Loại quả cổ tích đắt đỏ xuất hiện sang chảnh trong gia đình Hà thành
Xuất hiện trong chuyện cổ tích Tấm Cám, là thức quả quen thuộc ở làng quê Việt mỗi độ thu sang, nhưng khi vào các cửa hàng ở Hà Nội, thị bỗng trở thành loại quả sang chảnh, có giá bán vô cùng đắt đỏ.
Thế hệ 7X, 8X sống ở các vùng nông thôn có lẽ chẳng lạ gì với những quả thị nhỏ bằng nắm tay, màu vàng ươm, căng mịn. Dù nhiều người cho rằng ăn quả thị không ngon vì có vị hơi ngọt, xen lẫn vị chát, nhưng chúng lại có mùi thơm phức nên mọi người thường mua thị về để thắp hương hoặc chơi chứ không ăn.
Loại quả này tương đối phổ biến ở vùng quê nên có giá khá rẻ. Song, thay bằng bán theo cân, thị được bán theo chục (10 quả) giá chỉ dao động từ 10.000-15.000 đồng/chục. Vào thời kỳ thị chín rộ, giá sẽ giảm xuống chỉ còn vài ngàn đồng mỗi chục, thậm chí có thể xin về để ngửi chơi.
Thị – loại quả khá phổ biến ở vùng quê Việt nhưng lại là hàng hiếm ở Hà thành.
Ở Hà Nội, thị thuộc loại quả sang chảnh, khá hiếm. Ngoài chợ, thị có kích thước nhỏ bằng quả mận hậu được bán với giá 3.500-6.000 đồng/quả, loại thị to bằng nắm tay có giá 10.000-15.000 đồng/quả.
Đáng chú ý, để phục vụ giới nhà giàu sang chảnh, một số nơi còn bán set thị để trong giỏ mắt cáo với giá 150.000 đồng/set, thị để trong giỏ mây được bán với giá 200.000 đồng/set. Mỗi set thị này có từ 5-10 quả thị tùy loại.
Cầm 3 quả thị nhỏ xíu để vào lòng bàn tay, chị Nguyễn Thị Thảo Nguyên ở Trần Cung (Cầu Giấy, Hà Nội) nói: “3 quả thị nhỏ xíu thế này nhưng tôi phải mua với giá 20.000 đồng đấy”.
Chị chia sẻ, chị là người rất thích mùi thơm của thị, khi ngửi có cảm giác rất dễ chịu nên mùa thị năm nào chị cũng tìm mua về để trong phòng khách cho thơm.
Video đang HOT
“Những quả thị chín vàng nhưng cứng như thế này phải để chơi được cả tuần mới hỏng. Thế nên, mỗi tuần tôi chỉ mua một lần, mỗi lần 3-5 quả”. Song, chị Nguyên cũng thừa nhận, thị ở chợ bán không nhiều, thuộc diện khá hiếm, do đó hôm nào có ý định mua chị đều phải đi chợ sớm, hoặc dặn trước người bán hoa quả phần lại cho chị mấy quả. Có những hôm quên không dặn, chị lùng mua cả chợ cũng không còn.
Tương tự, chị Đào Thị Kim Thoa ở Giang Văn Minh (Ba Đình, Hà Nội) cũng cho hay, vào mùa thị, trung bình mỗi tuần chị mua hết khoảng 500.000 đồng.
“Tôi hay đặt các set thị bỏ trong mấy chiếc giỏ xinh xinh về để ở phòng khách một giỏ, phòng ngủ một giỏ cho hương thị tỏa khắp phòng. Ngày Rằm hay mùng 1, tôi đặt thêm một set thị nữa về để thắp hương tổ tiên”, chị nói.
Sét thị chị mua loại rẻ cũng 100.000 đồng/set, đắt nhất lên tới 200.000 đồng. Thành ra, vì sở thích hoài niệm về tuổi thơ cầm quả thị chơi và cũng vì mê mùi hương thơm của nó, chị tốn khá tiền cho thức quà quê này.
Bà Lê Thị Hòa, một tiểu thương bán hoa quả tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), cho biết, rất nhiều người ở Hà Nội thích mua thị về để ngửi vì chúng rất thơm, tuy nhiên, loại quả này giờ không còn nhiều.
Theo bà Hòa, mỗi ngày bà gom mua được khoảng một yến thị về bán lẻ, nhưng chỉ bán trong vòng 2 tiếng đồng hồ là hết. Những người đi chợ muộn một chút, ra hỏi mua thị bà đều phải lắc đầu từ chối vì đã hết sạch hàng.
Theo Châu Giang (Vietnamnet)
Xua tan cái nóng ngày hè: "Trốn" lên Bảy Núi ăn trái dại mà "đã đời"
Sinh trưởng và phát triển hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên nên trái trâm, trái trường, trái hồng quân hay trái thị... được xem là món quà của thiên nhiên ban tặng cho người dân vùng đất Bảy Núi (An Giang).
Hồng quân được trồng tự nhiên ở vùng Bảy Núi luôn hút khách mua và thưởng thức những ngày hè nắng nóng.
Dọc theo tuyến đường từ UBND huyện Tri Tôn đến xã Cô Tô có hàng trăm gốc trâm rừng cổ thụ mọc tự nhiên theo triền núi, bờ ruộng, không tốn công chăm sóc nhưng vẫn xanh tươi. Cây trâm khoảng 7 năm tuổi mới bắt đầu thu hoạch, tuổi thọ kéo dài đến trên 50 năm. Hàng năm, trâm cho trái từ cuối tháng 3 đến hết tháng 6, trái trâm nhỏ hơi dài, khi mới có trái có màu xanh, già màu đỏ tươi và lúc chín chuyển sang màu tím đen. Trâm chín đen bóng, no tròn, mọng nước, ăn vào có vị chua chua, ngọt ngọt và hơi chát, trái càng đen càng ngọt. Đây là loại đặc sản núi rừng luôn hấp dẫn du khách.
Đặc sản trái thốt nốt được du khách chọn mua
Cũng như trái trâm, trái trường mọc tự nhiên giữa các tán rừng rải rác khắp núi Cô Tô, núi Dài... nhưng muốn tìm được những cây sai trái phải lặn lội vào sâu trong rừng. Loài cây này phải trên 30 năm mới cho trái. Trái trường chín màu đỏ rất đẹp, trái nhỏ bằng đầu ngón tay cái, có vị chua chua, ngọt ngọt, trái sống chua hơn, càng chín càng có vị ngọt nhiều hơn.
Món này chấm muối ớt là hết sẩy trong cái nóng oi bức của mùa hè vùng Bảy Núi. Anh Nguyễn Lý Duy, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Năm nào, tôi cũng đưa gia đình về An Giang để vía Bà Chúa Xứ núi Sam và chạy qua Tịnh Biên, Tri Tôn để mua thốt nốt và trái trâm rừng vừa ăn, vừa làm quà. Năm nay, thấy trên mạng xã hội giới thiệu ở Tri Tôn có trái trường nên tìm mua ăn thử cho biết...".
Trái trâm rừng ở Bảy Núi
Một loại trái cây mà khách du lịch không thể bỏ qua khi đến Bảy Núi, đó là trái hồng quân. Hồng quân mọc nhiều dưới các tán rừng ở núi Két, núi Cấm và núi Dài nhỏ. Hồng quân thường chín rộ vào khoảng giữa tháng 7 (âm lịch). Những trái hồng quân khi chín thì ửng đỏ và tròn đều.
Đặc điểm của trái hồng quân là trước khi ăn phải vò cho mềm, càng mềm ăn càng ngọt. Nếu trái chưa chín hẳn thì thịt có vị chát và hơi chua, không ngon bằng trái chín muồi. Trẻ con thường hái trái xanh hoặc chín hườm chấm muối ớt vừa chát chát, chua chua thật hấp dẫn... Ở Bảy Núi, không thể không kể đến trái chúc. Tiếng Khmer gọi là Kôt-sôt, một loài cây đặc hữu của các huyện miền núi.
Cùng họ với chanh nhưng trái chúc có vỏ xù xì, vị chua dùng để lấy nước, đặc biệt có mùi thơm giữ rất lâu. Cây sử dụng được cả trái lẫn lá, trái chúc to, tròn, thịt bên trong màu vàng xanh nhưng ít nước và có vị the và rất chua. Trái chúc chưa chín có màu xanh, lúc chín là màu vàng. Trái chúc được người dân vùng Bảy Núi dùng ăn kèm với món đặc sản là cháo bò. Mùi hương từ trái sẽ kích thích và tạo cảm giác thèm ăn. Khi kết hợp trái chúc ăn kèm với các món ăn đã nấu lâu sẽ không bị mất mùi thơm và nếu cho quá nhiều cũng không bị đắng như chanh.
Ở Bảy Núi, cây thị mọc tự nhiên rải rác nhiều nơi. Tháng 8, không khó để bắt gặp những cây thị cho trái chín vàng, căng mọng, hương thơm phảng phất...
Trái thị chín có mùi thơm nồng, nhưng dịu nhẹ, ai cũng thích đưa lên mũi ngửi, hít hà... Cách ăn trái thị cũng thú vị giống một vài loại trái cây trên núi như: bòn bon và hồng quân, phải vò trái đều cho phần thịt bên trong thật mềm, rồi mới bóc cuống, tách đôi trái thưởng thức.
Những đứa trẻ thường thích ăn trái thị theo kiểu vò trái xong, mút ở đầu cuống đến khi vỏ ngoài xẹp lại. Mùi thị thơm nồng hấp dẫn, vị ngọt thanh bên trong càng khiến người ăn phát ghiền. Nổi tiếng nhất là trái thốt nốt vùng Bảy Núi, trái thốt nốt được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn hoặc có thể ăn tươi, hễ 1 lần được thưởng thức chắc chắn sẽ không thể nào quên hương vị đặc trưng.
Dọc theo tuyến đường từ Tịnh Biên đi Châu Đốc, rất dễ bắt gặp những hàng quán bày bán trái thốt nốt, nước thốt nốt và các sản phẩm khác từ trái thốt nốt. Sau khi tách bỏ lớp vỏ cứng, múi thốt nốt được bao phủ bởi một lớp vỏ lụa mỏng, bỏ lớp vỏ lụa này sẽ có được múi thốt nốt màu trắng đục. Trái vừa ăn, cơm mềm, bên trong có một ít nước hơi ngọt, có vị béo và mùi thơm thoảng, rất ngon.
Theo Trọng Tín (Báo An Giang)
An Giang: Dân Bảy Núi trồng thị xen cây ăn trái, thu 200.000 đ/ngày Tháng 8 về Bảy Núi (An Giang) không khó để bắt gặp những cây thị cho trái chín vàng, căng mọng, hương thơm phảng phất... Ở Bảy Núi, cây thị mọc tự nhiên rải rác nhiều nơi. Những năm gần đây, cây thị đã trở thành "cây kinh tế", được người dân xứ núi trồng xen với các loại cây ăn trái khác....