Loạt bài : Thấy gì từ việc người Trung Quốc “mua” đất ở các TP biển?
Tình trạng cá nhân, tổ chức là người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc thâu tóm đất ven biển Đà Nẵng
Đã rộ lên từ nhiều năm nay, nhưng đến nay cơ quan chức năng dường như vẫn lúng túng, chưa có biện pháp giải quyết triệt để, rốt ráo…
LTS: Thông tin doanh nghiệp có người Trung Quốc tham gia đang sở hữu 21 lô đất ven sân bay Nước Mặn (Đà Nẵng) mới đây khiến dư luận hết sức quan ngại. Góp vốn mua đất lập doanh nghiệp, núp bóng khách du lịch vào lao động chui, sở hữu những vị trí kinh doanh ở các vùng đất “vàng”, người Trung Quốc đang xuất hiện ngày càng nhiều tại TP.Đà Nẵng, Nha Trang…
Kỳ 1: “Chiêu trò” xung quanh sân bay Nước Mặn
Ai góp đất ven biển với doanh nghiệp Trung Quốc?
Thông tin doanh nghiệp có người Trung Quốc tham gia đang sở hữu 21 lô đất ven sân bay Nước Mặn (Đà Nẵng) khiến dư luận hết sức quan ngại… Qua tìm hiểu của phóng viên Dân Việt/NTNN, trong 21 lô đất ven biển mà người Trung Quốc sở hữu quyền sử dụng đất, 1 lô đất có diện tích 20ha được TP.Đà Nẵng cho Công ty Du lịch và giải trí quốc tế Silver Shores Hoàng Đạt thuê.
Cụ thể, công ty Silver Shores Hoàng Đạt được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cấp phép thành lập vào ngày 21/6/2006 với 2 cổ đông gồm Công ty TNHH Silver Shores (trụ sở tại Mỹ) do ông SuiGuiNan (Trung Quốc) làm chủ với cổ phần 90% và 10% còn lại thuộc về công ty Việt Nam có tên Công ty Cổ phần Hoàng Đạt.
20 lô đất còn lại thuộc sở hữu của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ VN.Holiday. Công ty này đóng tại phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) với ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động…
Crowne Plaza, khu resort kiêm kinh doanh dịch vụ vui chơi có thưởng cho người nước ngoài của Silver Shores án ngữ sân bay Nước Mặn, Đà Nẵng. Ảnh: Đình Thiên
Công ty TNHH Thương mại, Du lịch và Dịch vụ VN.Holiday là doanh nghiệp Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép đầu tư vào ngày 28/7/2014 với số vốn đăng ý là 40 tỷ đồng.
Đến ngày 7/5/2019, công ty này đã tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng. Trong đó có 2 người Việt Nam và 1 công ty Việt Nam góp vốn với ông Lijinan (Quảng Đông, Trung Quốc). Số vốn của ông Lijian là 19,2 tỷ đồng chiếm 19,2% cổ phần, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phoenix góp 23,8 tỷ đồng. Bà Lê Thị Ngọc Bé góp 29 tỷ đồng, bà Phạm Thị Thùy Trâm góp 28 tỷ đồng.
Lô đất thuộc sở hữu của doanh nghiệp có cổ phần người Trung Quốc sát bờ rào sân bay Nước Mặn, Đà Nẵng. Ảnh: Đình Thiên
Video đang HOT
Đáng chú ý, trao đổi với PV, ông Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở TNMT TP.Đà Nẵng cho hay, 20 lô đất trên là dự án vệt biệt thự (đất ở chia lô) dọc tường rào sân bay Nước Mặn. Trước đây thành phố thực hiện bán đấu giá và giao đất hoàn toàn cho các nhân, tổ chức trong nước. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các cá nhân và tổ chức này đã chuyển nhượng cho doanh nghiệp có người Trung Quốc là cổ đông.
Giám đốc Sở TNMT cũng cho biết thêm, theo Luật Đầu tư và Luật Đất đai, doanh nghiệp nước ngoài có cổ phần dưới 49% vẫn được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất như nhà đầu tư trong nước. Vì vậy, trường hợp của Công ty TNHH Thương mại, Du lịch và Dịch vụ VN.Holiday được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đúng theo quy định của luật pháp Việt Nam.
Ngoài ra, theo khảo sát thực tế của PV Dân Việt/NTNN, hiện ở Đà Nẵng còn có tình trạng người Trung Quốc lấy vợ Việt Nam và nhờ người nhà vợ đứng tên để sở hữu nhiều lô đất ở nhiều vị trí, địa điểm khác nhau.
“Họ qua đây kinh doanh làm ăn rồi lấy vợ Việt Nam. Luật pháp Việt Nam chưa cho phép người nước ngoài đứng tên trong sổ đỏ nên họ đưa tiền nhờ vợ người nhà vợ mua đất và đứng tên dùm. Tôi làm dịch vụ bất động sản hơn 10 năm nay gặp không ít trường hợp kiểu này rồi”, chị Trần Linh Hoa, chủ dịch vụ công ty bất động sản M.S (quận Sơn Trà) cho biết.
Lách luật bằng góp vốn
Việc cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài sở hữu được quyền sử dụng các lô đất ven biển ở Đà Nẵng được nhìn nhận là bởi trong chính sách về đất đai còn nhiều kẽ hở. Đặc biệt, tình trạng các khu đất nằm ở những vị trị đắc địa và được đánh giá là hết sức nhạy cảm như gần sân bay, ven biển ở các thành phố biển như Đà Nẵng, Nha Trang cũng đã làm dấy lên những quan ngại.
Theo phân tích của luật sư Nguyễn Thị Sương, Điều 46, Nghị định 118/CP và Điều 26 Luật Đầu tư 2014 quy định, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế trong nước không phải thực hiện thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Đồng thời, Nghị định 139/2007/NĐ-CP quy định, trường hợp doanh nghiệp dự định thành lập có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49% vốn điều lệ thì việc thành lập doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Nghị định 88/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Nghĩa là được quyền giống như đối với các dự án đầu tư trong nước.
Nhan nhản nhà hàng ven sân bay Nước Mặn, Đà Nẵng treo bảng hiệu tiếng Trung Quốc. Ảnh: Đình Thiên
Luật sư Sương phân tích thêm, khi người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, điều bắt buộc là phải có dự án được duyệt và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới được phép hoạt động. Nhưng những doanh nghiệp nước ngoài được hình thành bằng cách góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước thì các cổ đông nước ngoài cũng giống như doanh nghiệp trong nước.
Trên cơ sở đó, khi có đầy đủ tư cách pháp nhân, cổ đông được quyền sở hữu đất bởi pháp luật cho phép điều này. Cụ thể, Luật sư Sương cho biết, về các hình thức sở hữu nhà của người nước ngoài tại Việt Nam, Khoản 2, Điều 14 Luật Kinh doanh Bất động sản quy định: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng để sử dụng làm văn phòng làm việc, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ theo đúng công năng sử dụng của nhà, công trình xây dựng đó.
“Trường hợp của Công ty TNHH VN.Holiday, họ được nhận chuyển nhượng các cổ phần bằng đất của các cá nhân, doanh nghiệp trong nước. Điều này có nghĩa là họ đương nhiên trở thành chủ sở hữu các dự án và sử dụng đất mà không phải qua thẩm định của cơ quan chức năng, và không phải làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”, luật sư Sương cho hay.
Khách sạn phục vụ phần lớn cho khách Trung Quốc nằm sát sân bay Nước Mặn, Đà Nẵng. Ảnh: Đình Thiên
Cũng theo vị luật sư này, điều 5 Luật Đất đai 2013 quy định, người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của luật này, bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Để tránh trường hợp người nước ngoài lách luật sở hữu quyền sử dụng đất ở trong nước, luật sư Sương cho rằng, với việc mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam, trong trường hợp dự án có sử dụng đất, cần phải yêu cầu các cơ quan đăng ký đầu tư tổ chức thẩm định phải lấy thêm ý kiến các bộ, ngành và cơ quan liên quan…
(Còn nữa)
“Trường hợp của Công ty TNHH VN.Holiday, họ được nhận chuyển nhượng các cổ phần bằng đất của các cá nhân, doanh nghiệp trong nước. Điều này có nghĩa là họ đương nhiên trở thành chủ sở hữu các dự án và sử dụng đất mà không phải qua thẩm định của cơ quan chức năng, và không phải làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”, luật sư Nguyễn Thị Sương cho hay.
Theo danviet
Đà Nẵng thông tin chi tiết về 21 lô đất có người Trung Quốc góp vốn
Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng khẳng định việc các cá nhân Trung Quốc góp vốn vào doanh nghiệp để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là đúng pháp luật.
Tối 20/9, ông Tô Văn Hùng (Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng) ký thông cáo gửi các cơ quan báo chí, đồng thời gửi đến Thường trực Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố (thay cho báo cáo), về thông tin Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có liên quan đến yếu tố nước ngoài.
Thông cáo nêu, có hai doanh nghiệp có cá nhân là người nước ngoài tham gia góp vốn theo hình thức sở hữu cổ phiếu, cổ phần trong doanh nghiệp, được cho thuê đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ tổ chức, cá nhân trong nước.
Lô đất 20ha ven sân bay Nước Mặn đã được xây dựng khu Giải trí quốc tế đặc biệt Silver Shoes Hoàng Đạt. Ảnh: Nguyễn Đông.
Trong đó, một lô diện tích 20 ha tại phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn được UBND TP Đà Nẵng cho Công ty liên doanh Du lịch và Giải trí quốc tế đặc biệt Silver Shoes Hoàng Đạt (thành lập tháng 6/2006 theo giấy phép Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thuê trong thời gian 50 năm.
Doanh nghiệp này do Công ty cổ phần Hoàng Đạt góp vốn 10%. Bên nước ngoài là Công ty TNHH Siver Shoes (có trụ sở tại Mỹ, do ông Sui Gui Nan, quốc tịch Trung Quốc đại diện), góp vốn 90%. UBND TP Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp này từ tháng 3/2007.
20 lô đất còn lại được các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam chuyển nhượng cho Công ty TNHH Thương mại, Du lịch và dịch vụ V.N. Holiday (Công ty Holiday). Đây là doanh nghiệp Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài với giá trị phần vốn góp 48% từ cá nhân Li Ji Nan (quốc tịch Trung Quốc).
Vị trí 20 lô đất là vệt khai thác quỹ đất 25m dọc tường rào sân bay Nước Mặn, đã được Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thời điểm từ 2013 đến 2015.
Dẫn khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư năm 2005, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết, theo quy định thì nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện như nhà đầu tư trong nước nếu sở hữu từ 49% trở xuống trong tổng vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Việc Công ty Holiday nhận chuyển nhượng 20 lô đất này được thực hiện trước ngày 1/7/2015 (ngày Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực), nên cơ quan chức năng áp dụng điều kiện đầu tư như nhà đầu tư trong nước, trong đó có "quyền được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất" theo quy định tại khoản 1 Điều 169 Luật Đất đai năm 2013.
Ông Tô Văn Hùng khẳng định, đến thời điểm hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho bất kỳ cá nhân nào là người nước ngoài.
Thông cáo báo chí không nêu cụ thể diện tích 20 lô đất còn lại, cũng như đánh giá việc 21 lô đất có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng hay không, vì Nước Mặn là sân bay quân sự ven biển.
Ngày 20/9, Ông Mai Văn Phấn, Tổng Cục phó Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, sau khi nhận được thông tin từ báo chí Tổng cục đã cử một đoàn cán bộ vào Đà Nẵng để xác minh, một số hồ sơ liên quan đã được chuyển ra Hà Nội để kiểm.
"Sau khi xem xét có thể thấy là lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng đã hiểu sai bản chất. Pháp nhân trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn là một công ty đăng ký kinh doanh có pháp nhân Việt Nam. Nhưng theo luật Đầu tư và thực tế kiểm tra cho thấy trong các công ty đó có những thành viên, trong các thành viên có một đối tượng người nước ngoài chứ không phải giấy sử dụng đất mang tên người nước ngoài", ông Phấn nói.
Trao đổi với VnExpress, Đại tá Trương Chí Lăng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng, cho biết sân bay quân sự Nước Mặn có vai trò quan trọng về phòng thủ của Đà Nẵng. Diện tích sân bay trước đây lớn, sau này Bộ Quốc phòng có nhượng bớt một phần đất cho thành phố mở đường. "Bây giờ sân bay vẫn đang có giá trị về quốc phòng nên cần rà soát, cân nhắc".
Với 21 lô đất thành phố đã cấp cho các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, ông Lăng nói câu chuyện này "có tính lịch sử". Trước đây thành phố không làm theo quy trình xin ý kiến đơn vị quốc phòng đóng trên địa bàn trước khi cấp hoặc chuyển nhượng cho doanh nghiệp nên nhiều trường hợp cấp đất nhưng Bộ Chỉ huy quân sự thành phố không nắm được.
"Thành phố có hỏi thì mình mới có ý kiến, còn không hỏi thì chúng tôi không nắm được", ông Lăng nói. Sau này, UBND thành phố đã rút kinh nghiệm. Khi chuẩn bị cấp giấy phép cho Công ty liên doanh Du lịch và Giải trí quốc tế đặc biệt Silver Shoes Hoàng Đạt làm khu nhà ở cho công nhân tại vị trí khu đất giáp sân bay, Bộ Chỉ huy quân sự đã không đồng ý.
Luật sư Đỗ Pháp (Đà Nẵng), cho biết việc thành phố chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp có vốn nước ngoài là bình thường, nhưng đây cũng là một trong những trường hợp lách luật. Ông nói: "Pháp luật hiện tại đang có nhiều kẽ hở, nếu doanh nghiệp đủ điều kiện mà Sở Tài nguyên và Môi trường không cấp thì lại thành sai".
Theo ông, Trung Ương phải có những chủ trương, chính sách nhất quán, công khai, minh bạch để các địa phương thực hiện. Hiện tại có quá nhiều luật chuyên ngành, khi áp dụng thì lại chệch Luật Đất đai.
"21 lô đất mà Đà Nẵng đã cấp cho doanh nghiệp có yêu tố nước ngoài ngoài kẽ hở của pháp luật còn có sự tiếp tay từ người Việt. Bởi nếu không có người Việt được nhờ đứng tên thì rất khó để một doanh nghiệp có thêm gom được cùng lúc 20 lô đất liền bên sân bay quân sự để nhận chuyển quyền sử dụng đất", ông Pháp nói.
Luật sư Đỗ Pháp cho biết, ba năm trước ông đã cảnh báo việc người Việt được người nước ngoài nhờ đứng tên dùm mua đất ven sân bay Nước Mặn. Cơ quan chức năng khi cấp đất ở những khu vực nhạy cảm cần làm rõ người mua đất có thực sự có năng lực tài chính hay không. Tuy nhiên những cảnh báo này đã không được lắng nghe và có biện pháp ngăn chặn, nên bây giờ "gạo đã nấu thành cơm".
Theo Nguyễn Đông (VnExpress)
Củ đen xì, xấu xí không được để ý ở Việt Nam rất được ưa thích ở TQ Mặc dù có hình dạng xấu xí với bề ngoài đen xì nhưng loại củ này rất được người Trung Quốc ưa chuộng. Đặc biệt với chị em Trung Quốc, loại củ này còn là "thần dược" làm đẹp giúp giảm cân lành mạnh. Hạt dẻ nước (củ ấu) là một trong những món ăn vặt được trẻ em Trung Quốc yêu thích...