các công ty hoàn thành hợp đồng đã ký.
Nga và Mỹ chưa bao giờ là đối tác thương mại lớn và vì vậy việc trừng phạt hàng nhập khẩu chỉ là một phần rất nhỏ trong chiến lược trả đũa. Các hạn chế đối với xuất khẩu từ Mỹ — cụ thể là công nghệ — gây ra nhiều thiệt hại hơn cho nền kinh tế Nga và việc trừng phạt Ngân hàng Trung ương Nga đã đóng băng quyền tiếp cận của Nga với khoảng 600 tỷ USD dự trữ tiền tệ được nắm giữ trên khắp Mỹ và Châu Âu.
Dưới đây là một số loại hàng hóa vẫn lưu chuyển giữa hai quốc gia:
Kim loại
Nga là nước xuất khẩu chính các kim loại như nhôm, thép và titan. Hầu hết các công ty Mỹ kinh doanh kim loại đều có mối quan hệ lâu dài với các nhà cung cấp của Nga. Hoạt động thương mại ở ngành hàng này, đặc biệt là nhôm, hầu như không bị gián đoạn kể từ đầu cuộc xung đột tại Ukraine.
Hãng tin AP phát hiện trên 900 chuyến hàng, tổng cộng trên 264 triệu tấn kim loại kể từ tháng 2 từ Nga đến Mỹ. Nga là một trong những nhà sản xuất nhôm chưa gia công lớn nhất sau Trung Quốc, và là một nhà xuất khẩu toàn cầu quan trọng.Nhôm của Nga được dùng trong các bộ phận xe hơi và máy bay của Mỹ, lon nước ngọt và dây cáp, thang và giá đỡ năng lượng mặt trời.
Gỗ
Những khu rừng rộng lớn của Nga thuộc hàng lớn nhất trên thế giới. Sau Canada, Nga là nước xuất khẩu gỗ lớn thứ hai và có một số nhà máy duy nhất có thể sản xuất ván ép bạch dương Baltic cứng, chắc, ván sàn được sử dụng trên khắp Mỹ.
Gỗ bạch dương của Nga được ưa chuộng tại Mỹ.
Năm nay, chính quyền Mỹ bắt đầu áp đặt thuế quan đối với gỗ xuất khẩu của Nga, một động thái khiến Ronald Liberatori, một đại lý gỗ có trụ sở tại Nevada, chuyên bán gỗ bạch dương Nga cho tất cả các nhà sản xuất đồ nội thất lớn, các công ty xây dựng ở Mỹ, tức giận.
Nhiên liệu
Ngày 8/3, Tổng thống Biden thông báo Mỹ cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu, khí đốt và năng lượng của Nga, “nhắm vào động mạch chính của nền kinh tế Nga”.
Chỉ trong vòng vài giờ, có báo cáo rằng một con tàu chở 1 triệu thùng dầu của Nga đến Mỹ đã đổi hướng sang Pháp. Nhưng nhiều chuyến hàng khác thì không như vậy. Tuần đó, khoảng một triệu thùng dầu thô của Nga đã cập cảng Philadelphia, đến nhà máy lọc dầu Monroe Energy của Delta Airlines. Trong khi đó, một tàu chở dầu với khoảng 75.000 thùng dầu hắc ín của Nga đã cập cảng Texas City, tới các nhà máy lọc dầu của Valero sau chuyến vượt biển dài qua Bắc Đại Tây Dương.
Các chuyến hàng tiếp tục đến tay Valero, ExxonMobil và những khách mua khác.
Dầu thô của Nga vẫn đến Mỹ sau khi các lệnh trừng phạt được áp đặt. Ảnh: Getty Images
Những mặt hàng khác
Từ đầu năm đến nay, gần 4.000 tấn đạn của Nga cũng đã đến Mỹ, nơi chúng được phân phối cho các cửa hàng súng, đạn. Một số đã được bán cho người mua ở Mỹ bởi các công ty nhà nước của Nga, trong khi số khác đến từ ít nhất một nhà tài phiệt bị trừng phạt. Các lô hàng đạn dược đã chậm lại đáng kể sau tháng 4.
AP cũng theo dõi lô hàng phóng xạ uranium hexafluoride trị giá hàng triệu đô la từ Công ty cổ phần Tenex thuộc sở hữu nhà nước của Nga, bán cho Công ty Điện lực Westinghouse ở Nam Carolina. Tuy nhiên vật liệu hạt nhân không thuộc danh mục bị trừng phạt.
Chính quyền Mỹ công bố gói viện trợ an ninh kỷ lục 3 tỉ USD cho Ukraine
Ngày 24/8, Tổng thống Joe Biden thông báo Mỹ đang gửi gói viện trợ an ninh lớn nhất từ trước tới nay cho Ukraine, trị giá 3 tỷ USD.
Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ cam kết hỗ trợ Ukraine bảo vệ chủ quyền đất nước. Ảnh: Reuters
Thông báo trên được đưa ra đúng vào ngày kỷ niệm Ngày Độc lập của Ukraine và đánh dấu 6 tháng Nga phát động chiến dịch quân sự tại nước láng giềng.
Gói viện trợ mới công bố nằm trong quy trình các quỹ Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), có nghĩa là Mỹ sẽ mua vũ khí thông qua các hợp đồng thay vì lấy từ kho vũ khí hiện có của Bộ Quốc phòng và gửi chúng ngay lập tức cho Kiev.
"Hợp chúng quốc Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ người dân Ukraine khi họ tiếp tục cuộc chiến bảo vệ chủ quyền của mình. Là một phần của cam kết đó, tôi tự hào thông báo về đợt hỗ trợ an ninh lớn nhất của chúng tôi cho đến nay: khoảng 2,98 tỷ USD vũ khí và thiết bị sẽ được cung cấp thông qua Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine ", ông Biden cho biết trong một tuyên bố. "Gói hỗ trợ này sẽ cho phép Ukraine có được các hệ thống phòng không, hệ thống pháo và đạn dược, hệ thống máy bay không người lái đối kháng và radar để đảm bảo nước này có thể tiếp tục tự vệ trong dài hạn."
Chính quyền Mỹ đã sử dụng quy trình USAI trong các gói an ninh trước đây cho các hạng mục như hệ thống phòng không tầm trung, máy bay không người lái giám sát và hệ thống radar chống pháo. Thời gian để vũ khí đến được Ukraine phụ thuộc vào dây chuyền sản xuất của ngành công nghiệp.
Ngày 22/8, Bộ Ngoại giao Ukraine đã đưa ra cảnh báo rằng Nga có thể tăng cường các nỗ lực tiến hành tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự và cơ sở chính phủ của Ukraine trong những ngày tới.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cũng cảnh báo không nên tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Độc lập công khai do lo ngại các cuộc tấn công.
Gói viện trợ của Mỹ được công bố trong bối cảnh giao tranh vẫn diễn ra ở miền nam và đông Ukraine. Tuần trước, một quan chức quốc phòng cấp cao Ukraine nói với các phóng viên rằng Nga đang chứng kiến "một sự thiếu tiến triển hoàn toàn và toàn diện". Quan chức này lưu ý rằng Ukraine đang thành công nỗ lực tấn công vào năng lực của Nga - điều có thể có tác dụng lâu dài, nhưng Kiev vẫn chưa giành lại được những vùng lãnh thổ quan trọng từ Nga.
Giới chuyên gia nhận định, dựa vào gói vũ khí mà Mỹ dự tính chuyển cho Ukraine, Kiev dường như đang chuẩn bị cho chiến thuật phản công khác biệt so với phương pháp cổ điển.
Theo nhận định trên tờ Washington Post, các vũ khí, khí tài quân sự mà Mỹ đang gửi cho Ukraine dường như sẽ giúp Kiev thực hiện các cuộc tấn công ở tầm gần hơn so với trước đó. Giới quan sát cho rằng, Ukraine và phương Tây có thể đã nhìn thấy cơ hội để Kiev giành lại những vùng lãnh thổ đã mất vào tay Nga bằng những vũ khí này.
Trong vài tuần qua, các quan chức Ukraine đã công khai thảo luận về một phản công nhằm vào thành phố cảng chiến lược Kherson do Nga đang kiểm soát. Tuy nhiên, kể từ đó tới nay, có rất ít bằng chứng cho thấy Ukraine chuẩn bị thực hiện một chiến dịch quy mô lớn trên thực địa đòi hỏi lượng nhân lực lớn, vũ khí, xe bọc thép để đối phó với thế áp đảo về hỏa lực của Nga.
Gói viện trợ mới nhất của Mỹ dường như là câu trả lời cho tình trạng thiếu hụt vũ khí của Ukraine so với Nga. Theo đó, Kiev dường như sẽ có khả năng tấn công từ nhiều khoảng cách khác nhau.
Cuối tuần qua, Mỹ thông báo gói viện trợ 800 triệu USD bao gồm 40 phương tiện chống bom được trang bị thiết bị kích nổ mìn, cũng như các loại pháo hạng nhẹ hơn và dễ di chuyển hơn các hệ thống hỏa lực mà Mỹ đã gửi trước đó. Gói viện trợ cũng sẽ bao gồm súng trường có tầm bắn vài trăm mét và bệ phóng tên lửa giới hạn dưới 5km - gần hơn nhiều so với khoảng cách hiện tại giữa các đơn vị Ukraine và Nga ở tiền tuyến.
"Phương tiện phá mìn sẽ giúp Ukraine có được khả năng đẩy lực lượng di chuyển tiến lên trên thực địa và giành lại lãnh thổ", một quan chức giấu tên của Mỹ cho biết.
Nửa năm xung đột Ukraine - Nga làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu Sáu tháng sau khi xung đột bùng nổ tại Ukraine, hệ quả nghiêm trọng của nó đang đặt ra một mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Công nhân di chuyển các mảnh kim loại được mạ kẽm nhúng nóng tại nhà máy Zinkpower, Đức. Ảnh: AP Khí đốt không chỉ leo thang về giá cả mà còn có...