Loại thuốc nào gây biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân sốt xuất huyết?
Nhiều người bị sốt xuất huyết nhưng không biết nên tự đi mua thuốc không đúng về uống, gây xuất huyết nặng, thậm chí dẫn tới tử vong.
Khi bị sốt xuất huyết người bệnh sẽ có triệu chứng: Sốt cao; nhức đầu; đau cơ, khớp… rất dễ nhầm lẫn với triệu chứng của cảm cúm, viêm họng, sốt phát ban nên người bệnh thường tự mua thuốc về uống. Việc dùng không đúng thuốc sẽ gây xuất huyết nặng và có thể dẫn tới tử vong.
Chỉ dùng paracetamol
Khi có dấu hiệu sốt, người bệnh có thể tự uống thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc hạ sốt được khuyến cáo chỉ sử dụng paracetamol. Đặc biệt, trong thời điểm dịch sốt xuất huyết xuất hiện nếu có dấu hiệu sốt cao cũng chú ý chỉ dùng loại thuốc hạ sốt này.
Bệnh nhân sốt xuất huyết chỉ được uống paracemol theo đúng chỉ định.
Cách 4-6 giờ mới được dùng thuốc một lần. Không được dùng ngắn hơn khoảng cách này hoặc tự ý tăng liều thuốc (vì trong sốt xuất huyết sốt cao thường khó hạ, nhất là những ngày đầu, người bệnh thường sốt ruột tự ý tăng liều thuốc bằng cách uống thêm liều hoặc vừa uống vừa đặt hậu môn) dẫn đến quá liều.
Paracetamol tương đối không độc với liều điều trị nhưng khi quá liều sẽ gây hại gan (ngộ độc, làm tổn thương gan, suy giảm chức năng gan). Khi bị suy giảm chức năng gan sẽ làm nặng thêm tình trạng rối loạn đông máu, càng làm cho xuất huyết thêm trầm trọng.
Không được uống rượu khi dùng thuốc, vì rượu sẽ làm tăng tác dụng có hại trên gan của paracetamol. Ngoài uống thuốc cần nới lỏng quần áo và lau mát cơ thể bằng nước ấm.
Tuyệt đối không dùng aspirin hay ibuprofen
Aspirin là thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm không steroid, nhưng lại là thuốc có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu. Chính vì tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu, chống đông máu nên thuốc không được dùng cho người có bệnh ưa chảy máu hoặc có nguy cơ chảy máu như sốt xuất huyết.
Video đang HOT
Tuyệt đối cấm dùng aspirin cho bệnh nhân sốt xuất huyết.
Nếu dùng aspirin sẽ làm cho nguy cơ chảy máu tăng lên, làm cho việc xuất huyết không cầm được, sự rối loạn đông máu càng trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày, nội tạng, nguy hiểm đến tính mạng. Không chỉ gây nguy hiểm cho bệnh mà người bệnh còn có nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc, ví dụ như: Buồn nôn, nôn, khó tiêu, khó chịu ở thượng vị, ợ nóng, đau dạ dày, loét dạ dày – ruột…
Đối với trẻ em, khi dùng thuốc này còn gây hội chứng Reye ở trẻ. Hội chứng Reye là một bệnh có liên quan trực tiếp đến não và gan… sẽ gây ra hiện tượng phù não, thoái hóa tế bào thần kinh não, suy gan… Bệnh bắt đầu với triệu chứng thở nhanh và lượng đường trong máu thấp, nôn mửa, thậm chí co giật hoặc hôn mê.
Ngoài aspirin thì tất cả các kháng viêm không steroid đều có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu (tuy mức độ không mạnh như aspirin) nhưng cũng không có lợi trong bệnh sốt xuất huyết. Trên thị trường có một số sản phẩm phối hợp chữa cảm cúm, làm giảm đau có chứa kháng viêm không steroid như là ibuprofen, diclofenac… Vì vậy, người bệnh cần lưu ý đọc kỹ thành phần của thuốc hoặc hỏi dược sĩ, bác sĩ để tránh dùng phải các thuốc trên.
Hãy đưa người bệnh đến khám bệnh hàng ngày và bất cứ khi nào có dấu hiệu khác thường như: Lừ đừ, ói nhiều, đau bụng nhiều, chảy máu nhiều, tay chân mát lạnh. Chẩn đoán sớm, đưa người bệnh đến bệnh viện kịp thời thì điều trị sốt xuất huyết sẽ đạt kết quả tốt nhất.
Minh Khôi
Theo ĐSPL
Những sai lầm khi điều trị sốt xuất huyết cần tránh
Sốt xuất huyết đang diễn biến khó lường với số ca mắc và tử vong tăng cao. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia y tế hiện có tình trạng người bệnh đến cơ sở y tế khi đã muộn hoặc tự ý điều trị bệnh dẫn đến tác hại khôn lường.
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue gây nên, trong giai đoạn đầu, một số biểu hiện của bệnh dễ nhầm lẫn với cảm cúm, sốt phát ban và bệnh do sốt vi rút khác nên nhiều bệnh nhân thường chủ quan tự điều trị tại nhà.
Sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây bệnh, không phải vi khuẩn nên kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng, ngoài ra khi uống có thể làm người bệnh mệt hơn.
Sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau sai
Có rất nhiều loại thuốc có tác dụng hạ sốt, giảm đau, trong đó paracetamol và các biệt dược của paracetamol là thuốc được khuyến cáo dùng để hạ sốt, giảm đau trong điều trị sốt xuất huyết.
Song do tự ý điều trị, nhiều người bệnh đã dùng những thuốc hạ sốt, giảm đau có chống chỉ định với bệnh sốt xuất huyết như aspirin, mefenamic acid, ibuprofen... Mặc dù những thuốc này có chức năng hạ sốt nhưng lại có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu, chống đông máu. Khi dùng để điều trị sốt xuất huyết sẽ gây kích ứng xuất huyết dạ dày dữ dội, giảm tiểu cầu, khó cầm máu khi bị xuất huyết, có thể rối loạn đông máu và đe dọa đến tính mạng.
Bên cạnh việc uống không đúng loại thuốc hạ sốt, giảm đau, tình trạng uống quá liều cũng là sai lầm thường gặp. Thuốc hạ sốt, giảm đau paracetamol tương đối an toàn với liều điều trị, nhưng khi uống với số lượng lớn sẽ gây tổn thương gan suy giảm chức năng gan, ngộ độc gan...
Giai đoạn đầu, người bị sốt xuất huyết thường sốt rất cao, khó hạ nên một số người bệnh đã tự ý uống hạ sốt paracetamol nhiều lần so với chỉ định của thuốc hoặc tăng liều trong mỗi lần uống dẫn đến quá liều.
Dùng thuốc kháng sinh
Sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây bệnh, không phải vi khuẩn nên kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng, ngoài ra khi uống có thể làm người bệnh mệt hơn.
Không vệ sinh, tắm rửa
Nhiều bệnh nhân kiêng không tắm rửa vì nghĩ tắm sẽ khiến bệnh nặng hơn. Thực tế, bệnh nhân vẫn nên tắm nước ấm trong phòng kín gió để giữ vệ sinh thân thể. Đồng thời, trong giai đoạn sốt, tắm nước ấm cũng là cách hạ sốt không dùng thuốc.
Chủ quan do không biết bệnh sốt xuất huyết có thể mắc nhiều lần
Nhiều người nghĩ đã bị sốt xuất huyết rồi sẽ không bị lại. Thực tế, sốt xuất huyết có 4 týp vi rút gây bệnh, người đã bị sốt xuất huyết vẫn có thể bị lần tiếp theo khi nhiễm týp vi rút khác lần trước, và thường lần mắc sau sẽ nặng hơn lần mắc trước. Cho nên một người đã từng mắc sốt xuất huyết dưới 4 lần vẫn cần phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết như những người chưa mắc.
Truyền dịch tuỳ tiện
Bệnh sốt xuất huyết có 3 giai đoạn, giai đoạn sốt cao (2-3 ngày đầu của bệnh), giai đoạn nguy hiểm (4- 6 ngày tiếp theo) và giai đoạn hồi phục (từ ngày thứ 7 trở đi). Việc chỉ định truyền dịch, truyền nước trong sốt xuất huyết phải căn cứ vào từng giai đoạn và mức độ cụ thể của từng người bệnh.
Giai đoạn sốt cao, tốt nhất nên bổ sung nước bằng cách uống oresol hoặc nước hoa quả. Giai đoạn nguy hiểm, truyền dịch như thế nào hay không truyền sẽ tuỳ thuộc vào tình trạng của từng người bệnh. Giai đoạn hồi phục cơ thể sẽ tái hấp thu dịch do giai đoạn nguy hiểm có hiện tượng thoát huyết tương ra khỏi lòng mạch. Việc truyền dịch tuỳ tiện nhất là trong giai đoạn hồi phục rất nguy hiểm vì có thể gây thừa dịch, phù phổi hoặc suy tim.
Pha, uống oresol không đúng hướng dẫn
Bệnh nhân sốt xuất huyết được khuyến cáo cần uống nhiều nước oresol, nước trái cây... Nhiều người phạm lỗi pha oresol không đúng liều lượng, do hiểu oresol là thuốc, chỉ cần đưa được vào cơ thể là đủ nên đã pha ít nước hơn so với hướng dẫn mà không biết rằng như vậy sẽ dẫn tới rối loạn nước điện giải cho cơ thể.
Lại có trường hợp, bệnh nhân uống ít nước, oresol trong giai đoạn sốt nhưng lại bổ sung quá nhiều trong giai đoạn hết sốt gây thừa nước cũng có thể dẫn đến phù phổi cấp.
Cạo gió
Một số người thường hay cạo gió khi cảm cúm. Sốt xuất huyết cũng có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với cảm cúm nên nhiều người đã cạo gió khi bị bệnh. Việc làm này khiến cho người bệnh bị bầm da, ra máu khó cầm hoặc nhiễm trùng huyết từ vết xước do dụng cụ cạo gió.
D.Ngân
Theo baohaiquan
Điều trị sốt xuất huyết tại nhà cần lưu ý gì? Bệnh nhân cần tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc sử dụng thuốc, tránh dùng thuốc hạ sốt dồn dập quá liều. Ảnh minh họa Hỏi: Con gái tôi có những dấu hiệu đầu tiên về sốt xuất huyết, tôi cho cháu tự điều trị tại nhà. Mong bác sĩ tư vấn cách chăm sóc sao cho phù hợp....