Loạt công ty châu Âu ‘nợ chồng nợ’ do chi phí tăng cao
Nợ của các công ty điện lực châu Âu tăng vọt lên 1,7 nghìn tỷ USD do khủng hoảng năng lượng.
Hôm 18/7, Bloomberg đưa tin, các công ty năng lượng châu Âu đang phải gánh thêm nợ để bù đắp cho việc giá dầu và khí đốt tăng cao. Theo đó, nợ tổng thể của các công ty đã tăng hơn 50% kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19 vào đầu năm 2020 và hiện ở mức 1,7 nghìn tỷ euro (1,7 nghìn tỷ USD).
Đầu tháng này, một trong những công ty cung cấp năng lượng lớn nhất của Đức – Uniper, đã yêu cầu chính phủ nước này cứu trợ. Lý do được công ty này đưa ra là do “áp lực tài chính cực lớn” sau khi Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên.
Công ty năng lượng châu Âu lao đao vì chi phí tăng cao.
Video đang HOT
Uniper là công ty nhập nhiều khí đốt Nga nhất tại Đức. Công ty này chịu lỗ hàng chục triệu euro mỗi ngày kể từ khi Nga cắt khí đốt sang Đức tháng trước. Việc này buộc Uniper mua khí đốt từ nguồn khác với giá cao hơn.
Đến nay, Uniper đã sử dụng hết hạn mức vay 2 tỷ euro từ ngân hàng đầu tư quốc doanh KfW và đã phải nộp đơn xin cấp thêm. Bloomberg cho biết công ty Uniper có thể cần tới 9 tỷ euro để tồn tại.
Theo Uniper, công ty này muốn vay thêm “để giải quyết tình trạng gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga và các diễn biến liên quan trên thị trường tỷ giá, năng lượng”.
Đồng cảnh ngộ, công ty điện lực Cộng hòa Séc CEZ CP cũng đang tìm kiếm sự trợ giúp lên tới 3 tỷ euro từ chính phủ nước này.
Theo Bloomberg, các công ty điện lực của Liên minh châu Âu (EU) đã huy động được 45 tỷ euro trái phiếu và 72 tỷ euro cho vay trong 6 tháng đầu năm.
Cuộc khủng hoảng năng lượng đã khiến giá khí đốt tự nhiên tiêu chuẩn của châu Âu tăng gấp 8 lần trong vòng 18 tháng qua, trong khi giá dầu trở nên đắt hơn khoảng 50% trong năm qua.
Sự tăng giá dầu và khí đốt làm tăng chi phí sinh hoạt nói chung, trong khi lạm phát đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ trên khắp EU.
Tháng trước, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã cắt 60% khí đốt xuất khẩu sang Đức qua đường ống Nord Stream. Hôm 17/7, đường ống này dừng chảy đê bảo dưỡng theo định kỳ, dự kiến hoàn tất vào ngày 21/7.
Nguồn cung từ Nga giảm, Đức cảnh báo năm 2023 giá khí đốt tăng gấp 3 lần
Ngày 14/7, Cơ quan quản lý mạng lưới liên bang Đức (Bundesnetzagentur) ra thông báo cho biết, sau khi Nga dừng cung cấp khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1), mức độ lấp đầy các cơ sở tích trữ khí đốt ở Đức đã bị giảm đi, thậm chí một số cơ sở còn phải bơm ra thị trường.
Cơ quan này cảnh báo giá khí đốt có thể sẽ tăng ít nhất gấp 3 lần trong năm tới.
Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 tại Lubmin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn thông báo của Bundesnetzagentur cho biết lượng khí đốt được lấy ra nhiều hơn so với lượng chuyển vào khiến lượng tích trữ khí đốt giảm xuống và việc đạt được mức dự trữ cần thiết cho mùa Đông trở nên khó khăn hơn. Hiện mức độ lấp đầy các bể chứa ở Đức là 64,5%. Trong thời gian Nord Stream 1 phải đóng cửa để thực hiện công tác bảo trì, không có lượng khí đốt tự nhiên nào được vận chuyển tới Đức qua tuyến đường ống này mà chỉ có từ những tuyến vận chuyển khác như đường ống Yamal hoặc tuyến vận chuyển qua Ukraine.
Tuy nhiên, Bundesnetzagentur cho biết nguồn cung khí đốt tại Đức nhìn chung vẫn "ổn định" và an ninh nguồn cung vẫn đảm bảo. Dù vậy, tình hình đang căng thẳng và không loại trừ khả năng sẽ ngày càng xấu đi. Trong bối cảnh đó, giá năng lượng sẽ tăng đáng kể và các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng sẽ phải tự điều chỉnh.
Từ năm 2021 đến nay, giá năng lượng ở châu Âu, đặc biệt ở Đức, đã tăng cao, một phần do cuộc khủng hoảng toàn cầu. Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine và bị phương Tây áp đặt nhiều lệnh trừng phạt, thị trường năng lượng càng trở nên tồi tệ hơn. Hiện 1 KW điện thu được từ khí đốt có giá khoảng 22 euro, cao gấp 4 lần so với năm 2021.
Theo ước tính của Bundesnetzagentur, các khoản thanh toán trước hằng tháng của người tiêu dùng khí đốt sẽ tăng ít nhất gấp 3 lần trong năm tới.
Chủ tịch Bundesnetzagentur, ông Klaus Mller, cho biết những khách hàng hiện đang trả 1.500 euro/năm cho khí đốt sẽ trả lên thành 4.500 euro hoặc hơn, và đây "hoàn toàn là thực tế" có thể xảy ra. Cũng theo ông Klaus Mller, dù người tiêu dùng không phải trả đủ ngay lập tức song họ vẫn phải trả ở một thời điểm nào đó. Vì thế, ông kêu gọi người tiêu dùng tăng cường tiết kiệm để giảm thiểu chi phí phải trả. Trong thời gian tới, Đức sẽ tiếp tục nhập khí đốt từ Na Uy và các trạm khí đốt từ Bỉ hoặc Hà Lan.
Lý do nhiều phụ nữ Mỹ xóa ứng dụng theo dõi kinh nguyệt Ngay cả trước khi án lệ Roe v Wade bị lật ngược, nhiều phụ nữ Mỹ đã xóa các ứng dụng theo dõi chu kỳ kinh nguyệt do lo ngại đó sẽ là tài liệu pháp lý chống lại họ trước tòa. Những ngày gần đây, ngày càng nhiều phụ nữ Mỹ xóa ứng dụng theo dõi chu kỳ kinh nguyệt khỏi điện...