Loạn thị trường thuốc thú y thủy sản: “Mê hồn trận” các loại thuốc
Hàng trăm loại thuốc thú y, chất xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản đang lưu hành trên thị trường, nhưng thông tin về chất lượng lại mù mờ, nhiều loại không nhãn mác, không hạn sử dụng… Hệ quả là người nuôi trồng thủy sản lãnh đủ.
LTS: Tổng cục Thủy sản đã công bố danh sách 139 doanh nghiệp bị thu hồi sản phẩm trong lĩnh vực thủy sản. Đáng chú ý, trong danh sách này có những tên tuổi lớn như Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH Tiệp Phát, Công ty TNHH Khoa kỹ sinh vật Thăng Long, Công ty TNHH Thủy sản Toàn cầu…Từ đây, chất lượng những sản phẩm phục vụ cho nuôi trồng thủy sản phần nào được lộ rõ. Loạt bài “Bát nháo thị trường thuốc thú y thủy sản” sẽ làm rõ những hậu quả mà người nông dân phải gánh chịu khi sử dụng sản phẩm không đạt chất lượng.
Tiếp thị tận ao
Từ huyện Bình Chánh (TP.HCM), bà Huỳnh Thị Mỹ Vân chuyển xuống vùng Tân Tập (huyện Cần Giuộc, Long An) thuê đất nuôi tôm đã được 2 năm nay. Bà kể, thâm canh mỗi năm 2 vụ, việc chọn mua các sản phẩm thú y thủy sản để xử lý ao nuôi, rồi phòng dịch, bệnh cho tôm luôn làm bà “nhức đầu”.
Video đang HOT
Nông dân Cần Giờ (TP.HCM) kiểm tra ao nuôi tôm trước vụ thả tôm giống mới. Ảnh: T.L
Thời gian đầu mới vào nghề, bà như bị lạc vào “mê hồn trận” thị trường thuốc thú y thủy sản. Có đến hàng trăm loại được bày bán tại các cửa hàng, đại lý phân phối gần nhà. Do chưa quen, chưa hiểu rõ từng sản phẩm nên để an tâm, bà chọn mua các sản phẩm của những thương hiệu lớn như Bayer, Intron Life Siences Việt Nam, C.P Việt Nam…
Bà Vân cho biết, hàng ngày, nhất là những thời điểm nhạy cảm, tôm mới thả hoặc có dấu hiệu nhiễm bệnh, rất nhiều nhân viên kinh doanh, tư vấn viên của các doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y thủy sản đến tận ao nuôi để giới thiệu sản phẩm.
Thông tin từ Cục Thú y, hiện có khoảng 853 sản phẩm thuốc thú y thủy sản đăng ký lưu hành trên toàn quốc. Trong đó, có 68 nhà sản xuất trong nước, sản xuất ra khoảng 734 sản phẩm nhưng chỉ có 31 cơ sở đạt chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt). Thuốc nhập khẩu có 37 đơn vị kinh doanh với khoảng 119 sản phẩm.
Mới đây, khi thông tin có hơn 800 sản phẩm thuốc thú y, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản bị cơ quan chức năng thu hồi, bà đứng ngồi không yên. Đem chuyện hỏi nhân viên tiếp thị của Hãng Intro Life Siences Việt Nam thì được giải thích rằng, có một số sản phẩm của công ty trên thị trường bị “lỗi kỹ thuật, phải thu hồi”. Thế nhưng, “một số” là những sản phẩm nào, “lỗi kỹ thuật” là gì thì bà vẫn chưa biết.
Khảo sát của phóng viên NTNN cho thấy, tại một số vùng trọng điểm nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL như thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang), thị trấn Mỹ Thọ (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), thị trấn Bình Đại (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre)… các cửa hàng, đại lý thuốc thú y thủy sản nằm san sát nhau.
Được hỏi tình hình nuôi tôm, cá, anh Nguyễn Văn Tiền (ngụ thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) đưa ra một sản phẩm xử lý ao nuôi, hấp thụ khí độc đáy ao nhưng không có tem nhãn lẫn mã vạch để đối chứng, cho biết, đó là sản phẩm nhân viên tiếp thị vừa đem giới thiệu trực tiếp đến anh tại ao nuôi của gia đình.
“Có quá nhiều sản phẩm trên thị trường. Dù cùng chức năng, thậm chí cùng tỷ lệ, thành phần nhưng dùng một thời gian thấy không tác dụng thì đành chuyển sang tìm mua sản phẩm khác thay thế” – anh Tiền nói.
Nhắm mắt làm liều
Cũng như nhiều hộ nuôi tôm khác ở khu vực Tiền Giang, Bến Tre, anh Tiền đang phải “vật lộn” với bệnh phân trắng. Được một số tiếp viên giới thiệu, anh Tiền sử dụng loại thuốc trị bệnh của một doanh nghiệp có địa chỉ tại TP.HCM, thế nhưng tình trạng bệnh tôm ngày càng nặng. Mới đây, anh đành phải đổi thuốc khác.
Cùng một sản phẩm thuốc thú y, nhưng mỗi đại lý lại bán mỗi giá khác nhau. ảnh: T.L.
Anh cho biết, mỗi lần tôm bệnh, ra đại lý được họ giới thiệu một loại khác nhau. Nhìn bao bì thì các hoạt chất, thành phần cũng tương tự nhau, nhưng khi sử dụng thì… hên xui.
“Mà ao tôm trị giá mấy chục triệu đồng, chỉ mong mau trị bệnh, cứu vãn tình hình càng sớm càng tốt nên thuốc nào đại lý nói tốt thì cứ xài thử thôi, không hết thì vài bữa lại đổi thuốc khác. Đổi tới khi nào thấy có tác dụng thì thôi”- anh lắc đầu ngao ngán. “Bao bì sản phẩm ghi chất gì biết chất đó. Bỏ tiền mua sản phẩm, thả xuống ao rồi thì chỉ biết ngồi chờ. Tới hồi thu hoạch mới biết tôm bị dư lượng kháng sinh, cũng đành chịu thiệt”.
Ông Trần Văn Tâm – một hộ nuôi tôm ở xã An Thới Đông (huyện Cần Giờ, TP.HCM) cho biết, nếu nông dân mua được sản phẩm trực tiếp từ nhà máy sản xuất thì mức độ đảm bảo về chất lượng cao hơn, giá thành cũng ổn định hơn. Ngặt nỗi, nhà máy chỉ bán số lượng lớn. Chưa hết, cũng giống như thuốc y tế dùng cho người, thuốc thú y thủy sản không được niêm yết giá. Cùng một sản phẩm nhưng mỗi đại lý bán mỗi giá.
“Vì làm nông thua lỗ liên tục nên chúng tôi phải mua nợ vật tư nông nghiệp. Cứ lấy sản phẩm về dùng trước rồi ghi sổ nợ. Nợ sau chồng lên nợ trước, đợi khi nào được mùa mới trả lại. Cũng có lúc mua sản phẩm biết chắc nó là thuốc có kháng sinh cấm lưu hành hoặc hạn chế sử dụng nhưng vì tình thế bắt buộc, vẫn phải dùng” – anh Tâm chua chát nói.
Theo Danviet