Loài sâm quý ở Lai Châu, vô tình thấy 1 củ bán 450 triệu đồng
Sau khi một số người dân ở bản Ngài Thầu Cao (xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) tìm được nhiều củ sâm tự nhiên quý, hiếm với hàng chục năm tuổi có giá từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, các hộ đã tự trồng hơn 2.000 cây sâm ở khu rừng già của bản.
Sau gần 30 phút ngược dốc, chúng tôi cũng đến được bản Ngài Thầu Cao nằm cheo leo lưng chừng núi. Tiếp chuyện chúng tôi, anh Cứ A Châu – Bí thư Chi bộ bản kể: Từ đầu năm đến nay, nhiều người dân trong bản tìm được củ sâm tự nhiên ở rừng già có giá vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.
Theo anh Cứ A Châu, tậm chí chuyện hộ dân tìm được củ sâm nặng từ 400 đến 600 gram có giá từ 10 – 30 triệu đồng không còn lạ lẫm với dân bản. Đây là giống sâm tự nhiên, có tuổi đời cao nên dễ bán, khách hàng thường đến tận bản thu mua khi có hộ gọi điện thông báo.
Khách hàng xem củ sâm Lai Châu của anh Lù A Giao ở bản Ngài Thầu Cao (xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu).
Tìm hiểu chúng tôi được biết, ngày 4/5/2019, anh Lù A Giao may mắn tìm được 1 củ sâm tự nhiên to và đẹp nhất từ trước đến nay ở khu rừng già của bản. Bởi dựa vào các mắt trên củ sâm, bà con trong bản nhận định cây sâm có thể đạt hơn 70 năm tuổi.
Anh Giao nhờ đồng chí Bí thư chi bộ, Trưởng, Phó bản định giá và bán củ sâm cho 3 khách hàng ở thị trấn huyện Tam Đường với giá 450 triệu đồng.
Sau đó không lâu (trong tháng 7/2019), anh Cứ A Đề tìm được 1 củ sâm tự nhiên nặng 1,1kg có 2 nhánh củ nhỏ, 1 nhánh củ to, nhìn rất độc và lạ. Do vậy, khách hàng lên tận nhà thu mua với giá 160 triệu đồng. Theo anh Đề, khách mua sâm chủ yếu làm nguyên liệu thuốc bắc và sử dụng bồi bổ cơ thể.
Có những cánh rừng già rộng lớn, được bảo vệ tốt nên xuất hiện nhiều loại dược liệu quý. Nhờ đó, Nhân dân bản Ngài Thầu Cao đã có thu nhập từ khai thác sâm từ tự nhiên. Khai thác lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, từ đầu năm đến nay, nhiều người dân trong bản nhân giống và trồng giống sâm này tại rừng già.
Video đang HOT
Theo đó, bà con tìm những cây sâm tự nhiên có trọng lượng từ 200 gram trở xuống trồng tập trung vào một khu. Khi sâm ra hoa, kết quả, bà con phơi khô hạt, làm đất và gieo trồng. Đến nay, bản trồng được hơn 2.000 cây sâm.
Tiêu biểu là gia đình anh Cứ A Lứ trồng, chăm sóc 300 cây sâm ở cánh rừng cách bản 5km. Đây là nỗ lực lớn của cả gia đình bởi mất rất nhiều thời gian để tìm, gom và ươm giống.
Gia đình anh Lù A Chiếu cũng đang chăm sóc hơn 70 cây sâm, trong đó có 10 cây từ 6 – 7 năm tuổi. Dự kiến năm 2025, anh sẽ có 20 củ sâm được xuất bán. Anh Chiếu rất mong tỉnh, huyện hỗ trợ cây giống, bởi sâm Lai Châu tự nhiên ít hạt giống, 1 hạt trị giá 100 nghìn đồng.
Ngoài sâm, dân bản còn tích cực bảo tồn một số cây dược liệu quý trong rừng như: thất diệp nhất chi hoa, tam thất đỏ. Cây dược liệu trên đất Ngài Thầu Cao sinh trưởng, phát triển tốt. Bà con đã biết bảo vệ để cây đến tuổi mới khai thác (bán củ); nhân giống, mở rộng diện tích hàng năm.
Đồng chí Đỗ Trọng Thi – Bí thư Đảng ủy xã Khun Há nhấn mạnh: “Thời gian gần đây, bà con bản Ngài Thầu Cao tự trồng sâm Lai Châu. Đây là cây dược liệu phù hợp với điều kiện khí hậu mát mẻ của địa phương. Mặc dù, sâm tự nhiên ít hoa, quả giống nên việc nhân giống chậm nhưng ít sâu bệnh, sinh trưởng tốt. Đây là hướng phát triển kinh tế mới cho bà con nơi đây”.
Nếu chỉ với nỗ lực bảo tồn, phát triển giống sâm Lai Châu của bà con bản Ngài Thầu Cao (xã Khun Há) thực sự chưa đủ để khai thác triệt để lợi thế về tiềm năng cây dược liệu nơi đây, do vậy rất cần sự quan tâm quy hoạch, hỗ trợ của ngành Nông nghiệp tỉnh.
Theo Thu Minh (Báo Lai Châu)
Lai Châu: Đất của tỉnh giao cho công ty trồng rừng bị đem bán
Gần 20ha đất để trồng rừng phòng hộ và rừng sản xuất tại huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu bị một số cá nhân tự cho là đất nông nghiệp thu gom được từ người dân rồi đem bán, thu lợi hàng tỷ đồng.
Mua phải đất rừng sản xuất...
Mới đây anh Nguyễn Thanh Tùng (trú tại bản Xéo Sin Chải, xã San Thàng, TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu) có đơn thư gửi đến các cơ quan chức năng tố cáo nhóm 4 người thường trú ở huyện Tam Đường và TP Lai Châu có hành vi lừa đảo trong việc bán đất trồng rừng tại huyện Tân Uyên.
Anh Tùng trình bày, do có nhu cầu mua đất để trồng chè nên tháng 3/2018 anh đã làm hợp đồng mua 17ha đất có giá 1,7 tỷ đồng tại bản Hô Bon, xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu với ông Nguyễn Văn Nghĩa, bà Nguyễn Thị Hạnh, ông Phong Anh Quân và bà Nguyễn Thị Hương.
Đất trồng rừng tại xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên do UBND tỉnh Lai Châu giao cho Công ty Minh Sơn.
Sau khi làm hợp đồng anh Tùng đã chuyển số tiền hơn 1,5 tỷ đồng vào tài khoản của ông Phong Anh Quân để mua đất, còn lại sẽ trả khi hoàn tất các thủ tục mua bán. Trước đó anh Tùng đã đặt cọc 70 triệu đồng với ông Nghĩa, bà Hạnh và bà Hương, có ký xác nhận các bên.
Quá trình làm hợp đồng những người trên đều khẳng định rằng diện tích đất 17ha này là đất nông nghiệp và đất trồng cây lâu năm thu gom lại từ người dân, muốn bán lại. Để tạo niềm tin, anh Tùng còn được cung cấp một bản Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất đứng tên ông Nghĩa được chuyển nhượng từ hộ ông Sùng A Phủ. Bản hợp đồng này còn ghi đất tự khai hoang và được chứng thực bởi UBND xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên.
Mặc dù hợp đồng mua bán đất cho anh Tùng chỉ có ông Nghĩa và bà Hạnh đứng tên, nhưng trong quá trình từ khi tìm hiểu để mua đất cho đến khi ký kết hợp đồng đều có sự chứng kiến của các bên. Các giao dịch mua bán anh Tùng đều thỏa thuận với ông Quân, bà Hương cùng ông Nghĩa, bà Hạnh. Trong đó, ông Quân đã nhiều lần dẫn anh Tùng đi xem đất.
Điều đáng nói khi làm hợp đồng mua đất, ông Quân luôn khẳng định sẽ làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh Tùng. Thế nhưng, sau một thời gian dài chờ đợi không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lại phát hiện diện tích đất mua đang có tranh chấp, không đủ như trong hợp đồng, anh Tùng đã lên UBND huyện Tân Uyên hỏi và được biết, toàn bộ diện tích đất anh mua đều là đất rừng sản xuất...
Dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Sau khi tiếp nhận đơn thư, phóng viên đã về địa phương để tìm hiểu, về nguồn gốc đất, chúng tôi đã có buổi làm việc với Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Lai Châu và UBND huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.
Tại đây chúng tôi được cung cấp bản đồ đất rừng kèm theo Quyết định số 238/QĐ-UBND, ngày 6/3/2009 của UBND tỉnh Lai Châu về việc cho phép Công ty Cổ phần Minh Sơn (Công ty Minh Sơn) thuê đất thực hiện dự án: Đầu tư trồng rừng phòng hộ và rừng sản xuất tại địa bàn các xã Phúc Khoa, Mường Khoa, huyện Tân Uyên...Tổng diện tích là 5.140,2ha; thời hạn cho thuê 50 năm.
Ông Đỗ Đình Định, Phó trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Tân Uyên cho biết: Vừa qua chúng tôi đã kết hợp cùng một số đơn vị xuống kiểm tra thực địa, qua đo đạc ban đầu bằng thiết bị GPS cầm tay cho thấy, toàn bộ số đất anh Nguyễn Thanh Tùng mua đều là đất của UBND tỉnh Lai Châu giao cho Công ty Minh Sơn trồng rừng sản xuất.
Trong buổi làm việc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Lai Châu, ông Vũ Minh Thức, Trưởng phòng Quản lý đất đai Đo đạc bản đồ, cho biết: Đất là do UBND tỉnh giao cho Công Minh Sơn tại Quyết định số 238, thời hạn là 50 năm. Hiện UBND tỉnh và các sở, ngành đang điều chỉnh dự án, do vậy đất vẫn của Công ty Minh Sơn.
Khi được hỏi về việc vì sao UBND xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên chứng thực cho việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ ông Nguyễn Văn Nghĩa với hộ ông Sùng A Phủ ở vị trí đất trồng rừng, ông Thức cho biết, UBND xã Phúc Khoa đã làm sai nguyên tắc, bởi khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 66, Nghị định 84 năm 2007, người sử dụng đất phải có Giấy chứng nhận mới được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất...
Trước đó, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Tân Uyên từng nhận được hồ sơ đề nghị đăng kí, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Sùng A Phủ với diện tích 17ha, tại vị trí đất anh Tùng đã mua. Ngày 7/3/2018, Phòng Tài nguyên & Môi trường trả lời, sau khi thẩm định hồ sơ, vi trí đất trên đã được UBND tỉnh Lai Châu cho Công ty Minh Sơn thuê đất tại Quyết định số 238/QĐ-UBND; UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Minh Sơn. Do đó hồ sơ đề nghị đăng kí, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Phủ không đủ điều kiện.
Một số cá nhân tự cho rằng đất rừng là đất nông nghiệp rồi đem bán.
Trao đổi với chúng tôi anh Nguyễn Thanh Tùng cho biết: "Những người bán đất cho tôi đều là cán bộ y tế, vì tin tưởng lại cần đất để sản xuất nên tôi đã không ngần ngại bỏ số tiền gần 2 tỷ để mua đất. Sau khi phát hiện mua phải đất rừng tôi đã đòi lại số tiền trên nhưng không được. Mọi giao dịch mua đất tôi đều thực hiện với vợ chồng ông Nguyễn Văn Nghĩa, bà Nguyễn Thị Hạnh đang công tác tại Trung tâm Y tế huyện Tam Đường; bà Nguyễn Thị Hương là Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Đường; ông Phong Anh Quân, công tác tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai Châu".
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.Văn Hoàng
Theo congly.vn
Tổ chức mạnh nhờ kiên quyết khắc phục điểm yếu Đó là quyết tâm chính trị, đồng thời cũng là cách làm hiệu quả mà cấp ủy, chi bộ các cơ quan, đơn vị trực thuộc Đảng bộ Quân sự tỉnh Vĩnh Phúc triển khai thực hiện những năm gần đây. Đây cũng là chủ trương Đảng bộ Quân sự tỉnh cụ thể hóa nội dung Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII...